Giai đoạn gay go cho thí sinh…
Hơn 3.000 câu hỏi đã được gửi đến hai buổi tư vấn trực tuyến chủ đề “Điểm nào? Trường nào? Ngành nào?” do Tuổi Trẻ Online tổ chức sáng 24 và 25-7. Phần lớn thắc mắc tập trung vào mức điểm chuẩn dự kiến của các trường ĐH, CĐ.
Giao lưu trực tuyến “Điểm nào? Trường nào? ngành nào?”: Giai đoạn gay go cho thí sinh…
Hơn 3.000 câu hỏi đã được gửi đến hai buổi tư vấn trực tuyến chủ đề “Điểm nào? Trường nào? Ngành nào?” do Tuổi Trẻ Online tổ chức sáng 24 và 25-7. Phần lớn thắc mắc tập trung vào mức điểm chuẩn dự kiến của các trường ĐH, CĐ.
Các chuyên gia tham gia trả lời thắc mắc thí sinh vào sáng 25-7 – Ảnh: T.T.D. |
TS Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, lưu ý: “Thí sinh đang bước vào một giai đoạn gay go không kém kỳ thi THPT vừa qua là xét tuyển. Do vậy, đây là thời gian thí sinh cần tham khảo, thu thập đầy đủ thông tin và các quy định trong xét tuyển để có cơ hội cao nhất được xét trúng tuyển ngay trong đợt xét tuyển nguyện vọng 1”.
Tham khảo điểm chuẩn các năm trước
Về vấn đề này, các chuyên gia tư vấn đều khuyên thí sinh nên tham khảo thông tin về điểm chuẩn các năm trước của các trường, để đưa ra đăng ký xét tuyển phù hợp. Dự báo điểm chuẩn trúng tuyển vào các trường khối kinh tế trong năm nay sẽ không có nhiều biến động. Theo đó, nếu thí sinh có điểm từ mức điểm chuẩn của năm trước trở lên sẽ có nhiều hi vọng trúng tuyển. Theo TS Trần Thế Hoàng – trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, điểm chuẩn của trường các năm qua khoảng từ 19 điểm (khối A) trở lên. Nếu thí sinh có điểm từ 21 trở lên thì sẽ có hi vọng trúng tuyển khá cao vào các trường khối ngành kinh tế, và có thể cân nhắc để đăng ký xét tuyển vào các trường như ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Tài chính – marketing, ĐH Kinh tế – luật (ĐHQG TP.HCM), ĐH Mở, ĐH Tôn Đức Thắng…
PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho biết theo dự kiến, điểm trúng tuyển của trường năm nay sẽ cao hơn các năm qua từ 2 – 3 điểm. ThS Nguyễn Hứa Duy Khang, phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, cho hay đối với ngành nông học và ngành thú y chỉ xét tuyển dựa vào tổ hợp môn toán, hoá, sinh. Với mức điểm 18 thì khả năng trúng tuyển vào các ngành trên là rất cao. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thư – hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, thí sinh dự thi khối A đạt từ 21 điểm trở lên nên đăng ký vào các trường kỹ thuật, khả năng đậu sẽ cao hơn. Trong khi đó, ThS Nguyễn Anh Sơn, phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, khuyên: với thí sinh có điểm không cao (từ 17 điểm trở xuống) nên lựa chọn những trường thuộc khối ngoài công lập, cơ hội trúng tuyển sẽ cao hơn.
Các chuyên gia cũng lưu ý năm nay nhiều trường có đề án tuyển sinh riêng, thí sinh nên tham khảo chi tiết website của các trường này để chuẩn bị kỹ hồ sơ và có sự lựa chọn phù hợp. Bên cạnh đó, theo quy định của Bộ GD-ĐT, năm nay trong thời hạn 20 ngày của đợt xét tuyển đầu tiên (từ ngày 1 đến 20-8), thí sinh theo dõi điểm số của mình so với chỉ tiêu để biết khả năng trúng tuyển cao hay thấp. Trong thời gian này, thí sinh có thể thay đổi nguyện vọng bằng cách rút hồ sơ xét tuyển chuyển sang trường khác có điểm xét tuyển thấp hơn.
Ngành nào có sức hút lớn?
Đáng chú ý, trong hai buổi tư vấn trực tuyến vừa qua, nhóm ngành công nghệ thông tin và kế toán được nhiều thí sinh quan tâm nhất. Theo PGS.TS Hoàng Minh Sơn – phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nhóm ngành công nghệ thông tin hệ kỹ sư dự kiến có điểm chuẩn cao do sức hút vẫn lớn.
Trong buổi tư vấn trực tuyến sáng 25-7, khá nhiều thí sinh có mức điểm từ 23 trở lên muốn đăng ký vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội ngành công nghệ thông tin. “Với mức 22 – 23 điểm, cơ hội vào hệ kỹ sư ngành công nghệ thông tin của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội khá bấp bênh. Nhưng với số điểm này gần như chắc chắn trúng tuyển vào hệ cử nhân (4 năm) của trường” – ông Sơn chia sẻ. Nhiều thí sinh chỉ đạt 17 – 20 điểm cũng bày tỏ sự quan tâm tới ngành công nghệ thông tin và muốn được tư vấn kỹ hơn về các chuyên ngành khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính… Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Hoàng Minh Sơn cho biết công nghệ thông tin vẫn có cơ hội việc làm tốt. Sinh viên hệ cử nhân Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có khi chỉ học năm thứ 2, thứ 3 đã có việc làm, nên sức hấp dẫn của ngành này vẫn lớn nhất trong khối ngành kỹ thuật, công nghệ.
Tương tự, ở khối ngành kinh tế, GS.TS Nguyễn Quang Dong, trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân, phải trả lời khá nhiều thí sinh và các bậc phụ huynh về ngành kế toán. “Có nhiều cơ hội việc làm đa dạng với thu nhập ổn định là yếu tố để ngành kế toán luôn có sức hút lớn trong nhiều năm, và đây cũng là ngành luôn có mức điểm chuẩn cao nhất ở các trường thuộc khối kinh tế” – ông Dong nhận xét. Cũng theo GS Dong, ngành kế toán của các trường khối kinh tế năm nay có mức điểm chuẩn cao, có thể tăng nhẹ so với năm trước, vì thế hầu như sẽ chỉ tuyển sinh ngay trong đợt xét tuyển đầu tiên.
Băn khoăn 4 nguyện vọng Mỗi đợt xét tuyển có bốn nguyện vọng, nguyện vọng nào được ưu tiên xét trước? Trượt nguyện vọng 1 thì khi xét tuyển nguyện vọng 2 có bị “yếu thế” không? Trong trường hợp ngành tuyển sinh 2 tổ hợp/khối thi A, B thì có được đăng ký hai nguyện vọng theo hai khối thi vào cùng một ngành không? Đây là nội dung được rất nhiều thí sinh hỏi trong buổi giao lưu trực tuyến hai ngày 24 và 25-7. “Bốn nguyện vọng trong cùng một đợt xét tuyển, theo quy định của Bộ GD-ĐT, sẽ được xét tuyển cùng lúc, công bằng như nhau. Vì thế thí sinh không lo bị “yếu thế” ở nguyện vọng 2, 3, 4. Nếu thí sinh có nhiều nguyện vọng trong cùng một đợt xét tuyển thì chỉ cần đăng ký các nguyện vọng theo thứ tự các ngành mình yêu thích” – PGS Hoàng Minh Sơn tư vấn. GS Nguyễn Quang Dong lưu ý thí sinh cần phân biệt giữa danh sách thí sinh xếp theo nguyện vọng với mức điểm từ cao xuống thấp, với danh sách trúng tuyển tạm thời. “Do thí sinh có bốn nguyện vọng và được đăng ký đồng thời bốn nguyện vọng nên danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển có thể bị “ảo”. Vì vậy, nếu chỉ nhìn vào danh sách xếp theo thứ tự điểm thì có thể dễ bị nhầm về cơ hội trúng tuyển, mà nên căn cứ vào danh sách trúng tuyển tạm thời công bố theo các thời điểm khác nhau để có định hướng” – GS Dong nói. |
26-7, Giao lưu trực tuyến xét tuyển ĐH, CĐ 2015:
Cơ hội trúng tuyển ngành khoa học xã hội, y dược Từ 8g30 sáng 26-7, buổi giao lưu thứ ba của chuỗi giao lưu trực tuyến “Điểm nào? Trường nào? Ngành nào?” sẽ diễn ra trên Tuổi Trẻ Online. Mời bạn đọc truy cập tuoitre.vn để đặt câu hỏi liên quan đến việc xét tuyển vào nhóm ngành khoa học xã hội – nhân văn – sư phạm – ngoại ngữ – y dược. Khách mời buổi giao lưu này gồm: TS Phạm Tấn Hạ – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM), PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi – phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM, ThS Nguyễn Anh Sơn – phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, ThS Lý Trung Vinh – trưởng ban tuyển sinh hệ thống giáo dục Đại Việt Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, thầy Vũ Quang Huy – phó giám đốc Trung tâm tư vấn hướng nghiệp Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng, TS Mai Đức Ngọc – trưởng ban đào tạo Học viện Báo chí và tuyên truyền, ThS Nguyễn Hứa Duy Khang – phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Cần Thơ. |