10/01/2025

Trường CĐ lo không tuyển được thí sinh

Thí sinh đang chuẩn bị bước vào đợt xét tuyển đầu tiên, thế nhưng hầu hết chỉ tập trung vào các trường ĐH. Lãnh đạo các trường CĐ đang đứng ngồi không yên với đủ nỗi lo.

 

Trường CĐ lo không tuyển được thí sinh

 

 

Thí sinh đang chuẩn bị bước vào đợt xét tuyển đầu tiên, thế nhưng hầu hết chỉ tập trung vào các trường ĐH. Lãnh đạo các trường CĐ đang đứng ngồi không yên với đủ nỗi lo.


Năm nay, dự kiến càng khó khăn hơn - Ảnh: Mỹ Quyên

Năm nay, dự kiến càng khó khăn hơn – Ảnh: Mỹ Quyên

Không dự báo được tình hình
Sự thay đổi trong thi tuyển và xét tuyển trong năm nay khiến các trường CĐ hoàn toàn bị động. Thạc sĩ Phạm Đình Cường, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TP.HCM, chia sẻ: “Thực sự là đến giờ phút này, chúng tôi cũng không thể dự báo được việc xét tuyển năm nay sẽ như thế nào. Có thể tuyển đủ chỉ tiêu hay không, vì thời điểm này thí sinh (TS) chưa quan tâm tới các trường CĐ”.
Trong năm trước, việc tổ chức kỳ thi CĐ vào đợt 3 giúp cho các trường chủ động được gần như 100% chỉ tiêu ngay sau khi có kết quả thi. Tiến sĩ Lê Trung Đạo, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Tài chính – Hải quan, cho biết: “Năm ngoái có khoảng 10.000 TS đăng ký dự thi vào trường thì chúng tôi đã tuyển được 70% chỉ tiêu ngay từ NV1. 30% chỉ tiêu còn lại tuyển xong ngay trong đợt xét nguyện vọng bổ sung đầu tiên. Năm nay, có thể phải đợi đến đầu tháng 11 mới đến lượt các trường CĐ nhận hồ sơ mà số lượng thì không biết sẽ được bao nhiêu”.
Tiến sĩ Đào Khánh Dư, Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng cũng thông tin, vào thời điểm này của năm trước, ngay sau khi có điểm thi trường đã đưa ra điểm chuẩn dự kiến và nắm chắc trong tay lượng chỉ tiêu khoảng 3.000. Sau khi Bộ công bố điểm sàn, trường lập tức gửi giấy báo nhập học cho TS và nhập học đủ mà không cần tuyển nguyện vọng bổ sung.
Mặc dù trên lý thuyết, năm nay các trường CĐ cũng nhận hồ sơ xét tuyển ngay từ đợt 1 cùng với các đợt nguyện vọng bổ sung, nhưng trên thực tế, TS chỉ đang tập trung vào các trường ĐH. Thạc sĩ Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt, lo ngại: “Không những thế, mỗi đợt có đến 4 ưu tiên khác nhau nên số lượng TS lọt sàng xuống nia… CĐ tính đến đợt xét tuyển cuối cùng (đợt 4, từ ngày 31.10 đến 15.11) hẳn không còn nhiều”.
Điểm sàn CĐ không còn ý nghĩa
Hiện nay, các trường CĐ chỉ còn hy vọng vào số lượng TS đạt dưới điểm sàn ĐH nhưng trên điểm sàn CĐ nộp hồ sơ. “Tuy nhiên, ngay cả nguồn tuyển này cũng không chắc chắn, vì năm nay có tới gần 200 trường xét tuyển bằng điểm học bạ. những TS không đủ điểm đậu theo phương thức sử dụng điểm THPT quốc gia vẫn có khả năng đậu bằng phương thức học bạ”, tiến sĩ Lê Trung Đạo, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Tài chính – Hải quan nhận định.
Chính vì thế, thạc sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Công thương TP.HCM, cho rằng việc đưa ra ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho bậc CĐ sẽ không còn ý nghĩa. “Đa số các trường ĐH tốp dưới có xét tuyển học bạ. Nguồn tuyển cho CĐ sẽ còn rất ít. Phổ điểm năm nay phần lớn ở mức 5, 6 điểm, vì vậy nguồn tuyển sẽ càng ít hơn nữa nếu như Bộ xác định mức chênh lệch giữa điểm sàn ĐH với CĐ không quá cao”, ông Tuấn chia sẻ. Thạc sĩ Đào Khánh Dư cho rằng, nếu mức chênh lệch này chỉ ở khoảng 3 điểm như năm trước, thì các trường CĐ sẽ vô cùng khó khăn.
Tiến sĩ Lê Trung Đạo đề xuất, các trường CĐ, thậm chí các bậc học thấp hơn, sẽ không phải quá lo lắng về công tác tuyển sinh nếu Bộ quyết liệt hơn trong công tác phân luồng. Theo đó, cần căn cứ vào nhu cầu của xã hội, chỉ tuyển bao nhiêu chỉ tiêu vào ĐH, bao nhiêu phần trăm vào CĐ, từ đó xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho 2 bậc học.
Kế hoạch đào tạo bị xáo trộn

Theo lãnh đạo nhiều trường CĐ, với quy định về xét tuyển như năm nay, các trường sẽ gặp phải khó khăn lớn trong công tác đào tạo. Thạc sĩ Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt nhận định: “Khi các trường ĐH có thể khai giảng vào tháng 9 và bắt đầu chương trình đào tạo, thì đến giữa tháng 11 chúng tôi mới tuyển xong, mà chưa chắc đã tuyển đủ. Việc khai giảng có thể phải đến gần cuối tháng 11. Kế hoạch về đào tạo đúng tiến độ coi như bị phá sản”.
Tiến sĩ Lê Trung Đạo, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Tài chính – Hải quan cũng lo lắng, mọi năm tháng 9 là trường đã khai giảng và bắt đầu giảng dạy cho khóa mới thì năm nay kế hoạch đào tạo hoàn toàn bị xáo trộn.
Sinh viên một trường CĐ tại TP.HCM. Nhiều năm gần đây các trường CĐ luôn gặp khó khăn trong tuyển sinh.

Mỹ Quyên