Hàng giả núp bóng… hàng xách tay
Mỹ phẩm chăm sóc da mặt, kem tắm trắng, sữa ong chúa, thực phẩm chức năng… được làm giả rồi tung ra thị trường dưới danh nghĩa hàng xách tay…
Hàng giả núp bóng… hàng xách tay
Mỹ phẩm chăm sóc da mặt, kem tắm trắng, sữa ong chúa, thực phẩm chức năng… được làm giả rồi tung ra thị trường dưới danh nghĩa hàng xách tay…
Cơ quan quản lý thị trường TP.HCM phát hiện lượng lớn thực phẩm chức năng, dược phẩm giả mạo từ Trung Quốc tại kho chứa Q.11 – Ảnh: Lê Sơn |
Số hàng giả gắn mác …hàng xách tay vừa bị cơ quan chức năng phát hiện trên địa bàn TP.HCM, Hà Nội khiến nhiều người tiêu dùng hoang mang.
Hàng xách tay hiểu nôm na là hàng sản xuất ở nước ngoài được đưa về nước theo nhiều đường như mang trực tiếp hoặc người thân gửi về, nhân viên hàng không mua về sau đó đưa ra thị trường qua kênh bán lẻ trực tiếp hoặc bán qua mạng.
Mê hồn trận hàng xách tay
Sau khi tìm hiểu dòng sản phẩm bình xịt khoáng chất chăm sóc da mặt khá thịnh hành thời gian gần đây, chị Minh Hương (Thủ Đức, TP.HCM) tìm đến một cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm khá lớn trên đường Bắc Hải, P.6, Q.Tân Bình để chọn mua.
Tại cửa hàng này có bày bán khá nhiều loại bình xịt khoáng của Hàn Quốc, Pháp… với đủ kích cỡ từ 50 – 300ml. Theo chị Hương, giá các sản phẩm xịt khoáng tại đây thấp hơn nhiều nơi bán khác.
Cụ thể, chai xịt khoáng Avene của Pháp loại 300ml có giá 345.000 đồng/lọ, thấp hơn 30.000 – 50.000 đồng so với nhiều điểm bán khác. Tuy nhiên, bao bì không có bất cứ thông tin về đơn vị nhập khẩu cũng như tờ hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt theo quy định.
Khi chị Hương thắc mắc về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, nhân viên bán hàng giải thích: “Đây là hàng xách tay chính hãng, mới nhập về nên còn hạn sử dụng”.
Từ phản ảnh của chị Hương, chúng tôi tiếp cận shop mỹ phẩm này. Qua quan sát, ngoài sản phẩm xịt khoáng, cửa hàng bày bán rất nhiều loại mỹ phẩm phục vụ chăm sóc sắc đẹp phụ nữ như kem tắm trắng, trị nám, kem dưỡng da nhân sâm, nhau thai cừu Lanolin, thực phẩm chức năng collagen, chất tẩy trắng răng…
Ngoài một vài sản phẩm do trong nước sản xuất, cửa hàng bày bán hầu hết mặt hàng xuất xứ Thái Lan, Hàn Quốc, Pháp, Nhật… Đặc điểm chung của các mặt hàng này đều không có thông tin đơn vị nhập khẩu, chịu trách nhiệm kiểm định, công bố chất lượng, hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt.
Đặc biệt, có những sản phẩm mang mác ngoại nhập nhưng trên bao bì không có cả thông tin của nhà sản xuất nước ngoài. Chẳng hạn, sản phẩm kem tắm khô siêu trắng hiệu Dotor được ghi xuất xứ Hàn Quốc với giá 140.000 đồng/hũ 200 gam, phía ngoài hộp bọc lớp nilông mỏng. Trên hộp ghi thông tin sử dụng bằng tiếng Việt chung chung “chỉ cần thoa kem trắng lên cơ thể là xong… thích hợp với mọi loại da”.
Tuy nhiên, sản phẩm này không có bất cứ thông tin về đơn vị sản xuất, nhập khẩu, thành phần nguyên liệu, cảnh báo sử dụng… Dù khẳng định hàng xách tay chính hãng từ các nước nhưng bà N. – chủ cửa hàng – cho biết “cần bao nhiêu cửa hàng cũng có thể đáp ứng”.
Tương tự, tại siêu thị hàng Mỹ trên đường Phổ Quang (Q.Tân Bình), các mặt hàng thực phẩm chức năng Collage xuất xứ Mỹ được bày bán đa dạng giá từ 500.000 – 900.000 đồng/lọ với đủ chức năng bồi bổ sức khoẻ, chống lão hoá… Dù khẳng định công ty nhập khẩu trực tiếp, nhưng trên bao bì nhiều loại sản phẩm không có các thông tin bằng tiếng Việt. Nhân viên tại đây lấy lý do hàng mới nhập về nên chưa kịp dán nhãn.
Ghi nhận tại những shop mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trên đường Lê Hồng Phong (Q.10), Lê Văn Sỹ (Q.3), Hồng Hà (Q.Tân Bình)… cũng cho thấy đủ loại sản phẩm được rao hàng xách tay từ Úc, Nhật, Mỹ… Đặc biệt, “thiên đường” hàng xách tay được rao bán tràn ngập trên trang mạng. Hầu hết đều không công bố địa chỉ nơi bán, chỉ nhận chuyển hàng qua bưu điện hoặc nhân viên giao nhận.
Thật giả lẫn lộn
Thị trường hàng thực phẩm chức năng hiện đang nở rộ về chủng loại phân theo hàng chục các công dụng: chống lão hoá, hỗ trợ tim mạch, xương khớp, tăng giảm cân và đặc biệt chăm sóc sắc đẹp. Đặc biệt, cùng được khẳng định hàng thật, chính hãng nhưng mỗi sản phẩm có mức giá chênh lệch hàng trăm ngàn đồng.
Chẳng hạn, mặt hàng sữa ong chúa hiệu Golden Care Royal của Úc loại 365 viên được một cửa hàng trên đường Âu Cơ bán với giá 795.000 đồng/hộp, trong khi trên các trang mạng rao bán giá từ 575.000 – 640.000 đồng/hộp. Thậm chí các trang rao vặt còn kèm theo hình ảnh, hướng dẫn phân biệt thật – giả… Tuy nhiên, khi liên lạc để đến nơi xem sản phẩm trực tiếp, nhiều điểm rao bán từ chối và hứa giao hàng tận nơi, đảm bảo uy tín.
Mới đây, cơ quan chức năng liên tục khám phá các vụ sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng “ngoại nhập” giả mạo với số lượng khủng. Cụ thể tại TP.HCM, Ban chỉ đạo 389 (chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) TP.HCM phối hợp Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) – Công an TP.HCM kiểm tra hàng loạt điểm là cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm, kho chứa trữ tại Q.1, huyện Bình Chánh.
Tại đây, ngoài hàng ngàn hộp mỹ phẩm không hoá đơn chứng từ có dấu hiệu giả mạo, cơ quan chức năng còn khám phá quy trình làm giả các thương hiệu mỹ phẩm, thực phẩm chức năng nổi tiếng bằng việc sử dụng nguyên liệu trôi nổi, trộn trong xô chậu lớn để sản xuất hàng loạt.
Hàng ngàn chai lọ, nhãn mác cũng được thu giữ cho thấy quy mô khủng của đường dây sản xuất, kinh doanh này.
“Khi sản phẩm được hoàn thiện, rất khó để người tiêu dùng phân biệt với hàng thật. Đặc biệt, các sản phẩm này được đưa về tiêu thụ tại các tỉnh, bán qua mạng theo dạng “hàng xách tay” hoặc đưa trực tiếp vào các spa, trung tâm chăm sóc sắc đẹp… tiêu thụ. Do đó, nguy cơ người tiêu dùng bị “sập bẫy” hàng giả khó tránh khỏi”- một cán bộ Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho hay.
Đại diện Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cũng cho biết sáu tháng đầu năm, số vụ vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm bị phát hiện tăng mạnh. Hơn 100 vụ được lập biên bản vi phạm, trong đó hầu hết các vụ liên quan đến kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu, nguy cơ ảnh hưởng sức khoẻ.
Gần 60.000 sản phẩm gồm các mặt hàng kem thoa mặt, kem dưỡng da, thuốc nhuộm tóc, kem tẩy trắng, sữa rửa mặt, sữa tắm… xuất xứ Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ, Nhật, Pháp bị tịch thu tiêu hủy.
Riêng các mặt hàng thực phẩm chức năng, số lượng sản phẩm vi phạm cũng lên đến trên 13.000 sản phẩm. Trong đó, cơ quan QLTT cũng khám phá lượng lớn thực phẩm chức năng giả nhãn hiệu do Mỹ sản xuất.
“Về lý thuyết, hàng xách tay có chất lượng tốt nhưng đây chỉ là tên gọi để việc kinh doanh, quảng bá sản phẩm được dễ dàng. Đối với cơ quan quản lý, những sản phẩm khi đem kinh doanh không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, chất lượng đều bị vi phạm.
Riêng hàng xách tay nếu muốn kinh doanh phải thực hiện nghĩa vụ chuyển đổi mục đích sử dụng, đóng thuế cũng như thực hiện các quy định kiểm định chất lượng như các hàng hoá ngoại nhập khác” – đại diện Chi cục QLTT TP.HCM nói.
Đánh cược với rủi ro Chị Thùy Linh (nhân viên văn phòng tại Q.3, TP.HCM) – một người chuyên săn hàng xách tay – khẳng định việc mua hàng xách tay là con dao hai lưỡi với bất cứ người có kinh nghiệm hay không bởi có rất nhiều mánh trong nghề mà người mua không thể đề phòng. Người mới có thể dễ dàng mua phải hàng lỗi, cận date hoặc hàng nhái. Trong khi đó, người có kinh nghiệm cũng dính bẫy tráo hàng thật – giả. “Mặc dù sau nhiều lần thẩm định uy tín điểm bán, tôi vẫn dính bẫy khi bị nhân viên giao hàng đổi sản phẩm giả, mặc dù trước đó họ bán hàng thật cho mình. Đến khi cạch mặt điểm bán ấy, bản thân họ cũng nghỉ bán, đổi sang tên gọi khác mà mình không thể biết” – chị Linh cho hay. Một lãnh đạo Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM cho biết những trường hợp người mua hàng qua mạng hầu như không thể đòi lại quyền lợi do thông tin người bán chỉ vẻn vẹn số điện thoại giao hàng. Người mua phải chấp nhận đánh cược với những rủi ro lớn. Thậm chí, chính những người kinh doanh mặt hàng này cũng là nạn nhân khi không thể thẩm định uy tín người phân phối hàng cho mình. |
Làm giả thực phẩm chức năng quy mô lớn Theo khảo sát của Cục An toàn thực phẩm tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, hơn 50% số người trưởng thành sử dụng thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, ít ai biết được số thực phẩm chức năng họ sử dụng là thật hay giả. Từ đầu năm đến nay, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) – Công an Hà Nội đã triệt phá hai vụ buôn bán thực phẩm chức năng trên địa bàn với số lượng hàng chục tấn. Cụ thể, ngày 5-6, PC46 Hà Nội phát hiện Lương Tuấn Long và Lê Đình Hạnh (Hà Nam), nhân viên Công ty TNHH đầu tư phát triển y tế và hóa chất VQTech (khu đô thị Văn Quán, Hà Đông) đang vận chuyển bằng xe máy năm thùng cactông bên trong là các loại thực phẩm chức năng như sữa ong chúa nhãn hiệu Costar, Royal Jelly… Kiểm tra tại văn phòng, kho của Công ty VQTech do Trần Như Quỳnh (28 tuổi) làm giám đốc, cơ quan công an thu giữ khoảng 20 tấn thực phẩm chức năng nghi là giả. Tại cơ quan điều tra, Quỳnh khai thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả từ tháng 10-2014 đến nay. Thủ đoạn của Quỳnh là thành lập công ty, đăng ký kinh doanh mặt hàng thực phẩm chức năng, công bố chất lượng tại Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế). Sau đó, Quỳnh đặt in tem nhãn đóng gói thành phẩm thực phẩm chức năng giả rồi tung ra thị trường. Trước đó ngày 24-1, PC46 phối hợp cũng triệt phá một ổ nhóm sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả với số lượng lớn hơn 10 tấn. Cụ thể, khi kiểm tra một ôtô tại phố Trần Khát Chân (P. Thanh Nhàn, Q.Hai Bà Trưng), cơ quan công an phát hiện trên xe có 170 hộp sữa ong chúa nhãn hiệu Costa/Royal Jelly 1450 nghi là hàng giả (sau đó được xác định là hàng giả). Mở rộng điều tra, khám xét năm kho hàng và ba kho sản xuất thực phẩm chức năng giả tại chợ đầu mối Lim (Tiên Du, Bắc Ninh), cơ quan công an thu giữ 505 thùng cactông (20 kg/thùng) bên trong chứa thực phẩm chức năng giả và 14 bao tải (30 kg/bao) chứa thực phẩm chức năng giả các loại cùng nhiều tem, nhãn, vỏ lọ phục vụ việc đóng gói sản phẩm làm giả… MINH QUANG |