11/01/2025

Mất cơ hội vì “ông quy hoạch”

Sắp tới, những quy hoạch “tự vẽ ra” kiểu như quy hoạch quán karaoke, vùng chăn nuôi… sẽ bị xoá bỏ theo Luật quy hoạch (đang lấy ý kiến).

 

Mất cơ hội vì “ông quy hoạch”

 

 Sắp tới, những quy hoạch “tự vẽ ra” kiểu như quy hoạch quán karaoke, vùng chăn nuôi… sẽ bị xoá bỏ theo Luật quy hoạch (đang lấy ý kiến).

 

Nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM chưa thể xin giấy phép mở quán karaoke vì còn chờ... quy hoạch. Trong ảnh: một quán karaoke ở quận Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: Duyên Phan
Nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM chưa thể xin giấy phép mở quán karaoke vì còn chờ… quy hoạch. Trong ảnh: một quán karaoke ở quận Tân Bình, TP.HCM – Ảnh: Duyên Phan

Thực tế những kiểu quy hoạch loại này đang làm khổ người dân, doanh nghiệp. Nhiều quy hoạch phải mất hàng năm để điều chỉnh, làm cản trở đầu tư, cơ hội làm ăn của doanh nghiệp.

Mòn mỏi chờ…

Ông T., giám đốc một công ty hoạt động trong lĩnh vực du lịch và khách sạn tại TP.HCM, kể ba năm trước đại diện công ty có đến phòng đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM đăng ký bổ sung ngành nghề mới là dịch vụ karaoke và vũ trường. Tuy nhiên vài ngày sau, phòng đăng ký kinh doanh báo việc đăng ký này chưa hợp lệ do UBND TP.HCM đã tạm hoãn việc cấp giấy phép hoạt động karaoke, vũ trường trên địa bàn thời gian dài.

Không bỏ cuộc, cuối năm 2014 ông T. tìm đến công ty luật nhờ tư vấn hỗ trợ, nhưng luật sư cũng cho biết từ nhiều năm nay công ty đã không còn nhận dịch vụ này vì TP.HCM đã ngưng cấp giấy phép hoạt động ngành nghề này.

Theo giải thích của văn phòng luật, karaoke là loại hình kinh doanh có điều kiện, đơn vị kinh doanh loại hình này phải có nhiều loại giấy phép khác nhau như phòng cháy chữa cháy, chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự…

Trong đó, điều kiện quan trọng nhất là phải phù hợp với quy hoạch về karaoke được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, trong khi TP.HCM hiện chưa có quy hoạch cụ thể nên không triển khai cấp mới các giấy phép karaoke.

“Doanh nghiệp nhìn thấy nhu cầu thực tế về giải trí và cơ hội kinh doanh nhưng lại không thể thực hiện được. Sự chậm trễ trong công tác quản lý và cấp đổi giấy phép sau quy hoạch dịch vụ karaoke đã đánh mất cơ hội làm ăn của doanh nghiệp” – ông T. nói.

Thực tế, trong thời gian không xin được giấy phép, ông T. đã nhận được rất nhiều lời mời gọi mua, sang nhượng giấy phép kinh doanh karaoke.

Không chỉ ông T. tâm tư mà nhiều người làm trong ngành du lịch cho rằng TP.HCM đang “đói” các tụ điểm vui chơi giải trí, trong đó có mô hình karaoke, để đáp ứng nhu cầu của người dân cũng như thu hút khách du lịch quốc tế đến TP.HCM nhưng ngành này lại bị “treo” một thời gian dài khiến việc kinh doanh của các doanh nghiệp làm ăn chính đáng trở nên khó khăn.

“Quy hoạch là tốt nhưng cần phải rạch ròi vấn đề biến tướng từ dịch vụ karaoke không phải lỗi của mô hình này mà là chính đơn vị kinh doanh và việc quản lý thiếu chặt chẽ của cơ quan quản lý” – ông T. cho biết.

Theo đề cương quy hoạch ngành nghề karaoke, vũ trường trên địa bàn TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND TP.HCM phê duyệt (hiện chưa triển khai vì còn chờ rà soát trên thực tế), việc cấp phép mới kinh doanh karaoke và vũ trường được khống chế số lượng, theo nhu cầu thực tế và quy hoạch từng địa phương. UBND TP.HCM quyết định số lượng, vị trí các tuyến đường, khu vực karaoke cho từng quận huyện, Sở Văn hóa – thể thao sẽ dựa vào đó để cấp phép kinh doanh karaoke, vũ trường cho từng cơ sở xin cấp phép.

“Nếu theo đúng thực tế thì chắc chắn số điểm karaoke, vũ trường được cấp sẽ tăng vì nhu cầu giải trí biến động hằng ngày cùng việc cải thiện đời sống của người dân. Nhưng với cách quy hoạch này, rất dễ nảy sinh tình huống xin – cho để chạy được giấy phép” – ông T. nói.

Theo luật sư Nguyễn Thị Tưởng, bản thân việc quy hoạch karaoke cũng có nhiều khó khăn vì ngay trong tiêu chí quy hoạch được xây dựng theo hoàn cảnh, điều kiện cụ thể cũng khá chỏi nhau. Theo tiêu chí của TP.HCM chỉ yêu cầu khoảng cách từ điểm kinh doanh karaoke đến các cơ quan hành chính, cơ sở tôn giáo là 100m, trong khi quy định của Chính phủ tối thiểu là 200m. Nhưng ngay cả quy định 200m này cũng chưa hẳn là hợp lý.

“Thực tế có những điểm karaoke nếu tính về quãng đường giao thông thì có thể cách các cơ sở tôn giáo, trường học vài trăm mét nhưng tính về khoảng cách không gian lại nằm ngay sau lưng nhau” – vị luật sư này cho biết.

Trại chăn nuôi heo tại xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai - Ảnh: A Lộc
Trại chăn nuôi heo tại xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai – Ảnh: A Lộc

Coi trại heo như nhà máy

Cũng như quy hoạch ngành nghề karaoke, vũ trường, quy hoạch vùng chăn nuôi đang khiến nhiều chủ trang trại không mặn mà, gây khó khăn cho người dân.

Từng có trại heo hơn 2.000 con tại TP Biên Hoà (Đồng Nai) nhưng đến nay ông Phan Văn Thành phải di chuyển trại heo của mình về huyện Xuân Lộc cách xa nhà hơn 30km.

Theo chủ trương của TP Biên Hòa, tất cả trại heo trong nội thành phải di dời đến các vùng quy hoạch chăn nuôi tập trung.

Tuy nhiên, ông Thành cũng không xây dựng trại heo của mình trong các khu chăn nuôi tập trung chính quyền đã chỉ định mà tự bỏ tiền ra mua đất làm trại riêng. “Vào khu quy hoạch mua đất đai giá cao nhưng vẫn phải đầu tư đường đi, đường điện thì có khác gì mua đất bên ngoài” – ông Thành cho hay.

Cũng như ông Thành, nhiều chủ trang trại chăn nuôi quy mô lớn khác tại Đồng Nai cho rằng cơ quan nhà nước đang có sự nhầm lẫn giữa nông nghiệp và công nghiệp nên mới có chuyện chăn nuôi cũng cần quy hoạch theo từng vùng cụ thể.

Bởi xây trại chăn nuôi khác với làm nhà máy sản xuất vì càng nhiều trang trại chăn nuôi tập trung trong một khu vực thì nguy cơ dịch bệnh càng lớn. Chưa kể các vùng chăn nuôi tập trung ở Đồng Nai chủ yếu mới dừng lại trên giấy tờ và khoanh vùng chứ không có hệ thống hạ tầng như các khu công nghiệp. Do đó, người dân muốn xây dựng chuồng trại ở khu vực này vẫn phải mua đất, đầu tư làm đường, kéo điện rất tốn kém.

Theo Sở NN&PTNT Đồng Nai, quy hoạch đã được phê duyệt toàn tỉnh này có 139 vùng chăn nuôi tập trung thuộc tám huyện, thị xã với tổng diện tích gần 16.000ha. Sau gần 10 năm quy hoạch (từ năm 2008) đến nay đa số các vùng chăn nuôi tập trung đều chưa thu hút được người chăn nuôi đến đầu tư hoặc đầu tư lẻ tẻ.

Ông Âu Thanh Long, phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ, cho biết các quốc gia chăn nuôi phát triển không có khái niệm quy hoạch chăn nuôi theo kiểu vùng này có bao nhiêu trang trại với tổng số bao nhiêu con.

Họ chỉ quy định điều kiện xây dựng một trại heo trên cơ sở diện tích toàn bộ trang trại là bao nhiêu, trong đó diện tích chuồng trại, mật độ vật nuôi, cách biệt với khu dân cư hay trang trại khác như thế nào và các hệ thống xử lý chất thải…

“Nếu dự án nào đảm bảo các điều kiện đó thì được đầu tư thay vì quy hoạch tập trung như VN là không khoa học. Quy hoạch dẫn đến việc nông dân không muốn vào khu chăn nuôi tập trung nhưng lại rất khó khăn khi xin đầu tư ở các khu vực phù hợp khác dù các điều kiện đều đảm bảo” – ông Long nói.

Làm khó nông dân, doanh nghiệp

Không chỉ ngành chăn nuôi, hầu hết các mặt hàng nông sản chính của VN đều có quy hoạch ngành từ cấp trung ương đến các địa phương. Thế nhưng theo các chuyên gia và doanh nghiệp, các quy hoạch nông nghiệp vừa qua chỉ nằm trên giấy do thực tế khác xa.

Câu chuyện về xuất khẩu hạt gạo hữu cơ của Công ty Viễn Phú (Cà Mau) vừa qua cho thấy sự vô lý của quy hoạch sản xuất và xuất khẩu lúa gạo của Bộ Công thương.

Cụ thể, công ty này đã đầu tư vùng trồng lúa hữu cơ rộng 320ha tại U Minh Hạ (Cà Mau) và đã được các tổ chức quốc tế cấp chứng nhận hữu cơ (organic), là chứng nhận cao nhất toàn cầu về an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường do khi canh tác không sử dụng phân bón hoá học và các loại thuốc trừ sâu.

Viễn Phú cũng xây dựng nhà máy chế biến và đóng gói gạo theo tiêu chuẩn quốc tế. Thế nhưng đến khi có khách hàng đặt mua thì công ty này không thể xuất khẩu được do vướng các quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Trong đó, theo nghị định 109, doanh nghiệp phải đầu tư dây chuyền xay xát gạo với công suất tối thiểu 10 tấn lúa/giờ và phải có nhà kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 10.000 tấn/năm.

Theo ông Võ Minh Khải – tổng giám đốc Công ty Viễn Phú, sản xuất lúa gạo hữu cơ rất khó khăn nhưng bù lại giá xuất khẩu cao hơn nhiều so với gạo thông thường. Vì vậy nếu đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về nhà máy sản xuất hay kho bãi như lúa gạo thông thường mới được xuất khẩu sẽ mất cơ hội. Cuối cùng sau nhiều lần kiến nghị, doanh nghiệp của ông mới được xuất khẩu gạo trực tiếp.

Một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo khác cũng không thể xuất khẩu gạo vì vướng phải quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo của Bộ Công thương. Trong quy hoạch này chỉ giới hạn số đầu mối xuất khẩu gạo là 150 và có kho chứa, cơ sở xay xát thóc, gạo trên địa bàn 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, TP.HCM và các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên, Tây Ninh.

“Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp đầu tư vào các loại lúa đặc sản ở một số địa phương còn lại dù với số lượng ít nhưng giá bán rất cao thì không thể xuất khẩu” – giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh nông sản tại TP.HCM than thở.

Tương tự là câu chuyện quy hoạch nuôi, chế biến cá tra vùng ĐBSCL của Bộ NN&PTNT. Quy hoạch này quy định cụ thể về diện tích nuôi, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu cá tra như đến năm 2016, diện tích mặt nước nuôi đạt 5.300-5.400ha với sản lượng 1,25-1,3 triệu tấn và đến năm 2020 sẽ nuôi 7.600-7.800ha với sản lượng 1,8-1,9 triệu tấn.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh – tổng giám đốc Công ty cổ phần Sông Tiền (Tiền Giang), quy hoạch đưa ra nhưng lại có thêm rất nhiều quy định bất hợp lý gây khó khăn cho doanh nghiệp như các thủ tục về đăng ký xuất khẩu kinh doanh mới được áp dụng thì rất khó thực hiện được quy hoạch. Hơn nữa, diện tích và sản lượng cá tra sẽ do thị trường quyết định chứ không phải muốn là được.

Không rõ mục đích

Khi soạn thảo Luật quy hoạch, Bộ Kế hoạch – đầu tư đã khảo sát về công tác quy hoạch, và bộ này kết luận: nhiều quy hoạch được lập nhưng không hề rõ nội dung, không phục vụ công tác quản lý, như quy hoạch phát triển hành lang Lạng Sơn – Hà Nội – TP.HCM – Mộc Bài đến năm 2020; hay các quy hoạch xây dựng vùng liên tỉnh, như quy hoạch xây dựng vùng nam Hà Tĩnh – bắc Quảng Bình đến năm 2030; quy hoạch xây dựng vùng dọc tuyến cao tốc Hà Nội – Lào Cai giai đoạn đến năm 2030…

Bộ Kế hoạch – đầu tư cho rằng cụm từ “quy hoạch” thường xuyên bị lạm dụng. Nhiều lĩnh vực chỉ cần xây dựng các đề án, chương trình phát triển hoặc xây dựng tiêu chí quản lý nhưng đã được một số bộ ngành, địa phương lập thành quy hoạch gây lãng phí nguồn lực.

Lấy ví dụ cho trường hợp này, Bộ Kế hoạch – đầu tư chỉ đích danh quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo của Bộ Công thương; quy hoạch tổng thể phát triển hành nghề công chứng VN đến năm 2020; quy hoạch ngành nghề nông thôn đến năm 2020 và quy hoạch kinh doanh bán buôn, bán lẻ sản phẩm rượu bia, thuốc lá đến năm 2020…

CẦM VĂN KÌNH

Quy hoạch chỉ nằm trên giấy

Rất nhiều quy hoạch ngành hàng nông sản được lập ra nhưng hầu hết đều chỉ nằm trên giấy vì trên thực tế khác xa với quy hoạch.

Theo các chuyên gia, quy hoạch các loại cây trồng đến từng địa phương với các tiêu chí diện tích, năng suất, sản lượng là không hợp lý bởi Nhà nước không đảm bảo cho nông dân làm theo quy hoạch sẽ thu được lợi nhuận và cũng không có chế tài nếu không thực hiện theo quy hoạch.

Chẳng hạn, diện tích hồ tiêu hiện đã lên khoảng 80.000ha trong khi quy hoạch cho năm 2020 và tầm nhìn 2030 của Bộ NN&PTNT chỉ là 50.000ha. Tương tự, quy hoạch cà phê giới hạn trồng 520.000ha nhưng nay đã phát triển lên tới 620.000ha.

 

TRẦN MẠNH – NHƯ BÌNH