29/11/2024

Bộ Công thương luôn bênh EVN

Theo các chuyên gia, Bộ Công thương luôn bảo vệ EVN (Tập đoàn điện lực VN) trong mọi trường hợp. Những yêu cầu, đòi hỏi của tập đoàn này hầu hết đều được Bộ đồng ý bất chấp quyền lợi của người dân.

 

Tiền điện tăng vì ghi sai: Bộ Công thương luôn bênh EVN

 

 

Theo các chuyên gia, Bộ Công thương luôn bảo vệ EVN (Tập đoàn điện lực VN) trong mọi trường hợp. Những yêu cầu, đòi hỏi của tập đoàn này hầu hết đều được Bộ đồng ý bất chấp quyền lợi của người dân.

 

 

Tiền điện tăng vì ghi sai: Bộ Công thương  luôn bênh EVNHoá đơn của khách hàng bị ghi sai lượng điện tiêu thụ – Ảnh: M.Q
Bộ “át” tiếng nói người tiêu dùng
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nêu quan điểm: “Thái độ Bộ Công thương là rất không sòng phẳng. Trong nhiều trường hợp việc điều hành, quản lý của EVN có vấn đề nhưng bộ này vẫn lên tiếng bảo vệ. Với vai trò quản lý ngành điện, lẽ ra Bộ phải đảm bảo khách quan chứ không phải bênh DN của mình, phải đứng về lợi ích của nền kinh tế, bảo vệ người tiêu dùng. Cho nên mới có một số vị lãnh đạo Bộ Công thương phát biểu như vừa qua, thậm chí có người nói nếu không tăng giá điện thì EVN sẽ sụp đổ”.
“Tôi cho là Bộ Công thương đang dùng tiếng nói của mình để át đi tiếng nói của xã hội, của người tiêu dùng. Rất tiếc, ở trong những trường hợp như thế này, vai trò của Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng quá yếu, không lên tiếng bảo vệ khách hàng của EVN. Trong khi có những hiệp hội chuyên ngành như Hiệp hội Năng lượng VN cũng không có ý kiến gì do có những lợi ích bị chi phối từ EVN. Họ cũng là những người từ EVN ra, nghỉ hưu đi làm hiệp hội thì họ cũng nói tiếng nói của EVN thôi”, bà Lan bức xúc.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, nhận xét việc Bộ Công thương cùng tiếng nói với EVN trong những vụ việc như trên cho thấy không có sự khác nhau giữa 2 cơ quan này. Từ đợt tăng giá điện tháng 3.2015 đến vấn đề hoá đơn tiền điện hiện nay, rõ ràng Bộ Công thương có dấu hiệu đứng ra bảo vệ lợi ích cho EVN. Vì vậy, để đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng, cần phải thay đổi cấu trúc, cách thức quản lý EVN. “Với EVN, về trung và dài hạn, cần chia tách tập đoàn này. Cần phải tách hệ thống truyền tải khỏi sản xuất, đây là hệ thống độc quyền tự nhiên nhà nước phải vận hành nó, để người sản xuất và người tiêu dùng có quyền bình đẳng như nhau và thuận lợi tiếp cận hệ thống truyền tải. Giá cả của nó phải là giá dịch vụ công ích”, ông Cung đề xuất.
Điện tử hóa
Chiều 13.7, bà Hoàng Thị Minh, Phó giám đốc chi nhánh điện lực Q.Đống Đa thuộc Tổng công ty điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội), được sự ủy quyền của ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc EVN Hà Nội, đã trả lời Thanh Niên về sai sót trong ghi công tơ điện tử cho khách hàng. Theo bà Minh, 2 nhân viên liên quan đến việc ghi sai đã bị kiểm điểm, kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cắt thưởng quý, và lỗi chính của các nhân viên này là đã báo cáo không trung thực về việc ghi sai. Theo bà Minh, các trường hợp nhân viên điện lực ghi sai số công tơ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chưa đến tỷ lệ 0,05% sai sót cho phép về ghi tiền điện (có những lỗi khách quan do nhầm lẫn, do thiết bị…).
Ông Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hội Điện lực VN, cho rằng cách đọc, ghi chỉ số công tơ hiện nay của đa số các doanh nghiệp thuộc EVN là rất lạc hậu, dễ dẫn đến những sai sót trong việc ghi chép, làm thiệt hại đến lợi ích của khách hàng. Do đó, EVN cũng phải định hướng thay hệ thống công tơ cơ hiện nay sang công tơ điện tử. Trong tương lai, phải điện tử hoá toàn bộ thiết bị, phương tiện đo đếm, đến các khâu ghi, lập hoá đơn.

Mạnh Quân