Đại hội quốc tế người trẻ thánh hiến

VATICAN- Đại hội quốc tế người trẻ sống đời thánh hiến sẽ diễn ra trong các ngày 15-19 tháng 9 tới đây tại Roma.

Đại hội quốc tế người trẻ thánh hiến
 
VATICAN- Đại hội quốc tế người trẻ sống đời thánh hiến sẽ diễn ra trong các ngày 15-19 tháng 9 tới đây tại Roma.

Khi khai mở Năm Đời sống Thánh hiến, ĐTC Phanxicô đã kêu gọi các người sống đời thánh hiến “hãy thức tỉnh thế giới”. Đại hội do Bộ các Dòng tu và Hiệp hội Tông đồ tổ chức sẽ xoay quanh 3 từ “Tin Mừng, ngôn sứ, hy vọng” và nhắm mục đích giúp ngưởi trẻ chọn sống đời thánh hiến sống một kinh nghiệm đào tạo, qua việc đào sâu trên bình diện kinh thánh, thần học đặc sủng và Giáo hội học các yếu tố nền tảng của đời thánh hiến.

Ngoài ra, nó cũng là dịp chia sẻ các kinh nghiệm cá nhân, trình bày các mong ước và chờ đợi trong lĩnh vực đào tạo và làm chứng tá cho sức sinh động của đời tu. Trong  các ngày đại hội ban sáng sẽ có các bài thuyết trình giúp suy tư về sự thánh hiến, các lời khấn, đời sống huynh đệ và sứ mệnh đời tu. 

Ban chiều sẽ có các cuộc thảo luận và chia sẻ theo ccác nhóm nói tiếng Ý, Pháp, Anh, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Cũng có các buổi cử hành rộng mở cho tất cả mọi người như buổi canh thức chiều ngày 15 tháng 9 tại Quảng trường Thánh Phêrô và Thánh lễ kết thúc ngày 19 tháng 9 trong Đền thờ Thánh Phêrô. (SD 23-7-2915).

ĐHY JÃO BRAS DE AVIS KHÍCH LỆ CÁC TU SĨ Á CHÂU DẤN THÂN

PATTAYA – ĐHY Jão Bras de Avis, Tổng trưởng Bộ các Dòng tu và Hiệp hội Tông đồ, khích lệ các tu sĩ Á châu duyệt xét ơn gọi và sứ mệnh của mình trong thế giới ngày nay.

ĐHY đã đưa ra lời kêu gọi trên đây trong đại hội do Liên HĐGM Á châu tổ chức tại trung tâm Dòng Chúa Cứu Thế ở Pattaya, Thái Lan, trong các ngày vừa qua. Đại hội có đề tài là “Đời sống thánh hiến phục vụ việc tái truyền giảng Tin Mừng” đã kết thúc ngày 24 tháng 7.

Tham dự dại hội đã có 90 người gồm các giám mục, linh mục và tu sĩ nam nữ đến từ các nước Á châu. Mục đích của đại hội là tiếp nhận các hoa trái của Thượng Hội đồng Giám mục về Đời Thánh hiến hồi tháng 10 năm 2012 và Năm Đời sống Thánh hiến đang cử hành. Trong các ngày hội họp, các tham dự viên đã thảo luận về các thách đố của việc tái rao giảng Tin Mừng tại Á châu: từ hiện tượng toàn cầu hoá cho tới nạn nghèo đói, từ vấn đề môi sinh, tự do tôn giáo, cho tới các chiến thuật đánh giá vai trò ngôn sứ của Giáo Hội trong tương quan với các nhà nước, xã hội và các Giáo hội khác của đại lục.

Phát biểu khai mạc đại hội, ĐHY Tổng trưởng khích lệ các tu sĩ Á châu đặt Chúa Kitô vào trung tâm việc phục vụ dân Ngài tại những vùng ngoại biên. Làm như thế là các tu sĩ phục vụ sứ mệnh truyền giáo của Giáo Hội. ĐHY nói: chúng ta không thể rao giảng Tin Mừng, bằng cách dùng vũ khí hay chính trị, nhưng phải yêu thương những người chúng ta phục vụ,  với sự đam mê đến từ Chúa Kitô chứ không phải từ tiền bạc và quyền bính. 

ĐHY cảnh báo các tu sĩ: “Chúng ta không tốt lành hơn những người khác trong Giáo Hội và tính cách triệt để của Tin Mừng không phải chỉ là của riêng chúng ta, nhưng thuộc tất cả mọi người, bởi vì không có các Kitô hữu hạng nhất hay hạng nhì. Điều này cũng liên quan tới các tương quan giữa các tu sĩ với nhau. Họ phải sống như anh chị em, chứ không phải như bề trên và bề dưới.” 

ĐHY cũng khích lệ việc tôn trọng giữa các nam tu sĩ và nữ tu sĩ. Ngài nói: “Nam giới không thôi không diễn tả toàn nhân loại và điều này cũng có giá trị đối với nữ giới. Cần phải có cả hai, bởi vì chúng ta tất cả đều đã được tạo đựng nên giống hình ảnh của tình yêu Thiên Chúa. Và cũng như ĐTC Phanxicô, ĐHY cầu mong nữ giới hiện diện nhiều hơn giữa lòng Giáo Hội. (SD 23-7-2015)

TÍN HỮU NHIỀU GIÁO PHẬN ITALIA HÀNH HƯƠNG THÁNH ĐỊA

GIÊRUSALEM – Trong các ngày qua, nhiều Giám mục Italia đã ra thông cáo mời gọi tín hữu tham gia các cuộc hành hương Thánh Địa mùa hè, để liên đới với các Kitô hữu và trợ giúp kinh tế cho các anh chị em này.

Các GM viết trong thông cáo: “Chúng ta không nên sợ hãi tham dự các cuộc hành hương, vì có nhiều lý do để đi hành hương Thánh Địa. Trước hết, các chuyến hành hương Thánh Địa quan trọng, vì khi tham dự có nhiều người trở lại với cuộc sống đức tin. Và thứ hai đây là phương thế cụ thể để trợ giúp các Kitô hữu Thánh Địa.”

Năm nay, chiến tranh tại Syria và các cuộc tấn công của các lực lượng Hồi giáo cuồng tín đã tạo ra nỗi sợ hãi, khiến cho số tín hữu hành hương Thánh Địa giảm sút thê thảm, các khách sạn trống rỗng, người palestin không có việc làm và không bán được các đồ kỷ niệm là sản phẩm tiểu công nghệ của họ. Thực tại khó khăn này cũng là lý do khiến cho nhiều Kitô hữu di cư ra nước ngoài. Thật ra tình hình Thánh Địa vẫn hoàn toàn thanh bình, không có gì đáng lo ngại.

Trong các đoàn hành hương Thánh Địa mùa hè này có đoàn 50 tín hữu, do ĐC Rodolfo Cetoloni, GM Grosseto, hướng dẫn trong các ngày 20 đến 27 tháng 8. 

ĐC Enrico Solmi, GM Parma, hướng dẫn đoàn hành hương 80 người trong các ngày tù 10 đến 18 tháng 8, đa số là người trẻ tuổi từ 18 đến 30. LM Paolo Salvadori, đặc trách mục vụ giới trẻ giáo phận, cho biết đây là chặng kết thúc của lộ trình tinh thần của giới trẻ giáo phận kéo dài 3 năm. Các bạn là thành viên phong trào Công giáo Tiến hành và Hướng Đạo Sinh.

ĐC Nazzareno Marconi, GM Giáo phận Macerata-Tolentino-Recanati-Cingoli-Treia, đã hướng dẫn đoàn hành hương trong các ngày từ mồng 2 tới mùng 9 tháng 7 cho biết đây là dịp rất tốt giúp tín hữu đào sâu đức tin và gặp gỡ tín hữu địa phương. Riêng đối với GM thì nó là cơ may tiếp xúc và chung sống với tín hữu như là mục tử giữa đoàn chiên của mình. (SD 23-7-2015)

GIỚI LÃNH ĐẠO LIÊN TÔN COLOMBIA KÊU GỌI CHÍNH QUYỀN KIÊN TRÌ ĐỐI THOẠI CHO TỚI CÙNG

BOGOTÀ – Giới lãnh đạo mọi tôn giáo tại Colombia đã yêu cầu chính quyền kiên trì đối thoại với các lực lượng du kích quân cho tới khi đạt thoả hiệp hoà bình.

Ngày 22 tháng 7 vừa qua, hàng lãnh đạo của 26  Giáo Hội và cộng đoàn tôn giáo toàn Colombia đã hội kiến với Tổng thống Juan Manuel Santos tại dinh tổng thống. 

Các vị đã trao cho tổng thống một bức thư trình bày các lý do của chiến dịch liên tôn có khẩu hiệu là “Tin vào sự hoà giải” nhằm chấm dứt cuộc nội chiến đã kéo dài từ hơn 50 năm qua. 

Các vị đã khích lệ tổng thống tiếp tục cuộc đối thoại với lực lượng FARC tại La Habana của Cuba, và không đứng lên khỏi bàn hội nghị cho tới khi đạt được một thoả hiệp hoà bình vững chắc cụ thể cho Colombia. Trong thư giới lãnh đạo liên tôn nhấn mạnh tầm quan trọng phải tái lập nền văn hóa tha thứ như thuốc chủng ngừa chống lại tâm thức trả thù liên tục và gian ác. 

Các vị kêu gọi các nhóm vũ trang buông khí giới, bởi vì khí giói là sự thất bại của lời nói và là việc khước từ giá trị cao cả nhất của lòng tốt, sự quảng đại và cảm thương. Trong thư giới lãnh đạo liên tôn Colombia cũng tóm tắt vài khía cạnh nòng cốt của tuyên ngôn chung, kết quả của tiến trình đối thoại được yểm trợ bởi sáng kiến hoà giải nhằm tái chiếm sự tin tưởng của người dân Colombia đối với các cơ cấu quốc gia và quê hương đất nước. Theo các vị, cuộc khủng hoảng của Colombia là một cuộc khủng hoảng tinh thần. 

Thư có đoạn viết: “Chúng tôi muốn nói rằng chúng tôi không biện minh cho vũ khí. Với việc sử dụng khí giới người ta đã vi phạm các nguyên tắc nhân bản sơ đẳng nhất: sát hại những người không phương thế tự vệ, các thường dân, hãm hiếp phụ nữ, tuyển mộ và ám sát các trẻ em, tổ chức các cuộc tấn công  không phân biệt, gây ra các thiệt hại cho thiên nhiên và phạm các tội chiến tranh, không chỉ xúc phạm tới phẩm giá sự sống của người dân Colombia, mà còn xé nát tương quan giữa các con người của quốc gia này và ngăn cản sự phát triển và tiến bộ công bằng và bình đẳng của nó nữa.

Trong buổi gặp gỡ, Tổng thống Santos đã đề cao tầm quan trọng và đáng tin cậy của các cộng đồng tôn giáo Colombia. Các cộng đồng tôn giáo Colombia đáng nêu gương cho thế giới vì tuy có các khác biệt, các tôn giáo vẫn có thể hiệp nhất cho một mụch đích chung, yểm trợ cuộc chiến chống lại bạo lực, nhằm chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài nhiều thập niên qua.

Tham dự cuộc gặp gỡ có đại diện của Giáo hội Công giáo, Hội đồng Tin Lành, Trung tâm Văn hoá Hồi giáo, Cộng đoàn Phật tử Tây Tạng Guelugpa, các Giáo hội Luther, Menonít, Anh giáo Episcopal, Trưởng lão, Chính thống, Hội Phụ nữ Dệt vải Mampuja, Hội đồng Tối cao Wayuù và các cộng đoàn tinh thần khác, cùng với các tổ chức như: Mạng lưới bảo vệ hoà bình, Công lý, Các cây cầu hoà bình và Tổ chức Hoà giải. (SD 23-7-2015).

VÀI SỐ THỐNG KÊ CỦA THẢM CẢNH NÔ LỆ MỚI

MADRID – Nạn buôn người hàng năm thu vào từ 7 tới 10 tỷ Mỹ kim. Trong số các nạn nhân mại dâm có 2 triệu trẻ em, 20,9 triệu người là nạn nhân của lao động cưỡng bách, trong đó 55% là phụ nữ và các bé gái.

Trên đây là vài con số thống kê trong bản tường trình do Văn phòng Dòng Tên dặc trách người di cư tị nạn công bố ngày 23 tháng 7 vừa qua, nhân chuẩn bị cho Ngày Chống nạn buôn người 30 tháng 7. Nạn buôn người đang trở thành một dịch vụ thương mại đem lại các lợi nhuận khổng lồ bên cạnh kỹ nghệ chế tạo buôn bán khí giới, ma tuý và mại dâm. 

Theo ước lượng của Liên Hiệp Quốc, nạn buôn người liên luỵ tới ít nhất 4 triệu người. Mặc dù 79% các trường hợp bị khám phá là khai thác tình dục, có hai hình thức khai thác khác nữa là khai thác lao động và buôn bán cơ phận.

Tổ chức di cư quốc tế cho biết hằng năm có khoảng 500.000 phụ nữ bị đưa sang Tây Âu cung cấp cho kỹ nghệ khai thác tình dục. Nhiều người nhập cảnh với giấy phép làm việc giả, và đa số đến từ các nước đang trên đường phát triển. 

Tổ chức Lao động Quốc tế cho biết có gần 21 triệu người là nạn nhân của lao động cưỡng bách. Họ bị khai thác trong các lãnh vực xây cất, nông nghiệp, thêu dệt, làm việc nhà, vận chuyển hàng hóa và ăn mày. Việc buôn người này không chỉ là tội vi phạm các quyền của con ngưòi, nhưng còn vi phạm quyền của công nhân nữa, vì họ phải chịu các điều kiện làm việc vô nhân, làm việc nhiều giờ, đồng lương ít ỏi hay không có lương, nơi làm việc không có các điều kiện vệ sinh và an ninh tối thiểu. Tuy nhiên, các vụ tố cao ít, nếu có thường là do các phụ nữ bị khai thác tình dục. (FIDES 23-7-2015)