11/01/2025

Đạo tặc lộng hành, nhà chùa thấp thỏm

Không chỉ trộm cắp gây bất an ngoài xã hội, gần đây kẻ trộm cũng không chừa cả chốn tu hành, ra tay trộm tượng Phật lẫn tài sản của nhiều nhà chùa ở Tiền Giang.

 

Tấn công tội phạm nông thôn – Kỳ 3: Đạo tặc lộng hành, nhà chùa thấp thỏm

 

 

Không chỉ trộm cắp gây bất an ngoài xã hội, gần đây kẻ trộm cũng không chừa cả chốn tu hành, ra tay trộm tượng Phật lẫn tài sản của nhiều nhà chùa ở Tiền Giang.

 

Chùa Phước Long, nơi có nhiều tượng Phật bị mất trộm Chùa Phước Long, nơi có nhiều tượng Phật bị mất trộm – Ảnh: H.PH

Trộm cả tượng Phật

Cuối tháng 5.2015, tại chùa Kim Phước (ấp Hiệp Quới, xã Hiệp Đức, H.Cai Lậy) xảy ra vụ mất trộm. Đại đức Thích Nhuận Tâm, trụ trì chùa, kể: “Khuya hôm ấy, chú tiểu lên chánh điện công phu thì phát hiện bị mất trộm. Chúng tôi kiểm tra lại thì thấy ổ khoá cổng chùa bị bẻ, cửa sổ bị cắt, kẻ trộm để lại một cái kềm và tuốc nơ vít tại hiện trường. Điều đáng buồn là toàn bộ 15 tượng Phật bằng đồng đều bị trộm lấy hết, trong đó có những tượng có niên đại trên 200 năm, từ khi mới lập chùa. Theo tôi, băng trộm này ít nhất cũng phải 3 người mới có thể gom hết nhiều cổ vật nặng như vậy. Sau vụ trộm, chỉ còn sót lại vài tượng Phật, vì lo sợ bị mất nên nhà chùa phải đem gửi, chờ khi chùa mới được xây xong sẽ đem về thờ. Khi vụ trộm xảy ra, công an tới khám nghiệm hiện trường, thu giữ vật chứng, nhưng tới nay cũng chưa có kết quả”.

Chùa Phước Long (ấp Phú Hoà, xã Phú Phong, H.Châu Thành) nằm sâu ở khu vực nông thôn, trong khu vườn rộng 5.000 m2 vậy mà kẻ trộm vẫn tìm tới, cắt cửa sổ đột nhập lấy đi 2 cái đại hồng chung, một bộ lư đồng, tượng Địa Tạng cưỡi đề thính và cái chuông gia trì. Thượng toạ Thích Giác Lai, trụ trì chùa, cho biết cả hai đại hồng chung đều rất nặng, một cái chừng 50 kg và một cái nặng tới vài trăm ký, bị mất vào ban đêm. “Nhưng mới đây, ngay cả ban ngày kẻ trộm vẫn dám lẻn vào chùa lấy đi một tượng Quan Thế Âm Bồ tát bằng đồng, cao khoảng 60 cm, để trong tủ ngay ở chánh điện. Trước khi bị mất trộm, mấy con chó của chùa và chó của những nhà xung quanh chùa đều bị thuốc chết hết”, thượng toạThích Giác Lai cho biết.

Đại đức Thích Phước Nhân, trụ trì chùa Sắc tứ Long An (toạ lạc tại ấp Bình Thới, xã Bình Phú, H.Cai Lậy), lắc đầu ngao ngán: “Khoảng 3 giờ 30 một ngày cuối tháng 5.2015, nghe tiếng động lụp cụp, bất ngờ thấy ánh đèn loé sáng qua cửa phòng, tôi thức dậy bật đèn kiểm tra nhưng không thấy gì. Trong khi đó thì cửa kính bị nứt, lấy tay sờ vào vẫn còn nóng rực. Hôm sau kiểm tra lại thì chưa phát hiện đồ đạc bị mất, nhưng cửa sổ bằng sắt ở chùa bị cắt và kẻ trộm còn để lại cây kềm cách điện. Nhà chùa có trình báo và công an có tới khám nghiệm hiện trường, nhưng đến nay vẫn chưa có manh mối”.

“Câu tiền” trong thùng công đức

Đại đức Thích Quảng Lộc, Phó trưởng ban Trị sự Phật giáo TP.Mỹ Tho, cho biết nếu như trước kia kẻ trộm vào chùa chỉ để tìm cổ vật thì nay trộm lấy bất cứ thứ gì có thể bán được, kể cả trộm tiền ở thùng công đức. Như ở chùa Vĩnh Tràng (xã Mỹ Phong, TP.Mỹ Tho), có lần khui thùng công đức, nhà chùa phát hiện trong thùng có cả chục lưỡi cưa sắt được dán băng keo 2 mặt, đây là dụng cụ kẻ trộm dùng để cột sợi dây rồi đưa vào trong thùng công đức để “câu” tiền lên.

Có lần, vì thấy tiền rơi rớt bên ngoài thùng công đức ở chùa Bửu Lâm (P.3, TP.Mỹ Tho), nhà chùa mở camera xem lại thì thấy có 4 thanh niên vào chùa, tay cầm bó nhang lớn. Khi vào chánh điện, 2 thanh niên đốt nhang quỳ lạy Phật, 2 thanh niên còn lại thì dùng lưỡi cưa sắt quấn băng keo 2 mặt rồi cột vào sợi dây nhợ thả vào thùng công đức để “câu” tiền.

Một câu chuyện khá hy hữu xảy ra tại chùa Bửu Lâm (P.3, TP.Mỹ Tho) cách nay chưa lâu. Đại đức Thích Lệ Hiếu, trụ trì chùa, kể: “Hôm đó mới hơn 7 giờ sáng đã có hai vợ chồng đi xe máy tới viếng chùa. Dựng xe bên ngoài, họ xin vào chánh điện để lạy Phật. Nghĩ là khách thập phương tới lễ Phật nên chúng tôi hướng dẫn họ vào trong chớ đâu có ai để ý hoặc nghi ngờ gì. Khoảng 15 phút sau bỗng nghe tiếng người vợ la “ăn trộm, ăn trộm”. Mọi người chạy vào thấy người vợ đóng cửa chánh điện và bóp ổ khóa bên ngoài lại. Ngay lúc đó người chồng tung mạnh cửa làm bung cả khoen và ổ khoá rồi tháo chạy ra sau chùa, thoát ra khu vườn bên cạnh. Nhưng một phật tử đã gọi báo cho công an phường và kẻ trộm đó đã bị bắt ngay sau đó”.

Kẻ trộm là Lý Tá Giảng (28 tuổi, ngụ H.Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) và cô vợ tên Lê Thị Mỹ Anh (21 tuổi, ngụ Q.3, TP.HCM). Tại cơ quan công an, Giảng khai đã chở vợ từ TP.HCM xuống Mỹ Tho, thuê khách sạn ngủ qua đêm chờ sáng hôm sau vào chùa ăn trộm. Bằng thủ đoạn giả dạng vào chùa thắp nhang, lạy Phật, Giảng khai vợ chồng y đã từng thực hiện trót lọt khoảng 200 vụ trộm ở các chùa từ TP.HCM đến các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ.

Theo đại đức Thích Lệ Hiếu, vì cô vợ đang mang thai, sợ bị nhân quả nên trước đó đã khuyên chồng bỏ “nghề”, đừng vào chùa trộm nữa nhưng chồng không nghe. Vì vậy cô vợ đã tri hô lên và cả hai vợ chồng đều bị bắt trong lúc Giảng chỉ mới lấy được gần 200.000 đồng và bỏ lại lưỡi cưa sắt trong thùng công đức. Sau khi bị bắt, gia đình của cặp vợ chồng này có làm đơn đem tới chùa nhờ chùa ký tên xin giảm nhẹ tội, nhà chùa có ký tên vào đơn, nhưng diễn biến sự việc sau đó thì không rõ.

Cửa chùa luôn rộng mở, nhưng theo đại đức Thích Lệ Hiếu thì kể từ sau vụ mất trộm nói trên, nhà chùa mà cụ thể là gian chánh điện không còn mở cửa suốt như trước đây nữa, nếu không có người trực, mặc dù đã được gắn camera theo dõi.

Hoàng Phương