Nếu không trúng tuyển ĐH, học sinh vẫn còn nhiều hướng vào đời với các bậc học CĐ, TCCN… – Ảnh: Mỹ Quyên
|
Kể lại câu chuyện về cậu con trai của mình học lực rất giỏi nhưng năm ngoái thi ĐH thiếu 2 điểm vào Trường ĐH Y Dược TP.HCM, ông Nguyễn Tuấn N. (Q.Tân Phú, TP.HCM) vẫn còn nguyên cảm xúc: “Cháu học rất giỏi các môn toán, lý, hoá, đi thi về cháu cũng tin chắc rằng tổng điểm 3 môn phải đạt 26, 27 điểm. Thế nhưng khi xem đáp án của Bộ GD-ĐT, cháu phát hiện mình làm bị nhầm một số câu. Y như rằng cháu chỉ đạt 24 điểm. Không đậu vào trường ĐH mà cháu mơ ước từ bấy lâu, cũng không chịu xét nguyện vọng vào ngành y trường khác, cháu chìm đắm trong buồn chán, thất vọng khiến gia đình vô cùng lo lắng”.
Vượt qua thất bại
Suốt một tháng trời con trai của ông N. thu mình trong phòng, không muốn giao tiếp với ai. Được bố mẹ động viên, khích lệ, cuối cùng cậu đã vui vẻ trở lại, quyết định dành một năm làm nhiều việc mà cậu thích, sau đó sẽ thi lại để quyết tâm vào được trường y. Một năm qua, ngoài việc ôn luyện, con trai ông N. học đàn, chơi thể thao, tham gia các chuyến từ thiện, đi làm thêm… Hiện cả gia đình ông N. đang rất tin tưởng về kết quả thi của con trai.
|
|
|
Học ĐH cũng là một cách, nhưng bên cạnh đó còn rất nhiều đường đi khác, cánh cửa khác mở tới tương lai. Thị trường lao động đang theo xu hướng nhân lực chất lượng cao, theo đó doanh nghiệp cần kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và thái độ làm việc chứ không đặt nặng bằng cấp
|
|
|
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Sở LĐ-TB-XH TP.HCM
|
|
|
Không hiếm những học sinh thi trượt ĐH rơi vào trạng thái tiêu cực nhưng không nhận được sự động viên của gia đình mà ngược lại còn bị gây thêm áp lực. Những học sinh này đã rơi vào trầm cảm, không thiết tha bất cứ việc gì.
Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nhìn nhận: “Do bản thân tự kỳ vọng về mình và gia đình cũng quá kỳ vọng về việc con cái phải đậu ĐH nên vô tình các bạn trẻ phải chịu rất nhiều áp lực. Đến khi nghe tin mình không đậu, tất cả cùng rơi vào trạng thái “sốc”, xử lý không kịp sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ”.
Theo tiến sĩ Điệp, nếu rơi vào trường hợp này, bản thân bạn trẻ không nên tự dằn vặt mình mà hãy ra ngoài gặp gỡ chia sẻ với bạn bè, chơi thể thao, giải trí lành mạnh… Ngoài ra, cha mẹ phải thật bình tĩnh, biết chấp nhận và không nên trách móc, chì chiết con cái. “Hãy động viên, khích lệ để con lấy lại tinh thần, sau đó tìm hướng giải quyết phù hợp”, tiến sĩ Điệp nói.
Cơ hội việc làm ở mọi trình độ
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, chia sẻ: “Học ĐH cũng là một cách, nhưng bên cạnh đó còn rất nhiều đường đi khác, cánh cửa khác mở tới tương lai. Thị trường lao động đang theo xu hướng nhân lực chất lượng cao, theo đó doanh nghiệp cần kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và thái độ làm việc chứ không đặt nặng bằng cấp. Do đó, trượt ĐH thì có thể học CĐ, trung cấp, nghề. Miễn là bạn phải thực sự giỏi ở nghề mình lựa chọn”.
Ông Tuấn cho biết, hằng năm tại khu vực TP.HCM cần khoảng 270.000 vị trí việc làm. Trong đó, trình độ ĐH chỉ chiếm 12%, CĐ 13% và trung cấp lên tới 35%. “Phụ huynh cần tin tưởng, động viên và tạo điều kiện cho con chọn một đường đi phù hợp với năng lực bản thân và gia đình. Mục tiêu của việc đi học cuối cùng cũng chỉ để tốt nghiệp có việc làm, dù đó là bậc ĐH hay trung cấp. Thị trường lao động rộng mở, cộng đồng ASEAN thành lập tạo rất nhiều cơ hội việc làm với mức lương cao ở mọi trình độ, nhưng cần nhất vẫn là lực lượng lao động có tay nghề”, ông Tuấn thông tin thêm.
Hiện nay, hệ thống các trường trung cấp chuyên nghiệp, CĐ, trung cấp nghề luôn rộng cửa với rất nhiều ngành nghề mà nhu cầu tuyển dụng cao như du lịch, thiết kế, hàn, cơ điện tử, điện -điện tử… Tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Bộ LĐ-TB-XH, cho biết mức lương khởi điểm của một người tốt nghiệp trường nghề ở những ngành đang thiếu nhân lực là từ 5 triệu trở lên. “Có doanh nghiệp còn trả cao hơn tuỳ vào tay nghề, ngoại ngữ và thái độ làm việc của bạn”, ông Minh cho biết.
Đam mê, hết lòng học hỏi sẽ thành công
Ông Trần Thanh Long, Phó giám đốc khách sạn Oscar Sài Gòn, chia sẻ ông từng làm nhân viên bộ phận phòng tại khách sạn, thậm chí làm gác cổng, và trải qua rất nhiều vị trí khác nhau trước khi trở thành một người quản lý. “Tôi cũng biết có nhiều người không hề tốt nghiệp ĐH nhưng vẫn nắm giữ những vị trí quan trọng như trưởng bộ phận nhà hàng, trưởng phòng tổ chức… Quan trọng là họ biết lựa chọn nghề nghiệp mình đam mê và hết lòng học hỏi, làm việc để vươn lên. Cơ hội thành công không phân biệt bạn học ĐH hay trung cấp”.
|