11/01/2025

Doanh nghiệp than khó lọt “mắt xanh” đại gia

Các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tới đây sẽ được dành ưu đãi cao nhất như miễn thuế thu nhập 4 năm, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo…

 

Doanh nghiệp than khó lọt “mắt xanh” đại gia

 

 Các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tới đây sẽ được dành ưu đãi cao nhất như miễn thuế thu nhập 4 năm, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo… 

 

 

Doanh nghiệp VN xem các linh kiện Samsung mời gọi cung ứng - Ảnh: Cầm Văn Kình
Doanh nghiệp VN xem các linh kiện Samsung mời gọi cung ứng – Ảnh: Cầm Văn Kình

Nhiều doanh nghiệp VN cho biết khó cạnh tranh được với các doanh nghiệp FDI để trở thành nhà cung ứng cho Samsung do doanh nghiệp FDI được ưu đãi nhiều hơn doanh nghiệp trong nước.

Đó là nội dung được nhiều doanh nghiệp (DN) chia sẻ tại cuộc triển lãm – đối thoại giữa Samsung và các DN VN để tìm kiếm nhà cung ứng cho các nhà máy Samsung được Bộ Công thương và Công ty TNHH Samsung điện tử tổ chức ngày 15-7.

Không dễ thành nhà cung cấp

Ông Jang Ho Young, phó tổng giám đốc bộ phận mua hàng Samsung Bắc Ninh, cho biết đến nay chỉ mới có 4 DN VN ký hợp đồng trực tiếp cung ứng linh kiện cho Samsung (nhà cung ứng cấp 1), với tổng giá trị đặt hàng trong năm nay khoảng 45 triệu USD (2014 là 34 triệu USD).

Ngoài ra còn có 28 DN khác là nhà cung ứng cấp 2 (chủ yếu cho 4 DN nêu trên). Gần một năm kể từ đợt triển lãm mời gọi nhà cung ứng, ông Jang cho biết mới có thêm một DN khác đang được… xem xét là nhà cung ứng cấp 1 và tám DN ở dạng… tiềm năng trở thành nhà cung ứng cấp 2.

Theo ông Jang, các tiêu chí để trở thành nhà cung ứng cho Samsung không có gì thay đổi so với khi giới thiệu vào năm 2014, đó là chất lượng phải có chứng nhận ISO, đáp ứng thời hạn giao, giá cả phải cạnh tranh… Năm nay, theo ông Jang, ngoài 10 mẫu di động, Samsung cũng giới thiệu bốn hạng mục khác với khoảng 200 loại linh kiện mời DN VN tham gia cung cấp.

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, những DN còn kiên nhẫn ở lại vào cuối buổi đối thoại thừa nhận khó có thể trở thành nhà cung ứng cho Samsung! Ông Bùi Thanh Nam, tổng giám đốc Công ty CP Nhựa Hà Nội – nhà cung cấp cho các hãng lớn như Honda, LG…, cho biết sau khi trực tiếp cử người đến DN này để kiểm tra, Samsung “chê” nhiều yếu tố.

Hiện DN này đang điều chỉnh trước khi Samsung tái kiểm tra để quyết định nhưng chưa biết có đạt yêu cầu hay không.

Chính sách ưu đãi còn… trên giấy

Ông Nguyễn Minh Ngọc, tổng giám đốc Công ty CP sản xuất và xuất nhập khẩu bao bì Thăng Long – một trong những DN VN đầu tiên ký được trực tiếp cung ứng hàng cho Samsung, cho biết để được trở thành nhà cung ứng cho Samsung không dễ.

DN phải đáp ứng nhu cầu giao hàng theo nhu cầu thị trường, có thể tăng rất lớn, chưa kể các yếu tố như giá cả, môi trường… cũng phải đáp ứng tiêu chuẩn được Samsung đưa ra”, ông Ngọc nói.

Ngoài ra, theo ông Ngọc, có một thực tế là DN nội rất khó tiếp cận các chính sách ưu đãi của Chính phủ dành cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT), trong khi các doanh nghiệp FDI lại được ưu đãi hơn nhờ chính sách thu hút vốn FDI của VN.

“Samsung luôn đặt 3-4 DN cùng cung ứng sản phẩm cho họ, mà doanh nghiệp FDI được ưu đãi hơn nên họ có nhiều lợi thế hơn là đương nhiên” – ông Ngọc nói.

Ông Nguyễn Văn Hào, phó giám đốc Công ty TNHH cơ khí HTMP VN, cũng cho rằng DN FDI đang có nhiều lợi thế cạnh tranh ngay tại VN nhờ được hưởng nhiều ưu đãi hơn DN trong nước.

Chẳng hạn, DN VN hiện phải nộp tiền thuê đất tăng gấp 20 lần so với trước, trong khi DN FDI được nộp một lần, thậm chí được miễn giảm nhiều. Do vậy, chi phí của DN VN sẽ nhiều hơn, tác động lên giá sản phẩm.

Doanh nhân trẻ Nguyễn Tiến, giám đốc Công ty TNHH thương mại và chế tạo khuôn mẫu TDBH (Bắc Ninh) – nhà cung ứng cấp 2 cho Samsung, cho biết vừa đầu tư một khoản vốn lớn để trang bị máy móc thiết bị, đáp ứng yêu cầu từ nhà sản xuất nhưng DN này cũng không được hưởng ưu đãi nào về vay vốn dù là DN CNHT.

Thừa nhận các DN CNHT thời gian qua chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ, ông Phạm Anh Tuấn, vụ phó Vụ Công nghiệp nặng Bộ Công thương, khẳng định các DN này tới đây sẽ được dành ưu đãi cao nhất như miễn thuế thu nhập 4 năm, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo… Tuy nhiên, theo ông Tuấn, những ưu đãi này vẫn đang ở dạng… dự thảo của Bộ Công thương!

Không phân biệt đối xử

Trả lời câu hỏi của báo chí về một số ý kiến cho rằng Samsung ưu tiên DN thân thiết của mình từ Hàn Quốc hơn là DN Việt, ông Han Myoung Sup – tổng giám đốc tổ hợp Samsung điện tử VN – khẳng định Samsung sản xuất những sản phẩm được tiêu thụ trên toàn thế giới nên chất lượng luôn phải đặt lên hàng đầu, không phân biệt DN quốc tịch nào.

“Tôi mong rằng các DN VN giữ vững ý chí, sự cố gắng và quyết tâm. Chỉ cần đảm bảo những điều này, việc tham gia dây chuyền sản xuất của Samsung không phải là một việc quá khó khăn”- ông Han Myoung Sup nói.

TP.HCM: Samsung tích cực tìm nhà cung ứng nội địa

Tại TP.HCM, dự án xây dựng khu phức hợp điện tử gia dụng Samsung (SEHC) ở Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) với vốn đầu tư 1,4 tỉ USD, khởi công từ tháng 5-2015, hiện vẫn đang gấp rút quá trình xây dựng.

Theo một lãnh đạo của Công ty điện tử Samsung Vina, dự kiến đầu quý 2-2016 nhà máy sẽ đi vào hoạt động, chuyên sản xuất các sản phẩm thuộc ba lĩnh vực điện tử, điện lạnh và máy in.

“Chúng tôi vẫn đang tìm kiếm và chọn thời điểm thích hợp để cùng SHTP tổ chức buổi kết nối, gặp gỡ nhằm tìm kiếm các nhà cung cấp trong nước có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn nằm trong hệ thống chuỗi cung ứng do Samsung thiết lập. Kế hoạch này vẫn đang được ráo riết xúc tiến thực hiện để kịp với tiến độ nhà máy sắp sửa đi vào sản xuất”, vị này nói.

Trước đó, theo ông Lê Hoài Quốc – trưởng Ban quản lý SHTP, đã có 20 doanh nghiệp nội địa trong lĩnh vực sản xuất nhựa, thiết bị cơ khí các loại, linh kiện điện tử lọt vào vòng sát hạch thứ ba trong “chiến dịch” tìm kiếm nguồn cung cấp tại chỗ cho dự án SEHC.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có thêm thông tin nào về số doanh nghiệp nội địa lọt được vào vòng tiếp theo trong quá trình sát hạch của Samsung tại khu vực TP.HCM lựa chọn.

“Nếu vượt qua được các tiêu chuẩn cuối cùng của họ, các doanh nghiệp trong nước mới có hi vọng tiếp cận được hệ thống chuỗi của Samsung”, ông Quốc nhấn mạnh.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Cao Văn Sang – tổng giám đốc Công ty CP Nhựa Sài Gòn, doanh nghiệp đã từng được đại diện Tập đoàn Samsung xuống tận nhà máy sản xuất khảo sát hạ tầng, kiểm tra sản phẩm và có buổi làm việc về khả năng cung ứng các sản phẩm nhựa công nghiệp kỹ thuật cao – cho biết: “Chúng tôi vẫn chưa hết hi vọng sẽ được đứng trong chuỗi cung ứng cho dự án SEHC vì thấy mình tự tin có khả năng đáp ứng được”.

Theo ông Sang, sau lần khảo sát thực tế tại nhà máy cách đây chưa lâu với nhận xét “nhà xưởng sản xuất chưa được gọn gàng lắm, cần thay đổi và đầu tư thêm máy móc thiết bị” của đại diện Samsung, Nhựa Sài Gòn đã mở rộng, sắp xếp lại nhà xưởng sản xuất một cách khoa học, hợp lý hơn.

Đồng thời, công ty cũng đầu tư trên 100 tỉ đồng “sắm” thêm thiết bị máy ép phun nhựa có thể sản xuất bộ khung ngoài cho máy giặt, vỏ máy in hoặc các chi tiết nhựa trong sản phẩm điện tử gia dụng nhằm chuẩn bị đón đầu cơ hội mà Samsung đang mở ra cho các doanh nghiệp nội địa tiếp cận được tham gia chuỗi cung ứng.

“Không dễ dàng chút nào, nhưng nếu được trở thành nhà cung cấp linh kiện cho Samsung thì cơ hội phát triển cho doanh nghiệp là vô cùng lớn”, ông Sang chia sẻ.

TRẦN VŨ NGHI

 

CẦM VĂN KÌNH