11/01/2025

‘Đột nhập’ trường cai game

Có một ngôi trường mà ở đó thầy cô quan niệm rằng: Học sinh nghiện game, hiếu động, nghịch ngợm, ham chơi, lười học, đánh nhau… chưa hẳn đã hư.

 

‘Đột nhập’ trường cai game

 

 

Có một ngôi trường mà ở đó thầy cô quan niệm rằng: Học sinh nghiện game, hiếu động, nghịch ngợm, ham chơi, lười học, đánh nhau… chưa hẳn đã hư.

 

 

Cảnh sinh hoạt và học tập của các học viên Trường nội trú IVS - Ảnh: Đăng NguyênCảnh sinh hoạt và học tập của các học viên Trường nội trú IVS - Ảnh: Đăng Nguyên

 Trượt dài theo game

“C. du học ngành điện 6 năm ở Nga, về làm trái ngành một thời gian rồi bỏ việc. Người yêu cũng chia tay. Buồn chán. Thường xuyên chơi game 20 – 22 giờ/ngày, nhiều năm liền không ăn cơm ở nhà với bố mẹ lần nào. Gia đình nhờ hỗ trợ đưa C. vào trường nội trú”.
'Đột nhập' trường cai game - ảnh 2
Đó là những dòng thông tin trong hồ sơ của Trường nội trú IVS về C. – một thanh niên từng học khá giỏi và được kỳ vọng rất lớn của gia đình. Nhưng C. đã chọn game online làm lối thoát cho nỗi buồn chán của mình và trượt dài theo game.
Khi chúng tôi gặp C., khuôn mặt anh vẫn còn đờ đẫn, ngây dại, thiếu sinh khí. C. trả lời ngơ ngác: “Mình bị nhà bắt đưa vô đây chứ có biết gì đâu. Cũng không biết khi nào họ đưa mình về nữa”.
C. cho biết đã có nhiều năm trời quên mất cả gia đình và bản thân mình. Bỏ việc, bỏ tất cả kiến thức đã từng học, chơi game suốt ngày. Chỉ trước đó mấy ngày, tóc C. đã dài đến thắt lưng.
Còn K. vào trường được khoảng 1 tháng. Năm nay, K. đã lên lớp 10 nhưng thân hình nhỏ choắt như một cậu học sinh lớp 6 vì ít hoạt động thể thao. Cha mẹ ly dị từ khi K. lên lớp 4. Sau đó, do suốt ngày lo buôn bán nên mẹ K. gửi em vào một trường nội trú tại TP.HCM. K. kể: “Ở nội trú, xa gia đình, ngoài giờ học, con chẳng biết làm gì. Con buồn chán quá, vậy là tối nào cũng ra tiệm cày game”.
Trường của “học sinh cá biệt”
Trường nội trú IVS, thuộc Viện Nghiên cứu, phát triển vovinam và thể thao. Ở phía bắc, trường thành lập từ năm 2009, không còn quá xa lạ và hiện nay có đến hơn 200 học sinh theo học. Còn ở phía nam, trường mới bắt đầu thành lập chi nhánh và giảng dạy được khoảng 3 tháng nay.
'Đột nhập' trường cai game - ảnh 3
IVS chuyên nhận học sinh “cá biệt” chứ không chỉ là những người nghiện game. Quan điểm của trường là: “Cá biệt nghĩa là những cá tính đặc biệt. Học sinh nghiện game, hiếu động, nghịch ngợm, ham chơi, lười học, đánh nhau chưa hẳn đã hư. Nguyên nhân chủ yếu là do các em chưa có môi trường và phương pháp giáo dục đào tạo thích hợp”.
Vì vậy, IVS nhận tất cả những học sinh cá biệt và uốn nắn trở thành người có ích, quay lại cuộc sống đời thường. Học sinh hầu như bị tách biệt hoàn toàn khỏi internet. Hai ngày mới được xem ti vi trong một thời gian ngắn. Thay vào đó, ngoài việc học văn hoá bình thường là những giờ học bóng đá, bơi lội, cầu lông… Thậm chí, có cả những giờ học kỹ năng sống, học vẽ, học nhạc, tập thiền, yoga để cân bằng. Và tất nhiên, môn võ vovinam được học để rèn luyện tính cách, sức khoẻ của học sinh.
'Đột nhập' trường cai game - ảnh 4
Lần giở hồ sơ của những học viên tại trường này mới thấy hết sự đặc biệt. Có những cao thủ game online; có học sinh từng thường xuyên bỏ học, bỏ nhà theo bạn bè đua xe, đánh nhau và cũng có học sinh suốt ngày đi thơ thẩn: “Em thích đi đến sân khấu Trống Đồng, em thích Vân Quang Long”…
Mỗi học sinh vào đây là một hoàn cảnh đặc biệt, vì thế phải có những “phác đồ” giáo dục riêng. Điều này đòi hỏi sự tận tâm của tất cả thầy cô, quản nhiệm. Với những học sinh bị nghiện game thì dễ hơn, đưa các em vào môi trường tách biệt này là có thể thay đổi rõ rệt. Như K. chỉ sau 1 tháng ở đây đã thấy rất vui và hào hứng. K. nói tuần đầu tiên rất nhớ game, nhưng sau đó thì quen dần nền nếp sinh hoạt trong trường. K đã tăng gần 4 kg, thấy khoẻ khoắn hơn rất nhiều.
Nhưng nhiều trường hợp khác thì giáo viên phải rất vất vả. Một số trường hợp có vấn đề thần kinh, phải tập luyện nhẹ nhàng. Học sinh tăng động, cần hướng dẫn tham gia thiền, yoga. Học sinh quậy phá, phải vừa áp dụng kỷ luật vừa yêu thương. Mỗi sự thay đổi nhỏ của học sinh đều được để ý. Buổi tối, các quản nhiệm ngủ ngay trong phòng nội trú để theo dõi. Liệu pháp xoa bóp cũng thường xuyên được áp dụng.
Văn Anh, phụ trách quản lý học sinh tại chi nhánh TP.HCM, kể: “Học sinh nghiện game thường có dáng lệch qua một bên vì ngồi chơi game. Các em này lại ít vận động, cơ bắp rất yếu. Trước khi áp dụng các bài tập thể thao, phải xoa bóp các cơ cho các em để quen dần với việc vận động”.
Theo cô Mai, phụ trách chi nhánh Trường IVS ở TP.HCM, những giọt nước mắt mừng vui của phụ huynh khi đến thăm con, thấy con tiến bộ từng ngày là phần thưởng lớn nhất khiến các thầy cô bám trụ ở đây.
Từng bị xem là “đồ bỏ đi”
Dù trước đây từng bị xem là “đồ bỏ đi”, nhờ được phát huy đúng sở trường, nhiều học sinh của Trường IVS đã đạt được những thành tích rất đáng tự hào. 100% học sinh học hết lớp 12 đều thi đỗ tốt nghiệp và vào các trường ĐH. Chính vì vậy, Bộ GD-ĐT đã khuyến khích trường mở thêm chi nhánh tại TP.HCM.
Thậm chí, học sinh còn được phát triển đúng sở trường. L.T.K, quê Thái Nguyên từng nghiện game online, thường xuyên trốn học, chống đối bố mẹ. Những ngày đầu được gửi vào trường, K. nghiên cứu đột nhập hệ thống máy tính, vô hiệu quá camera an ninh và xóa sạch dữ liệu của trường rồi bỏ trốn. Sau khi thầy cô cùng gia đình tìm kiếm và vận động trở lại trường, K. đã tỉnh ngộ, chú tâm vào học hành và thi đỗ ĐH. Hiện K. là sinh viên một trường ĐH danh tiếng ở Hà Nội và đang cùng nhóm bạn thiết kế các phần mềm hỗ trợ học tiếng Anh, tin học.

Đăng Nguyên