Chạy đua thu hồi mỹ phẩm chứa paraben
Từ ngày 1-8, khoảng 2.100 loại mỹ phẩm nhập khẩu và 143 sản phẩm trong nước chứa năm loại paraben có nguy cơ với sức khoẻ phải được thu hồi theo quyết định của Cục Quản lý dược.
Chạy đua thu hồi mỹ phẩm chứa paraben
Từ ngày 1-8, khoảng 2.100 loại mỹ phẩm nhập khẩu và 143 sản phẩm trong nước chứa năm loại paraben có nguy cơ với sức khoẻ phải được thu hồi theo quyết định của Cục Quản lý dược.
Thông tin mỹ phẩm có chứa chất gây ung thư khiến không ít chị em lo lắng, thận trọng hơn trong việc chọn mỹ phẩm – Ảnh: T.THẮNG |
Theo Cục Quản lý dược, mỹ phẩm chứa năm loại paraben gồm isopropylparaben, isobutylparaben, phenylparaben, benzylparaben và pentylparaben nằm trong danh sách đình chỉ lưu hành lần này.
Khẩn trương thu hồi
Rất nhiều thương hiệu mỹ phẩm có sản phẩm nằm trong danh sách thu hồi rất quen thuộc với người tiêu dùng. Vì vậy, ngay khi có thông tin ngừng lưu hành các sản phẩm có chứa chất paraben nghi gây ung thư từ ngày 1-8-2015, người tiêu dùng đã xôn xao, lo lắng.
Trên nhiều trang mạng xã hội, thông tin thu hồi hơn 2.000 sản phẩm mỹ phẩm có chứa chất nghi gây ung thư thật sự gây quan tâm cho người tiêu dùng, đặc biệt là phụ nữ.
Chị N.T.H., người tiêu dùng thường sử dụng mỹ phẩm, cho biết khi đọc danh sách này chị vô cùng lo lắng.
“Danh sách có những thương hiệu nổi tiếng như Kose, Laniege, Lancom, L’Oreal, Vichy… hay cả những thương hiệu quen thuộc trong nước như Thorakao, Victory, V-day, Topcare… với đủ thứ loại từ sữa rửa mặt, kem dưỡng da đến dầu gội, kem ngừa mụn, lăn khử mùi, kem cạo râu, những danh mục sản phẩm mà tôi nghĩ gia đình nào cũng sử dụng” – chị H. nói.
Chiều 31-7, nhân viên tại cửa hàng mỹ phẩm Laneige (Parkson Q.Tân Bình, TP.HCM) – một thương hiệu có ba sản phẩm nằm trong danh sách bị thu hồi – cho biết những sản phẩm bị thu hồi là hàng cũ, không còn bày bán.
Các siêu thị cũng cho biết từ nhiều tháng trước đã có văn bản gửi đến những nhà cung cấp mỹ phẩm về việc không cho phép lưu hành các sản phẩm có chứa chất dẫn paraben, nên đến nay không còn nhiều sản phẩm này trên kệ.
Đại diện hệ thống Saigon Co.op cho biết sau khi nhận công văn của Cục Quản lý dược từ tháng 5, đơn vị này đã ngay lập tức chuyển đến các nhà cung cấp, các nhãn hàng để cập nhật thông tin và có phương án, lộ trình thực hiện.
Từ ngày 1-8, phần lớn mặt hàng kem dưỡng da, mascara, sữa tắm, kem cạo râu, lăn khử mùi… đã điều chỉnh nồng độ, loại bỏ chất cấm theo quy định của Nhà nước sẽ tiếp tục được kinh doanh. Với những mặt hàng chưa kịp điều chỉnh hoặc không điều chỉnh sẽ đưa ra khỏi kệ.
Ông Hồ Quốc Nguyên, giám đốc đối ngoại hệ thống Big C, cũng cho biết ngay sau khi nhận được yêu cầu, hệ thống này đã gửi thông báo cho các nhà sản xuất để rà soát lại sản phẩm của họ, đồng thời kiểm tra lại trong danh mục hàng đang kinh doanh tại siêu thị, nếu phát hiện sản phẩm có chất không được phép sử dụng sẽ đưa ra khỏi quầy kệ, không tiếp tục kinh doanh.
Đại diện hệ thống Lotte Mart cho biết bộ phận quản lý chất lượng sản phẩm của siêu thị này đang tiến hành kiểm tra, rà soát lại toàn bộ sản phẩm đang trưng bày để đảm bảo thực hiện đúng các quy định của cơ quan nhà nước.
Tuy nhiên, quá trình rà soát và thu hồi vướng phải một số khó khăn như tên danh mục sản phẩm không trùng với tên công bố được duyệt, thời gian thu hồi rất gấp dẫn đến nguy cơ sai sót trong khâu rà soát.
Từ ngày 1-8, hàng loạt mỹ phẩm có chứa paraben phải bị thu hồi – Ảnh: THUẬN THẮNG |
Không còn nhiều trên thị trường?!
Ông Huỳnh Kỳ Trân, giám đốc Công ty mỹ phẩm Lan Hảo – Thorakao, cho biết công ty có 12 sản phẩm nằm trong diện bị thu hồi theo danh sách của Cục Quản lý dược, hiện việc thu hồi đang được công ty tích cực thực hiện.
Tuy nhiên, theo ông Trân, số lượng những sản phẩm này không còn nhiều trên thị trường vì gần tháng nay doanh nghiệp đã ngừng cung cấp hàng cho các đại lý với lý do hết bao bì.
Các công ty mỹ phẩm VN cũng được khuyến cáo không sử dụng chất dẫn paraben trong sản phẩm và tìm chất khác để thay thế thời gian gần đây. Nhưng vướng mắc lớn của các doanh nghiệp hiện nay là tồn đọng bao bì có ghi thành phần paraben trên đó.
“Nhiều doanh nghiệp vẫn cố gắng tận dụng bao bì cũ nhưng sau đợt này họ sẽ phải loại bỏ hết các mẫu này, chưa kể còn bao bì, thậm chí bản phim… nên chắc chắn sẽ chịu thiệt hại không nhỏ” – ông Trân cho biết.
Đại diện Công ty Hải Thanh VN cho biết công ty có 11 sản phẩm thuộc diện thu hồi, nhưng trên thực tế các sản phẩm này không có chất paraben mà được sản xuất theo công thức mới. Việc công bố thu hồi của cơ quan quản lý dựa trên hồ sơ công bố chất lượng mà công ty đăng ký đã lâu.
“Sắp tới chúng tôi sẽ đăng ký lại để tránh gây nhầm lẫn” – vị đại diện cho hay. Theo công ty này, tại các thành phố lớn, sản phẩm nằm trong danh mục cấm cơ bản không còn hàng tồn.
Nhưng thị trường nông thôn, các tỉnh… có thể vẫn còn, công ty đã gửi thông báo đến các đại lý sẵn sàng tiếp nhận sản phẩm trong trường hợp người tiêu dùng có nhu cầu đổi trả.
Dù việc thu hồi đã được báo trước nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn còn tâm lý “hi vọng bán hết hàng” chứ không muốn thu hồi với lý do là tác hại của chất dẫn này đang còn nhiều tranh cãi, chưa ai xác định được và cũng chưa thấy có hại cho người tiêu dùng.
Với thời điểm bắt buộc phải ngừng lưu hành từ ngày 1-8-2015, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình huống “nước đến chân mới nhảy” nên chắc chắn khó thu hồi hết hàng.
Các công ty phân phối mỹ phẩm ngoại cho biết hầu hết sản phẩm trong danh sách không còn trên thị trường hoặc còn rất ít do gần một năm nay hải quan đã ngừng cho nhập khẩu mỹ phẩm chứa paraben.
Đại diện một công ty nhập khẩu mỹ phẩm có văn phòng tại Q.1, TP.HCM cho biết có hai sản phẩm mà công ty phân phối nằm trong danh sách phải thu hồi vì có chứa chất paraben gồm chì kẻ mắt và son môi nhưng hàng đó đã cũ, không còn sản xuất và đã ra mẫu mới nên việc thu hồi không ảnh hưởng đến công ty.
Đại diện Công ty Diana Unicharm cho biết từ cuối năm 2013, công ty đã nghiên cứu lần lượt thay đổi thành phần công thức cho khăn ướt để loại bỏ paraben, chất bảo quản phổ biến nhất trong ngành công nghiệp mỹ phẩm trên thế giới.
Lượng hàng sản xuất và phân phối trước thời hạn chuyển đổi nói trên còn tồn trên thị trường không đáng kể.
Tuy vậy, để tránh nhầm lẫn của người tiêu dùng, Diana Unicharm sẵn sàng thu hồi các sản phẩm khăn ướt sản xuất trước thời hạn chuyển đổi trên, vẫn còn thời hạn sử dụng còn sót lại trên thị trường.
Nguy cơ gây ung thư?
Theo yêu cầu của Cục Quản lý dược, thời gian thu hồi các sản phẩm này kéo dài 15 ngày. Sau ngày 15-8, nếu bị phát hiện buôn bán mỹ phẩm chứa các loại paraben kể trên doanh nghiệp sẽ bị xử phạt rất nặng.
“Khi thu hồi lượng lớn mỹ phẩm này, doanh nghiệp sẽ gặp khó, nhất là những nhà nhập khẩu tiềm lực chưa lớn, nhưng đây cũng là bài học trong kinh doanh các sản phẩm liên quan tới sức khỏe” – một chuyên gia của Cục Quản lý dược nói.
Theo vị này, các paraben đã nằm trong danh mục cần hạn chế từ lâu, nhưng nhiều doanh nghiệp không theo dõi danh mục này.
Trả lời báo chí ngày 31-7 về lý do phải thu hồi các sản phẩm chứa paraben, phó cục trưởng Cục Quản lý dược Nguyễn Tất Đạt cho biết đến nay cộng đồng châu Âu và ASEAN (bao gồm Việt Nam) chưa nhận được báo cáo nào về tác dụng không mong muốn có liên quan đến sử dụng mỹ phẩm chứa năm dẫn chất paraben kể trên.
Đồng thời, cũng chưa nhận được khuyến cáo nào của các tổ chức khoa học sức khỏe với đối tượng sử dụng mỹ phẩm chứa năm loại paraben này.
Nhưng khi cân nhắc lợi ích và nguy cơ, cộng đồng châu Âu và sau này là ASEAN đã thống nhất ngưng sử dụng các chất này để thay thế bằng các chất tối ưu hơn.
Tuy nhiên, PGS.TS Lê Văn Truyền – chuyên gia cao cấp về dược, nguyên thứ trưởng Bộ Y tế – đã có ý kiến nghi ngại paraben là một trong những thủ phạm gây ung thư vú ở phụ nữ.
Theo PGS Truyền, sự nghi ngờ paraben gây ung thư có từ năm 1998 khi có các công trình cho thấy paraben có tính chất tương tự tiền nội tiết tố nữ.
Có 12 công trình khẳng định hoạt tính tương tự nội tiết tố nữ của paraben khi tiêm cho chuột và điều đó cho thấy paraben có thể là tiền nội tiết tố dạng yếu.
Nhưng khi paraben vào cơ thể bằng đường uống, người ta không chứng minh được sự giống nhau này. Năm 2004, các nghiên cứu viên ở ĐH Reading (Anh) cũng tìm thấy vết paraben ở 20/20 mẫu bệnh phẩm phụ nữ ung thư vú được nghiên cứu.
“Các nghiên cứu khi đó cho rằng có sự tích luỹ paraben sau khi sử dụng mỹ phẩm chứa paraben trên da và sự tích luỹ này là đáng lo ngại” – PGS Truyền trích dẫn từ nghiên cứu quốc tế cho biết.
Thiệt hại do hàng vừa nhập? Đây là đợt thu hồi mỹ phẩm lớn nhất từ trước tới nay. Thống kê cho thấy có tổng số gần 2.100 sản phẩm nhập khẩu và 143 sản phẩm trong nước. Trong đó có cả sản phẩm của các nhãn hiệu mỹ phẩm nổi tiếng thế giới, với đủ chủng loại mỹ phẩm từ nhau thai cừu tái tạo da, kem làm trắng sáng, chống nhăn, chống lão hoá da, dầu gội, sữa tắm các loại có chứa năm loại paraben kể trên và nằm trong danh sách bị thu hồi. Quyết định đình chỉ lưu hành và thu hồi mỹ phẩm chứa năm loại paraben kể trên được ban hành hồi cuối tháng 4. Trong danh sách trên 2.200 sản phẩm cần thu hồi, nhiều doanh nghiệp phàn nàn có những sản phẩm mới nhập khẩu bị đưa vào danh sách thu hồi ngay khiến doanh nghiệp rất khó khăn. “Thời gian làm các thủ tục nhập khẩu với hãng đối tác và mang hàng về nước kéo dài nhiều tháng trời, nay hàng mới về lại bị đưa vào danh sách thu hồi luôn” – đại diện một doanh nghiệp cho biết. |
Paraben có cả trong thực phẩm Ngoài mỹ phẩm, paraben còn có trong nhiều loại thuốc, thậm chí trong thực phẩm nhằm mục đích bảo quản. Cục Quản lý dược cho biết hiện ASEAN cho phép 59 chất/nhóm chất có tác dụng bảo quản, hoàn toàn có thể thay thế năm loại paraben kể trên bằng các nhóm chất này. |