10/01/2025

Điểm mặt những lò heo độc

Ngày 1.8, ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai, cho biết vừa phát hiện thêm 14 trang trại chăn nuôi heo trên địa bàn sử dụng chất cấm (thuộc nhóm beta-agonist) trong chăn nuôi.

 

Điểm mặt những lò heo độc

 

Ngày 1.8, ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai, cho biết vừa phát hiện thêm 14 trang trại chăn nuôi heo trên địa bàn sử dụng chất cấm (thuộc nhóm beta-agonist) trong chăn nuôi.


Những hộ chăn nuôi sử dụng chất cấm gây ảnh hưởng rất lớn đến không chỉ các hộ nuôi nghiêm túc (ảnh) mà còn cả ngành chăn nuôi của cả tỉnh Đồng Nai - Ảnh: Lê LâmNhững hộ chăn nuôi sử dụng chất cấm gây ảnh hưởng rất lớn đến không chỉ các hộ nuôi nghiêm túc (ảnh) mà còn cả ngành chăn nuôi của cả tỉnh Đồng Nai – Ảnh: Lê Lâm
Cụ thể, H.Vĩnh Cửu có 5 trang trại dùng chất cấm là Trần Thanh Nghị, Bùi Thị Sáu, Nguyễn Thành An, Nguyễn Khoa Hồ, Trịnh Minh Tâm (đều ngụ T.T Vĩnh Cửu); H.Trảng Bom có 5 trang trại: Phạm Trà, Phan Thanh Canh (xã Tây Hoà), Trần Thanh Phong, Phạm Mai Trang, Nguyễn Hữu Trung (xã Đông Hoà); H.Xuân Lộc có 3 trang trại dùng chất cấm: Phạm Đình Trúc, Huỳnh Thanh Sơn (xã Suối Cao), Nguyễn Đức Minh (xã Xuân Định); H.Long Thành có trang trại Trần Thanh Liêm (xã Bàu Cạn).
“Làm đẹp” heo để bán giá cao
Theo Chi cục Thú y Đồng Nai, trong 2 năm trở lại đây, chi cục đã thực hiện tổng cộng 4 đợt kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi. Điều đáng lưu ý là đợt kiểm tra nào cũng phát hiện các hộ chăn nuôi có sử dụng chất cấm. Ngoài 14/48 mẫu dương tính với chất cấm salbutamol (thuộc nhóm beta-agonist) vừa được công bố; trong đợt 1 năm 2015, Chi cục Thú y Đồng Nai cũng đã phát hiện 3/40 mẫu dương tính tại huyện Vĩnh Cửu và Trảng Bom. Còn trong năm 2014, qua kiểm tra 2 đợt với tổng số 52 mẫu, thì cũng có 6 mẫu phát hiện có chất cấm gồm Trảng Bom, Xuân Lộc và Vĩnh Cửu.
Theo ông Quang, các mẫu xét nghiệm được lấy ngẫu nhiên từ các đàn heo của các trang trại lớn với quy mô hàng trăm con trở lên. “Và khả năng là do các hộ này trong lúc cho heo ăn đã trộn chất cấm vào, vì trong quá trình kiểm tra các loại thức ăn hỗn hợp cho heo trên địa bàn chúng tôi không phát hiện chất cấm trong đó. Theo tôi được biết thì chất cấm được chính các thương lái đưa cho người chăn nuôi để heo khi sắp xuất chuồng ăn vào sẽ đẹp lên, thương lái mua với giá cao hơn”, ông Quang nói.
“Xử phạt không nhằm nhò gì…”
Để ngăn chặn tình trạng một số trang trại sử dụng chất cấm làm mất uy tín của ngành chăn nuôi heo được đánh giá là lớn nhất nước (khoảng 1,3 triệu con), Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh cũng đã chỉ đạo lực lượng thú y xử lý nghiêm đối với các hộ vi phạm; đồng thời công bố luôn danh tính hộ vi phạm. “Đối với những trường hợp vi phạm sử dụng chất cấm, Chi cục Thú y chỉ xử phạt tối đa số tiền 15 triệu đồng/trang trại, đồng thời tạm giữ đàn heo giao cho địa phương quản lý. Sau 10 ngày tiếp tục lấy mẫu đưa đi xét nghiệm tiếp, nếu không còn chất cấm thì cho đưa ra thị trường tiêu thụ”, ông Trần Văn Quang nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho rằng những biện pháp trên của chính quyền đưa ra chưa đủ mạnh và chưa đủ sức răn đe các hộ sử dụng chất cấm. “Việc những hộ chăn nuôi lén lút sử dụng chất cấm gây ảnh hưởng rất lớn đến ngành chăn nuôi của cả tỉnh Đồng Nai, nhưng những biện pháp như phạt 15 triệu đồng và cấm xuất chuồng trong vòng 10 ngày, rồi nêu tên cũng không nhằm nhò gì. Theo tôi, ít nhất cũng phải cấm xuất chuồng 1 tháng đối với những hộ dân này thì họ mới sợ, đồng thời xem xét rút luôn giấy phép chăn nuôi. Có như vậy mới mong tình trạng sử dụng chất cấm không còn”, ông Trí bày tỏ.
Gây biến chứng, ung thư…
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), chất cấm trong chăn nuôi chủ yếu là salbutamol, clenbuterol và ractopamine thuộc nhóm beta-agonist. Salbutamol có tác dụng thúc cho heo lớn nhanh hơn, mông, vai nở hơn, tỷ lệ nạc cao hơn, màu sắc thịt đỏ hơn… Khi người ăn phải thịt gia súc nuôi bằng những hoá chất trên sẽ bị ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, gây nhức đầu, tay chân run, buồn nôn, nhịp tim nhanh, làm tăng hoặc hạ huyết áp, gây rối loạn tiêu hoá, gây biến chứng, ung thư… Chất tạo nạc thuộc nhóm beta-agonist không được sử dụng trong chăn nuôi vì gây nguy hại cho người tiêu dùng.

 

Lê Lâm