10/01/2025

Trung Quốc: 61 triệu trẻ bị bỏ rơi

Lao động nhập cư đang trở thành lực lượng chính để xây dựng “Giấc mơ Trung Quốc” tại nhiều thành phố lớn nhưng con cái của họ phải ở lại nông thôn sống trong ác mộng tự lo.

 

Trung Quốc: 61 triệu trẻ bị bỏ rơi

 

 Lao động nhập cư đang trở thành lực lượng chính để xây dựng “Giấc mơ Trung Quốc” tại nhiều thành phố lớn nhưng con cái của họ phải ở lại nông thôn sống trong ác mộng tự lo.


Một bé gái phải trông em do cha mẹ đi làm xa - Ảnh: Weibo
Một bé gái phải trông em do cha mẹ đi làm xa – Ảnh: Weibo
Cảm ơn lòng tốt của mọi người nhưng đã đến lúc chúng cháu ra đi
Dòng chữ trên mẩu giấy của bốn đứa trẻ trước khi tự tử

Bi kịch bốn trẻ em là anh em ruột trong một gia đình ở làng Từ Trúc, thành phố Tất Tiết (tỉnh Quý Châu) uống thuốc trừ sâu tự tử hôm 9-6 vừa qua đã gióng lên hồi chuông báo động về nạn “trẻ em bị bỏ rơi” ngay trên chính quê nhà, trong chính gia đình của mình.

Thảm kịch khiến truyền thông và người dân kêu gọi chính quyền Bắc Kinh phải xem lại chính sách an sinh cho phù hợp hơn, chấm dứt tình trạng bất bình đẳng giữa thành thị và nông thôn.

Bất bình đẳng quá lớn

Bốn đứa trẻ, trong đó ba bé gái và một bé trai tuổi từ 5 – 13, được tìm thấy đã chết sau khi uống thuốc trừ sâu tại nhà hôm 9-6. Dân làng cho biết những đứa trẻ này phải sống một mình trong nhiều năm vì cha mẹ chúng đã rời nhà đi làm xa.

Theo báo Tài Tân, một trong những nguyên nhân lớn gây ra hiện trạng này là do bất bình đẳng xã hội đang quá lớn giữa thành thị và nông thôn.

Cuộc sống nông thôn Trung Quốc quá khó khăn nên các bậc cha mẹ đành phải rời bỏ quê nhà, con cái lên thành thị tìm việc.

Chính sách hộ khẩu và chính sách một con đã góp phần khiến hàng triệu trẻ em là con của lao động nhập cư không được học hành và chăm sóc sức khoẻ.

Những đứa trẻ nông thôn theo cha mẹ lên phố cũng không thể học hành vì vướng “hộ khẩu” nên thường phải ở lại quê nhà với ông bà, họ hàng hoặc thậm chí ở một mình.

Hàng triệu trẻ em trong các gia đình có từ hai con trở lên đang là những “công dân” không hợp pháp (do vi phạm chính sách một con) nên không được hưởng chính sách như mọi trẻ em “một con” khác ở Trung Quốc.

Không có cha mẹ ở cạnh bên, không được học hành, chăm sóc khiến tâm sinh lý của những trẻ “bị bỏ lại sau” thường bị giới hạn và có những lệch lạc. Giới chuyên gia lo sợ nhóm trẻ này dần trở thành gánh nặng cho xã hội.

Giới chuyên gia xã hội học Trung Quốc khuyến nghị mở cuộc điều tra thiết thực hiện trạng cuộc sống và tâm lý của hàng chục triệu trẻ em đang sống trong cảnh không cha mẹ, không giáo dục và không được hưởng các chế độ an sinh xã hội theo quy định của nhà nước.

Nông thôn bị bỏ quên

Liên hiệp Phụ nữ Trung Quốc vừa công bố số liệu cho biết có 61 triệu trẻ em bị bỏ rơi ở quê nhà do cha mẹ chúng phải tìm đến các thành phố lớn mưu sinh, trong đó 3% phải tự lo cho bản thân. Chỉ riêng tỉnh Quý Châu, tỉnh nghèo nhất Trung Quốc, có khoảng 1,16 triệu trẻ em sống trong cảnh không cha, không mẹ.

Ông Ngô Chí Huy, giám đốc Viện giáo dục nông thôn của Đại học Bắc Kinh, cho biết hiện trạng trên là do Chính phủ Trung Quốc đã “bỏ quên” xã hội nông thôn trong suốt quá trình hiện đại hóa của mình.

Ông Ngô chỉ ra giải pháp cho hiện trạng này là phải nhanh chóng tạo điều kiện để lao động nhập cư có quyền hưởng các dịch vụ công ngang bằng với người thành thị.

“Có như vậy, người lao động đến từ nông thôn mới có thể đưa con mình theo để chăm sóc và bảo vệ chúng. Những đứa trẻ không còn phải chịu cảnh bơ vơ ở quê nhà và thảm kịch như tại làng Từ Trúc không xảy ra nữa” – ông Ngô nói.

Ngay sau bi kịch ở Từ Trúc, Tân Hoa xã dẫn lời Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã ra lệnh cho giới chức chính quyền khắp cả nước phải xem xét lại công tác an sinh xã hội trên từng địa phương để thảm cảnh này không xảy ra nữa.

Chủ tịch và bí thư Thành ủy thành phố Tất Tiết đã bị cách chức và nhiều quan chức khác bị điều tra.

Bộ Dân chính Trung Quốc ngay sau đó tuyên bố sẽ xem xét lại hệ thống phúc lợi xã hội đối với vùng nông thôn. Bộ cũng đề xuất hỗ trợ tâm lý cho những trẻ thiếu vắng sự chăm sóc của cha mẹ ở các vùng nông thôn.

Chương trình sẽ được thí điểm ở các địa phương có nhiều trẻ em không có cha mẹ bên cạnh, rồi nhân rộng ra trên 
toàn Trung Quốc.

Tuy nhiên, các quyết sách trên đã vấp phải sự chỉ trích của công chúng. Nhiều ý kiến cho rằng chính quyền để “mất bò mới lo làm chuồng”.

“Vì sao họ không lo ngay từ đầu để những thảm kịch này không xảy ra? Chỉ đến khi có chuyện họ mới hứa, mới cam kết nhưng rồi mọi thứ sẽ đâu vào đấy” – ông Tất Hồng Quân, cư dân Quý Châu, nêu ý kiến.

Tháng 11-2012, năm bé trai ở một làng thuộc quản lý của thành phố Tất Tiết đã chết ngạt trong thùng chứa rác. Điều tra sau đó cho thấy những đứa trẻ này đã chui vào trong thùng, rồi đốt lửa để sưởi ấm nhưng không may bị tử vong vì ngộ độc khí carbon monoxide.

 

MỸ LOAN