11/01/2025

Cuộc cách mạng mắc ca nhìn từ cường quốc Úc

Một người nông dân có thể sở hữu trang trại rộng hàng trăm héc ta, kiếm cả nghìn đô la Úc/ngày, được cam kết bao tiêu đầu ra sản phẩm, nhận thêm lợi nhuận cho cổ phần đóng góp…

 

Cuộc cách mạng mắc ca nhìn từ cường quốc Úc

 

 

Một người nông dân có thể sở hữu trang trại rộng hàng trăm héc ta, kiếm cả nghìn đô la Úc/ngày, được cam kết bao tiêu đầu ra sản phẩm, nhận thêm lợi nhuận cho cổ phần đóng góp…

 

 

Ông Nguyễn Đức Hưởng lựa chọn từng hạt mắc ca tốt nhất tại Úc để nghiên cứu Ông Nguyễn Đức Hưởng lựa chọn từng hạt mắc ca tốt nhất tại Úc để nghiên cứu – Ảnh: Anh Vũ

Đó là cách mà người Úc phát triển ngành mắc ca và dám chấp nhận cả những sai lầm, phản ứng của dư luận để đưa “nữ hoàng hạt quả khô” trở thành ngành công nghiệp siêu lợi nhuận, đứng đầu thế giới.

Lấy lợi ích nhà nông làm giá trị cốt lõi

Đứng giữa những hàng cây thẳng tắp, cứng cáp, xanh rờn trong khu vườn mắc ca rộng hàng trăm héc ta của vùng Brisbane (thủ phủ bang Queensland, Úc), ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) trầm trồ: “Thật quy củ và chuyên nghiệp. Nếu đi hết vườn trồng và nhà máy chế biến mắc ca trên thế giới thì có lẽ, cũng không có nơi nào vượt qua được quốc gia này”. Từng rong ruổi khắp các vườn mắc ca Tây Bắc, Tây nguyên rồi qua Quảng Tây (Trung Quốc)… nhưng chỉ đến khi dừng chân tại nước Úc bản thân ông và đoàn khảo sát của LienVietPostBank – đơn vị lãnh sứ mệnh tiên phong cho ngành công nghiệp mắc ca của VN mới thấm thía được những giá trị đích thực như vậy.

Tâm huyết và sẵn sàng đối mặt với thử thách, thậm chí cả phản ứng gay gắt của dư luận khi khai phá ngành công nghiệp mắc ca, vị lãnh đạo của nhà băng này chia sẻ: Him Lam, LienVietPostBank và cá nhân ông chưa bao giờ sợ thất bại khi dấn thân vào lĩnh vực này. Ông luôn tin tưởng VN hoàn toàn có chỗ đứng xứng đáng trên bản đồ mắc ca của thế giới, có những tỉ phú nông dân làm giàu bằng chính đôi bàn tay của mình nếu đầu tư một cách thực sự nghiêm túc, bài bản.

Cũng giống như VN, Úc từng tự phát, nhưng quá trình phát triển ngành mắc ca của Úc không hề manh mún và sự thành công được dựa trên những giá trị đích thực cốt lõi vì “lợi ích của người nông dân”. Bằng chứng rõ nhất là những cánh rừng mắc ca bất tận, ngang hàng thẳng lối, quy củ. Khắp nơi từ nhà hàng, khách sạn, siêu thị… người ta có thể thấy những sản phẩm chất lượng làm từ mắc ca như: dầu ăn, mỹ phẩm, bánh kẹo… Tất cả đều được tạo dựng bởi những mô hình hoạt động bài bản, khép kín từ đầu vào cho đến đầu ra như tại Công ty chế biến mắc ca hàng đầu thế giới MPC (đặt tại bang Queensland).

Được thành lập từ năm 1983, mô hình này mang dáng dấp như hợp tác xã ở VN, nhưng hoạt động theo nguyên tắc công ty cổ phần với hơn 230 cổ đông, trong đó có 190 người là nông dân. Họ mới là ông chủ thực sự khi các trang trại lớn có thể trực tiếp cung cấp đến 2.500 tấn quả mắc ca, hộ nhỏ cũng từ 5 – 10 tấn.

Đoàn khảo sát của LienVietPostBank học hỏi kinh nghiệm từ chuyên gia Úc Đoàn khảo sát của LienVietPostBank học hỏi kinh nghiệm từ chuyên gia Úc – Ảnh: Anh Vũ

Với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận cho cổ đông là nhà nông, MPC trả giá mua nguyên liệu đầu vào cho nhà nông tới 4,7AUD/kg. Sau khi thực hiện quy trình bán hàng, nếu có lợi nhuận khác, MPC sẽ trả thêm cho nhà nông 15 xu/kg và thêm cổ tức 25 xu/cổ phần. Để đảm bảo người nông dân không bao giờ bị thiệt, MPC sẵn sàng chấp nhận để nhà nông được bán mắc ca cho công ty khác, khi các đối thủ này chào giá mua cao hơn. Thậm chí, MPC có chính sách hỗ trợ vận chuyển cho nhà nông với quy định: trang trại nào có khoảng cách trong phạm vi 25 km được nhận hỗ trợ 2,5 xu/kg; ngoài 25 km nhận hỗ trợ 2,5 – 4,5 xu/kg.

Nước Úc không thể mở rộng…

Mặc dù phát triển rực rỡ như vậy, vẫn đang thu về lợi nhuận cao và thị trường cầu vẫn áp đảo cung nhưng câu hỏi mà cả thế giới vẫn đang băn khoăn: Tại sao quốc gia này không mở rộng diện tích?

Ông Jolyon Burnett, Tổng giám đốc Hiệp hội Mắc ca Úc trong ngày kết nạp hội viên “LienVietPostBank” vào tháng 6.2015 đã thẳng thắn chỉ ra rằng, trong quá khứ, khi mắc ca vẫn còn khá lạ với chính người Úc, giá bán thấp khiến các chủ vườn không đủ sức hoặc hạn chế tái đầu tư cho vườn nguyên liệu để tăng sản lượng. Bên cạnh đó, phải sau vài chục năm nhiều chủ vườn mới nhận ra, khi cây mắc ca nhiều tuổi và vươn rộng tán, việc quản lý trở nên khó khăn hơn. Ví như, khi cây quá lớn, tán che kín, ánh sáng bị hạn chế đã ảnh hưởng đến sản lượng; tương tự là tình trạng xói mòn đất, biến đổi khí hậu dẫn đến mưa bão nhiều tại một số vùng.

Nhưng quan trọng hơn cả, dù là cây bản địa nhưng mắc ca chỉ phù hợp ở một số vùng của Úc, theo đặc điểm khí hậu và thổ nhưỡng. Ông Jolyon cho biết thêm, cũng có những vùng có thể trồng, nhưng hiện không thể mở rộng do hạn chế về hạ tầng, khiến việc đầu tư khó khăn hoặc phải đội chi phí rất cao.

“Tôi nghĩ rằng, chúng tôi đang vướng phải một vấn đề mang tính thế hệ chưa tìm ra được lời giải, nguyên do là càng về sau thế hệ trẻ, giới doanh nhân trẻ trong nước đều không có ham muốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có mắc ca do lợi thế cạnh tranh thấp hơn nhiều so với các ngành nghề khác ở trong nước. Dù rất muốn phát triển thêm diện tích để tăng sản lượng nhân, đáp ứng nhu cầu chế biến của các nhà máy song song với hoạt động nghiên cứu giống để tìm ra những đặc tính ưu thế. Tuy nhiên, đối với loại cây trồng lâu năm như mắc ca thì việc tính toán hiệu quả kinh tế khi quyết định đầu tư là bước đặc biệt quan trọng nhằm mang lại lợi nhuận cao nhất”, ông Jolyon Burnett nói.

…và cơ hội lớn cho VN

Người Úc đã không còn nhiều cơ hội để mở rộng mắc ca thì đó thực sự là cơ hội lớn cho VN. Ông Brice Kaddatz – phụ trách dịch vụ cây trồng của Công ty Suncoast Gold Macadamia – công ty chế biến và cung cấp mắc ca hàng đầu của Úc (thị trấn Gympie, bang Queensland) sau chuyến thăm các vườn mắc ca tại Tây nguyên cách đây hơn 1 tháng đã phải thốt lên: “Cảm giác của tôi khi đứng trên đất Tây nguyên, chân tôi như mọc rễ được. Vì đất tốt quá, đặc biệt là Đắk Nông và Đắk Lắk”.

Chuyên gia này đánh giá, với quy hoạch và tầm nhìn 200.000 ha, phát triển được sẽ tốt cho VN. Tây nguyên hoàn toàn có thể phát triển nhanh được, nhưng phải có kế hoạch kỹ lưỡng và thận trọng. “Làm nhanh mà phải chậm. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ và hợp tác. Thị trường ở đây là mở, nhu cầu rất lớn để cùng phát triển. Nhưng, tôi cũng nói thế này, người Úc không bắt tay với những cách làm thiếu khoa học và không bài bản”, ông Brice thẳng thắn nói.

Tuy vậy, điều khiến ông lo lắng cho tình hình trồng mắc ca ở VN là vấn đề chất lượng hạt, bởi đây là yếu tố hàng đầu cho vấn đề cạnh tranh trên thị trường. Thực tế, chất lượng hạt mắc ca được quyết định chủ yếu ở khâu trồng trọt, trong đó, khí hậu và thổ nhưỡng là hai nhân tố quan trọng. Là một nước đi sau, VN hoàn toàn có thể tránh được những sai lầm mà những quốc gia khác đã mắc phải. VN phải có kế hoạch chi tiết cho từng lựa chọn, ngay ở lợi thế đang có là chi phí nhân công và khí hậu, thổ nhưỡng quá tốt tưởng như làm được ngay, trồng giống nào cũng cho quả.

“Tìm hiểu thực tế ở VN, tôi hỏi nhiều người dân trồng giống và nguồn thế nào, họ không nắm rõ. Vậy thì những năm sau, khi cây cho kết quả, nếu có sai lầm thì họ sẽ không biết cụ thể vì sao lại sai lầm để sửa. Hay có những loại giống chúng tôi đã loại bỏ cả chục năm qua vì dễ nhiễm bệnh, nhưng vẫn được cơ quan chuyên môn khuyến nghị trồng. Thực tế này rất đáng ngại”, ông Brice Kaddatz cho biết. Vì vậy, chuyên gia này khuyến nghị phải hồ sơ hoá chi tiết từng thửa vườn để kiểm soát rủi ro về sau, theo một cách làm có tổ chức và kế hoạch kỹ lưỡng, chuẩn hoá ngay từ đầu các loại giống.

Thị trường lớn chưa được khai phá

Theo thống kê của Hiệp hội Mắc ca Úc, tổng diện tích hiện có của quốc gia này khoảng 21.000 héc ta, chủ yếu trồng dọc theo chiều dài 520 km bờ biển phía đông – nơi có thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với loại cây này… Toàn quốc có khoảng trên 6 triệu cây, tuổi đời từ 6 đến 25 năm trồng tại gần 800 trang trại tập trung chủ yếu ở Bundaberg, Gympie,

Nambucca và Northern Rivers. Ngành công nghiệp sản xuất và chế biến xuất khẩu mắc ca Úc hiện chiếm 30% sản lượng và thị phần thế giới, mỗi năm thu về trên 200 triệu đô la Úc. Trong tổng sản lượng dao động từ 45.000 đến 50.000 tấn hạt nguyên liệu trong những năm gần đây, lượng chế biến để tiêu thụ nội địa chỉ chiếm 35%, còn lại chủ yếu xuất sang châu Á với 40%, Mỹ 10% và châu Âu 14%.

Các con số thống kê thời gian qua cho thấy, chỉ riêng 5 thị trường lớn là nội địa, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tiêu thụ tới khoảng 75% tổng sản lượng mắc ca toàn thế giới. Còn lại hơn 190 quốc gia vẫn là những thị trường chưa thực sự được khai phá. Về giá, liên tục trong 5 – 6 năm qua, nông dân trồng loại cây lấy hạt này thu lãi từ 5.000 – 6.000 đô la Úc/ha/năm, sau khi đã trừ các khoản chi phí như máy móc, nhân công, phân bón…

 

Nguyệt Ánh