11/01/2025

Hội thảo quốc tế về xây công trình nhân tạo trên Biển Đông

Hành vi xây dựng đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ là chủ đề được mang ra thảo luận tại cuộc hội thảo quốc tế ở TP.HCM ngày 25.7.

 

Hội thảo quốc tế về xây công trình nhân tạo trên Biển Đông

 

 

Hành vi xây dựng đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ là chủ đề được mang ra thảo luận tại cuộc hội thảo quốc tế ở TP.HCM ngày 25.7.

 

 

Hội thảo quốc tế về xây công trình nhân tạo trên Biển Đông - ảnh 1Hội thảo về Biển Đông đầu tiên do Đại học Luật TP.HCM và Hội Luật gia VN tổ chức hồi tháng 7.2014  - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hội thảo “Xây dựng công trình nhân tạo trên Biển Đông và ảnh hưởng của nó đối với hoà bình, an ninh, kinh tế và thương mại khu vực” là sự kiện thứ hai liên quan đến Biển Đông do Đại học Luật TP.HCM và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức.

Trong cuộc trao đổi với Thanh Niên trước khi diễn ra hội thảo, GS-TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Đại học Luật TP.HCM, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo ra diễn đàn quốc tế để chuẩn bị những cơ sở pháp lý, khoa học và nhân lực cần thiết cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền tại Biển Đông.
Xin GS cho biết lý do Đại học Luật TP.HCM và Hội Luật gia Việt Nam vào lúc này lại tổ chức hội thảo “Xây dựng công trình nhân tạo trên Biển Đông và ảnh hưởng của nó đối với hoà bình, an ninh, kinh tế và thương mại khu vực”.
Hội thảo quốc tế về xây công trình nhân tạo trên Biển ĐôngGS-TS Mai Hồng Quỳ

Như các bạn đã biết, từ năm 2014 đến nay, Trung Quốc đã tiến hành xây dựng, tôn tạo, bồi đắp bất hợp pháp trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam với quy mô rất lớn trên 7 đá Gạc Ma, Chữ Thập, Châu Viên, Tư Nghĩa, Xu Bi, Ga Ven và Vành Khăn mà Trung Quốc đã dùng vũ lực xâm chiếm năm 1988 và 1995. Việc xây dựng, tôn tạo, bồi đắp của Trung Quốc ở Trường Sa nhằm khẳng định các yêu sách vô lý và phi pháp của nước này ở Biển Đông nói chung và quần đảo Trường Sa nói riêng.

Chính vì vậy, việc tổ chức hội thảo quốc tế nhằm tạo diễn đàn khoa học để các học giả trong nước và nước ngoài bàn về ảnh hưởng, tác động của việc xây dựng, tôn tạo bất hợp pháp của Trung Quốc trên Biển Đông đối với hoà bình, an ninh, kinh tế, thương mại, hàng hải, hàng không của khu vực và thế giới. Trong đó, nhấn mạnh hoạt động khai thác, quản lý, bảo tồn nguồn lợi thuỷ hải sản; khai thác dầu, khí; bảo vệ môi trường biển; tự do hàng hải, tự do hàng không; hợp tác kinh tế – thương mại… tất cả những vấn đề mang tính thời sự rất nóng hổi đang được các nước trong khu vực và thế giới đặc biệt quan tâm.
Xin GS cho biết các chủ đề lớn sẽ được thảo luận tại hội thảo?
 
 
Tại hội thảo lần này dự kiến sẽ có khoảng 220 quan khách từ quốc tế, trong nước lẫn các đại diện ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam và giới truyền thông, với các vị khách mời nổi bật như GS Erik Franckx, Trưởng khoa Luật quốc tế và Luật châu Âu tại Đại học Tự do Brussels (Bỉ), trọng tài viên của Tòa trọng tài thường trực ở The Hague (Hà Lan); Phó đô đốc Anup Singh, nguyên Tổng tư lệnh hải quân miền đông Ấn Độ…

 

Hội thảo sẽ tập trung vào 3 chủ đề lớn: Thứ nhất, đề cập đến các quy định về xây dựng công trình, thiết bị nhân tạo trên biển theo Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Thứ hai, nhấn mạnh vào tác động của việc xây dựng công trình, thiết bị nhân tạo trên Biển Đông đối với hòa bình, an ninh của khu vực và thế giới. Cuối cùng là hậu quả của hành vi xây dựng công trình, thiết bị nhân tạo phi pháp trên Biển Đông đối với kinh tế, thương mại, hàng hải, hàng không của khu vực và thế giới.

Cho đến nay, Trung Quốc luôn tuyên bố việc họ xây dựng đảo nhân tạo là đã được nghiên cứu, khảo sát kỹ về tác động môi trường. GS có ý kiến gì về tuyên bố này?
Liên quan đến việc xây dựng đảo nhân tạo nói riêng và tranh chấp trên Biển Đông nói chung, Trung Quốc luôn đưa ra những tuyên bố không đúng thực tế. Tác động đến môi trường do hoạt động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc là rất nghiêm trọng và đã được chứng minh qua ảnh vệ tinh cũng như đánh giá của nhiều nhà khoa học như Alan Friedlander, người chịu trách nhiệm chương trình National Geographic Pristine Seas và Robert Nicholls, GS Đại học Southampton (Anh).
Bên cạnh đó, theo pháp luật quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, hành vi hủy hoại môi trường để xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc không chỉ vi phạm điều 192 của UNCLOS về nghĩa vụ chung trong bảo vệ môi trường biển và một số quy định cụ thể về bảo vệ môi trường biển được quy định tại phần XII của công ước này mà còn vi phạm điều 3 và điều 14 của Công ước Washington D.C về đa dạng sinh học.
Theo GS, đâu là giải pháp để ngăn chặn hành vi tàn phá môi trường biển như trên?
Khi phát hiện Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo, Việt Nam đã chính thức yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hành vi vi phạm chủ quyền và tàn phá môi trường của mình. Để ngăn chặn, khắc phục những tác động xấu đến môi trường biển cả và các vùng biển của các quốc gia khác, các tổ chức quốc tế, các quốc gia trên thế giới và đặc biệt là các quốc gia trong khu vực cần tiếp tục có những phản ứng nghiêm khắc hơn, như yêu cầu Trung Quốc thiện chí hợp tác trong bảo vệ môi trường biển, cung cấp những thông tin cụ thể, khách quan về tác động môi trường của hoạt động này theo đúng quy định của UNCLOS, Công ước về đa dạng sinh học 1992 và tại điều 6 của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)…
Trong trường hợp Trung Quốc tiếp tục bất chấp dư luận, không thiện chí hợp tác hoặc tái diễn hành vi vi phạm thì các nước có liên quan cần phải có những hành động pháp lý kiên quyết hơn, yêu cầu cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền đưa ra các biện pháp tạm thời nhằm tránh gây tổn hại nghiêm trọng cho môi trường biển trên cơ sở điều 290 của UNCLOS.

Thuỵ Miên