11/01/2025

Nhật để ngỏ khả năng tuần tra Biển Đông

Để đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông, Nhật Bản có thể sẽ tiến hành các hoạt động giám sát, tuần tra ở khu vực.

 

Nhật để ngỏ khả năng tuần tra Biển Đông

 

 

Để đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông, Nhật Bản có thể sẽ tiến hành các hoạt động giám sát, tuần tra ở khu vực.

 

Máy bay săn ngầm P-3C của Nhật trong cuộc tập trận chung với Philippines trên Biển Đông hồi tháng 6 - Ảnh: Reuters

Máy bay săn ngầm P-3C của Nhật trong cuộc tập trận chung với 
Philippines trên Biển Đông hồi tháng 6 - Ảnh: Reuters

Đó là tuyên bố do Tổng tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ Nhật (SDF), Đô đốc Katsutoshi Kawano đưa ra khi phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Mỹ vào hôm qua.

Ông Kawano còn dự đoán Trung Quốc sẽ tiếp tục tìm cách mở rộng ảnh hưởng ở khu vực. “Tôi có cảm giác rằng khuynh hướng này sẽ tiếp tục kéo dài trong tương lai và Trung Quốc sẽ vươn ra ngoài chuỗi đảo ở Thái Bình Dương. Nếu đúng như vậy, tôi tin tình hình sẽ trở nên tệ hơn”, Reuters dẫn lời Đô đốc Kawano nói tại CSIS.
Lãnh đạo SDF cũng cho biết thêm, trước nguy cơ an ninh khu vực sẽ tiếp tục có nhiều biến động, “đã có nhiều cuộc thảo luận” về khả năng Nhật Bản thực hiện các cuộc tuần tra ở Biển Đông, trong đó có cả hoạt động chống tàu ngầm. Ông nói rõ: “Chúng tôi xem đây là vấn đề có thể được xem xét trong tương lai, tùy thuộc vào mọi thứ diễn ra như thế nào”.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ The Wall Street Journal hồi tháng trước, ông Kawano nói SDF sẽ xem xét cùng lực lượng Mỹ tiến hành các cuộc tuần tra chung ở Biển Đông. Vị đô đốc này còn cảnh báo hoạt động xây đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN gây “quan ngại tiềm ẩn nghiêm trọng” cho Nhật và nhấn mạnh Biển Đông rất quan trọng đối với an ninh của nước ông.
Đô đốc Kawano nhắc lại khả năng tuần tra Biển Đông vài giờ sau khi Uỷ viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về việc Hạ viện Nhật thông qua dự luật an ninh mới về “cởi trói” cho hoạt động của SDF. Dự luật cho phép SDF hỗ trợ Mỹ và các nước bạn bè khác trong trường hợp những nước này bị tấn công. Đáp lại, Đô đốc Kawano khẳng định tại CSIS rằng động thái này “không nhằm giải phóng Nhật về mặt quân sự mà nhằm tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ”, theo Kyodo News.
“Liên tục bóp méo sự thật”
Cùng ngày, tờ The Philippine Star đưa tin Bộ Quốc phòng Philippines (DND) vừa lên tiếng chỉ trích Trung Quốc “bóp méo sự thật” sau khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước này Hoa Xuân Doanh tuyên bố Bắc Kinh là “nạn nhân” và “đã hết sức kiềm chế” trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. “Chính phủ Trung Quốc thật sự lẫn lộn vì cứ liên tục bóp méo sự thật và cố đánh lừa những người dân Trung Quốc tử tế”, The Philippine Star dẫn lời phát ngôn viên DND Peter Galvez nhấn mạnh.
Trong khi đó, Trung Quốc vẫn cương quyết không tham gia phản biện trong vụ bị Philippines kiện về yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông mà còn tuyên bố không chấp nhận bất kỳ phán quyết nào của Toà trọng tài thường trực (PCA).
Hiện tòa án này đang xem xét liệu vụ kiện có thuộc phạm vi phân xử của mình hay không. Ngoài ra, Bắc Kinh còn đề nghị Manila bỏ vụ kiện và trở lại đàm phán song phương. Tuy nhiên, Thư ký văn phòng điều hành liên lạc Tổng thống Philippines là ông Herminio Coloma Jr. đã thẳng thừng bác bỏ đề nghị này và tuyên bố Manila đang đi đúng hướng trong việc tìm giải pháp cho tranh chấp ở Biển Đông. Tương tự, trong bài xã luận đăng ngày 17.7, tờ The New York Times (Mỹ) nhận định: “Trung Quốc nên tham gia quá trình xét xử nếu muốn được công nhận vị thế cường quốc hàng đầu trong một thế giới đề cao việc giải quyết tranh chấp theo khuôn khổ pháp lý”.
Mỹ sẵn sàng ứng phó trên Biển Đông
Ngày 17.7, tân chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ Scott Swift cam kết với các đồng minh rằng lực lượng Mỹ được trang bị đầy đủ và sẵn sàng ứng phó mọi trường hợp bất ngờ ở Biển Đông, theo AP.
Đô đốc Swift tiết lộ rằng so với kế hoạch ban đầu, hải quân Mỹ sẽ triển khai thêm ít nhất 4 tàu chiến cận bờ ở khu vực. Trước đó, giới chức Mỹ xác nhận Washington có kế hoạch triển khai 4 tàu tác chiến cận bờ tới Singapore từ năm 2016. Bên cạnh đó, Đô đốc Swift tiếp tục nhấn mạnh Mỹ không đứng về phía nào trong các bên tranh chấp ở Biển Đông, nhưng vẫn sẽ tiếp tục các chiến dịch nhằm duy trì tự do lưu thông trên vùng biển này.

 

Văn Khoa