Xét tuyển ĐH, CĐ: Căng thẳng từ ngày đầu
Hôm qua 1.8, ngay trong buổi sáng, thí sinh và phụ huynh ùn ùn đến nộp hồ sơ xét tuyển ở nhiều trường ĐH, CĐ.
Xét tuyển ĐH, CĐ: Căng thẳng từ ngày đầu
Hôm qua 1.8, ngay trong buổi sáng, thí sinh và phụ huynh ùn ùn đến nộp hồ sơ xét tuyển ở nhiều trường ĐH, CĐ.
2 giờ phát 1.400 số
Chưa tới giờ làm việc chính thức nhưng sân trường Trường ĐH Sài Gòn đã đông đúc thí sinh (TS) đến chờ nộp hồ sơ. Đoán biết lượng người tham gia xét tuyển sẽ đông, trường đã thuê dù làm mái che toàn bộ sân trường. Trường cũng bố trí hẳn một máy bấm số thứ tự tự động và rất nhiều người hướng dẫn TS.
Dù còn rất nhiều người chờ lấy số thứ tự nhưng 9 giờ 30 trường thông báo ngừng vì có tới 1.400 người có số mà chỉ mới 600 người làm xong thủ tục. Tương tự, không khí tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng căng thẳng không kém. Dù đã phân ra 4 quầy khác nhau nhưng đến gần trưa, số hồ sơ xử lý của mỗi quầy đã từ 200 – 300. Qua 11 giờ trưa nhưng khu vực chờ nộp hồ sơ của trường vẫn còn 4 hàng dài tít tắp TS đứng chờ.
Ngay từ sáng sớm, tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, rất đông TS và phụ huynh đã cùng đổ vào hội trường chính để chờ đợi nộp hồ sơ. PGS-TS Phan Thị Bích Nguyệt, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, thông tin: “Trong ngày đầu, trường bố trí 100 cán bộ nhân viên tiếp nhận hồ sơ. Trường cũng in sẵn 3.000 phiếu xét tuyển để phát cho TS. Đồng thời, chúng tôi cũng chuẩn bị sẵn phong bì, TS không cần phải mua tem dán mà trường sẽ lo toàn bộ chi phí chuyển phát nhanh”. Tính tới đầu giờ chiều cùng ngày, trường đã xử lý được gần 500 hồ sơ để đưa lên dữ liệu chung của Bộ.
Chờ… ngày đẹp
Ngược lại ở Hà Nội, do trời mưa và muốn chờ ngày đẹp, nhiều TS không đến làm hồ sơ xét tuyển trong ngày hôm qua. Một phụ huynh cho biết, mình không có ý định đưa con đi nộp hồ sơ ngay trong ngày hôm qua do muốn tránh… ngày xấu. Chị Ph.H.Th, ngõ 210 Lê Trọng Tấn thì muốn đợi mươi ngày nữa cho thật “ổn định” rồi mới nộp hồ sơ. “Con tôi được 25,75 điểm khối A, tưởng là cao nhưng nếu muốn vào ngành tốt Trường ĐH Ngoại thương lại thành ra bấp bênh. Vì thế tôi muốn đợi cho các cháu nộp hồ sơ hết để vị trí từng mức điểm của từng trường được xác định thì mới quyết định”, chị Th. giải thích.
Một số phụ huynh lại muốn đợi thêm ít ngày nữa vì đang bỡ ngỡ trước hình thức xét tuyển của năm nay.
Nhiều trường ĐH ở Hà Nội cho biết dù đã chuẩn bị phương án sẵn sàng tối đa lực lượng để phục vụ TS nhưng rốt cục không sử dụng hết “công suất”. Theo ông Phạm Văn Liên, Phó giám đốc Học viện Tài chính, học viện nhận được khoảng hơn 100 hồ sơ. “Người đến hỏi han, xin tư vấn thì nhiều. Chắc họ còn phải cân nhắc nhiều nữa”, ông Liên nói. Ông Nguyễn Quang Dong, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho biết buổi sáng lượng TS đến khá đông, khoảng 200 người, nhưng buổi chiều vì trời mưa nên vắng. Tuy nhiên, lượng người truy cập website của trường thì khá đông, khoảng hơn nghìn lượt, trong đó nhiều trường hợp đã điền thông tin để đăng ký trực tuyến.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có khoảng 500 TS làm hồ sơ xét tuyển trong buổi sáng. “Do chúng tôi đã thông báo dự kiến điểm chuẩn cho từng nhóm ngành nên những em đã nộp hồ sơ đều có mức điểm khá cao, phổ biến từ 22 đến 27 điểm”, ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nói.
Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội nhận nhiều hồ sơ nhất với 800 bộ.
“Các bàn tuyển sinh vừa bắt đầu làm việc từ 7 giờ 30 sáng thì đã thấy các em đứng xếp hàng chờ sẵn. Chúng tôi cũng xác định sẽ đón một lượng TS rất đông đảo và những ngày tới quang cảnh rút ra nộp vào hồ sơ sẽ rất tấp nập”, ông Kiều Xuân Thực, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội chia sẻ.
Chỉ nhận hồ sơ “thô”
Theo quy trình, việc xét tuyển năm nay thực hiện trên phần mềm quản lý thi để thống nhất dữ liệu xét tuyển toàn quốc. Theo đó, TS sẽ sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi bản gốc (có đóng dấu đỏ và có mã vạch) quét vào phần mềm để nhận dạng. Mỗi TS chỉ được sử dụng một giấy chứng nhận kết quả thi để xét tuyển ở nguyện vọng 1 và dù ở bất kỳ trường nào, phần mềm vẫn có thể nhận dạng để từ chối nếu có TS sử dụng phiếu thứ 2.
Tuy nhiên, đến giờ, nhiều trường vẫn thu nhận hồ sơ “thô” từ TS. Tiến sĩ Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn cho biết, do quá đông TS cùng nộp hồ sơ nên trường tách riêng việc nhận hồ sơ và nhập dữ liệu vào phần mềm. Do không quét dữ liệu TS lên phần mềm nên trường chỉ nhận hồ sơ và TS phải chịu trách nhiệm về điểm số khi nộp hồ sơ cho phù hợp với quy định chung và ngưỡng đầu vào của trường. Điều này có nghĩa, việc nhận dạng mã vạch lúc này chỉ mới bằng… mắt thường.
Tương tự, đại diện Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng cho biết trước mắt chỉ thu nhận hồ sơ, việc nhập dữ liệu vào phần mềm sẽ tiến hành theo sau.
Thí sinh đến nộp hồ sơ, không ai làm việc
Tình huống này xảy ra tại Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM. Trong buổi sáng, một số TS đến trường nộp hồ sơ nhưng được bảo vệ hướng dẫn là thứ hai quay lại, do cuối tuần các phòng ban của trường đều nghỉ mặc dù hôm qua là ngày đầu tiên nhận hồ sơ xét tuyển theo quy định của Bộ. Một bảo vệ trực tại trường cho hay: “Từ sáng đến giờ cũng có khoảng vài chục người đến hỏi về việc nộp hồ sơ, nhưng hôm nay thứ bảy đâu có ai làm việc, thời gian còn dài mà”. Liên lạc qua điện thoại, một đại diện của trường cho biết: “Đúng là hôm nay cuối tuần nên trường nghỉ làm. Chúng tôi phán đoán là sẽ có ít TS đến nộp trong ngày đầu nên tính thứ hai sẽ bắt đầu nhận. Tuy nhiên, ngay bây giờ chúng tôi sẽ cử cán bộ đến trường tiếp nhận hồ sơ”.
|
Nhiều hồ sơ xét tuyển học bạ trường ngoài công lập
Hôm qua, có rất nhiều TS đến đăng ký xét tuyển theo hình thức học bạ ở các trường ĐH ngoài công lập. Tại Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, có khoảng 200 TS trong đó đa số xét tuyển bằng hình thức xét học bạ. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng có nhiều TS nộp hồ sơ xét tuyển bằng học bạ trong tổng số khoảng 300 hồ sơ. Hạn nộp hồ sơ xét tuyển học bạ đợt 1 tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM kéo dài đến ngày 5.8, vì vậy, trong tổng số hơn 300 hồ sơ xét tuyển trong ngày 1.8 tại trường có gần 100 xét tuyển theo hình thức học bạ.
Trước ngày xét tuyển, lãnh đạo nhiều trường CĐ như “ngồi trên lửa” vì rất hoang mang, lo lắng về việc sẽ không có TS đến nộp hồ sơ nguyện vọng 1. Thế nhưng, trong ngày đầu tiên, kết quả khá bất ngờ ở một số trường.
Ông Trần Tấn Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, cho biết: “Tính đến chiều, đã có khoảng hơn 470 TS nộp hồ sơ. Trường nhận điểm xét bằng điểm “sàn” của Bộ, nhưng trong đó, có cả những em đạt 18, 19 điểm”.
Tại Trường CĐ Tài chính hải quan, tiến sĩ Lê Trung Đạo, Phó hiệu trưởng, cũng thông tin: “Đến đầu giờ chiều, trường nhận được hơn 100 hồ sơ. Đa số TS đạt 14, 15 điểm”. Trường CĐ Công thương TP.HCM cũng nhận được số lượng hồ sơ khá khả quan, hơn 200 bộ.
Trong khi đó, tại một số trường CĐ ngoài công lập, số lượng hồ sơ nhận được chỉ khoảng vài chục.
|
H.Ánh – Q.Hiên – M.Quyên – Đ.Nguyên