10/01/2025

Thông điệp “từ trái tim” của Tổng thống Obama

Không chỉ khuyến khích giới trẻ Kenya vượt qua những rào cản một thời của thế hệ đi trước, Tổng thống Barack Obama còn “chẩn bệnh, kê đơn” cho những “chứng nan y” kéo lùi đất nước Kenya.

 

Thông điệp “từ trái tim” của Tổng thống Obama

 

Không chỉ khuyến khích giới trẻ Kenya vượt qua những rào cản một thời của thế hệ đi trước, Tổng thống Barack Obama còn “chẩn bệnh, kê đơn” cho những “chứng nan y” kéo lùi đất nước Kenya.


 

Tổng thống Obama bị vây chặt sau bài phát biểu đầy cảm xúc tại sân vận động ở Nairobi - Ảnh: Reuters
Tổng thống Obama bị vây chặt sau bài phát biểu đầy cảm xúc tại sân vận động ở Nairobi – Ảnh: Reuters

Hôm chủ nhật (26-7), tại sân vận động có mái che ở thủ đô Nairobi, với sự hiện diện của hơn 4.500 sinh viên, quan chức chính phủ và lãnh đạo các cơ quan dân sự, Tổng thống Barack Obama đã có bài phát biểu được truyền thông đánh giá là “xuất phát từ trái tim” gửi tới mọi người, đặc biệt những người trẻ.

Phong cách gần gũi, nụ cười cởi mở thường trực và vẻ thân thiện dường như đặc biệt hơn bình thường, tổng thống Mỹ đã khiến toàn thể sân vận động như dậy sóng khi mở đầu với những lời tri ân nồng nhiệt: “Tôi vinh dự khi được là tổng thống Mỹ đầu tiên đến Kenya và có lẽ cũng là tổng thống Mỹ gốc Kenya đầu tiên của nước Mỹ”.

Không có rào cản 
với người giàu ý chí

Theo Telegraph, ông Obama đã kể về việc ông nội ông từng làm đầu bếp trong quân đội Anh khi Kenya đang là thuộc địa, về sự thất vọng của cha ông sau khi du học ở Mỹ trở về, nhận ra sự xung đột giữa lý tưởng và hoài bão tuổi trẻ trước thực tế phũ phàng tại quê nhà.

Cha ông Obama từng viết hơn 30 lá thư xin học bổng gửi tới các trường đại học Mỹ và sau đó được nhận vào học ở Hawaii (chính là nơi sinh ông Obama sau này).

Theo tổng thống Mỹ, những câu chuyện ấy “đã cho thấy các rào cản rất lớn mà nhiều người Kenya đã phải đối mặt ở một, hai thế hệ trước đây”. Ông nói: “Chúng ta cần hiểu về lịch sử quá khứ để có thể học hỏi từ đó”.

Tuy nhiên ông cũng cho rằng hiện nay Kenya đã thay đổi rất nhiều. Ông nói: “Tôi tin là bây giờ không có bất cứ giới hạn nào trong các mục tiêu các bạn trẻ muốn đạt được. Một người Kenya trẻ tuổi và nhiều tham vọng ngày hôm nay không còn phải làm những gì mà ông nội tôi đã làm là phục vụ cho chủ nước ngoài, cũng không phải làm những gì mà cha tôi đã làm là phải rời bỏ quê hương để có được nền giáo dục cũng như tiếp cận cơ hội tốt hơn. Vì sự tiến bộ của Kenya, vì tiềm năng của bạn, bạn có thể xây dựng tương lai ngay tại đây và ngay lúc này”.

Từ đó ông Obama đề xuất những “liều thuốc đắng” giúp giải quyết “căn bệnh trầm kha” chậm phát triển của Kenya.

Ông nói: “Các bạn có thể chọn cho mình một lộ trình phát triển, nhưng nó đòi hỏi phải đưa ra những lựa chọn quan trọng”. Theo ông, các hủ tục lạc hậu, việc phân biệt đối xử với phụ nữ, tục tảo hôn, căng thẳng sắc tộc và đặc biệt là chứng “ung thư tham nhũng” cần phải quyết liệt dẹp bỏ.

Được đồng cảm

Theo Time, lặp lại thông điệp ở lần đến châu Phi năm 2009 trên cương vị tổng thống Mỹ, ông Obama nhấn mạnh đến quan điểm tương lai của Kenya “chỉ phụ thuộc vào người dân Kenya” và họ không nên trông chờ vào sự trợ giúp từ bên ngoài.

Tổng thống Obama cũng đã dành thời gian nói về quyền bình đẳng của phụ nữ, quyền được đi học của các bé gái và thậm chí phê phán những hủ tục xem phụ nữ như “công dân hạng hai”.

Ông cho rằng Kenya cần thay đổi những điều đó vì chính chúng đang kìm hãm sự phát triển của đất nước. Ông nói: “Những hủ tục này đã lỗi thời vài thế kỷ rồi và chúng không còn chỗ trong thế kỷ 21 nữa”.

Sandra Chebet, học sinh 16 tuổi của Trường trung học Maryhill Girls tại Nairobi, cho biết thích nhất phần chia sẻ quan niệm của Tổng thống Obama về các truyền thống và hủ tục.

Cô nói: “Lâu nay mọi người luôn nói phụ nữ không thể thành công trong kinh doanh và chính trị vì vai trò đã được mặc định theo truyền thống. Nhưng nay thì tôi biết rằng mặc dù là con gái, tôi vẫn có thể trở thành một bác sĩ nhi khoa giỏi. Thật sự thì tôi đã biết như vậy, nhưng sau phát biểu của Tổng thống Obama, bây giờ mọi người dân ở Kenya cũng đều hiểu điều đó”.

Giống như nhiều người châu Phi khác, sinh viên y 21 tuổi James Mugo cho biết không lạ gì các bài diễn văn hùng hồn của các nhà lãnh đạo phương Tây, họ luôn nói họ biết châu Phi cần gì để phát triển.

Nhưng trải nghiệm lần này rất khác. “Tôi đã được nghe nói về những thực tế khắc nghiệt tại Kenya, nhưng không phải với thái độ chỉ trích nặng nề hay từ một quan điểm ở trên nhìn xuống. Lần này là những lời khuyên đến từ một người hiểu về Kenya, một người của Kenya, và như thế nó có sức ảnh hưởng mạnh mẽ hơn nhiều”, anh Mugo tỏ ra xúc động.

 

D.KIM THOA