09/01/2025

​Nhiều trường công bố điểm sàn, tiêu chí tuyển sinh phụ

Ngày 30-7, có thêm nhiều trường ĐH công bố điểm sàn xét tuyển. Tính đến thời điểm này, mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển ĐH cao nhất là 
22 điểm.

 

​Nhiều trường công bố điểm sàn, tiêu chí tuyển sinh phụ

 

Ngày 30-7, có thêm nhiều trường ĐH công bố điểm sàn xét tuyển. Tính đến thời điểm này, mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển ĐH cao nhất là 
22 điểm.



Học sinh và phụ huynh đến nhận phiếu điểm THPT quốc gia và giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời tại Trường THPT Gia Định, quận Bình Thạnh, TP.HCM chiều 30-7 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Học sinh và phụ huynh đến nhận phiếu điểm THPT quốc gia và giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời tại Trường THPT Gia Định, quận Bình Thạnh, TP.HCM chiều 30-7 – Ảnh: NHƯ HÙNG

Đáng chú ý, cùng với việc công bố điểm sàn xét tuyển, nhiều trường cũng đã đưa ra tiêu chí xét tuyển phụ để giải quyết trong trường hợp thí sinh bằng điểm nhau.

Tiêu chí phụ tính điểm học bạ

Trường ĐH Y dược TP.HCM đã công bố điểm tối thiểu để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường. Theo đó, ba ngành y đa khoa, răng hàm mặt và dược học có điểm sàn xét tuyển là 22 điểm (tổng điểm ba môn toán – sinh – hoá).

Tất cả các ngành còn lại có điểm sàn xét tuyển là 18 điểm. Điểm sàn xét tuyển dành cho HSPT-KV3. Các ngành đều xét tuyển thí sinh thi THPT quốc gia tại cụm thi do các trường ĐH chủ trì.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi, phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM, cho biết đối với việc xét tuyển các ngành, trong trường hợp một ngành có quá nhiều thí sinh có tổng điểm ba môn bằng điểm nhau, trường sẽ áp dụng các tiêu chí phụ.

Thứ nhất, xét ưu tiên thí sinh có điểm thi môn hóa (đối với ngành dược) và môn sinh (đối với các ngành còn lại) cao hơn. Thứ hai, nếu vẫn đồng điểm nhau, trường xét tiếp đến tiêu chí điểm trung bình học bạ ba môn toán, sinh, hoá năm lớp 12.

Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch công bố điểm sàn xét tuyển bậc ĐH ngành y đa khoa, răng hàm mặt là 21 điểm; các ngành còn lại 17 điểm.

Riêng bậc CĐ ngành hộ sinh có điểm sàn xét tuyển là 12. Trường xét tổ hợp ba môn toán – hóa – sinh. Nhà trường chỉ tuyển thí sinh có hộ khẩu tại TP.HCM (tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển). Đối với ngành khúc xạ nhãn khoa, điểm kỳ thi THPT quốc gia môn tiếng Anh đạt từ điểm 7 trở lên mới đủ điều kiện xét tuyển chính thức.

Trường hợp có nhiều thí sinh đồng điểm sau khi xét điểm tổ hợp toán – hoá – sinh, trường sẽ xét tiêu chí phụ: ưu tiên thí sinh có điểm thi môn tiếng Anh cao hơn. Nếu xét tiêu chí này vẫn còn thí sinh đồng điểm, trường xét tiếp điểm trung bình ba năm học THPT.

Trường ĐH Tài chính – marketing thông báo xét kết quả kỳ thi THPT quốc gia của thí sinh thi tại cụm thi do các trường ĐH chủ trì. Nhà trường xét tuyển theo hai tiêu chí: tốt nghiệp THPT, điểm thi các môn tham gia xét tuyển không thấp hơn 15 điểm/tổ hợp xét tuyển. Đây là tổng điểm ba môn không nhân hệ số dành cho thí sinh khu vực 3 và nhóm không ưu tiên.

Trường xét tuyển theo các tổ hợp khối A, A1, D1 (cũ) và C01 (toán, văn, vật lý). PGS.TS Trần Hoàng Ngân, hiệu trưởng nhà trường, cho biết điểm xét tuyển bằng tổng điểm tổ hợp môn xét tuyển cộng điểm ưu tiên. Trong đó, tổng điểm theo tổ hợp môn xét tuyển quy định trong tiêu chí hai.

Riêng ngành ngôn ngữ Anh có môn tiếng Anh nhân hệ số 2. Điểm ưu tiên thực hiện theo quy định của Bộ GD-ĐT. Thí sinh thuộc diện ưu tiên được cộng điểm quy định cho từng đối tượng, từng khu vực theo mức điểm được hưởng vào tổng điểm chung để xét tuyển. Trường xét tuyển theo nguyên tắc: xét trúng tuyển theo điểm xét tuyển từ cao xuống thấp đến đủ chỉ tiêu theo từng ngành.

Trường xây dựng điểm chuẩn trúng tuyển cho từng ngành/tổ hợp môn xét tuyển dựa trên chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định và số thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường. Đồng thời, trường cũng đưa ra tiêu chí xét tuyển phụ, trong trường hợp tại mức điểm xét tuyển nhất định, số lượng thí sinh trúng tuyển nhiều hơn chỉ tiêu.

Theo đó, xét ưu tiên điểm từ cao xuống thấp của từng môn thi trong tổ hợp môn xét tuyển, cho đến khi đủ chỉ tiêu. Ngành ngôn ngữ Anh khối D01 theo tuần tự môn tiếng Anh, văn, toán. Các ngành còn lại khối A00 môn toán, lý, hoá; khối A01 toán, tiếng Anh, lý; khối D01 môn toán, tiếng Anh, văn; khối C01 môn toán, văn, lý. Trường không sử dụng kết quả miễn thi môn tiếng Anh trong kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh.

Trường ĐH Kinh tế TP.HCM công bố nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh có điểm từ 18 trở lên. Điểm nộp hồ sơ là điểm tổng cộng kết quả ba môn thi theo tổ hợp của khối A (toán, lý, hóa), khối A1 (toán, lý, tiếng Anh) và khối D1 (toán, ngữ văn, tiếng Anh); không tính hệ số; áp dụng cho thí sinh tốt nghiệp THPT thuộc khu vực 3 và đối tượng không ưu tiên.

Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh có điểm xét tuyển (tổng điểm ba môn, chưa nhân hệ số môn chính) bậc ĐH là 15 và bậc CĐ là 12. Nhà trường xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia.

Chỉ tiêu tuyển sinh bậc ĐH của trường là 2.400 và 250 cho bậc CĐ. Môn thi chính: toán – nhân hệ số 2 (ở bậc ĐH, ngoại trừ các ngành kinh tế xây dựng chuyên ngành kinh tế xây dựng, quản lý dự án xây dựng; khai thác vận tải chuyên ngành quản trị logistic và vận tải đa phương thức; kinh tế vận tải chuyên ngành kinh tế vận tải biển; ở bậc CĐ, ngoại trừ ngành khai thác vận tải chuyên ngành kinh tế vận tải biển). Nhà trường sẽ xét điểm từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu.

Chiều 30-7, ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy ĐHQG TP.HCM đã có hướng dẫn thống nhất gửi đến các trường thành viên, khoa trực thuộc về điều kiện nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ năm 2015.

Theo đó, các điều kiện chính như: thí sinh thi THPT quốc gia tại cụm thi do các trường ĐH chủ trì, không có môn thi nào trong tổ hợp xét tuyển từ 1,0 điểm trở xuống, kết quả thi đảm bảo ngưỡng chất lượng đầu vào ĐH, CĐ của Bộ GD-ĐT quy định, cụ thể: bậc ĐH tất cả các tổ hợp xét tuyển (các môn thi không nhân hệ số) đều có điểm ngưỡng là 15 và bậc CĐ là 12.

Ngoài ra, thí sinh phải có hạnh kiểm từ loại khá trở lên (xét học kỳ 1 lớp 12); thí sinh xét tuyển ĐH điểm trung bình cộng năm học kỳ (lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12) từ 6,5 trở lên; thí sinh xét tuyển CĐ từ 6,0 trở lên.

Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho biết “điểm sàn” tối thiểu nộp hồ sơ xin xét tuyển vào trường: ngành sư phạm tiếng Anh, kỹ thuật công nghiệp, kinh tế gia đình, các ngành có đào tạo chất lượng cao: 17 điểm; các ngành còn lại 18 điểm (tổng điểm ba môn chưa nhân hệ số môn chính theo khối, chưa cộng điểm ưu tiên).

Đây là điểm dành cho HSPT-KV3 (không có điểm ưu tiên), mỗi khu vực cách nhau 0,5 điểm, mỗi đối tượng ưu tiên cách nhau 1 điểm. Điểm này căn cứ vào số lượng thí sinh đã đăng ký sơ tuyển và phổ điểm của kỳ thi THPT quốc gia 2015.

Trường ĐH Mở TP.HCM xét tuyển thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia tại các cụm thi do các trường ĐH chủ trì, có tổ hợp các môn thi đạt mức điểm xét tuyển (chưa nhân hệ số) từ 15 điểm trở lên.

Học sinh nhận phiếu điểm THPT quốc gia và giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT tạm thời tại Trường THPT Marie Curie Q.3, TP.HCM chiều 30-7 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Học sinh nhận phiếu điểm THPT quốc gia và giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT tạm thời tại Trường THPT Marie Curie Q.3, TP.HCM chiều 30-7 – Ảnh: NHƯ HÙNG

Lượng sức chọn trường

PGS.TS Lê Thị Thu Thuỷ – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Ngoại thương – cho biết mức điểm nhà trường nhận hồ sơ của thí sinh ở đợt 1 là 22 điểm khối A, 20 điểm cho hai khối A1 và D ở cả cơ sở Hà Nội và TP.HCM. Còn với cơ sở tại Quảng Ninh tiếp nhận hồ sơ xét tuyển từ thí sinh đạt 17 điểm trở lên. Riêng các khối ngành ngôn ngữ, điểm nhận hồ sơ là 27 điểm do môn ngoại ngữ nhân hệ số 2.

Theo bà Thủy, hội đồng tuyển sinh nhà trường quyết định đặt ra mức ngưỡng này dựa vào kinh nghiệm tuyển sinh các năm trước. Trong nhiều năm qua, chất lượng tuyển sinh của nhà trường rất ổn định, điểm chuẩn thường xuyên ở quanh mức 22 điểm với khối D và 24 điểm với khối A. Do đó, việc lựa chọn mức xét tuyển thấp hơn điểm chuẩn trung bình hằng năm khoảng 2 điểm sẽ giúp thí sinh biết lượng sức mình trước khi quyết định đăng ký xét tuyển.

Ngoài ra, điều kiện xét tuyển còn yêu cầu thí sinh có điểm trung bình từng năm học THPT từ 6,5 điểm trở lên cùng với hạnh kiểm từ loại khá trở lên. Bà Thủy cũng lưu ý nhà trường sẽ kiểm tra học bạ khi thí sinh nhập học, nếu thí sinh không đảm bảo điều kiện như quy định sẽ bị loại ra khỏi danh sách trúng tuyển.

Trong khi đó, các trường ĐH nhóm ngành kinh tế – tài chính – ngân hàng khác như Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Trường ĐH Thương mại, Học viện Ngân hàng đều cùng chốt mức điểm sàn xét tuyển là 17 điểm, cao hơn 2 điểm so với “điểm sàn” chung của bộ.

Tại một số trường còn cho phép thí sinh được chuyển nguyện vọng khi không trúng tuyển vào ngành đăng ký ban đầu. Như ở Trường ĐH Ngoại thương, thí sinh đủ điểm trúng tuyển theo tổ hợp môn xét tuyển nhưng không đủ điểm trúng tuyển vào ngành đăng ký, khi nhập học sẽ được đăng ký chuyển sang các ngành còn chỉ tiêu.

Công bố thông tin 
xét tuyển chậm nhất ngày 31-7

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết tất cả các trường sẽ phải tuân thủ lịch tuyển sinh chung để bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt 1 từ ngày 1-8. Do đó, các trường bắt buộc phải công bố công khai thông tin xét tuyển vào trường chậm nhất là ngày 31-7.

Đợt xét tuyển đầu tiên, các trường sẽ tiếp nhận hồ sơ của thí sinh theo điều kiện xét tuyển đã công bố, từ ngày 1 đến 20-8. Trong khoảng thời gian này, thí sinh được phép thay đổi ngành học đã đăng ký hoặc rút hồ sơ để nộp vào các trường khác.

Các trường phải tạo điều kiện cho thí sinh rút hồ sơ

Đây là yêu cầu của Bộ GD-ĐT đối với các trường ĐH, CĐ khi thực hiện xét tuyển đợt 1 (từ ngày 1 đến 20-8) trong văn bản vừa được bộ gửi đến các trường. Theo đó, ở đợt 1, nếu thí sinh đề nghị rút hồ sơ để chuyển sang trường khác, các trường cần tạo điều kiện cho thí sinh thực hiện nguyện vọng trên.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Văn Nghĩa – phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT – khuyến cáo: thí sinh cần lưu ý chỉ được thay đổi các nguyện vọng trong trường, cũng như rút hồ sơ để nộp sang trường khác đối với xét tuyển đợt 1; còn khi xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh không được thay đổi nguyện vọng cũng như không được rút hồ sơ.

Ông Nghĩa cho biết khi nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển, thí sinh có thể đề nghị điều chỉnh chế độ ưu tiên của mình bằng cách nộp kèm hồ sơ minh chứng về chế độ ưu tiên.

Riêng với quy định xét bốn nguyện vọng trong một trường theo thứ tự ưu tiên từ 1 – 4, nếu thí sinh có mức điểm có thể trúng tuyển vào nhiều ngành, chỉ được xét vào ngành có thứ tự ưu tiên cao nhất.

Nếu thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1, sẽ được chuyển sang nguyện vọng 2, xét bình đẳng với các thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành đó và tương tự như vậy đối với các nguyện vọng 3, 4.

Đặc biệt, trong bốn nguyện vọng, thí sinh có thể đăng ký đồng thời cả ngành ĐH và CĐ (nếu trường có đào tạo CĐ).

TRẦN HUỲNH – NGỌC HÀ