29/11/2024

Những bài văn ‘đầu Ngô mình Sở’

Theo nhiều giáo viên tham gia chấm thi môn văn, dù điểm năm nay nhìn chung không quá thấp nhưng kỹ năng làm bài kém của thí sinh khiến các thầy cô phải giật mình.

 

Những bài văn ‘đầu Ngô mình Sở’

 

 

Theo nhiều giáo viên tham gia chấm thi môn văn, dù điểm năm nay nhìn chung không quá thấp nhưng kỹ năng làm bài kém của thí sinh khiến các thầy cô phải giật mình.

 

 

Chấm thi môn văn tại một cụm thi do ĐH chủ trì - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Chấm thi môn văn tại một cụm thi do ĐH chủ trì – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Hiện tượng học sinh hổng kiến thức, làm những bài văn “đầu Ngô mình Sở” hầu như ở cụm thi nào cũng có.
“Bịa” thêm nhân vật Nam Tào, Bắc Đẩu
Theo đánh giá của các giám khảo ở các cụm thi, câu nghị luận văn học mang đến cho các thầy cô nhiều băn khoăn nhất về hiệu quả dạy học văn trong nhà trường.
Một giám khảo ở cụm do Sở GD-ĐT Hà Nội chủ trì cho biết cả chương trình lớp 12 phần kiến thức cơ bản học sinh chỉ học chưa đến mười văn bản văn xuôi, nhưng ngay cả việc đọc hết những văn bản này dường như nhiều thí sinh (TS) cũng không thực hiện. Những văn bản khó như tuỳ bút hay chính luận thì có thể khó đọc, nhưng Chiếc thuyền ngoài xa của nhà văn Nguyễn Minh Châu là một truyện ngắn hay và mấy năm gần đây thường được đưa vào các đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ vậy mà vẫn rất xa lạ với nhiều TS.
Giám khảo này dẫn chứng có TS vừa vào bài là “tán nhăng tán cuội” về nhân vật thị trong Vợ nhặt của Kim Lân, rằng thị là một người đàn bà có số phận cơ cực như cọng rơm cọng rác, đói khổ đến nỗi phải theo không người ta về làm vợ để có miếng ăn. Nhưng đến câu cuối cùng, đùng một cái TS viết “qua truyện ngắn này, nhà văn Nguyễn Minh Châu (không còn Kim Lân nữa – PV) đã đề cập tới số phận của người phụ nữ VN nói chung”. Vị giám khảo này chia sẻ: “Bài viết phạm lỗi logic, nhưng barem của Bộ lại không nêu lỗi này, vì thế tôi “gạn đục khơi trong” cho TS 0,25 điểm vì cũng đã viết đúng ý với đáp án ở câu cuối cùng”.
Cũng ở câu nghị luận văn học, cô Đào Thu Hiền, một giám khảo chấm ở cụm do Trường ĐH Thủy lợi chủ trì, cho biết có một bài làm còn gán tên cho hai nhân vật tôi (Phùng) và Đẩu trong đoạn trích Người đàn bà thuyền chài mà đề thi ra là Nam Tào và Bắc Đẩu. Không chỉ là “quên” tên nhân vật mà suốt cả bài TS còn “tán nhăng tán cuội” như “đang đi tuần, Nam Tào, Bắc Đẩu bắt gặp một người đàn bà bị chồng hành hạ liền xông vào can ngăn”. Điều này chứng tỏ TS chưa bao giờ được tiếp cận tác phẩm.
Cô L.H, một giám khảo ở cụm thi do Trường ĐH Hồng Đức chủ trì, cho biết cô cũng bắt gặp một số bài viết lan man về Mỵ (Vợ chồng A Phủ) và thị (Vợ nhặt) mà không đả động gì đến đoạn trích người đàn bà thuyền chài dù cuối đoạn trích trong đề ghi rõ trích Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu. Có một bài, sau khi viết tràng giang đại hải về Vợ nhặt, TS mới có một câu mở đầu bằng cụm từ “Trở lại với tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa…”.
Viết nhăng, viết cuội
Kỹ năng làm bài kém, thiếu các kỹ năng nhận định – phân tích đề, tạo lập văn bản… là những lỗi nhiều TS mắc phải, và đây là lý do TS không được điểm cao ở các câu phần đọc – hiểu và nghị luận xã hội.
“Với câu nghị luận xã hội, hầu như các em đều hiểu vấn đề, nhưng trình bày rối rắm, và không đầy đủ 3 phần mở bài, thân bài, kết luận mà một bài văn nghị luận cần phải có. Hầu hết các TS chỉ viết được một đoạn văn, tức là thân bài. Tuy nhiên có những em viết quá dài. Đề yêu cầu 600 chữ, tức khoảng 2 trang giấy thi, nhưng các em viết đến 4 – 5 trang. Phần viết kém nhất là câu nghị luận văn học”, cô H.N, giám khảo cụm Sở GD-ĐT Hà Nội, nhận xét.
Cô L.H, cụm thi Trường ĐH Hồng Đức, cho biết có những TS rất “thật thà”, kể chuyện thầy giáo của mình (với tên và địa chỉ rõ ràng) long đong vất vả thế nào trong quá trình xin việc, đại để thầy phải làm hết nghề nọ đến nghề kia và cuối cùng sau bao lận đận cũng xin được đi dạy. “Bài làm cũng có ý, TS kể ra câu chuyện đó để muốn dẫn dắt người đọc tới thông điệp rằng học giỏi như thầy em là chưa đủ mà cần phải có kỹ năng sống. Nhưng cách diễn đạt ngây ngô non nớt cùng với tên tuổi thật của thầy giáo mà người trong nghề chúng tôi cũng có nghe tên khiến giám khảo đang chấm phải phì cười”, cô L.H chia sẻ.
Cũng theo cô L.H, có TS gần như dành toàn bộ thời gian 180 phút làm bài để chép lại đề, đằng sau mỗi câu hỏi TS ghi chữ “Bài làm” cùng mấy câu viết nhăng viết cuội.
Liên hệ đến thực tiễn
Theo một giáo viên ở Trường THPT Ngô Quyền, Hải Phòng (chấm ở cụm thi ĐH Hàng hải), cũng có một TS khá sáng tạo khi làm bài.
Chẳng hạn như khi viết bài nghị luận về kỹ năng sống và rèn luyện kiến thức, có TS chỉ ra rằng ngay trong việc tích luỹ kiến thức cũng không được toàn diện, đầy đủ.
Chẳng hạn TS vẫn rất thiếu kiến thức về giáo dục sức khoẻ sinh sản, về giới tính vì thế dẫn tới việc gặp nhiều khó khăn về kỹ năng xử lý vấn đề này khi ra ngoài xã hội. Hoặc có TS sau khi phân tích sự cần thiết của việc rèn luyện kỹ năng sống cũng như tích luỹ kiến thức đã viết một đoạn đầy xúc động liên tưởng tới thực tế trong khi các em ngồi trong phòng làm bài thi thì bố em đang đứng chờ con dưới trời nắng nóng 39 – 40 độ.

Quý Hiên