28/11/2024

Trung Quốc xây đảo nhằm mục đích quân sự

Đó là nhận định của Đô đốc Harry B.Harris Jr., Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (Mỹ), về việc Trung Quốc cấp tập xây dựng các cơ sở phi pháp ở Biển Đông.

 

Trung Quốc xây đảo nhằm mục đích quân sự

 

 

Đó là nhận định của Đô đốc Harry B.Harris Jr., Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (Mỹ), về việc Trung Quốc cấp tập xây dựng các cơ sở phi pháp ở Biển Đông. Ông cũng đồng thời nhấn mạnh, Mỹ sẵn sàng tấn công các cơ sở này nếu chúng đe doạ đến các lợi ích và đồng minh của Mỹ.


 Ngoài đường băng dài 3 km trên đá Chữ Thập, Trung Quốc còn được cho là đang xây dựng một đường băng khác trên đá Xu Bi - Ảnh: DigitalGlobe Ngoài đường băng dài 3 km trên đá Chữ Thập, Trung Quốc còn được cho là đang xây dựng một đường băng khác trên đá Xu Bi – Ảnh: DigitalGlobe

Phát biểu tại một diễn đàn an ninh ở thành phố Aspen thuộc bang Colorado ngày 24.7 (giờ địa phương), Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry B.Harris Jr., nhấn mạnh tình trạng Trung Quốc ngày càng mạnh bạo ở Biển Đông là vấn đề mà công chúng Mỹ phải biết và chính phủ nước này phải giải quyết. “Dù VN, Malaysia, Philippines và Đài Loan cũng có hoạt động bồi đắp, tổng diện tích bồi đắp của họ – khoảng hơn 40 ha trong 45 năm – chẳng là gì so với kích cỡ, phạm vi và mức độ xây đắp của Trung Quốc. Chỉ trong 18 tháng, Trung Quốc bồi đắp hơn 1.214 ha”, ông Harris khẳng định.

Cảng cho chiến hạm, đường băng cho chiến đấu cơ
 
 
Trung Quốc xây đảo nhằm mục đích quân sự - ảnh 2

Họ đang xây các cảng đủ sâu để có thể chứa các chiến hạm và một đường băng dài hơn 3 km đủ để một máy bay ném bom B-52 cất cánh, gần đủ lớn cho một tàu con thoi, và dư gần 1 km so với yêu cầu cho một máy bay Boeing 747. Không có máy bay nhỏ nào cần một sân bay có chiều dài như thế

Trung Quốc xây đảo nhằm mục đích quân sự - ảnh 3
 

Đô đốc Harry B.Harris Jr., Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (Mỹ)

 

Trong bài phát biểu trước hàng chục lãnh đạo an ninh cấp cao của Mỹ tại diễn đàn, Đô đốc Harris nêu hàng loạt những hậu quả tiềm ẩn từ hoạt động bồi đắp, xây đảo nhân tạo của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN. Ông nhấn mạnh: “Tôi tin rằng những cơ sở đó rõ ràng mang bản chất quân sự. Họ đang xây các cảng đủ sâu để có thể chứa các chiến hạm và một đường băng dài hơn 3 km đủ để một máy bay ném bom B-52 cất cánh, gần đủ lớn cho một tàu con thoi, và dư gần 1 km so với yêu cầu cho một máy bay Boeing 747. Không có máy bay nhỏ nào cần một sân bay có chiều dài như thế. Họ còn đang xây nhà chứa máy bay tại một số cơ sở rõ ràng được thiết kế để dành cho các máy bay chiến đấu chiến thuật”.

Đô đốc Harris còn quan ngại rằng Trung Quốc có thể dùng các đảo nhân tạo phi pháp ở Trường Sa làm các chốt do thám, theo trang tin Defense Once.Nếu đúng như vậy, ông cho rằng, các tàu chiến Mỹ có thể tấn công các đảo nhân tạo đó trong trường hợp xảy ra xung đột và với khả năng của Mỹ hiện nay, việc tấn công các mục tiêu đó là điều dễ dàng. Ông cũng tuyên bố Mỹ sẽ sử dụng vũ lực quân sự để bảo vệ lợi ích và các đồng minh trước bất kỳ mối đe doạ nào xuất phát từ các đảo nhân tạo này.
Trước đó, tân chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Scott Swift, cũng cảnh báo Trung Quốc đang xây dựng các cơ sở trên biển cho hải quân nước này ở Trường Sa, theo Đài NHK. Đô đốc Swift đưa ra nhận xét trên chỉ vài ngày sau khi ông có mặt trong chuyến tuần thám 7 giờ đồng hồ trên chiếc máy bay săn ngầm P-8A ở Biển Đông.
Thay đổi hiện trạng
Cũng tại diễn đàn trên, Đô đốc Harris khẳng định hành động xây đắp của Trung Quốc ở Biển Đông đang gây ra nhiều tác hại, không chỉ cho môi trường. Ông cho rằng những nguyên tắc vốn giúp duy trì an ninh và sự phồn thịnh ở khu vực trong mấy năm qua cũng đang bị đe đoạ. Nếu những nguyên tắc đó bị phá vỡ, nền kinh tế và an ninh của Mỹ cũng sẽ bị tác động lớn. Ông thẳng thắn chỉ trích Trung Quốc không có những nỗ lực đáng tin cậy để giải quyết các tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng. “Hầu hết các nước theo đuổi những giải pháp hoà bình để giải quyết tranh chấp.
Trái lại, Trung Quốc đang thay đổi hiện trạng ở khu vực thông qua việc xây đảo một cách hung hăng mà không có nỗ lực nào về mặt ngoại giao cho việc giải quyết hay phân xử tranh chấp”, Defense Once dẫn lời ông Harris phát biểu tại diễn đàn. Từ đó, ông Harris kêu gọi Trung Quốc dùng các cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế và tuân theo các thỏa thuận mà nước này và các quốc gia láng giềng đã đạt được. “Chính hành động của Trung Quốc đã đẩy các quốc gia láng giềng của họ ở Biển Đông tăng cường quan hệ với nhau và với Mỹ, chứ không phải do nỗ lực đột ngột của Mỹ nhằm tăng cường ổn định và an ninh trong khu vực”, ông Harris khẳng định.
Việc đẩy mạnh vai trò của Mỹ ở Biển Đông cũng là chủ đề trong một phiên điều trần của Tiểu ban châu Á – Thái Bình Dương thuộc Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ ngày 23.7. Phát biểu tại phiên điều trần, Giám đốc Chương trình an ninh châu Á – Thái Bình Dương thuộc Trung tâm an ninh Mỹ mới Patrick Cronin dự đoán nếu Trung Quốc cố ngăn chặn Philippines tiếp tế cho binh sĩ đồn trú trên tàu hải quân BRP Sierra Madre mắc cạn ở bãi Cỏ Mây thuộc Trường Sa, Mỹ có thể làm công việc này giúp Philippines. Thậm chí, Mỹ cũng có thể triển khai quân đến đó để huấn luyện binh sĩ Philippines. Ông Cronin khẳng định đây là một trong những hành động mà Mỹ có thể làm để ứng phó nguy cơ bất ổn ở khu vực, theo The Philippine Star.
Trong khi đó, Giám đốc Tổ chức sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) Mira Rapp-Hooper khẳng định Trung Quốc là quốc gia duy nhất trong các bên tranh chấp ở Biển Đông vừa hoàn tất việc biến các thực thể trước đây nằm dưới nước thành đảo nhân tạo, theo tờ The Philippine Star. Các nước khác chỉ áp dụng các kỹ thuật để bổ sung một số diện tích trên những thực thể nằm trên mặt nước, theo bà Rapp-Hooper. Bà này cũng cho rằng Quỹ hỗ trợ Đông Nam Á với ngân sách ban đầu 50 triệu USD, do Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ đề xuất, có thể cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cho các lực lượng tuần duyên và hải quân của các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông.
ARF kêu gọi giữ gìn ổn định ở Biển Đông
Các ngoại trưởng từ hơn 20 quốc gia sẽ lên tiếng phản đối những hành động đơn phương ở Biển Đông khi tham dự Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), diễn đàn an ninh lớn nhất châu Á, ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia vào ngày 6.8, theo Kyodo News.
Hãng tin ở Nhật hôm 25.7 dẫn dự thảo tuyên bố chung của ARF cho hay các nhà ngoại giao sẽ kêu gọi tất cả các bên liên quan “làm việc một cách xây dựng” và “kiềm chế những hành động đơn phương đe dọa hoà bình và ổn định” ở khu vực.
Các ngoại trưởng cũng sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình, ổn định, giao thương hợp pháp không bị cản trở và tự do hàng không và hàng hải” ở các vùng biển khu vực. Dự thảo còn kêu gọi tất cả 10 nước thành viên ASEAN sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Văn Khoa