Nhiều trường dùng tiêu chí phụ để xét tuyển
Lo ngại số lượng thí sinh bằng điểm nhiều hơn chỉ tiêu cần tuyển, nhiều trường đưa ra tiêu chí phụ để xét tuyển ĐH.
Nhiều trường dùng tiêu chí phụ để xét tuyển
Lo ngại số lượng thí sinh bằng điểm nhiều hơn chỉ tiêu cần tuyển, nhiều trường đưa ra tiêu chí phụ để xét tuyển ĐH.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2015 tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM – Ảnh: Minh Giảng |
Công tác xét tuyển vì vậy được dự báo sẽ rối rắm hơn cho cả trường và thí sinh so với năm trước.
Hiện nay, nhiều trường ĐH đã đưa ra các tiêu chí phụ để xét tuyển, và không ít trường đang xây dựng tiêu chí phụ đề phòng trường hợp số lượng thí sinh bằng điểm nhau quá nhiều. Theo lý giải của các trường, điểm thi của thí sinh năm nay khá cao, tính phân loại ít, nên rất có thể cùng một mức điểm mà rất nhiều thí sinh đạt được.
Trường ĐH Kinh tế TP.HCM vừa đưa ra các tiêu chí phụ để xét tuyển trong kỳ tuyển sinh năm nay. Theo đó, trong trường hợp nhiều thí sinh có cùng điểm xét tuyển và vượt chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường, trường sẽ ưu tiên xét tuyển thí sinh có điểm môn toán cao hơn cho đến đủ chỉ tiêu. Nếu số này vẫn còn thừa so với chỉ tiêu, trường sẽ tiếp tục ưu tiên xét tuyển cho các thí sinh có điểm môn tiếng Anh từ điểm cao xuống cho đến khi đủ chỉ tiêu.
Xét qua nhiều “sàn”
ThS Nguyễn Văn Đương – phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM – cho biết sau khi sử dụng tiêu chí phụ môn toán, lượng thí sinh đồng điểm sẽ không nhiều. Nếu tiếp tục xét tuyển theo tiêu chí môn tiếng Anh, những thí sinh xét tuyển theo tổ hợp toán, lý, hoá mà không dự thi tiếng Anh sẽ có phần thiệt thòi vì không thể tham gia xét tuyển.
Cũng xét tuyển tiêu chí phụ, nhưng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch không xét ưu tiên điểm thi của các môn xét tuyển vào trường là toán, hoá, sinh mà lại ưu tiên xét điểm thi môn… ngoại ngữ. Theo đó, trường xét tuyển theo điểm thi THPT quốc gia ba môn toán, hoá, sinh cho đến khi đủ chỉ tiêu. Trong trường hợp số lượng thí sinh có điểm ba môn xét tuyển nhiều hơn chỉ tiêu, trường sẽ dùng kết quả môn thi ngoại ngữ để ưu tiên tuyển chọn. Thí sinh nào có điểm ngoại ngữ cao hơn sẽ được ưu tiên xét tuyển.
Trong trường hợp khi có thêm điểm ngoại ngữ nhưng kết quả của thí sinh vẫn tương đương, trường sẽ xét thêm tiêu chí điểm trung bình học bạ ba năm học THPT của thí sinh.
ThS Nguyễn Ngọc Hà – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch – cho biết: “Ba môn toán, sinh và hóa thí sinh dễ đạt điểm cao, nên trường quyết định chọn môn ngoại ngữ làm tiêu chí phụ đầu tiên để xét tuyển. Những thí sinh không dự thi môn ngoại ngữ coi như đã bị loại khỏi vòng xét tuyển này”.
Dĩ nhiên, tiêu chí xét tuyển đầu tiên của các trường đó là điểm thi của ba môn thuộc tổ hợp xét tuyển. Tuy nhiên, nhằm tránh trường hợp có quá nhiều thí sinh bằng điểm nhau trong khi chỉ tiêu tuyển lại hạn chế, nhiều trường ĐH buộc phải sử dụng nhiều tiêu chí phụ.
Trường ĐH Dược Hà Nội sẽ ưu tiên môn hoá, sau đó tới môn toán. Trường ĐH Y dược TP.HCM ưu tiên thí sinh có điểm thi môn hoá cao hơn đối với ngành dược và môn sinh với các ngành còn lại. Các trường ĐH Y dược Cần Thơ, Kiến trúc TP.HCM, Kinh tế quốc dân, ĐH Đà Nẵng, Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, Sư phạm TP.HCM… đều sử dụng tiêu chí phụ là điểm thi của một trong số các môn của tổ hợp xét tuyển.
Ông Phạm Thái Sơn – phó giám đốc trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM – cho biết trong trường hợp sử dụng tiêu chí điểm thi môn chính vẫn còn nhiều thí sinh đồng điểm, trường sẽ xét tuyển điểm học bạ của ba môn thuộc tổ hợp xét tuyển. “Việc xét tuyển sẽ phức tạp hơn, nhưng vẫn phải thực hiện. Hiện nay bộ chưa công bố phổ điểm chi tiết theo mức 0,25 đến 0,75 mà chỉ có điểm chẵn, nên cũng khó cho trường trong việc định lượng điểm số của thí sinh”.
Trong khi đó, TS Lê Chí Thông – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) – chia sẻ hiện nay trường chưa sử dụng tiêu chí phụ, khi xét tuyển nếu có trường hợp quá nhiều thí sinh trùng điểm, trường mới đặt vấn đề tiêu chí phụ. Thực tế phổ điểm năm nay tập trung vào một số nhóm điểm, nên khả năng nhiều thí sinh trùng điểm có thể xảy ra. Những thí sinh từ 25 điểm trở lên sẽ ít lo vấn đề trùng điểm, trong khi nhóm thí sinh trong khoảng điểm từ 20 đến 24 có thể sẽ rất nhiều.
Rối rắm xét tuyển
Theo các trường, việc xét tuyển bằng các tiêu chí phụ sẽ khiến công tác xét tuyển phức tạp hơn, nhưng vẫn có thể thực hiện được. Tuy nhiên, năm đầu tiên xét tuyển dựa vào phần mềm chung của Bộ GD-ĐT, nhiều cán bộ quản lý cho rằng… chưa biết thực tế thế nào và có thể sẽ rất rối rắm. Trong đó, nếu thí sinh scan màu giấy chứng nhận kết quả, nộp ở nhiều trường mà phần mềm không nhận dạng và ngăn chặn được, thì số thí sinh ảo sẽ nhiều.
TS Lê Ngọc Tứ – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM – băn khoăn: “Về lý thuyết, phần mềm của bộ chỉ cho phép một mã vạch trên giấy chứng nhận của thí sinh được nhận diện ở một trường, khi thí sinh nộp tiếp vào một trường khác sẽ không hiển thị thông tin. Tuy nhiên chưa triển khai thực tế nên chưa biết thế nào”.
Tiên lượng khả năng trên có thể xảy ra, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm đã đưa ra các phương án xử lý trường hợp này. Ông Phạm Thái Sơn cho hay khi hai trường cùng quét một mã vạch, trường nào quét sau sẽ bị “đụng”. Trong trường hợp này, trường sẽ yêu cầu thí sinh liên hệ với trường đã quét và nhận diện mã vạch để xoá dữ liệu thì mới có thể nộp hồ sơ xét tuyển được.
Cũng vì lý do “đụng” này, khi thí sinh rút hồ sơ ở trường này để nộp vào trường khác sẽ không thực hiện được nếu trường mà thí sinh rút hồ sơ không xoá ngay dữ liệu của thí sinh. TS Lê Chí Thông cho rằng khi thí sinh rút hồ sơ, theo nguyên tắc trường phải xóa ngay dữ liệu đăng ký xét tuyển của thí sinh tại trường đó. Tuy nhiên, thực tế có thể có hàng ngàn thí sinh rút hồ sơ và trường không đủ người túc trực liên tục để xóa dữ liệu của thí sinh. Như vậy thí sinh dù rút hồ sơ rồi nhưng không thể nộp vào trường khác, do dữ liệu vẫn còn ở trường ĐH cũ.
Trong khi đó, một cán bộ tuyển sinh băn khoăn việc sử dụng phần mềm và dữ liệu chung có thể sẽ khiến thí sinh thiệt thòi. Chẳng hạn, một trường muốn “găm” thí sinh để xét tuyển vào các bậc học khác của trường và không trả dữ liệu về hệ thống sau khi đã xét tuyển xong. Như thế phần mềm sẽ nhận dạng thí sinh này đã trúng tuyển. Nếu thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung sẽ không được chấp nhận, vì trên hệ thống đã thể hiện thí sinh đã trúng tuyển, trong khi thực tế là chưa.
Nên điều chỉnh tại nơi đăng ký dự thi Trong phiếu đăng ký xét tuyển năm nay có phần để thí sinh đề nghị trường điều chỉnh khu vực và đối tượng ưu tiên. Trưởng phòng đào tạo một trường ĐH tại TP.HCM cho rằng điều này là bất khả thi, vì các trường không có đầy đủ dữ liệu để điều chỉnh. Theo vị này, việc điều chỉnh đối tượng không có vấn đề gì vì khi thí sinh nhập học, trường sẽ kiểm tra hồ sơ. Tuy nhiên, khu vực ưu tiên sẽ được phần mềm của bộ nhận diện tự động dựa vào các điều kiện cụ thể. Như vậy thí sinh đề nghị điều chỉnh trong khi trường lại không có dữ liệu đầy đủ về thí sinh. Nếu điều chỉnh sai có thể dẫn đến trường hợp thí sinh xác định sai khu vực, và kết quả là từ đậu thành rớt. Cũng theo vị này, bộ cấp quyền điều chỉnh thông tin thí sinh cho các nơi nhận hồ sơ. Do vậy, để bảo đảm thông tin chính xác, nên cho phép thí sinh điều chỉnh tại những nơi đăng ký dự thi, bởi đó là nơi nắm dữ liệu gốc của thí sinh. |