Cẩn trọng khi đăng ký xét tuyển
Nộp đăng ký xét tuyển vào trường nào? Đó là câu hỏi thường gặp nhất từ thí sinh và phụ huynh hiện nay.
Cẩn trọng khi đăng ký xét tuyển
Nộp đăng ký xét tuyển vào trường nào? Đó là câu hỏi thường gặp nhất từ thí sinh và phụ huynh hiện nay.
Học sinh và phụ huynh Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM đến trường nhận phiếu điểm thi THPT quốc gia 2015 vào sáng 31-7 – Ảnh: NHƯ HÙNG |
Tuy nhiên, câu hỏi này không dễ trả lời trước ngày 20-8, là ngày hết hạn nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) nguyện vọng 1 (NV1).
Cần phân biệt các loại điểm
Điểm thi là điểm của thí sinh có được sau kỳ thi THPT quốc gia, thể hiện trên giấy chứng nhận kết quả thi (GCNKQT) mà cụm thi gửi cho thí sinh. Lưu ý là chỉ có các thí sinh đã đăng ký dùng kết quả thi để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ khi làm hồ sơ đăng ký dự thi (ở mục số 9 của hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT)) mới được cấp GCNKQT.
Điểm ngưỡng đảm bảo tiêu chí chất lượng đầu vào để xét tuyển ĐH, CĐ chính quy (để dễ hiểu có thể gọi vắn tắt là điểm sàn) do Bộ GD-ĐT công bố ngày 28-7 vừa qua. Bộ GD-ĐT đã quyết định mức điểm ngưỡng cho tất cả tổ hợp môn thi (thường là ba môn) là 15 điểm chưa tính đến ưu tiên khu vực và đối tượng.
Điểm xét tuyển (mức điểm tối thiểu nhận hồ sơ ĐKXT) còn được gọi là điểm chuẩn dự kiến, là mức điểm do trường ĐH, CĐ công bố sau khi Bộ GD-ĐT công bố mức điểm sàn.
Mức điểm xét tuyển này có thể giống nhau, có thể khác nhau cho các ngành trong cùng trường, tùy theo kinh nghiệm xét tuyển các ngành có độ thu hút thí sinh khác nhau, mà nhà trường đã có kinh nghiệm tuyển sinh trong những năm trước.
Điểm chuẩn trúng tuyển là mức điểm do trường ĐH, CĐ công bố trong khoảng thời gian từ ngày 20 đến 25-8.
Theo đó thí sinh nào có điểm thi đạt được mức điểm này sẽ trúng tuyển vào trường và sẽ được gửi giấy báo trúng tuyển. Điểm chuẩn trúng tuyển có thể bằng, nhưng cũng có thể cao hơn mức điểm xét tuyển, tùy thuộc tương quan giữa số lượng hồ sơ ĐKXT và chỉ tiêu của ngành, của trường.
Đối với những trường ĐH lớn, những ngành thu hút thí sinh, điểm chuẩn trúng tuyển có thể cao hơn điểm xét tuyển từ 2 – 3 điểm và cao hơn mức điểm sàn có khi đến 7 – 10 điểm. Và thông thường cũng chính những ngành, những trường có điểm chuẩn trúng tuyển cao sẽ tuyển đủ chỉ tiêu từ NV1 nên sẽ không gọi tiếp nguyện vọng bổ sung.
Cơ hội trúng tuyển như thế nào?
Trong kỳ thi năm nay, số lượng thí sinh đạt mức điểm ngưỡng của ít nhất một tổ hợp môn thi chỉ vào khoảng 530.000, trong khi đó tổng chỉ tiêu xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ cũng chỉ khoảng 600.000. Với tương quan này, về tổng thể mức độ cạnh tranh trong xét tuyển giữa các thí sinh sẽ không cao như những năm trước, do có đến gần 200 trường ĐH, CĐ có thêm phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT.
Tuy nhiên, theo chúng tôi nhận định, các trường đại học lớn, các ngành học hấp dẫn vẫn sẽ thu hút một lượng lớn thí sinh tập trung ĐKXT. Hiện có đến gần 100 tổ hợp môn xét tuyển vào các ngành của các trường ĐH, CĐ.
Trong kỳ thi THPT vừa qua, số thí sinh dự thi năm môn chiếm đa số (hơn 50% tổng số thí sinh), vì vậy thí sinh sẽ có nhiều chọn lựa trong tổ hợp các môn thi mình có.
Nhưng do quy định các khối thi truyền thống (là tổ hợp các môn thi đã dùng xét tuyển trong năm 2014) phải dùng ít nhất 75% chỉ tiêu để xét tuyển, nên dự đoán phần lớn thí sinh sẽ sử dụng tổ hợp môn theo khối thi truyền thống là khối A (toán, lý, hoá), khối B (toán, sinh, hoá), khối C (văn, sử, địa). Riêng môn ngoại ngữ năm nay có kết quả thi khá thấp, nên chưa thể dự đoán được tình hình ĐKXT ở các ngành xét tuyển có dùng môn ngoại ngữ như khối D (toán, văn, ngoại ngữ) và khối A1 (toán, lý, ngoại ngữ).
Rất khó dự đoán điểm chuẩn trúng tuyển cho từng tổ hợp ba môn xét tuyển ở các trường khác nhau, nhưng chúng tôi cho rằng những thí sinh có điểm thi môn ngoại ngữ cao, nhất là tiếng Anh, có nhiều lợi thế khi ĐKXT ở các ngành xét tuyển có dùng môn ngoại ngữ. Điều này thoạt nghe có vẻ bất hợp lý khi phổ điểm môn ngoại ngữ với phần lớn thí sinh nằm trong khoảng 2 – 4 điểm.
Tuy thế, số thí sinh đạt điểm ngoại ngữ từ 5 trở lên vào khoảng 120.000, trong khi năm 2015 có rất nhiều ngành ở các trường ĐH, CĐ xét tuyển môn ngoại ngữ. Chỉ tính riêng ĐHQG TP.HCM, số ngành có dùng môn ngoại ngữ trong tổ hợp môn xét tuyển chiếm đến 80% tổng số các ngành đào tạo, quả là một lợi thế cho các thí sinh có điểm thi môn ngoại ngữ cao.
Cuối cùng, thí sinh nên hết sức cân nhắc khi nộp hồ sơ ĐKXT. Vì nếu nộp một cách nôn nóng, bộp chộp thì khi muốn thay đổi nguyện vọng, việc rút hồ sơ không thể thực hiện trong vài giờ mà phải mất ít nhất 1-2 ngày để nhà trường xử lý (tìm rút hồ sơ giấy trả cho thí sinh, xóa dữ liệu đã ĐKXT để thí sinh có thể ĐKXT được ở các trường khác…).
Quan trọng hơn nữa, phải nhận thức rằng ĐKXT không chỉ để tìm một trường dễ đậu, một chỗ học trong trường ĐH, CĐ mà còn là thực hiện ước mơ hoài bão, định hướng nghề nghiệp tương lai của cả cuộc đời.