“Điểm sàn” năm nay sẽ tăng
Đó là nhận định chung của nhiều chuyên gia, sau khi Bộ GD-ĐT công bố kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2015 với phổ điểm các môn thi khá “đẹp”.
“Điểm sàn” năm nay sẽ tăng
Đó là nhận định chung của nhiều chuyên gia, sau khi Bộ GD-ĐT công bố kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2015 với phổ điểm các môn thi khá “đẹp”.
Thí sinh nộp đơn phúc khảo kết quả thi THPT quốc gia tại văn phòng đại diện Bộ GD-ĐT ở TP.HCM – Ảnh: Như Hùng |
TS Lê Viết Khuyến – nguyên phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT – nhận định phổ điểm các môn thi THPT quốc gia năm nay tiến bộ hơn so với phổ điểm các môn trong kỳ thi “ba chung” các năm trước đây.
Khó đưa ra “điểm sàn”
Với phổ điểm mà Bộ GD-ĐT đã công bố, ông Khuyến cho rằng không dễ dàng đưa ra được ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào hay còn gọi là “điểm sàn” cho các tổ hợp môn thi mà các trường ĐH, CĐ áp dụng cho năm nay. “Mọi năm, bộ nói căn cứ vào phổ điểm tổ hợp môn thi, chỉ tiêu tuyển sinh… để xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng, nhưng năm nay bộ có xác định nổi các trường có bao nhiêu chỉ tiêu dành cho xét tuyển bằng học bạ, bao nhiêu chỉ tiêu xét tuyển qua kết quả kỳ thi để lấy đó làm căn cứ hay không?
Những căn cứ mờ này cho thấy nếu là theo cách xác định cũ sẽ dễ đưa ra dữ liệu ảo. Tốt nhất có lẽ bộ nên đặt ra các nguyên tắc mang tính định tính trong xác định điểm xét tuyển của các trường thay vì đưa ra ngưỡng định lượng chính xác cho từng tổ hợp môn thi như cách mọi năm vẫn làm” – ông Khuyến đề nghị.
PGS.TS Trịnh Minh Thụ – phó hiệu trưởng Trường ĐH Thuỷ lợi – cho rằng có thể thấy rõ phổ điểm các môn năm nay nhìn chung cao hơn phổ điểm các môn tương ứng ở kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ các năm trước.
Vì lý do đó, ông dự báo “điểm sàn” với các khối thi truyền thống như A, A1, B, C sẽ cao hơn so với các năm trước một chút. Riêng ở khối D, phổ điểm môn ngoại ngữ cho thấy điểm thi nhìn chung thấp, mức điểm thí sinh đạt được nhiều nhất chủ yếu tập trung ở mức 2 – 3,5 điểm, nhưng nếu tổ hợp với các môn khác sẽ được bù đắp vì vậy ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khối D cũng sẽ không có biến động so với các năm trước.
“Năm nay, ngoài các khối thi truyền thống xuất hiện những tổ hợp môn thi mới, nhưng chỉ tiêu các tổ hợp môn thi mới bị khống chế không quá 25% tổng chỉ tiêu nên dự đoán điểm sàn vào các tổ hợp mới cũng sẽ không khác so với các tổ hợp truyền thống” – ông Thụ nói.
Trong khi đó, TS Nguyễn Quốc Chính, trưởng ban ĐH và sau ĐH – ĐHQG TP.HCM, cũng băn khoăn hiện vẫn chưa biết Bộ GD-ĐT quyết định “điểm sàn” theo khối thi hay theo môn thi. Ông Chính cho rằng nếu năm nay bộ xác định điểm sàn theo khối sẽ có quá nhiều khối thi.
“Tổ hợp xét tuyển năm nay khá đa dạng. Nếu bộ đưa ra điểm sàn theo môn có cao hơn một chút so với mọi năm thí sinh vẫn có nhiều lựa chọn. Tuy nhiên, mức sàn 5 điểm ở mỗi môn là hơi cao. Có khả năng điểm sàn môn thi sẽ dừng ở mức 4,5 điểm” – ông Chính dự báo.
Điểm chuẩn sẽ tăng?
PGS.TS Hoàng Minh Sơn, phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, dự đoán ngưỡng điểm tối thiểu để tuyển sinh năm nay có thể cao hơn năm trước một chút do số lượng thí sinh đạt điểm trung bình trở lên nhiều hơn.
“Phổ điểm môn tiếng Anh thấp hơn rõ rệt so với các môn khác, tuy nhiên cũng khó có thể nói ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với tổ hợp môn thi có môn tiếng Anh sẽ giảm so với ngưỡng của khối D, A1 năm trước. Vì phổ điểm này là chung cho cả đối tượng thí sinh dự thi để tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ. Nếu bóc tách riêng được thì chưa chắc điểm của số thí sinh dự thi tiếng Anh để xét tuyển ĐH-CĐ đã thấp” – ông Sơn chia sẻ thêm.
Tuy chưa có dữ liệu điểm của thí sinh sẽ đăng ký vào trường mình, nhưng ông Hoàng Minh Sơn cho biết trường đang nghiên cứu để đưa ra các dải điểm khác nhau mang tính định hướng, tư vấn cho thí sinh. Các dải điểm này dựa trên chỉ tiêu, yêu cầu đào tạo, khả năng thu hút đối với thí sinh… Ví dụ những nhóm ngành yêu cầu trình độ đầu vào cao hơn, có sức hấp dẫn lớn hơn sẽ có dải điểm tư vấn cao nhất, khoảng 23 – 25 điểm… Các ngành khó tuyển hơn có thể có dải điểm tư vấn thấp hơn, trên dưới 20 điểm…
“Chúng tôi chưa quyết định chính thức vì còn nghiên cứu thêm trước khi công bố, nhưng dải điểm này cũng chỉ mang tính định hướng chứ không phải dự kiến điểm chuẩn. Vì tới thời điểm này chúng tôi vẫn chưa nắm được tình hình thí sinh sẽ đăng ký vào trường như thế nào”.
Cũng có nhận xét tương tự, PGS.TS Phạm Xuân Dương – phó hiệu trưởng Trường ĐH Hàng hải VN – cũng cho rằng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ở các tổ hợp môn thi năm nay sẽ cao hơn năm trước, nhưng không xảy ra đột biến.
Trường ĐH Hàng hải VN dự kiến tuyển sinh 100% chỉ tiêu ở nguyện vọng 1, trong đó sẽ có những ngành vượt cách biệt với ngưỡng điểm tối thiểu. Theo đại diện một số trường tốp đầu khác ở Hà Nội như Học viện Tài chính, Trường ĐH Thương mại, Trường ĐH Thuỷ lợi…, tuy năm nay chưa thể xây dựng mức điểm chuẩn từ bây giờ vì còn phải chờ thí sinh đăng ký, nhưng nhìn vào phổ điểm thi thì có thể dự tính điểm chuẩn nguyện vọng 1 sẽ phải cao hơn ngưỡng điểm tối thiểu ít nhất 2 – 3 điểm.
Chờ đến ngày cuối mới nộp hồ sơ GS.TS Nguyễn Quang Dong, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân, nhận xét điểm chuẩn các trường tốp giữa có thể sẽ tăng rõ rệt hơn so với năm trước, nhưng các trường tốp đầu sẽ không có nhiều biến động. “Để dự phòng tình trạng có nhiều thí sinh có mức điểm bằng nhau, trường sẽ có tiêu chí phụ để sàng lọc thí sinh” – ông Dong cho biết. Còn TS Trần Đình Lý, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho biết đề thi năm nay với hai mục tiêu, trong đó 60% số câu hỏi là để xét tốt nghiệp và 40% để phân loại thí sinh sử dụng xét tuyển ĐH, CĐ. Thực tế phổ điểm các môn thi năm nay ở các cụm thi phổ biến từ 5 – 8 điểm. Nhiều thí sinh điểm các môn thi thế mạnh ở từng khối thi sẽ khá cao. “Theo tôi, điểm sàn năm nay chắc chắn sẽ tăng hơn so với năm ngoái từ 2 điểm trở lên. Như vậy điểm tối thiểu đảm bảo chất lượng đầu vào ở mỗi môn phải là 5 điểm. Nguồn tuyển cho các trường tốp giữa và tốp dưới rất nhiều. Trong khi đó các trường tốp trên chắc chắn sẽ cao hơn. Riêng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM điểm chuẩn các ngành dự kiến tăng khoảng 2 điểm” – ông Lý dự báo. Về điểm chuẩn trúng tuyển vào các trường ĐH năm nay, theo ông Chính, các ngành “hot” như y dược điểm chuẩn sẽ vọt lên cao dẫn đến tình trạng khó xử cho các trường. Trong khi những ngành khó tuyển vẫn tiếp tục khó và dự kiến điểm chuẩn có thể sẽ giảm. “Ví dụ Khoa y ĐHQG TP.HCM năm nay có 100 chỉ tiêu nhưng khả năng 200 thí sinh cùng đạt 29 điểm. Nếu rơi vô tình huống này sẽ rất khó xử cho nhà trường. Năm nay, thí sinh biết trước điểm rồi mới đăng ký xét tuyển nên phần lớn thí sinh sẽ chờ đến những ngày cuối mới nộp hồ sơ xét tuyển” – ông Chính nói. |