28/11/2024

Bị ‘trói chân’ vì chứng nhận xuất xứ

Nhiều doanh nghiệp trong nước đã phải chuyển dự án sản xuất ra nước ngoài hoặc dừng kế hoạch xuất khẩu chỉ vì những quy định thiếu thực tế và quản lý ì ạch.

 

Bị ‘trói chân’ vì chứng nhận xuất xứ

 

 

Nhiều doanh nghiệp trong nước đã phải chuyển dự án sản xuất ra nước ngoài hoặc dừng kế hoạch xuất khẩu chỉ vì những quy định thiếu thực tế và quản lý ì ạch.

 

Quản lý cần theo kịp sự phát triển của doanh nghiệp

Quản lý cần theo kịp sự phát triển của doanh nghiệp – Ảnh: D.Đ.M

“Kẹt” C/O, mã hàng…

Tổng giám đốc Công ty S. (100% vốn VN) có nhà máy lắp ráp sản xuất ti vi (đề nghị không nêu tên) cho biết cũng vì giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) mà công ty không dám mở rộng quy mô nhà máy để sản xuất ti vi màn hình LED xuất khẩu sang châu Âu, Nga. “Phía đối tác sẵn sàng ký kết hợp đồng, nhưng nếu chúng tôi ký mà không xin được C/O thì chết ngay. Vì thế, mục tiêu xuất khẩu của công ty bị kẹt lại cũng chỉ vì cái giấy chứng nhận C/O”, ông nói. Hiện nhà máy của ông có công suất sản xuất khoảng 400.000 ti vi/năm, chủ yếu phục vụ thị trường trong nước.

 
 
Bị ‘trói chân’ vì chứng nhận xuất xứ - ảnh 2

Quy định khắt khe về xuất xứ hàng hoá có nguy cơ đẩy DN VN “đi chỗ khác chơi”. Chính sách, quy định là do con người tạo ra nên có thể thay đổi để phù hợp với điều kiện của DN. Với các quy định hiện nay trong chứng nhận xuất xứ hàng hoá chẳng khác nào tự ta làm khó DN mình

Bị ‘trói chân’ vì chứng nhận xuất xứ - ảnh 3
 

Tổng giám đốc một công ty chuyên sản xuất, lắp ráp ti vi xuất khẩu

 

 

Theo vị tổng giám đốc trên, để xuất khẩu ti vi vào thị trường châu Âu, Nga, công ty ông buộc phải khai chứng nhận xuất xứ Form A để hưởng thuế suất ưu đãi nhưng phía VN đã “máy móc” áp dụng nhiều quy định về nguồn gốc xuất xứ linh kiện rất khắt khe. Chẳng hạn, linh kiện nội địa phải trên 60% mới dược cấp Form A. Trong khi ngành công nghiệp phụ trợ VN đang rất kém phát triển, đặc biệt ở các ngành công nghệ cao như sản xuất ti vi. Linh kiện để lắp ráp, sản xuất đa phần đều phải nhập khẩu từ Hàn Quốc, Trung Quốc… “Vậy thì làm gì kiếm ra được tỷ lệ nội địa linh kiện cho lắp ráp ti vi ở chừng ấy phần trăm? Quy định như vậy là không thực tế. Chưa hết, nếu mua của các nhà cung ứng linh kiện cho công ty cũng buộc phải xuất trình hoá đơn mua hàng ở trong hay ngoài nước. Ngay ở Trung Quốc, linh kiện để sản xuất ti vi đa phần cũng nhập khẩu của Hàn Quốc nhưng doanh nghiệp (DN) của họ đã được tạo điều kiện linh động hơn để xuất hàng Form A ra nước ngoài. Cái gì có lợi cho DN của họ thì họ luôn tạo điều kiện. Còn ta thì không”, vị tổng giám đốc bức xúc.

Trường hợp tương tự, do không có mã hàng hoá mà DN phải chuyển sản xuất qua Thái Lan. Trong bài “Tàu lặn made in VN” đến Thái trên Thanh Niênngày 18.7, ông Phan Bội Trân, Việt kiều Pháp, cho biết đối tác Thái Lan muốn mua khoảng 300 tàu lặn mini do ông chế tạo để phục vụ cho thám hiểm du lịch biển. Nhưng bất ngờ là nếu hợp đồng được ký kết, việc sản xuất không được tiến hành ở VN mà tại Thái Lan, do ở VN chưa có HS code (mã hàng hóa – PV) cho thiết bị lặn, dẫn đến không xin được chứng nhận xuất xứ và nếu xuất nguyên chiếc sẽ phải đóng 30% thuế nhập khẩu cho hải quan Thái.

Năm 2014, Thanh Niên phản ảnh việc khai thác thuỷ sản xuất khẩu của dân ở tỉnh Kiên Giang phải ngưng trệ do “kẹt” giấy phép khai thác của cơ quan chức năng. Cụ thể, các DN chế biến xuất khẩu trong tỉnh gặp khó khăn do không được Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang cấp chứng nhận xuất xứ hàng hoá. Nguyên nhân, ngư dân khai thác thủy sản chủ yếu là tàu công suất 20 CV, không thuộc phạm vi đăng kiểm cấp giấy phép hành nghề của Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh, mà do UBND huyện quản lý, cấp giấy phép. Nhưng vào năm 2013, Sở NN-PTNT Kiên Giang lại quy định việc cấp giấy phép khai thác nghêu lụa, sò lông trên địa bàn đối với các tàu công suất từ 20 CV đến dưới 90 CV không thuộc thẩm quyền của UBND huyện như trước mà thuộc thẩm quyền của chi cục. Vì thế, sản phẩm của các nhà máy đã không được cấp giấy chứng nhận xuất xứ và không thể xuất sang châu Âu.

Đẩy doanh nghiệp Việt ra nước ngoài

“Quy định khắt khe về xuất xứ hàng hóa có nguy cơ đẩy DN VN “đi chỗ khác chơi”, trường hợp sản xuất tàu lặn phải qua Thái Lan sản xuất là ví dụ điển hình. Chính sách, quy định là do con người tạo ra nên có thể thay đổi để phù hợp với điều kiện của DN. Với các quy định hiện nay trong chứng nhận xuất xứ hàng hóa chẳng khác nào tự ta làm khó DN mình”, Tổng giám đốc Công ty S. bức xúc.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế VN, cho rằng việc tàu lặn không có mã hàng hóa (HS code) là rất vô lý. Vì tất cả các mặt hàng xuất đi và nhập về đều phải có trong biểu danh mục thuế đã được Bộ Tài chính ban hành. Như vậy, có thể vì đây là sản phẩm quá mới nên không có trong biểu danh mục thuế. Nhưng nếu trường hợp này xảy ra thì hải quan vẫn có thể áp thuế tương thích với biểu thuế của hải quan thế giới cho mặt hàng thiết bị lặn. Còn theo TS Phạm Văn Chắt, chuyên gia thương mại, nếu chưa có mã hàng hoá, Bộ Tài chính cần phải bổ sung mã hàng hoá vào biểu thuế ngay khi thị trường xuất hiện mặt hàng mới, không nên chậm trễ ảnh hưởng xấu đến DN.

Trao đổi với PV Thanh Niên, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) phụ trách về chứng nhận xuất xứ cho rằng, trường hợp tàu lặn của ông Phan Bội Trân vướng mã hàng hoá thuộc trách nhiệm của Tổng cục Hải quan. Một khi ngành hải quan đã có mã hàng hoá cho sản phẩm xuất khẩu thì VCCI sẽ căn cứ vào quy tắc xuất xứ của hàng hoá đó là gì, áp vào mã nào rồi mới cấp C/O. Còn trường hợp của DN sản xuất ti vi xuất khẩu, các quy định về tỷ lệ nội địa hoá là do nhà nhập khẩu đưa ra. Tuy nhiên, tỷ lệ này là có thể giảm xuống thông qua đàm phán giữa hai nước trong các hiệp định thương mại.

Quản lý không theo kịp sự phát triển

Theo TS Bùi Trinh, chuyên gia kinh tế, quản lý nhà nước ở VN thường đi sau phát triển, không chỉ đối với trường hợp cụ thể không có mã hàng hoá cho thiết bị lặn, mà ở nhiều lĩnh vực khác trong nền kinh tế. “Quản lý nhiều khi chạy theo sự phát triển. Hậu quả là chảy máu chất xám, DN chịu thiệt, nền kinh tế thiệt hại vì không khuyến khích sáng tạo. Cơ chế, chính sách của VN hiện nay dường như tập trung quá nhiều vào gia công nên những sáng tạo của người Việt đa phần phục vụ cho lợi ích của nước ngoài. Vì vậy, phải thay đổi để khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện cho DN phát triển”, ông Trinh bình luận. Đối với trường hợp xuất khẩu ti vi vào thị trường châu Âu, Nga, theo ông Trinh, việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ cần được thực hiện dễ dàng hơn, không nên quá cứng nhắc, vì DN cần thiết phải mở rộng thị trường xuất khẩu.

 

N.Trần Tâm