09/01/2025

Quan ngại vụ Trung Quốc chặn máy bay Lào

Hành động buộc máy bay Lào quay đầu trên vùng biển Hoa Đông làm dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc đang đẩy mạnh thực thi vùng nhận dạng phòng không tại khu vực.

 

Quan ngại vụ Trung Quốc chặn máy bay Lào

 

 

Hành động buộc máy bay Lào quay đầu trên vùng biển Hoa Đông làm dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc đang đẩy mạnh thực thi vùng nhận dạng phòng không tại khu vực.



Quan ngại vụ Trung Quốc  chặn máy bay LàoMáy bay cảnh báo sớm KJ-2000 của Trung Quốc trong một chuyến bay qua vùng biển Hoa Đông - Ảnh: Globalaviationreport.com
Vụ một máy bay của Hãng hàng không Lao Airlines bị Trung Quốc chặn và buộc quay đầu trên vùng biển Hoa Đông trên đường từ Busan (Hàn Quốc) về Vientiane ngày 25.7 đã thu hút nhiều sự quan tâm của quốc tế sau khi được chuyên san hàng không Air Transport World đưa tin.
“Giết gà dọa khỉ”
Cho đến hôm qua 30.7, chính phủ Lào vẫn chưa đưa ra phản ứng công khai về vụ việc liên quan đến chuyến bay mang số hiệu QV916 của hãng hàng không quốc gia nước này. Theo nhận định của tạp chí The Diplomat, chính phủ Lào không thể làm thế do lo sợ có thể gây tổn hại cho mối quan hệ với Trung Quốc cũng như sự hợp tác kinh tế đang không ngừng gia tăng giữa Bắc Kinh và Vientiane.
Trả lời Thanh Niên qua email, Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc nói rằng cần chờ đợi để biết thêm thông tin về tình huống dẫn đến sự việc trên. Theo ông, khó có khả năng Lao Airlines chủ động thách thức phía Trung Quốc. “Bởi quan hệ giữa Trung Quốc và Lào đang tốt, diễn biến này sẽ không gây phiền toái lớn cho quan hệ song phương của họ”, Giáo sư Thayer nhận xét.
Trong khi đó, Giáo sư người Mỹ Zachary Abuza nói với Thanh Niên rằng hành động của Trung Quốc là chiến thuật “giết gà dọa khỉ” nhằm gửi tín hiệu đến Nhật Bản và Hàn Quốc. “Trung Quốc rõ ràng chọn Lào, một nước nhỏ ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế. Lào sẽ không gây ra một vụ ầm ĩ ngoại giao về chuyện này vì họ quá dễ tổn thương trước Trung Quốc”, Giáo sư Abuza nhận định.
Chuyên gia về khoa học chính trị và đối ngoại khu vực Đông Á thuộc Đại học Simmons (Mỹ) cũng cho biết ông cảm thấy khó hiểu trước việc Trung Quốc chỉ thực hiện động thái trên trong chuyến bay trở về của Lao Airlines, trong khi chuyến bay qua ADIZ từ Lào đến Hàn Quốc trong cùng ngày hoặc vào ngày trước đó lại không bị làm khó dễ.
ASEAN cần lên tiếng
Chuyến bay QV916 được xác định là chuyến bay dân sự đầu tiên bị ngăn không cho băng ngang Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mà Bắc Kinh đơn phương thiết lập ở biển Hoa Đông do Lao Airlines không báo trước kế hoạch bay cho giới chức kiểm soát không lưu Trung Quốc. Nó cho thấy quyết tâm của Trung Quốc trong việc thực thi quy định trên bất kể cộng đồng quốc tế, gồm cả Mỹ và Nhật Bản, có tán đồng hay không.
Theo The Diplomat, ADIZ của Trung Quốc chưa gây tổn hại đến lợi ích vật chất tức thời cho hàng không Mỹ và Nhật Bản. Với những nước này, ADIZ của Trung Quốc chỉ đơn thuần là dấu hiệu cho thấy rõ ý định của Bắc Kinh nhằm thay đổi hiện trạng ở những vùng biển xung quanh. Chỉ có những nước nhỏ và yếu hơn sẽ phải chịu ảnh hưởng đáng kể, như thường thấy trong các vấn đề quốc tế. Và trường hợp của hãng hàng không Lào là một ví dụ.
Theo biên tập viên Ankit Panda của The Diplomat, trước sự việc trên, ASEAN cần lên tiếng nhấn mạnh sự ủng hộ đối với quyền tự do hàng không trên biển. Trong một tuyên bố chung với Nhật Bản vào năm ngoái, ASEAN từng cam kết ủng hộ “quyền tự do hàng không và an toàn hàng không dân dụng theo các nguyên tắc phổ cập của luật pháp quốc tế”, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) 1982 và các quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
Vào năm ngoái, Mỹ và Nhật Bản đã gửi kiến nghị lên ICAO đề nghị tổ chức này bác bỏ ADIZ của Trung Quốc. Theo ông Panda, các tuyên bố phản đối đơn thuần sẽ ngày càng mất đi ý nghĩa nếu như Trung Quốc trên thực tế vẫn thực thi các quy định đơn phương của họ và các hãng hàng không bắt buộc phải tuân thủ.
Trung Quốc cấp tập mở rộng hạm đội hải cảnh

Website của tờ Nhân Dân nhật báo ngày 29.7 đăng tải hình ảnh một chiếc tàu hải cảnh thế hệ mới của Trung Quốc có độ choán nước lên đến 12.000 tấn. Tờ báo này cho biết thân tàu mới được thiết kế với tiêu chuẩn của tàu quân sự và nó có thể dễ dàng đâm chìm một chiếc tàu có độ choán nước cỡ 5.000 tấn.

Trước đó, chuyên san quốc phòng Jane’s Defence Weekly cũng đưa tin Trung Quốc đang hoán cải 2 tàu hộ vệ lớp Giang Vệ I (Type 053H2G) thành tàu hải cảnh. Đây là các tàu hải quân có độ choán nước 2.300 tấn được biên chế trong giai đoạn 1991 – 1994. Những bức ảnh chụp tại một xưởng đóng tàu ở Phố Đông, Thượng Hải cho thấy các chiếc tàu đang được sơn lại màu trắng. Những bệ phóng tên lửa chống hạm YJ-83, tên lửa đối không HQ-61 cũng như tháp pháo 100 mm đã được tháo dỡ. Tuy nhiên, hai khẩu pháo 37 mm vẫn được giữ lại trên tàu.
Trong khi đó, tạp chí Kanwa Defense Review mới đây đưa tin Trung Quốc đang có kế hoạch đóng lớp tàu sân bay trực thăng có độ choán nước 40.000 tấn để đối phó với các tàu lớp Izumo của Nhật Bản. Cũng theo Kanwa Defense Review, Trung Quốc sắp sửa hoàn tất xây dựng bến tàu sân bay trực thăng lớn nhất thế giới tại một căn cứ hải quân ở thành phố Tam Á thuộc tỉnh Hải Nam. Bến tàu sân bay trực thăng này dài đến 700 m trong khi các bến tàu cùng loại của Mỹ ở căn cứ Yokosuka (Nhật Bản) chỉ dài khoảng 400 m. Đây là căn cứ tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc sau căn cứ ở Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh.
Sơn Duân

Trùng Quang – Sơn Duân