Nhen nhóm hi vọng từ mảnh vỡ nghi của chuyến bay MH370
Sau thời gian dài tìm kiếm, manh mối từ mảnh vỡ cánh máy bay tìm thấy sáng 29-7 được hi vọng là từ chiếc máy bay số hiệu MH370 của Malaysia Airlines.
Nhen nhóm hi vọng từ mảnh vỡ nghi của chuyến bay MH370
Sau thời gian dài tìm kiếm, manh mối từ mảnh vỡ cánh máy bay tìm thấy sáng 29-7 được hi vọng là từ chiếc máy bay số hiệu MH370 của Malaysia Airlines.
Sơ đồ vị ví tìm thấy mảnh vỡ máy bay |
Theo New York Times (NYT), sau khi xem xét kỹ các bức ảnh chụp và video quay lại chi tiết mảnh vỡ tìm thấy ở bờ biển đảo Réunion thuộc Pháp, các quan chức chính phủ và nhiều chuyên gia Mỹ đã đưa ra kết luận bước đầu: mảnh vỡ là của một chiếc máy bay Boeing 777.
Cho tới nay chưa ghi nhận trường hợp máy bay Boeing 777 nào khác bị mất tích trong khu vực nên nhiều khả năng mảnh vỡ vừa tìm thấy là của chiếc MH370.
Chuyển mảnh vỡ mới tìm thấy trên đảo Réunion đi phân tích ngày 30-7 – Ảnh: AFP |
Nhận dạng đơn giản?
Đài CNN dẫn ý kiến của chuyên gia hàng không Les Abend, cựu phi công với thâm niên 30 năm kinh nghiệm, cho rằng việc nhận dạng “rất đơn giản” vì các số xêri được ghi dấu trên rất nhiều bộ phận của máy bay, qua đó người ta không chỉ xác định được chủng loại máy bay mà còn biết rõ đó là chiếc nào.
Dù vậy người ta vẫn đang chờ thêm kết quả kiểm tra của các chuyên gia hàng không Pháp. Một quan chức Pháp cho biết mảnh vỡ vừa tìm thấy là bộ phận thuộc cánh phải máy bay.
Nó nặng khoảng 50kg, dài khoảng 2,74m, rộng 1m và có vẻ như đã ngâm trong nước khá lâu vì có lớp hàu bám bên ngoài. Đài CNN cung cấp thêm chi tiết có dòng mã đánh dấu “BB670” trên mảnh vỡ.
Cơ quan Điều tra an toàn hàng không Pháp (BEA) đã ra thông cáo cho biết “đang phối hợp cùng các đồng nghiệp Malaysia, Úc và lực lượng chức năng”.
Thông báo của BEA cũng nói “tại thời điểm này chưa thể khẳng định chắc chắn mảnh vỡ đó có thuộc về một chiếc Boeing 777 hoặc chiếc MH370 hay không”. Hiện mảnh vỡ đang được giao cho một phòng thí nghiệm tại Pháp tiến hành xem xét.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Malaysia Liow Tiong Lai cho biết vẫn còn quá sớm để khẳng định mảnh vỡ là của chiếc MH370. Tuy nhiên ông cũng đã cử đoàn điều tra của nước mình sang đảo Réunion.
Ông Liow Tiong Lai tiếp nhận thông tin này đúng vào thời điểm đang ở New York (Mỹ) tham dự cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về việc chiếc máy bay MH17 cũng của Hàng không Malaysia bị bắn rơi năm ngoái tại miền đông Ukraine.
Nhen nhóm hi vọng
Chuyên gia hải dương học Erik van Sebille chuyên nghiên cứu về các dòng hải lưu cho rằng hoàn toàn có thể xảy ra trường hợp những mảnh vỡ (nếu đúng của MH370) di chuyển hơn 3.000 dặm (4.828km) từ điểm cuối cùng ghi nhận được của nó đến đảo Réunion.
Tuy nhiên ông lưu ý ngay cả việc mảnh vỡ vừa tìm thấy là của máy bay MH370 thì không có nghĩa các mảnh vỡ khác của nó cũng sẽ được tìm thấy gần đó. Phạm vi tản mát của các mảnh vỡ trong đại dương là không thể kiểm soát.
Chiếc máy bay số hiệu MH370 của Hàng không Malaysia với 239 người trên đó đã bất ngờ đổi hướng bay so với lộ trình dự kiến từ thủ đô Kuala Lumpur đến Bắc Kinh. MH370 mất liên lạc với các nhân viên kiểm soát không lưu mặt đất ngay sau khoảng 0g ngày 8-3-2014.
MH370 đã bay về phía tây qua bán đảo Malay rồi sau đó bay về phía nam ngang qua Ấn Độ Dương và được cho là đã rơi xuống ở vùng nước rất sâu tại đó, làm toàn bộ 239 người trên máy bay thiệt mạng.
Hơn một năm qua, công cuộc tìm kiếm chiếc MH370 tiêu tốn không biết bao nhiêu công sức và tiền của nhưng vẫn chưa tìm thấy manh mối nào, khiến nó trở thành vụ mất tích khó hiểu nhất trong lịch sử ngành hàng không.
Đến sáng hôm qua, người ta lại tìm thấy một phần chiếc vali ngâm lâu dưới biển cũng tại đảo Réunion không xa nơi tìm thấy phần cánh máy bay, tạo ra hi vọng về những manh mối vật thể đầu tiên liên quan đến vụ mất tích bí ẩn của MH370.
Trước thông tin này, Tập đoàn Boeing cho biết “cam kết hỗ trợ công tác điều tra và tìm kiếm chiếc máy bay MH370 bị mất tích” và sẽ chia sẻ kinh nghiệm kỹ thuật với các nhà điều tra.
Nga phủ quyết nghị quyết về MH17 Matxcơva đã sử dụng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để bác bỏ dự thảo nghị quyết yêu cầu thành lập toà án chuyên biệt xét xử vụ máy bay MH17 của Malaysia Airlines bị bắn rơi tại miền đông Ukraine hồi tháng 7-2014. Theo BBC, trong phiên bỏ phiếu hôm 29-7 tại New York, Nga là nước duy nhất trong số 15 thành viên thuộc Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu chống, 11 thành viên khác bỏ phiếu đồng ý, còn Angola, Trung Quốc và Venezuela bỏ phiếu trắng. Ngoại trưởng Úc Julie Bishop tuyên bố việc dùng quyền phủ quyết của Nga là “sự xúc phạm với 298 nạn nhân đã đi trên máy bay MH17 cùng gia quyến và bạn bè họ”. Bà cũng nói Úc, Malaysia, Hà Lan, Ukraine và Bỉ sẽ tìm một cơ chế buộc tội khác, nhưng không nói cụ thể hơn kế hoạch này. Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin bình luận: “Không có lý do gì để phản đối dự thảo nghị quyết này, trừ khi anh có tật giật mình”. Tuy nhiên, phái viên của Nga tại Liên Hiệp Quốc Vitaly Churkin chỉ trích lối “tuyên truyền phủ đầu” và cho biết các nhà điều tra Nga trong việc này đã không được tiếp cận bình đẳng với hiện trường xảy ra vụ việc. |