29/11/2024

Khi tin tặc Việt ‘gây án’ liên lục địa

Có lẽ bị ảnh hưởng nặng bởi cái định kiến ‘bụt nhà không thiêng’ nên người Việt mình mới đề cao hacker các xứ Trung Quốc, Nga, Israel… mà ngó bằng nửa con mắt những tin tặc Việt. Ngoạ hổ tàng long đó nghen.

 

Khi tin tặc Việt ‘gây án’ liên lục địa

 

 

Có lẽ bị ảnh hưởng nặng bởi cái định kiến ‘bụt nhà không thiêng’ nên người Việt mình mới đề cao hacker các xứ Trung Quốc, Nga, Israel… mà ngó bằng nửa con mắt những tin tặc Việt. Ngoạ hổ tàng long đó nghen.

 

 

Khi tin tặc Việt 'gây án' liên lục địa - ảnh 1Ảnh chụp hộ chiếu của Ngô Minh Hiếu trên trang tin an ninh mạng Krebsonsecurity (Mỹ)
Từ thời internet còn xài đường dây điện thoại theo công nghệ dial-up tạch tạch xè xè ì ạch, tin tặc đã lộng hành rồi. Huống chi bây giờ cơ sở viễn thông quá chừng hiện đại, internet chạy tới tận thôn xóm hẻo lánh, hang cùng ngõ tận, đường truyền cáp quang chạy phà phà, và mọi thứ đều được nối mạng internet, tội phạm mạng càng như cá gặp nước, như hổ vào rừng. Chỉ cần ngồi tại một cái hốc bà tó nào đó ở ”Chắc Cà Đao”, miễn là có kết nối internet là một tin tặc có thể tấn công khắp thế giới.
Nói có sách mách có chứng, mà chứng cứ mới toanh còn nóng hôi hổi vừa thổi vừa coi. Ngày 14.7.2015, Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra báo cáo chính thức về một vụ án hacker thuộc hàng có số má trong cuộc chiến chống tội phạm mạng của Mỹ. Điều đáng chú ý, tin tặc là một thanh niên Việt Nam năm nay 25 tuổi tên Ngô Minh Hiếu (trong báo cáo ghi là Hieu Minh Ngo, sinh tháng 10.1989). Hiếu vừa bị tòa án Mỹ ”tặng” cho 13 cuốn lịch ngồi gỡ trong nhà tù về tội xâm nhập các hệ thống mạng máy tính của nhiều công ty Mỹ, đánh cắp thông tin cá nhân của gần 200 triệu người Mỹ (tức gần 2/3 dân số nước này).
Điều nguy hiểm là Hiếu đã trở thành đầu mối tạo ra một mạng lưới tội phạm mạng gây nhiều thiệt hại cho nước Mỹ. Hiếu đã bán các thông tin này trên các website của mình và được hàng ngàn tội phạm mạng trên khắp thế giới mua lại. Hiếu bỏ túi hơn 2 triệu USD. Còn những người mua hàng của Hiếu thì kiếm bộn hơn. Theo Cục Thuế Nội địa Hoa Kỳ (Internal Revenue Service, IRS), tội phạm đã dùng thông tin của khoảng 13.673 người Mỹ mà chúng mua được thông qua webiste của Hiếu để lập hồ sơ hoàn thuế với tổng số tiền lên tới 65 triệu USD.
Giống như các tội phạm mạng khác, Hiếu đã ”gây án” ở Mỹ mà chẳng cần phải xin visa nhập cảnh Mỹ. Ngồi tại nhà mình ở Việt Nam, Hiếu bắt đầu hoạt động xâm nhập các mạng máy tính ở Mỹ để đánh cắp thông tin suốt từ năm 2007 tới tận năm 2013. Thật ra, từ năm 2012, Hiếu đã bị Mật vụ Mỹ gài bẫy và bắt tại đảo Guam của Mỹ, nơi Hiếu bị “lừa tình” bởi một mật vụ Mỹ giả dạng khách hàng rủ Hiếu qua bàn chuyện phát triển mạng lưới “làm ăn”. Mật vụ Mỹ vẫn duy trì các website của Hiếu như thể Hiếu chưa bị bắt để giăng lưới tóm những khách hàng lớn của hacker này.
Hiếu chỉ là một tin tặc Việt mới bị sa lưới. Trước đó, thỉnh thoảng lại có tin về những vụ tin tặc và lừa đảo qua mạng do người Việt hay người gốc Việt ra tay.
Khi tin tặc Việt 'gây án' liên lục địa - ảnh 2Việc phòng chống tin tặc đang là vấn đề đau đầu của các nhà quản lý – Ảnh minh hoạ AFP
Chẳng hạn như đầu năm 2011, Cơ quan điều tra Thực thi Nhập cảnh và Hải quan (ICE) thuộc Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã triệt phá một đường dây tội phạm quốc tế do một số người gốc Việt cầm đầu. Những người này đã đánh cắp hàng trăm triệu USD từ những dịch vụ mua bán online bằng cách xâm nhập mạng của họ hay dùng những thông tin cá nhân ăn cắp được để mua hàng, giao dịch.
Nhà chức trách đã tóm được hai sinh viên tên Tram Vo và Khoi Văn đang học tại Đại học bang Minnesota. Nhà chức trách Mỹ cho biết hai người này đã kiếm được 1,2 triệu USD bằng cách bán phần mềm, video game và thẻ quà tặng Apple trên mạng eBay, sau đó vận chuyển tới người mua những món hàng mà chúng mua bằng những số thẻ tín dụng đánh cắp được.
Một nạn nhân là chị Susan Higginbotham ở bang Minnesota trình báo rằng có ngày nhận tới 8 lá thư của ngân hàng báo cho biết chị vừa ký tên mua hàng. Chị cũng nhận được những tờ hóa đơn của eBay về những giao dịch giả danh chị.
Vào tháng 11.2011, nhà chức trách bang Louisiana cũng đã bắt được 3 sinh viên có liên quan tới một vụ lừa đảo tương tự. Trung tâm Tội phạm Mạng của ICE ở thủ đô Washington DC cho biết họ đã bắt đầu điều tra về đường dây tội phạm người Việt này từ tháng 9.2009.
Tất nhiên, tin tặc Việt cũng đâu có tha thị trường trong nước. Mới đây là hồi tháng 3.2015, Tập đoàn VNPT thừa nhận có hơn 50.000 tài khoản khách hàng của chi nhánh VNPT ở tỉnh Sóc Trăng đã bị tin tặc đánh cắp và tung lên mạng internet. Đó là những thông tin cá nhân và mật khẩu đăng nhập. Một nhóm gọi là DIE Group đã thừa nhận mình là thủ phạm. Người ta tình nghi đây là một nhóm tin tặc Việt.
Trước đó, vào ngày 29.5.2013, nhà chức trách Việt Nam đã tóm được Trương Duy Hải, 23 tuổi, sống tại TP.HCM, với tội danh cùng đồng bọn điều hành một đường dây lừa đảo thẻ tín dụng trên toàn thế giới gây thiệt hại 200 triệu USD. Có 11 người khác đã bị bắt ở Mỹ và Anh trong vụ án này.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Leslie Caldwell nói trong bản báo cáo về vụ Ngô Minh Hiếu: “Những tội phạm mua và bán thông tin nhận diện cá nhân bị đánh cắp vì chúng nhìn thấy đó là một cơ hội thu lợi lớn, nguy cơ thấp. Việc nhận diện và truy tố những tội phạm mạng như Hiếu là một trong những cách mà chúng tôi đang làm để thay đổi cái kiểu phân tích chi phí – lợi nhuận như vậy”.

Phạm Hồng Phước