Điểm trung bình các khối thi A, B, C từ 16-18 điểm
Ngày 28-7, hội đồng xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy năm 2015 họp để thống nhất đưa ra ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH, CĐ.
Điểm trung bình các khối thi A, B, C từ 16-18 điểm
Ngày 28-7, hội đồng xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy năm 2015 họp để thống nhất đưa ra ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH, CĐ.
Thí sinh nộp hồ sơ phúc khảo tại Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM – Ảnh: Như Hùng |
Ngưỡng này trước đây gọi là điểm sàn, để các trường xây dựng phương án xét tuyển. Điểm thi THPT quốc gia 2015 cao liệu có đẩy “điểm sàn” cao hơn nhiều so với các năm trước?
Ngày 27-7, trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết:
– 14g ngày 28-7, hội đồng xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh ĐH, CĐ 2015 họp tại Bộ GD-ĐT. Thành phần của hội đồng năm nay ngoài đại diện các trường ĐH, CĐ công lập, ngoài công lập ở các vùng miền khác nhau như mọi năm còn có sự tham gia của đại diện Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây nguyên, Tây Nam bộ.
Thành viên của các ban chỉ đạo có thể có những đề xuất, phản biện cụ thể về những tiêu chí xây dựng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào phù hợp với cơ chế đặc thù ở các vùng kinh tế – xã hội khó khăn.
15 tổ hợp xét tuyển phổ biến
* Năm 2015, tuyển sinh ĐH lần đầu tiên thực hiện theo hình thức thí sinh đăng ký xét tuyển sau khi biết điểm thi. Vậy việc xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của kỳ tuyển sinh đổi mới này hẳn phải có nhiều điểm khác trước, thưa ông?
– Việc xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH, CĐ năm nay cũng có nhiều điểm mới so với trước đây.
Căn cứ để xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào năm nay không phải dựa vào tất cả thí sinh dự thi THPT quốc gia, mà chỉ dựa trên dữ liệu điểm thi từ số thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ bằng kết quả kỳ thi này.
Thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT sẽ không được đưa vào thống kê. Ngoài ra, năm nay ngoài năm khối thi truyền thống A, A1, B, C, D còn có nhiều tổ hợp xét tuyển mới. Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục đã tiến hành thống kê điểm thi theo các khối thi truyền thống, cũng như các tổ hợp xét tuyển mới do các trường đề xuất.
Có khoảng 15 tổ hợp xét tuyển phổ biến nhất được nhiều trường áp dụng trong tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay. Hội đồng sẽ phân tích các yếu tố khác nhau để đưa ra nguyên tắc chung, trên cơ sở đó xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho các tổ hợp xét tuyển.
* Có ý kiến cho rằng bộ sẽ rất khó xác định được ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào năm nay khi phương thức tuyển sinh phân tán, có trường xét tuyển ĐH, CĐ qua học bạ, có trường xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia, có trường lại sử dụng cả hai phương thức tuyển sinh nên bộ không có đủ dữ liệu chỉ tiêu cụ thể được các trường xét tuyển qua kết quả thi THPT quốc gia…
– Năm nay có gần 200 trường ĐH, CĐ có đề án tự chủ tuyển sinh, xét tuyển một phần chỉ tiêu dựa vào kết quả thi THPT quốc gia và phần còn lại xét tuyển bằng kết quả học tập phổ thông. Trong đề án tự chủ tuyển sinh, các trường đều phải xác định rõ tỉ lệ chỉ tiêu dành cho từng hình thức xét tuyển.
Chỉ tiêu tuyển sinh của các trường này cũng sẽ được hội đồng xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cân nhắc trong tổng chỉ tiêu chung, khi đề xuất nguyên tắc xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào phù hợp.
Trên 100.000 thí sinh thi khối A đạt từ 20 điểm trở lên
* Phổ điểm thi THPT quốc gia năm nay mà Bộ GD-ĐT công bố khả quan hơn rất nhiều so với kết quả thi các kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ các năm trước. Có chuyên gia tuyển sinh phân tích rất kỹ: nếu dựa hoàn toàn vào phổ điểm thì ngưỡng đảm bảo chất lượng ở một số khối thi như A, B tăng mạnh, có thể cao hơn đến 3 – 4 điểm so với các năm trước (ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào năm 2014 với khối A là 13 điểm, khối B là 14 điểm). Vậy Bộ GD-ĐT sẽ dựa hoàn toàn vào phổ điểm để xây dựng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào hay sẽ cân nhắc để “hạ nhiệt” ngưỡng này nhằm “cứu” một số trường lâu nay vẫn kêu ca khát nguồn tuyển?
– So với điểm thi tuyển sinh ĐH, CĐ các năm trước, điểm thi THPT quốc gia của thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào ĐH, CĐ năm nay cao hơn.
Năm 2015, số thí sinh có nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ thi đủ ba môn của khối A truyền thống là 320.000 thí sinh, số thí sinh dự thi đủ ba môn khối B là 187.000 thí sinh, khối C có 111.000 thí sinh và số thí sinh thi đủ ba môn khối D là 543.000 thí sinh.
Thống kê ban đầu về thí sinh thi đủ ba môn khối A (toán, lý, hoá) cho thấy có 110.000 thí sinh đạt từ 20 điểm trở lên, 243.000 thí sinh đạt từ 15 điểm trở lên. Trong 187.000 thí sinh thi đủ ba môn khối B có 45.000 thí sinh đạt từ 20 điểm trở lên, 121.000 thí sinh đạt từ 15 điểm trở lên…
Ở các khối thi truyền thống như A, B, C và các tổ hợp môn thi có ít nhất từ hai môn tự nhiên (toán, lý, hóa, sinh) trở lên thì mức điểm trung bình thí sinh đạt được nằm trong khoảng 16 – 18 điểm. Trong khi đó, các tổ hợp gồm môn toán kết hợp với các môn xã hội hoặc môn ngoại ngữ thì điểm thi trung bình thấp hơn, chỉ ở mức 13 – 15 điểm.
Tuy nhiên, việc xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cũng cần xem xét đến yếu tố đảm bảo nguồn tuyển cho các trường. Mọi năm hội đồng xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cũng thường phải dự trù một hệ số dôi dư nguồn tuyển nhất định. Nghĩa là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào sẽ xác định sao cho số thí sinh đạt được mức điểm này trở lên dôi dư theo tỉ lệ nhất định so với tổng chỉ tiêu tuyển sinh của khối thi đó.
Ở những khối thi có tỉ lệ thí sinh ảo thấp, hệ số dôi dư thường là 1,3 – 1,4. Ở những khối thi có tỉ lệ thí sinh ảo cao, hệ số dôi dư có khi lên đến 2 – 3 lần. Hội đồng sẽ xem xét cân đối với chỉ tiêu tuyển sinh để xác định hệ số dôi dư phù hợp.
Tư vấn trực tuyến “Điểm nào dễ trúng tuyển ĐH, CĐ?” Buổi tư vấn trực tuyến với chủ đề “Điểm nào dễ trúng tuyển ĐH, CĐ?” với sự tham gia tư vấn của đại diện Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT và ĐHQG TP.HCM sẽ được Tuổi Trẻ Onlinethực hiện ngay sau phiên họp của hội đồng xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy năm 2015, bắt đầu từ 17g30 ngày 28-7. Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ở từng tổ hợp môn thi là bao nhiêu? Với mức điểm đã đạt, bạn nên chọn trường nào, ngành nào? Thời điểm nào nên nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển? Cần làm gì để có cơ hội trúng tuyển cao nhất ngay từ đợt xét tuyển đầu tiên?… Tất cả băn khoăn này của thí sinh sẽ được giải đáp tường tận, chính xác từ các chuyên gia tuyển sinh đến từ Bộ GD-ĐT và ĐHQG TP.HCM, gồm: – PGS.TS Trần Văn Nghĩa, phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT. – ThS Đỗ Thanh Duy, trưởng phòng quản lý tuyển sinh và công nhận văn bằng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT. – TS Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc ĐHQG TP.HCM. Ngay từ bây giờ, thí sinh có thể đặt câu hỏi tham gia giao lưu trực tuyến trên Tuổi Trẻ Online. |