11/01/2025

Dân Philippines xuống đường phản đối Trung Quốc

Cộng đồng người Philippines ở khắp nơi trên thế giới đồng loạt xuống đường biểu tình phản đối hành động bồi đắp phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

 

Dân Philippines xuống đường phản đối Trung Quốc

 

 

Cộng đồng người Philippines ở khắp nơi trên thế giới đồng loạt xuống đường biểu tình phản đối hành động bồi đắp phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

 

Dân Philippines xuống đường phản đối Trung QuốcNhiều người Philippines biểu tình trước Văn phòng lãnh sự Trung Quốc ở thành phố Makati ngày 24.7 – Ảnh: Reuters
Ngày 24.7, nhiều người Philippines biểu tình trước Văn phòng lãnh sự thuộc Đại sứ quán Trung Quốc ở thành phố Makati thuộc khu đô thị Manila để phản đối hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Những người biểu tình mang các khẩu hiệu như “Trung Quốc rút khỏi biển Tây Philippines (cách Philippines gọi Biển Đông – NV)”, và “Trung Quốc hãy tôn trọng chủ quyền của Philippines”, theo Reuters.
“Ngày biểu tình toàn cầu”
Ngày 24.7 được xem là “ngày biểu tình toàn cầu” của cộng đồng người Philippines trong và ngoài nước “nhằm phản đối Trung Quốc xâm phạm, chiếm đóng và quân sự hoá” Biển Đông, theo tờ Philippine Daily Inquirer. Những cuộc biểu tình tương tự sẽ diễn ra cùng ngày (giờ địa phương) trước Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở các thành phố của Mỹ như San Francisco, Los Angeles và New York. “Chúng tôi kêu gọi Toà án quốc tế về luật Biển (ILTOS) ngăn Trung Quốc thực hiện mưu đồ chiếm toàn bộ biển Tây Philippines… Chúng tôi muốn ILTOS ra phán quyết ngay bây giờ, không phải đợi tới 3 năm nữa, trước khi Trung Quốc củng cố việc xâm chiếm lãnh thổ Philippines”, bà Loida Nicolas-Lewis, Chủ tịch USP4GG, tổ chức của cộng đồng người Philippines ở Mỹ, phát biểu.
Ngoài ra, những người Philippines sống trên lãnh thổ Guam và đảo Saipan thuộc quần đảo Bắc Mariana của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương hưởng ứng “ngày biểu tình toàn cầu” chống Trung Quốc nói trên. Tiến sĩ Celia Lamkin, trưởng chi nhánh của USP4GG ở Mariana nhấn mạnh: “Dù không có đại sứ quán hay lãnh sự quán Trung Quốc ở Saipan hay Guam, nhóm chúng tôi muốn tham gia ngày biểu tình toàn cầu để cho thế giới thấy sự thống nhất, đoàn kết và chủ nghĩa yêu nước của người Philippines trong việc bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền của đất nước”.
Bà Lamkin cho biết thêm cuộc tuần hành của nhóm còn thể hiện sự ủng hộ đối với việc chính phủ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông. Bà khẳng định những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông trong thời gian qua gây tác động “không chỉ đối với Philippines mà cả thế giới”. Ngoài bà Lamkin, lãnh đạo của các cộng đồng người Philippines ở Anh, Ý, Pháp và Romania cũng đã thông báo hưởng ứng “ngày biểu tình toàn cầu”.
Động thái phi pháp mới
Người Philippines xem ngày 24.7 là “ngày biểu tình toàn cầu” hằng năm để phản đối hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Đó cũng là ngày mà cách đây 3 năm, Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” để tự cho mình có quyền quản lý cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền VN. Để đánh dấu sự kiện phi pháp trên, giới chức Trung Quốc tiếp tục có hàng loạt động thái vi phạm chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Cụ thể, giới chức “thành phố Tam Sa” tổ chức thượng cờ tại 8 đảo, bãi đá thuộc Hoàng Sa, gồm đảo Phú Lâm, đảo Cây, đảo Bắc, đảo Duy Mộng, đảo Ba Ba, đảo Hữu Nhật, đá Hải Sâm, bãi Xà Cừ và một bãi đá ở Trường Sa là Vành Khăn, theo Tân Văn xã.
Chính quyền Tam Sa còn đưa vào hoạt động trung tâm dự trữ vật tư cho tình huống khẩn cấp ở đảo Phú Lâm.
 

Trung Quốc tập trận gần cửa Vịnh Bắc Bộ
Theo thông báo của Cục Hải sự Trung Quốc (MSA), quân đội nước này đã tiến hành tập trận từ 8 đến 16 giờ ngày 23.7 tại vùng biển phía nam đảo Hải Nam, gần cửa vịnh Bắc bộ. Ngoài ra, MSA còn cho biết quân đội Trung Quốc sẽ tập trận ở vùng biển phía đông bắc đảo Hải Nam từ 8 đến 17 giờ ngày 1.8.
Cách đây vài ngày, MSA cũng ra thông báo cấm tàu thuyền đi vào khu vực quân đội nước này tập trận từ ngày 22 – 31.7 ở Biển Đông, trong đó có vị trí gần các đảo, đá phía đông bắc của quần đảo Hoàng Sa. Tại cuộc họp báo ngày 23.7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lê Hải Bình khẳng định cuộc tập trận xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa và yêu cầu Trung Quốc dừng ngay lập tức.

Văn Khoa