10/01/2025

​Bị cướp vẫn dũng cảm cứu bạn tàu trên biển

Đang trên đường trở về sau một phiên đi biển trúng lớn nhưng khi nghe tin tàu cá QNg 95987 chết máy trôi dạt cần cứu giúp, tàu QNg 90127 đã tức tốc quay trở lại cứu bạn.

 

​Bị cướp vẫn dũng cảm cứu bạn tàu trên biển

 

Đang trên đường trở về sau một phiên đi biển trúng lớn nhưng khi nghe tin tàu cá QNg 95987 chết máy trôi dạt cần cứu giúp, tàu QNg 90127 đã tức tốc quay trở lại cứu bạn. 


Ngư dân báo cáo với lực lượng biên phòng việc bị tàu Trung Quốc cướp phá - Ảnh: TRẦN MAI
Ngư dân báo cáo với lực lượng biên phòng việc bị tàu Trung Quốc cướp phá – Ảnh: TRẦN MAI

Không ngờ chuyến trở lại đã bị tàu Trung Quốc cướp toàn bộ hải sản, ngư cụ… Tuy vậy, tàu QNg 90127 vẫn tiếp tục hải trình, bình tĩnh lai dắt tàu gặp nạn về đất liền.

Bị cướp trong ngày trở về

Sáng 1-8, tàu cá QNg 90349 và QNg 90127 lai dắt tàu QNg 95987 về đến trạm kiểm soát biên phòng Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi) để trình báo sự việc bị chết máy tại quần đảo Hoàng Sa, đồng thời báo cáo sự việc tàu QNg 90127 do ông Tiêu Viết Bản (42 tuổi) làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng bị tàu Trung Quốc tấn công cướp phá tài sản ở khu vực biển thuộc đảo Bạch Quy (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam). 

“Sáng 30-7, sau 30 ngày đánh bắt, anh em ai nấy đều phấn khởi vì phiên biển trúng đậm, đang trên đường trở về. Từ đảo Bạch Quy chúng tôi đi được khoảng 30 hải lý thì nghe anh Võ Văn Chánh nhờ giúp đỡ. Anh em lập tức quay tàu trở lại cứu giúp, dù vẫn biết ban ngày vào gần đảo có thể bị Trung Quốc cướp bất cứ lúc nào. Nhưng không lẽ mình bỏ bạn?” – ông Bản nói.

Đến 11g30 cùng ngày, khi đang đi về phía tọa độ đã được thông báo trước để cứu tàu QNg 95987  thì gặp tàu Trung Quốc mang số hiệu 02 truy đuổi.

Máy trưởng Trương Quang Thiên vẫn tiếp tục cho tàu chạy về hướng đảo Bạch Quy, đồng thời ra hiệu “đang trên đường cứu tàu gặp nạn 0148”.

“Lúc thấy tàu Trung Quốc từ xa tôi có thể bẻ lái chạy về hướng đất liền. Nhưng tình thế cấp bách phải cứu tàu gặp nạn nên không làm thế được” – anh Thiên cho biết.

Phía Trung Quốc lập tức thả hai canô xuống áp sát, lên tàu hò hét, dùng dùi cui đánh vào lưng anh Thiên, đập bể kính cabin sau đó ép các ngư dân về phía mũi tàu, chúng cướp đi gần 2 tấn hải sản và nhiều ngư cụ, thiệt hại ước hơn 400 triệu đồng.  

Cửa kính cabin tàu bị đập vỡ - Ảnh: TRẦN MAI
Cửa kính cabin tàu bị đập vỡ – Ảnh: TRẦN MAI

Vẫn tiếp tục quay lại cứu bạn

Sau khi cướp phá, những người trên tàu Trung Quốc vẫn kèm cặp gần hai giờ không cho tàu cá của ngư dân đi cứu bạn và buộc phải trở về đất liền. Nhưng khi tàu Trung Quốc rút đi, thuyền trưởng Bản lập tức cho tàu tiếp tục hành trình cứu bạn. Đến khoảng 16g thì gặp tàu cá QNg 95987. 

Ngồi trên sàn tàu, gần 40 ngư dân mệt mỏi vì có một hành trình gian nan vượt sóng lớn trở về đất liền. Ba chiếc tàu mang thương tích khác nhau.

Trong đó nặng nề nhất là tàu QNg 95987 bị hỏng máy không khởi động được. Tàu QNg 90127 ngổn ngang trên sàn tàu là những đoạn dây hơi bị phía Trung Quốc chặt khúc, kính cabin vỡ làm nhiều mảnh. Bên trong vị trí đặt máy dò, máy định vị chỉ còn trơ khung. 

Ông Phùng Đình Toàn, phó chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản kiêm phó chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ngãi, cho biết việc ba tàu cá gặp nạn phải lai dắt nhau từ Hoàng Sa trở về Hội Nghề cá tỉnh đã có báo cáo gửi Cục Kiểm ngư. 

* Cũng trong sáng 1-8, bà Phạm Thị Hương – phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn – cho biết tàu cá QNg 96507 do ngư dân Nguyễn Lợi (xã An Hải) làm thuyền trưởng khi đang đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa thì bị ba tàu Trung Quốc mang số hiệu 46102, 45101, 37102 rượt đuổi, áp sát nhảy lên tàu tấn công ngư dân, cướp đi ngư cụ.

“Hiện tàu này đang mượn lưới cụ của tàu cá trong nghiệp đoàn tiếp tục đánh bắt vì mới ra Hoàng Sa được mấy ngày” – bà Hương cho biết thêm.

Trung Quốc xua 23.000 tàu cá xuống Biển Đông

Hãng tin Tân Hoa xã dẫn lời ông Lưu Khôn, phó chủ tịch tỉnh Quảng Đông, cho biết sau khi lệnh cấm đánh bắt cá chấm dứt vào trưa 1-8, sẽ có 9.000 tàu cá cùng hơn 35.611 ngư dân của tỉnh Hải Nam đến đánh bắt cá ở Biển Đông.

Ngoài ra, tỉnh Quảng Đông cũng sẽ xua thêm 14.000 tàu cá cỡ nhỏ của tỉnh này đến đánh bắt cá ở vùng biển này. 

Ngày 16-5, Trung Quốc bắt đầu đơn phương cấm đánh bắt cá tại Biển Đông. Phạm vi khu vực lệnh cấm này có hiệu lực kéo dài từ 12 độ vĩ bắc đến khu vực biển tiếp giáp giữa tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Quảng Đông, bao trùm cả quần đảo Hoàng Sa, bãi cạn  Scarborough/Hoàng Nham và một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. 

Đây là lần thứ 17 liên tiếp Trung Quốc đơn phương áp đặt cái gọi là lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối lệnh cấm đánh bắt cá trái phép mà Trung Quốc đơn phương áp đặt ở Biển Đông, cản trở ngư dân Việt Nam hoạt động tại các ngư trường truyền thống. 

MỸ LOAN

 

TRẦN MAI