Bè phái trong quân đội Trung Quốc
Vụ điều tra cựu Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Quách Bá Hùng phản ánh quyết tâm dẹp nạn bè phái trong quân đội của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Bè phái trong quân đội Trung Quốc
Vụ điều tra cựu Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Quách Bá Hùng phản ánh quyết tâm dẹp nạn bè phái trong quân đội của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Sau nhiều tháng đồn đoán, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 30.7 đã ra quyết định khai trừ đảng đối với cựu Phó chủ tịch Quân uỷ Trung ương (CMC) Quách Bá Hùng (73 tuổi) vì tội nhận hối lộ và chuyển hồ sơ cho các cơ quan kiểm sát quân sự.
Cùng với một cựu Phó chủ tịch CMC khác là ông Từ Tài Hậu, người cũng bị điều tra tham nhũng trước khi qua đời vì ung thư vào tháng 3, ông Quách Bá Hùng trên thực tế đã kiểm soát quân đội Trung Quốc trong một thập niên trước khi về hưu cuối năm 2012. Cả hai đều bị cáo buộc nhận hối lộ để thăng chức cho nhiều sĩ quan trong thời gian tại chức.
“Sói Tây Bắc”
Theo tờ South China Morning Post (SCMP), ông Quách gia nhập quân đội vào năm 1961, phục vụ tại Sư đoàn số 55 thuộc Tập đoàn quân số 19 ở Quân khu Lan Châu. Đầu thập niên 1990, ông Quách được thăng chức tư lệnh Tập đoàn quân số 47 thuộc Quân khu Lan Châu trước khi được điều về thủ đô giữ chức Phó tư lệnh Quân khu Bắc Kinh năm 1993. Chính xuất thân từ Lan Châu này đã mang lại cho ông biệt danh “Sói Tây Bắc” trong quân đội Trung Quốc.
SCMP dẫn nhiều nguồn tin là các đại tá về hưu giấu tên, binh nghiệp của ông Quách lên như diều gặp gió kể từ khi về thủ đô nhờ lọt vào mắt xanh của cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân. Ông chính là viên tướng đầu tiên công khai tuyên bố trung thành với ông Giang trong những năm đầu nắm cương vị chủ tịch của nhà lãnh đạo này. Nhờ vậy, ông được điều trở lại Quân khu Lan Châu với vị trí tư lệnh vào năm 1997. Vào lúc đó, người tiền nhiệm Lưu Tinh Tùng buộc phải về hưu trước hạn để nhường chỗ, theo lệnh của ông Giang.
Hai năm sau, ông Quách được thăng chức Phó tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và được bầu vào CMC cùng với ông Từ Tài Hậu, khi đó là Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị của PLA, người được mệnh danh là “Hổ Đông Bắc”. Việc hai thượng tướng này trở thành uỷ viên CMC được đánh giá là khó có thể xảy ra nếu không có sự cất nhắc của ông Giang, bởi vị trí đó thường chỉ dành cho người đứng đầu bốn tổng cục của PLA hoặc tư lệnh các quân chủng. Trước thời điểm 1999, chỉ có một trường hợp cấp phó được vào CMC là Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Vương Thuỵ Lâm, thư ký lâu năm của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình.
Trong những năm sau đó, ông Quách và ông Từ được bổ nhiệm vào các vị trí ngày càng quan trọng hơn trong quân đội. Tại Đại hội lần thứ 16 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 11.2002, ông Từ giữ chức chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và Bí thư Trung ương đảng, trong khi ông Quách vào Bộ Chính trị và nắm giữ Phó chủ tịch thứ hai của CMC, sau ông Hồ Cẩm Đào. Hai năm sau, vào tháng 11.2004, khi ông Hồ Cẩm Đào tiếp nhận chức Chủ tịch CMC từ ông Giang Trạch Dân, ông Quách trở thành Phó chủ tịch thứ nhất, còn ông Từ trở thành Phó chủ tịch thứ ba, sau ông Tào Cương Xuyên.
Biển thủ ngân sách
Với cương vị Phó chủ tịch CMC, ông Quách quản lý việc chi tiêu ngân sách quốc phòng ngày càng gia tăng của Trung Quốc cũng như toàn quyền phân phát các gói thầu béo bở của quân đội.
Quyết định điều tra ông Quách thậm chí gây tiếng vang hơn cả vụ điều tra ông Từ, theo một đại tá về hưu ở Thượng Hải đượcSCMP dẫn lời. Mặc dù cùng giữ chức Phó chủ tịch CMC, nhưng ông Quách nắm chức này sớm hơn ông Từ 2 năm, nên nghiễm nhiên được xếp trên ông Từ. Hơn nữa, trong 51 năm binh nghiệp, ông Quách chủ yếu phục vụ ở các đơn vị tác chiến nên có thực quyền hơn ông Từ vốn xuất thân từ tuyên huấn, từng giữ chức Tổng biên tập PLA Daily. Nếu như ông Từ chủ yếu “bán lon” thì ông Quách còn bị nghi ngờ biển thủ ngân sách quốc phòng. “Ông Quách phụ trách quân huấn và vũ khí trong suốt 10 năm nắm chức Phó chủ tịch CMC, nên có cơ hội biển thủ ngân sách huấn luyện và nhận “lại quả” trong các hợp đồng mua vũ khí”, một đại tá về hưu nói với tờ SCMP.
Viên đại tá này cho biết ông Quách là nhân vật trung tâm trong cái gọi là “phái Tây Bắc” vốn độc lập nhưng có quan hệ mật thiết với “phái Đông Bắc” của ông Từ. Trong thời gian gần đây, Chủ tịch Tập Cận Bình và truyền thông nhà nước Trung Quốc nhiều lần nhấn mạnh rằng nạn bè phái là mối đe dọa nghiêm trọng với Đảng Cộng sản Trung Quốc và sẽ không được dung thứ. “Ông Từ và ông Quách đều lập phái riêng, nhưng ông Từ bị hạ trước tiên vì đã cố tình cài người của mình vào các vị trí trong CMC trước khi ông Tập chính thức kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào vào cuối năm 2012. Điều này nhất định khiến ông Tập rất giận dữ”, nguồn tin của SCMP nói.
Theo cáo buộc của nhiều cựu sĩ quan, ngoài việc bòn rút ngân sách quốc phòng, các bè phái trong PLA còn biến quân đội thành một hệ thống trong đó các sĩ quan được thăng chức không phải nhờ năng lực hoặc thành tích mà dựa vào các lợi ích tài chính, họ có thể mang lại hoặc dựa vào gốc gác. Điều này dẫn tới việc nhiều kẻ bất tài lọt vào hàng ngũ chỉ huy cấp cao.
Quá trình diệt trừ nạn bè phái trong PLA được khởi động vào năm ngoái, khi tờ PLA Daily bắt đầu đăng những bài viết nguyên trang của các thành viên CMC và tư lệnh các quân khu, trong đó cam kết trung thành với sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình. Theo một đại tá ở Thượng Hải, ông Tập đã cho các bè phái cơ hội phục thiện và lựa chọn đặt lòng trung thành ở đâu.
Vào tháng 11 năm ngoái, nhiều thành viên trong “phái Tây Bắc” bắt đầu rơi rụng. Ngày 13.11.2014, Phó chính uỷ Hải quân, Phó đô đốc Mã Phát Tường tự sát. Đến tháng 1, cựu thư ký của ông Quách, thiếu tướng Lai Sách Nghĩa bị điều tra. Cùng thời điểm này, một người thân tín khác của ông Quách là trung tướng Phạm Trường Bí, Phó chính uỷ Quân khu Lan Châu, cũng bị bắt giữ, theo PLA Daily. Và số phận của ông Quách xem như được an bài sau khi PLA thông báo điều tra con trai ông là thiếu tướng Quách Chính Cương vào tháng 3.
Quyết định điều tra ông Quách phản ánh quyết tâm dẹp bỏ nạn bè phái của ông Tập Cận Bình, song cũng thể hiện mức độ tham nhũng lan tràn trong quân đội Trung Quốc, như nhận xét của nhà quan sát Bạc Trí Dược trên tờ The Diplomat: “Nếu hai lãnh đạo quân đội quyền lực nhất trong 16 năm qua đều tham nhũng, thì liệu có ai trong quân đội Trung Quốc là không?”.
Trung Quốc có thêm 10 thượng tướng
Theo SCMP, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã quyết định thăng hàm thượng tướng cho 10 sĩ quan vào ngày 31.7, một ngày trước dịp kỷ niệm 88 năm thành lập PLA vào hôm qua 1.8. Trong tổ chức quân đội Trung Quốc hiện nay, thượng tướng là cấp hàm cao nhất. Ngoại trừ tướng Trương Sĩ Ba (63 tuổi), Hiệu trưởng Đại học Quốc phòng, 9 thượng tướng còn lại đều có tuổi đời nhỏ hơn ông Tập (62 tuổi). Do vậy, những viên tướng này còn nhiều cơ hội được đề bạt trong tương lai. Những ngôi sao đang lên được giới quan sát chú ý trong nhóm thượng tướng mới gồm có Chính uỷ Hải quân Miêu Hoa, Tư lệnh Quân khu Tế Nam Triệu Tông Kỳ và Tư lệnh Quân khu Bắc Kinh Tống Phổ Tuyển.
|
Quách Bá Hùng từng chạy trốn ?
Theo tờ Want China Times, khi hay tin ông Từ Tài Hậu bị điều tra vào tháng 7 năm ngoái, ông Quách Bá Hùng đã nhờ Phó chủ nhiệm Cục Chính trị của Quân khu Bắc Kinh Trần Hồng Nham, Cục trưởng Cục Hậu cần của Không quân Vương Thanh và Phó chủ nhiệm Cơ quan kiểm soát không phận quốc gia Lưu Tử Vinh giúp đỡ chạy trốn.
Ngày 15.7.2014, ông Quách cải trang thành phụ nữ và lên chuyến bay từ Bắc Kinh đến Thượng Hải để từ đây bay ra nước ngoài. Tuy nhiên, một quan chức kiểm soát không lưu đã phát hiện kế hoạch của ông Quách và báo cáo với ông Tập Cận Bình, người ra lệnh cho Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Vương Kỳ Sơn đóng cửa 12 sân bay ở đông bắc Trung Quốc, khiến hàng trăm chuyến bay bị ảnh hưởng. Công an đã lên máy bay và bắt giữ ông Quách kể từ lúc đó. Lưu Tử Vinh, một trong ba người giúp đỡ ông Quách, đã nhảy lầu tự sát vào tháng 2 năm nay, trong khi hai người còn lại đang bị điều tra.
|
Sơn Duân