Vừa học chữ vừa học nghề trong trường ĐH
Rớt lớp 10 ở trường công lập, vẫn còn con đường để giúp học sinh được lên giảng đường ĐH, được thực hành trên máy móc, thiết bị như sinh viên.
Vừa học chữ vừa học nghề trong trường ĐH
Rớt lớp 10 ở trường công lập, vẫn còn con đường để giúp học sinh được lên giảng đường ĐH, được thực hành trên máy móc, thiết bị như sinh viên.
Học sinh lớp 12 khoa giáo dục thường xuyên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM trong giờ ôn tập môn sinh – Ảnh: Trần Huỳnh |
Đó là các học sinh theo học chương trình song song nhận bằng tốt nghiệp THPT và trung cấp ở một số trường ĐH.
Nhiều trường ĐH hiện đã được Tổng cục Dạy nghề – Bộ Lao động – thương binh và xã hội cho phép đào tạo trình độ sơ cấp nghề, trung cấp nghề, CĐ nghề theo chương trình 9+5, 9+4, 9+3 với hàng chục ngành nghề.
Trong đó, một số trường tổ chức đào tạo theo hướng đào tạo trung cấp và văn hóa. Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, có 12.811 học sinh rớt lớp 10 công lập trong kỳ thi năm 2015. Chương trình đào tạo trung cấp và văn hóa tạo cơ hội cho các học sinh này được theo học phổ thông tại các trường ĐH.
Cơ hội mới…
Bạn Nguyễn Hữu Tài – học sinh lớp TH KT 40, khoa giáo dục thường xuyên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM – cho biết học hết lớp 7 ở quê (Nghệ An), Tài theo gia đình chuyển vào TP.HCM sinh sống. Tài học tiếp lớp 8, 9 ở một trường THCS và thi đậu vào lớp 10 Trường THPT Võ Trường Toản (Q.12, TP.HCM).
Tuy nhiên, vào học THPT Tài “đuối”, không học kịp chương trình nên đến lớp 11 Tài bỏ học đi làm mộc hai năm. Sau hai năm đi bộ đội trở về, Tài mong muốn được tiếp tục đi học nên đăng ký xét tuyển vào học chương trình 9+ ở Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM.
“Em phải bắt đầu học lại lớp 10. Tưởng chừng không theo nổi nhưng cả ba năm học ở đây em đều đạt loại khá. Kỳ thi THPT quốc gia em thi năm môn để xét tuyển vào ĐH”- Tài tự tin.
Trần Thị Thu Thanh – học sinh lớp TH10CN42E, khoa giáo dục thường xuyên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, hiện sống tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM – chia sẻ: “Thi rớt lớp 10 một trường công lập, em đăng ký xét tuyển vào học tại đây. Vào học thấy chương trình học này khá nhẹ nhàng, phù hợp sức em nên ít áp lực. Năm học vừa rồi em đạt loại khá”.
Trong khi đó, Nguyễn Xuân Toàn trước đây cũng theo học chương trình 9+ và hiện là sinh viên năm nhất khoa công nghệ nhiệt lạnh Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. Toàn thừa nhận trước đây do ham chơi nên bỏ ngang việc học tại trường THPT công lập.
“Sau đó mình xin vào khoa này học. Theo học tại đây mình cảm thấy hứng thú nên học tốt hơn. Nhờ vậy suốt ba năm học mình đều đạt học sinh giỏi. Sau đó mình thi đậu Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. Nhờ học chương trình 9+ được học nhiều môn thực hành nên khi học ĐH tay nghề của mình vững hơn các bạn khác” – Toàn khoe.
Huỳnh Thanh Phong hiện là học sinh lớp 14CN3, ngành nhà hàng – khách sạn Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cũng cho hay trước đây đã học lớp 11 nhưng do nợ môn quá nhiều nên lưu ban. Phong chán nản, bỏ học rồi đi làm nhân viên bán hàng. Một thời gian sau đó,
Phong cảm thấy thiếu kiến thức rất thiệt thòi nên mong muốn học lại. Năm 2013 Phong đăng ký vào Trường ĐH Tôn Đức Thắng để học trung cấp và văn hoá. Hiện nay vừa đi làm vừa đi học năm lớp 10 vừa rồi Phong đã đạt loại khá. “Chương trình học của trường hoàn toàn phù hợp và vừa sức với mình” – Phong nói.
Vừa học văn hoá vừa học nghề
Năm 2014, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM bắt đầu tuyển sinh hệ 9+. Theo đó, nhà trường xét tuyển học sinh đã tốt nghiệp THCS vào học chương trình này. Học sinh được học văn hoá theo chương trình THPT lớp 10, 11, 12 và học nghề tùy theo sở thích và nguyện vọng.
ThS Nghiêm Thị Vân Anh, trưởng khoa giáo dục thường xuyên nhà trường, cho biết: “Học sinh được học đầy đủ tám môn: toán, lý, hoá, sinh, văn, sử, địa, ngoại ngữ. Bên cạnh đó, các em còn được học các môn giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng, giáo dục chính trị – pháp luật. Về phần học nghề, năm đầu tiên các em được tham quan nhà xưởng, khu thí nghiệm, thực hành. Trường tổ chức các buổi tư vấn, các cuộc họp phụ huynh để nhà trường và gia đình cùng hỗ trợ các em lựa chọn ngành nghề mình yêu thích. Sang năm lớp 11, các em đăng ký ngành nghề với khoa và lớp 12 các em chính thức học nghề”.
Trong ba năm đầu, học sinh học văn hoá và một số môn nghề. Sau ba năm học văn hoá, học sinh sẽ thi THPT quốc gia và được cấp chứng chỉ nghề sơ cấp (9+3). Học sinh học tiếp năm thứ tư có thể có được bằng tốt nghiệp THPT và bằng trung cấp nghề (9+4), học 5 năm các em có bằng tốt nghiệp THPT và bằng CĐ nghề (9+5).
Trong khi đó, Trường ĐH Tôn Đức Thắng tuyển học sinh tốt nghiệp THCS để đào tạo chương trình trung cấp theo hai hướng: đào tạo trung cấp, không học văn hóa (học sinh tốt nghiệp được cấp bằng trung cấp. Sau đó học sinh học thêm chương trình văn hoá để học lên bậc cao hơn); đào tạo trung cấp và văn hoá (học sinh tốt nghiệp được cấp bằng trung cấp và bằng tốt nghiệp THPT hệ giáo dục thường xuyên và tiếp tục học lên bậc cao hơn).
Thời gian đào tạo từ 2-3 năm. Theo học chương trình song song học sinh được học xen kẽ văn hoá và nghề trong suốt chương trình học. Chính vì học nghề ngay từ đầu nên chương trình văn hoá chỉ còn bảy môn: toán, lý, hoá, sinh, văn, sử, địa. Môn ngoại ngữ, tin học được đưa vào chương trình nghề.
ThS Huỳnh Tuấn Cường, trưởng ban CĐ thực hành và TCCN Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho biết: “Học chương trình song song trong thời gian học trung cấp, các em được học bổ sung văn hoá theo chương trình do Sở GD-ĐT quy định. Chương trình được bố trí và cân đối để không gây quá tải cho học sinh.
Sau hai năm học có bằng trung cấp chính quy và THPT (nếu so với nhóm trên thì phải mất năm năm mới lấy được bằng TCCN). Sau tốt nghiệp, các em có thể đi làm ngay hoặc học tiếp liên thông lên CĐ, ĐH. Nếu theo học chương trình liên thông, học sinh sẽ học từ 2,5 – 3 năm để lấy bằng ĐH. Như vậy các em đi theo hướng này chỉ mất từ 4,5 – 5,5 năm là có bằng ĐH và trong thời gian học ĐH vẫn có một nghề đi làm thêm để tự lập cuộc sống của mình”.
Không phụ thu ngoài học phí Học phí của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM áp dụng là mức học phí chuẩn của các trường công lập, trung bình 300.000 – 350.000 đồng/tháng. “Nhà trường không phụ thu thêm bất cứ khoản nào ngoài học phí. Đặc biệt, trường không dạy thêm, học thêm” – bà Vân Anh khẳng định. Trong khi đó, Trường ĐH Tôn Đức Thắng áp dụng mức thu của hệ giáo dục thường xuyên cho chương trình văn hóa, riêng chương trình nghề được miễn phí 100% (phụ huynh chi trả, sau đó trường hoàn lại). Mỗi tháng học sinh chỉ đóng 180.000 đồng cho học phí văn hoá. Trường cũng không có thêm khoản thu nào khác. |
Phân luồng học sinh sau THCS Theo ThS Huỳnh Tuấn Cường, nhìn nhận thực tế hằng năm số học sinh thi vào lớp 10 có học lực yếu kém còn rất nhiều. Nếu thực hiện không tốt việc phân luồng học sinh sau THCS, sẽ có một bộ phận đông đảo học sinh sau THCS hạn chế về học lực và hoàn cảnh, điều kiện gia đình không được tiếp tục học mà phải nghỉ học, phải tham gia lao động sản xuất mà trong tay không có nghề qua đào tạo. Mặt khác, thực tế hằng năm số lượng học sinh tốt nghiệp THPT trúng tuyển ĐH, CĐ chính quy chỉ chiếm 50 – 60% nên số còn lại vẫn phải học nghề hoặc trực tiếp đi lao động kiếm sống, điều đó đã gây nên sự lãng phí thời gian, tiền bạc cho bản thân, gia đình và xã hội. Như vậy, phân luồng học sinh sau THCS chẳng những không làm triệt tiêu các cơ hội học tập của học sinh mà còn đa dạng hoá phương thức học, luồng học cho người học. |