Thái Lan ra tay chống thiếu nước
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha vừa lên tiếng kêu gọi người dân tiết kiệm nước sạch ít nhất là đến giữa tháng 8 trong bối cảnh nước này đang đối mặt với tình trạng khô hạn nặng.
Thái Lan ra tay chống thiếu nước
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha vừa lên tiếng kêu gọi người dân tiết kiệm nước sạch ít nhất là đến giữa tháng 8 trong bối cảnh nước này đang đối mặt với tình trạng khô hạn nặng.
Nông dân Thái Lan trên đồng ruộng khô hạn ở tỉnh Suphan Buri, phía tây Bangkok – Ảnh: Reuters |
Theo Reuters, Thái Lan đang hứng chịu hạn hán tồi tệ nhất trong hơn một thập kỷ qua. Trước tình hình này, hôm 14-7, Thủ tướng Prayuth phải kêu gọi bất kể là nông dân hay không thì cũng cần tiết kiệm nước.
Chính phủ Thái Lan cũng đã ra lệnh cắt giảm lượng nước xả từ bốn con đập chính là Bhumibol, Sirikit, Kwai Noi và Pasak Jolasid ở lưu vực sông Chao Phraya từ 28 triệu m3 xuống còn 18 triệu m3 mỗi ngày. Việc này nhằm bảo đảm nước vẫn còn cho đến khi những cơn mưa được dự báo xuất hiện nhiều hơn vào giữa tháng 8 tới.
Từ tháng 11 năm ngoái, theo Reuters, lượng nước ở cả ba con đập lớn nhất nước này chỉ khoảng 5 tỉ m3, thấp hơn so với mức 8 tỉ m3 như bình thường. Tuần trước, thậm chí Cục Tưới tiêu hoàng gia khẳng định lượng nước ở ba con đập chỉ còn 660 triệu m3.
Còn giám đốc Cơ quan Cấp nước thủ đô Bangkok Thanasak Watanathana xác nhận nếu không có mưa, lượng nước sinh hoạt chỉ đủ dùng trong vòng một tháng nữa. Trong khi đó, theo báo The Nation, hạn nặng đã khiến hơn 250.000 hộ gia đình ở tỉnh Pathum Thani, Lop Buri và Saraburi lân cận Bangkok chịu cảnh bị cắt nước.
Nước mưa mất đi nhiều hơn lượng nước trong tất cả các đập của chúng ta. Nếu giữ lại được 10% lượng nước mưa đã là rất nhiều rồi |
ông THANASAK WATANATHANA (giám đốc Cơ quan Cấp nước thủ đô Bangkok) |
Nông nghiệp bị ảnh hưởng
Mặc dù ở Bangkok và một số vùng của Thái Lan gần đây có mưa nhưng lượng nước không đủ chảy vào các con sông và các đập lớn để cung cấp nước cho nông dân ở miền trung và nước uống cho người dân thủ đô. Các chuyên gia nói nếu đến tháng 9 này mà mưa vẫn không đủ nhiều thì tình hình hạn hán sẽ tệ hại hơn.
Liên quan đến việc cắt giảm lượng nước xả từ các đập, Thủ tướng Prayuth đảm bảo với nông dân rằng họ sẽ được bồi thường cho các thiệt hại. Ông nói thêm ưu tiên hàng đầu hiện nay là có đủ nước sạch cho tiêu dùng và sử dụng hằng ngày. Mặt khác, cần phải trữ đủ nước để nước biển không xâm thực vào các dòng sông.
Ông cũng kêu gọi nông dân lui vụ mùa mới đến tháng 10. “Đừng bắt đầu vụ mùa vội. Chúng tôi sẽ giúp nông dân sau” – ông Prayuth nói sau cuộc họp nội các giải quyết khủng hoảng về nước hiện nay ở Thái Lan. Bộ Nông nghiệp và Bộ Nội vụ Thái Lan được lệnh thực hiện các biện pháp đem lại việc làm tạm thời cho nông dân để họ tăng thu nhập.
Tuy nhiên, theo báo Bangkok Post, nội các Thái Lan chưa xem xét kế hoạch của Bộ Tài chính về khoản ngân sách 60 tỉ baht (khoảng 1,8 tỉ USD) để giúp nông dân bị ảnh hưởng. Ông Prayuth nói chính quyền cần phải xác định rõ số nông dân bị ảnh hưởng cũng như mức độ ảnh hưởng trước khi có quyết định về khoản này.
Trước tình hình khô hạn, hôm 13-7 Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan đã hạ mục tiêu xuất khẩu hằng năm từ 10 triệu tấn xuống còn 9,5 triệu tấn, một phần cũng do nhu cầu thị trường toàn cầu.
Chủ tịch hiệp hội, ông Chukiat Opaswong, bày tỏ quan ngại rằng tác động của hạn hán đối với gạo của Thái Lan sẽ làm tăng giá gạo của nước này và khiến khách hàng quay sang các đối thủ của Thái Lan. Trong khi đó, theo Hãng tin Bloomberg, hạn hán có thể làm giảm sản lượng gạo thu hoạch của Thái Lan xuống mức thấp nhất trong vòng chín năm qua.
Giải pháp lâu dài
Do các tác động liên tục của hiện tượng El Nino, Thái Lan lo ngại hạn hán có thể kéo dài sang năm sau khi vụ mùa mới bắt đầu vào tháng 4-2016. Bộ trưởng Nội vụ Anupong Paochinda cũng kêu gọi người dân sử dụng tiết kiệm nước máy nhưng trấn an người dân rằng tình hình chưa đến nỗi quá nghiêm trọng. Lượng mưa năm nay được biết là vẫn cao hơn đợt El Nino năm 1997.
Theo Reuters, Cơ quan Cấp nước thủ đô Bangkok đang lên kế hoạch đầu tư 45 tỉ baht (1,3 tỉ USD) trong vòng bảy năm tới để tăng lượng nước ngọt dự trữ. Cơ quan này cũng bắt đầu thảo luận một kế hoạch 30 năm để dự báo nhu cầu về nước, xác định các nguồn nước và bảo vệ nguồn nước khỏi việc bị nước biển xâm thực.
Giám đốc Thanasak nói việc trữ nước mưa là một trong các giải pháp. Ông nói thêm rằng hiện nay mỗi khi có mưa ở Bangkok, nước mưa trôi ra biển hết, rất phí. “Mỗi năm chúng ta đều có lũ. Chúng ta hoang phí nước khi để nước trôi ra biển. Vậy chúng ta phải làm sao giữ lại một phần trong số nước lũ đó để giải quyết vấn đề trong mùa khô hạn?”.