09/01/2025

Doanh nghiệp vẫn ngại nộp thuế điện tử

Cơ quan thuế đang tích cực vận động doanh nghiệp (DN) đăng ký và nộp thuế điện tử (NTĐT), nhưng các DN lại chần chừ vì sợ rủi ro khi nộp thuế bằng hình thức này.

 

Doanh nghiệp vẫn ngại nộp thuế điện tử

 

Cơ quan thuế đang tích cực vận động doanh nghiệp (DN) đăng ký và nộp thuế điện tử (NTĐT), nhưng các DN lại chần chừ vì sợ rủi ro khi nộp thuế bằng hình thức này.

 

 

Cơ quan thuế tích cực vận động, nhưng các DN vẫn chưa “mặn” với hình thức nộp thuế điện tử do sợ rủi ro. Trong ảnh: băngrôn vận động DN nộp thuế trên đường Phan Đăng Lưu (TP.HCM) - Ảnh: THUẬN THẮNG
Cơ quan thuế tích cực vận động, nhưng các DN vẫn chưa “mặn” với hình thức nộp thuế điện tử do sợ rủi ro. Trong ảnh: băngrôn vận động DN nộp thuế trên đường Phan Đăng Lưu (TP.HCM) – Ảnh: THUẬN THẮNG

Theo số liệu của Cục Thuế TP.HCM, đến ngày 12-7 đã có 102.487 DN đăng ký NTĐT, chiếm tỉ lệ 76,62% DN trên địa bàn TP, nhưng mới chỉ có vài ngàn DN thực hiện việc NTĐT. Cơ quan thuế cho rằng e ngại của DN xuất phát từ yếu tố tâm lý.

Sợ bị lợi dụng chữ ký điện tử?

Ông N.T.L. – giám đốc một công ty giấy có trụ sở tại quận 1, TP.HCM – cho biết từ trước đến nay chủ DN ký uỷ nhiệm chi cho kế toán đến ngân hàng (NH) thực hiện nộp thuế và cách thức này rất an toàn. Tuy nhiên, khi thực hiện NTĐT lại sử dụng chữ ký số. Nếu giao chữ ký số này cho kế toán thì chủ DN không an tâm vì sợ bị lợi dụng.

Nhưng nếu yêu cầu chủ DN trực tiếp thực hiện việc nộp thuế thì chủ DN không làm nổi. “DN cứ đăng ký theo yêu cầu của cơ quan thuế nhưng tuỳ điều kiện, tiện thì thanh toán điện tử, không tiện thì uỷ nhiệm chi, cũng chỉ năm phút là tiền về tài khoản cơ quan thuế tại kho bạc” – ông này nói.

Giám đốc một DN nhỏ có trụ sở tại Q.Gò Vấp nói do quy mô DN quá nhỏ nên chủ yếu sử dụng kế toán thuê. Đồng tiền đi liền khúc ruột. Nếu giao chữ ký số để kế toán nộp thuế rất rủi ro. Hiện DN nhỏ rất nhiều, tỉ lệ 60 – 70%, toàn sử dụng kế toán thuê.

“Đăng ký cứ đăng ký, khi nào có điều kiện thuận lợi thì sử dụng. Theo tôi, cơ quan thuế nên cho song hành, tùy DN thấy cái nào thuận lợi thì chọn lựa, nếu bắt buộc thì khó cho DN” – ông này nói.

Một số DN FDI mở tài khoản tại DN nước ngoài cho rằng hiện cơ quan thuế chưa kết nối với các NH nước ngoài, nên nếu NTĐT phải mở tài khoản ở NH trong nước cũng rất bất tiện.

Theo ông Trần Ngọc Tâm – cục phó Cục Thuế TP.HCM, NTĐT là một chủ trương lớn, do vậy hệ thống đang tập trung quyết liệt để cùng tạo điều kiện cho người nộp thuế và dần từng bước một tác động để người nộp thuế quen dần.

Do mới, DN ngại thay đổi nhưng nếu quyết tâm vẫn có thể làm được. Hiện các DN vẫn nói với nhau khi nào bắt buộc họ sẽ làm, nhưng trong Luật quản lý thuế đã quy định DN phải kê khai và NTĐT trong những khu vực có cơ sở hạ tầng tốt.

Sẽ không thu thuế trực tiếp tại quầy

Theo ông Tâm, Bộ Tài chính vừa có văn bản đề nghị các NH không thu thuế trực tiếp tại quầy từ tháng 12-2015, mà chỉ cung cấp dịch vụ NTĐT. Đồng thời yêu cầu các NH có cơ chế ưu đãi về phí dịch vụ, phối hợp với cơ quan thuế vận động 100% khách hàng có tài khoản tại NH thực hiện NTĐT. Các chi cục thuế cũng phải tổ chức hội nghị để vận động DN đăng ký NTĐT.

Về những băn khoăn của DN, ông Tâm cho biết trong quá trình vận động và trao đổi, cơ quan thuế đã nói rất rõ NTĐT đâu phải chỉ có chữ ký số mà chủ DN được duyệt. Mỗi DN có thể đăng ký 1 – 2 chữ ký số, giám đốc giữ một chữ ký số, kế toán giữ một.

Kế toán có thể lập một lệnh để nộp thuế thông qua giám đốc và giám đốc xem xét duyệt, như vậy vẫn y như bộ phận kế toán ngày xưa, kế toán lập lệnh, chủ DN ký duyệt. Một giải pháp khác là DN có thể mở một tài khoản chỉ để phục vụ việc nộp thuế và đến kỳ nộp thuế thì chuyển mức tiền tương ứng tiền thuế vào tài khoản này, sẽ không lo mất tiền.

“Lo lắng vừa qua của DN chủ yếu là tâm lý và sẽ khắc phục được khi việc NTĐT mang tính chất đại trà. Còn hiện nay DN vẫn đăng ký nhưng còn “nhìn ngắm” chứ chưa dám thực hiện” – ông Tâm nói.

Cũng theo ông Tâm, cái gì mới, tâm lý e ngại là đương nhiên, nhưng chuyện DN nói sợ mất tiền là không có cơ sở. Hiện tiền thuế DN nộp bằng hình thức NTĐT đã lên đến con số 1.200 tỉ đồng, nhưng chưa thấy có giao dịch nào nói là mất tiền.

Với lo lắng của DN nhỏ, theo ông Tâm, NTĐT cũng là một hình thức thanh toán qua NH, chẳng qua DN ngồi ở nhà gửi thông tin. Tất cả DN dù nhỏ cũng có hệ thống kế toán, có thể là kế toán kiêm nhiệm nhưng vẫn làm được, nhưng do tâm lý e ngại nên DN viện nhiều lý do.

“Khi cơ quan thuế tiếp xúc các DN cũng nói như vậy. Cơ quan thuế đặt ra nhiều giải pháp cho họ. Hiện duy trì một chữ ký số mỗi năm chỉ mất 500.000 – 600.000 đồng, DN lại được tính vào chi phí nên không phải là gánh nặng với DN” – ông Tâm nói thêm.

Nhiều lợi ích khi NTĐT

Theo cơ quan thuế, việc NTĐT là một bước tiến trong cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Người nộp thuế không phải mất thời gian, công sức đến NH, giảm bớt giao dịch tiền mặt, giúp giảm số giờ tiêu hao của DN và thông qua đó nguồn dữ liệu của cơ quan thuế cũng đầy đủ hơn.

Đây là bước để tiến tới hoàn thuế điện tử. Nhưng hiện nay DN vẫn e ngại, một số DN nhỏ vẫn mang tiền mặt đến kho bạc nộp.

Trong cuộc họp sơ kết công tác thuế sáu tháng đầu năm trên địa bàn TP.HCM được tổ chức mới đây, Cục Thuế TP đặt ra mục tiêu đến cuối tháng 8 có 100% DN trên địa bàn TP.HCM đăng ký NTĐT, sớm hơn một tháng so với mốc mà cơ quan quản lý đưa ra.

Ông Lê Xuân Dương, cục phó Cục Thuế TP.HCM, kiến nghị Tổng cục Thuế đưa số lượng DN nộp thuế qua Internet banking, ATM… vào số lượng DN đã kê khai, NTĐT, đồng thời kiến nghị Tổng cục Thuế sớm ký thoả thuận với các NH nước ngoài để đẩy nhanh việc thực hiện NTĐT.

Thí điểm 
nộp lệ phí 
trước bạ điện tử

Tổng cục Thuế vừa phê duyệt đề án thí điểm khai thuế và NTĐT đối với cá nhân nộp lệ phí trước bạ ôtô, xe máy, nhà đất; chuyển nhượng bất động sản và cho thuê nhà.

Theo đó, trong năm 2015 sẽ triển khai NTĐT đối với ba nhóm là lệ phí trước bạ ôtô, xe máy; các hoạt động cho thuê nhà và chuyển nhượng bất động sản.

Cụ thể, cá nhân khai và nộp lệ phí trước bạ ôtô, xe máy, chuyển nhượng bất động sản, cho thuê tài sản… qua các hình thức: Internet banking, thẻ ngân hàng, ví điện tử, thẻ điện thoại…

Theo Tổng cục Thuế, trong năm 2016 sẽ tiếp tục áp dụng thí điểm NTĐT đối với cá nhân, bao gồm cả hộ kinh doanh tại các địa phương lớn có cơ sở hạ tầng mạng tốt như Hà Nội và TP.HCM, nhằm giảm thiểu thời gian thực hiện thủ tục hành chính và sự tiếp xúc trực tiếp với cán bộ thuế.

Cơ quan này cũng cho biết công tác quản lý thu thuế hộ kinh doanh cá thể tại các thành phố lớn còn phức tạp, tốn nhiều công sức trong khi lực lượng cán bộ thuế ít.

Chẳng hạn, Cục Thuế Hà Nội quản lý khoảng 150.000 hộ kinh doanh, bình quân một cán bộ thuế phải quản lý gần 300 hộ.

L.THANH

 

ÁNH HỒNG