28/11/2024

Khuất tất ở PNC: Cổ đông phủ quyết toàn bộ tờ trình tại đại hội

Tại đại hội cổ đông của Công ty CP văn hoá Phương Nam (PNC) diễn ra vào ngày 16.7 vừa qua, các cổ đông đã phủ quyết các tờ trình của hội đồng quản trị vì cho rằng có nhiều khuất tất trong hoạt động của công ty.

 

Khuất tất ở PNC: Cổ đông phủ quyết toàn bộ tờ trình tại đại hội

 

Tại đại hội cổ đông của Công ty CP văn hoá Phương Nam (PNC) diễn ra vào ngày 16.7 vừa qua, các cổ đông đã phủ quyết các tờ trình của hội đồng quản trị vì cho rằng có nhiều khuất tất trong hoạt động của công ty.

 

 

Khuất tất ở PNC: Cổ đông phủ quyết toàn bộ tờ trình tại đại hội - ảnh 1Quang cảnh đại hội cổ đông ngày 16.7 vừa qua – Ảnh: S.N
Một cổ đông (CĐ) bức xúc về việc người đại diện phần vốn nhà nước của PNC (chiếm 15,3% vốn điều lệ do Tổng công ty Liksin nắm giữ) ngay tại đại hội lại ủng hộ chuyện PNC làm một việc sai pháp luật.
Đói nghèo cũng không làm trái pháp luật
Cụ thể, dù CĐ đã đưa ra chứng cứ chứng minh nhiều sai phạm trong điều hành, những việc làm trái pháp luật của HĐQT PNC, nhưng người đại diện phần vốn của nhà nước được Liksin cử đến vẫn biểu quyết thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2015 cùng các báo cáo, tờ trình trong khi chỉ có 38,11% tỷ lệ cổ phần biểu quyết thông qua, còn đa số CĐ phủ quyết không thông qua với tỷ lệ 61,89%.
Nhóm CĐ này cho biết, họ không chấp nhận việc ủng hộ này, vì nhà nước chưa cho phép PNC chuyển nhượng 10% vốn góp của mình trong MegaStar. PNC làm như vậy là sai luật vì điều đó sẽ làm tăng tỷ lệ sở hữu của nước ngoài trong MegaStar lên 90%, là điều không được nhà nước cho phép. Một CĐ giải thích, sau khi VN tham gia vào WTO, theo luật Điện ảnh của VN, phía nước ngoài chỉ được góp tối đa 51% trong liên doanh với VN. Nhưng do liên doanh MegaStar này đã được thành lập từ năm 2004, trước khi VN gia nhập WTO nên được bảo lưu, nhưng chỉ được tối đa 80% cho phía nước ngoài.
Nhiều CĐ cũng không chấp nhận lời giải thích của HĐQT rằng do PNC đang gặp khó khăn nên việc bán 10% đó cho nước ngoài là có lợi cho CĐ. Bởi theo họ: “Cho dù có đói nghèo đi nữa cũng không thể làm một việc sai pháp luật như vậy”.
Gây thiệt hại cho cổ đông
Đặc biệt, các CĐ đã bác bỏ toàn bộ tờ trình của HĐQT, từ báo cáo hoạt động, báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán, cũng như tờ trình phê duyệt cho năm 2015 do những việc làm sai trái cũng như báo cáo tài chính không trung thực.
Đơn cử như việc HĐQT thực hiện việc thế chấp quyền của mình trong liên doanh giữa PNC và Công ty Envoy Media Partners Limited (Envoy), thành lập Công ty TNHH truyền thông MegaStar, để vay 7 triệu USD, đồng thời lại uỷ quyền toàn bộ cho phía nước ngoài điều hành hết. Nhưng vậy công ty liên doanh này chẳng khác gì là công ty 100% vốn nước ngoài. Chưa kể trong hợp đồng vay này có những điều kiện rất nguy hiểm cho CĐ. Ví dụ, khi thế chấp, phía nước ngoài họ có quyền bán bất cứ giá nào mà bên VN không được quyền có ý kiến. Đặt trường hợp bên Công ty Cross Junction Investment Pte.Ltd (CJI) bán 1 triệu USD thôi, thì PNC không có lý do gì từ chối được. Và như vậy, PNC phải trả lại cho CJI 6 triệu USD vay còn lại, tương đương khoảng 120 tỉ đồng. Việc khuất tất này không được các CĐ chấp nhận.
Ngay cả việc công bố thông tin của PNC với CĐ và với thị trường chứng khoán cũng sai sự thật. Nhóm CĐ đã chứng minh CJI (chủ nợ của PNC) và Envoy (bên liên doanh của PNC tại MegaStar) đều có cùng một chủ sở hữu là Tập đoàn CJ-CGV của Hàn Quốc, chứ không phải một bên thứ ba không liên quan như PNC đã thông tin. Về việc này, các CĐ có nêu ra tại đại hội và đặt vấn đề có vi phạm pháp luật hay không, nhưng chủ tọa đã phớt lờ.
CĐ cũng bác bỏ báo cáo phương hướng năm 2015, vì HĐQT đã trình đại hội CĐ một đề xuất chi khoảng 34 tỉ đồng cho việc xây dựng nhà sách. Nhưng CĐ phát hiện ra rằng nhà sách đã xây rồi, giờ đưa ra đại hội để hợp thức hoá. Nhưng lý do quan trọng hơn theo các CĐ, họ bác bỏ báo cáo về phương hướng hoạt động của công ty, là vì không có tính khả thi, bởi đến quý 1/2015 PNC đã lỗ gần 4 tỉ đồng và khả năng quý 2/2015 lỗ ít nhất hơn 1 tỉ đồng. Như vậy, kế hoạch kinh doanh lãi 10 tỉ đồng là không có cơ sở.
Các CĐ còn vạch rõ HĐQT đã qua mặt họ khi bán cổ phiếu riêng lẻ cho Công ty CP XNK Bình Tây (Bitex) chỉ 1 ngày trước khi tổ chức đại hội CĐ. Hơn nữa, trình tự thủ tục để ký hợp đồng phát hành cổ phiếu theo Nghị quyết năm 2011 đến nay đã 4 năm rồi không thực hiện được và trình tự thủ tục còn mập mờ không rõ. Chính vì vậy, CĐ đã yêu cầu đưa vào biên bản rằng không đồng ý cho HĐQT tiếp tục phát hành cổ phiếu và phải đưa ra đại hội CĐ để xem xét.
Trước mắt, nhóm CĐ của PNC sẽ có kiến nghị với Uỷ ban Chứng khoán nhà nước xem xét việc dừng phát hành riêng lẻ 10 triệu cổ phiếu PNC vì như vậy sẽ làm thay đổi cơ cấu tỷ lệ cổ phần của CĐ hiện có. Vi phạm lợi ích của CĐ và vi phạm luật Chứng khoán. Thứ hai là có thể tiến tới việc tổ chức đại hội bất thường bởi vì hiện nay báo cáo tài chính cũng như các kế hoạch kinh doanh đã không được thông qua trong đại hội CĐ vừa rồi. Đại hội bất thường sẽ có việc xem xét trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp theo đúng luật.
Tại đại hội CĐ, chủ tọa đã không đưa ra chương trình nghị sự để đại hội thông qua theo quy định, với lý do chương trình nghị sự đã được công bố trên website của công ty. Theo nhóm CĐ của PNC, đó là điều vi phạm rất nghiêm trọng. Trước đó, nhóm CĐ của PNC đã yêu cầu đưa vào chương trình nghị sự của đại hội 2 nội dung, đó là bãi miễn HĐQT và phê chuẩn tổng giám đốc điều hành theo đúng điều lệ, nhưng không được chủ toạ đáp ứng.

 

Song Nguyễn