10/01/2025

Điểm chuẩn các trường sẽ tăng

Đại diện nhiều trường cho biết thí sinh chỉ nên nộp hồ sơ vào trường nếu có kết quả thi cách xa ngưỡng điểm xét tuyển đầu vào sẽ công bố trong thời gian sắp tới.

 

Điểm chuẩn các trường sẽ tăng

 

Đại diện nhiều trường cho biết thí sinh chỉ nên nộp hồ sơ vào trường nếu có kết quả thi cách xa ngưỡng điểm xét tuyển đầu vào sẽ công bố trong thời gian sắp tới.



Nhân viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM gấp rút in phiếu điểm cho thí sinh - Ảnh: Đào Ngọc ThạchNhân viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM gấp rút in phiếu điểm cho thí sinh – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Ngành bác sĩ đa khoa có thể trên 26 điểm
Ngành bác sĩ đa khoa của Trường ĐH Y Dược TP.HCM luôn có sự cạnh tranh gay gắt giữa các thí sinh (TS) giỏi. Qua điểm chuẩn năm nay, PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi, Phó trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho rằng: “Điểm chuẩn dự kiến của ngành này sẽ tiếp tục cao, thậm chí còn cao hơn năm rồi”. Cũng theo ông Khôi, trường vẫn có những ngành điểm chuẩn khá mềm như: y tế công cộng, điều dưỡng, bác sĩ y học dự phòng… Năm 2014, điểm chuẩn ngành cao nhất là bác sĩ đa khoa với 26 điểm và thấp nhất là y tế công cộng 18,5 điểm.
Ngành kinh tế vẫn “nóng”
Một số trường ĐH đào tạo nhóm ngành kinh tế cho biết điểm chuẩn dự kiến tăng. Thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho biết điểm chuẩn của trường năm nay có thể tăng thêm từ 1 đến 2,5 điểm so với năm trước. Như vậy, điểm chuẩn dự kiến các ngành khi chưa nhân hệ số có thể từ 19,5 đến 21 điểm. Lý giải điều này, ông Sĩ cho biết năm 2014 điểm chuẩn của trường cao hơn điểm sàn của Bộ 5,5 điểm. Với phổ điểm kỳ thi năm nay, điểm sàn có thể tăng từ 1 – 3 điểm (tuỳ tổ hợp môn xét tuyển), vì vậy điểm chuẩn của trường ắt sẽ tăng theo.
Ngay tại những trường đào tạo đa ngành, ngành kinh tế cũng được dự đoán có điểm chuẩn cao hơn. Thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Giám đốc truyền thông và tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen, lưu ý năm 2014 điểm chuẩn các ngành công nghệ ở mức 13, năm nay dự kiến tăng lên 1 – 2 điểm. Đặc biệt các ngành khối kinh tế (kinh doanh quốc tế, quản trị kinh doanh, nhóm ngành du lịch) điểm chuẩn dự kiến có thể 15 – 17 điểm (năm ngoái 14 – 15). “Tuy nhiên, phổ điểm tiếng Anh thấp hơn, khả năng điểm chuẩn các tổ hợp có môn tiếng Anh sẽ thấp hơn các tổ hợp khác trong cùng ngành”, ông Bình nhấn mạnh.
Nhiều ngành sư phạm từ 7 điểm/môn mới có thể trúng tuyển
Thạc sĩ Lê Ngọc Tứ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, dự báo năm nay một số ngành điểm chuẩn vẫn ở mức cao gồm: sư phạm toán, sư phạm hoá, sư phạm tiếng Anh, ngôn ngữ Anh. TS phải đạt điểm trung bình tối thiểu từ 7 – 7,5 điểm/môn mới có khả năng trúng tuyển vào các ngành này. Ngược lại, theo ông Tứ, có những ngành TS chỉ cần đạt điểm trung bình khoảng 5,5 điểm trở lên/môn vẫn có cơ hội trúng tuyển như: giáo dục chính trị, giáo dục quốc phòng an ninh, công nghệ thông tin… Các ngành còn lại, TS có mức điểm trung bình mỗi môn từ 6,5 – 7 điểm mới nên nộp hồ sơ.
Tương tự, đại diện Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng dự kiến điểm chuẩn ngành thấp nhất vào trường ở mức 16. Đặc biệt, với một số ngành, TS phải có trung bình 7 điểm/môn mới nên nộp hồ sơ như: công nghệ kỹ thuật ô tô, công nghệ chế tạo máy, công nghệ kỹ thuật cơ điện tử… Một số ngành điểm chuẩn thấp hơn gồm: kinh tế gia đình, công nghệ kỹ thuật nhiệt, công nghệ in.
Còn đại diện Trường ĐH Luật TP.HCM nhận định với điểm tăng mạnh của kỳ thi năm nay, dự kiến điểm chuẩn các ngành của trường sẽ tăng theo. Theo đại diện này, TS cân nhắc kỹ, nếu có mức điểm tối thiểu bằng điểm chuẩn năm 2014 của trường mới nên nộp xét tuyển. Năm 2014, điểm chuẩn ngành thấp nhất của trường là 19 (ngôn ngữ Anh và quản trị kinh doanh). Còn luật thương mại và quản trị – luật (khối D3) có điểm chuẩn cao nhất (22 điểm).
Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM năm nay giữ nguyên các tổ hợp môn xét tuyển theo khối thi truyền thống (gồm A, A1, D1 và B). Theo tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo, điểm chuẩn các ngành theo khối thi năm 2015 từ 16 – 21 điểm (khối A, A1, D1) và từ 17 – 21 (khối B). Tiến sĩ Lý dự kiến điểm chuẩn các ngành năm nay sẽ tăng thêm 2 điểm so với năm ngoái, có nghĩa TS có tổng điểm 3 môn theo tổ hợp phải từ 18 trở lên mới nên nộp hồ sơ vào trường. Mức điểm chuẩn tối thiểu của ngành cao nhất có khi lên mức 23 điểm. TS lưu ý riêng nhóm ngành công nghệ, điểm chuẩn tổ hợp xét tuyển theo khối B cũ luôn cao hơn 1 – 2 điểm so với các tổ hợp còn lại trong cùng ngành.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, một số trường ĐH cho biết cơ hội trúng tuyển của TS rất lớn với mức điểm sàn như: Công nghệ TP.HCM, Lạc Hồng, Quốc tế Hồng Bàng…
Khối ngành kỹ thuật ổn định

Một số trường đào tạo nhóm ngành công nghệ kỹ thuật vẫn dự kiến điểm chuẩn ổn định như năm ngoái. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết dự kiến điểm chuẩn các ngành nhóm cơ khí, điện tử giữ ở mức 14 – 15 điểm. Nhóm ngành kinh tế điểm chuẩn có thể cao hơn với khoảng 15 – 16 điểm. Riêng các ngành công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học điểm chuẩn có thể lên tới 16 – 17 điểm. Cũng theo ông Sơn, trường dành 10% chỉ tiêu xét tuyển theo học bạ với một số ngành có nhu cầu người học thấp như: điện tử, cơ khí, thủy sản…
Tương tự, đại diện Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng nói, nếu TS có tổng điểm 3 môn cao hơn từ 1 – 3 điểm so với điểm sàn của Bộ có thể nộp hồ sơ xét tuyển vào trường.
Trên cơ sở kết quả thi năng khiếu của TS dự thi vào Trường ĐH Văn Lang vừa qua, thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo trường này, cho biết mức điểm trung bình TS dự thi các môn này khoảng 6,5 điểm (chưa nhân hệ số). Dự báo điểm bình quân các môn văn hóa năm nay tăng 1 – 2 điểm nên điểm chuẩn 5 ngành năng khiếu sẽ tăng theo. Tuy nhiên, năm nay chỉ tiêu các ngành này tăng theo tổng chỉ tiêu chung (thêm 700 chỉ tiêu so với năm ngoái) nên khả năng điểm các ngành năng khiếu chỉ từ mức điểm chuẩn năm ngoái trở lên. Năm 2014, điểm chuẩn các ngành năng khiếu từ 22 – 15 (môn năng khiếu nhân hệ số 2).

Hà Ánh