Nuôi tôm siêu năng suất
Với công nghệ hiện đại, không ô nhiễm môi trường, một héc ta nuôi tôm có thể cho năng suất 120 – 240 tấn/năm, gấp 60 – 80 lần nuôi tôm theo mô hình nuôi công nghiệp, bán công nghiệp thông thường.
Nông nghiệp công nghệ cao – Kỳ 17: Nuôi tôm siêu năng suất
Với công nghệ hiện đại, không ô nhiễm môi trường, một héc ta nuôi tôm có thể cho năng suất 120 – 240 tấn/năm, gấp 60 – 80 lần nuôi tôm theo mô hình nuôi công nghiệp, bán công nghiệp thông thường.
Hôm qua (12.7), tại xã Vĩnh Thịnh, H.Hoà Bình (Bạc Liêu), mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính đã thu hoạch lứa đầu tiên, mở ra nhiều tín hiệu lạc quan cho nghề nuôi tôm. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cùng nhiều cán bộ khoa học của bộ, các viện, trường, ngành thủy sản các tỉnh ĐBSCL đã về chứng kiến buổi thu hoạch và đánh giá hiệu quả của mô hình này.
Mỗi năm có thể nuôi 3 vụ
Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính được Tập đoàn Việt – Úc triển khai đầu tiên tại xã Vĩnh Thịnh với quy mô 50 ha, được chia làm 414 ao nuôi, mỗi ao rộng 500 m2, mật độ thả giống từ 200 – 500 con/m2, có thể nuôi 3 vụ/năm, tổng vốn đầu tư 180 tỉ đồng.
|
Trong giai đoạn 1, từ ngày 25.3 đến ngày 25.4, tập đoàn này đã thả tôm giống trên 70 ao nuôi (3,5 ha). Đặc biệt, do nuôi tôm siêu thâm canh với mật độ cao nên kết quả sau 78 – 108 ngày, năng suất của các ao nuôi đạt từ 2 – 4 tấn/ao, tương đương 40 – 80 tấn/ha/vụ (khoảng 120 – 240 tấn/ha/năm). Với năng suất trên, 1 ha nuôi tôm siêu thâm canh có thể bằng hàng chục héc ta nuôi tôm theo mô hình nuôi công nghiệp, bán công nghiệp thông thường (năng suất thường chỉ đạt từ 2 – 3 tấn/ha).
Ông Võ Văn Dũng, Bí thư Tỉnh uỷ Bạc Liêu, cho biết đây là mô hình đầu tiên đưa ra giải pháp công nghệ cao, sản xuất quy mô lớn, đầu tư bài bản với quy trình nuôi khép kín từ con giống đến thu hoạch xuất khẩu, ít tác động đến môi trường và bước đầu cho thấy tính bền vững. “Nghề nuôi tôm cũng như ngành xuất khẩu tôm phát triển ngày càng mạnh, môi trường là vấn đề đáng ngại, trong khi đất nuôi tôm không thể nở ra thêm. Vì vậy, việc ứng dụng công nghệ cao để nuôi tôm trong diện tích nhỏ cho năng suất cao là thành công lớn”, ông Dũng đánh giá.
Tăng sức cạnh tranh cho tôm xuất khẩu
Theo ông Đặng Quốc Tuấn, Phó tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Việt – Úc, mô hình áp dụng quy trình sản xuất nhà màng của Isarel; công nghệ hệ thống lọc nước tuần hoàn của Đức và Mỹ; công nghệ sản xuất con giống tiên tiến của tập đoàn… Nhờ đó, giảm thiểu được rủi ro, cho nguồn nguyên liệu sạch, truy xuất nguồn gốc từ nguồn tôm bố mẹ, tôm giống, thức ăn… Ngoài ra, do chỉ ứng dụng công nghệ vi sinh, không sử dụng chất kháng sinh nên tôm nguyên liệu sau thu hoạch sẽ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm “không ngại các rào cản kỹ thuật” khi xuất khẩu.
Ông Trần Ngọc Hải, Phó trưởng khoa Thuỷ sản Trường ĐH Cần Thơ, đánh giá điểm nổi bật ở mô hình là kiểm soát tốt được nhiệt độ. Đây là khâu rất quan trọng trong nuôi tôm, bởi thông thường khi lượng mưa lớn hoặc nắng nóng gay gắt ao nuôi sẽ thay đổi nhiệt độ đột ngột, ảnh hưởng rất lớn đến tôm. Ngoài ra, nuôi trong nhà kính sẽ hạn chế được các mầm bệnh lây từ bên ngoài; hạn chế ô nhiễm môi trường xung quanh…
Có mặt tại buổi thu hoạch tôm, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định: “Mô hình đã giới thiệu công nghệ nuôi với trình độ cao, cho phép kiểm soát chặt chẽ hơn, quản lý tốt hơn dịch bệnh nên không chỉ cho năng suất cao, mà còn đảm bảo vấn đề chất lượng tôm, an toàn thực phẩm. Đó là điều cần thiết để cạnh tranh trên thị trường”.
Nhân rộng mô hình ra nông dân
Tập đoàn Việt – Úc đang thực hiện chương trình đồng hành cùng người dân triển khai thí điểm nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính quy mô nhỏ ở Cà Mau, Bạc Liêu và H.Cần Giờ (TP.HCM). “Chương trình thí điểm cho hộ nuôi nhỏ lẻ, chi phí đầu tư vừa bạt lót ao, máy sục ô xy là khoảng 60 triệu đồng cho 1 ao nuôi 100 m2 và 1 ao lắng tương đương. Với diện tích này, nông dân sẽ thu lời 25 – 30 triệu đồng/vụ”, ông Đặng Quốc Tuấn nói. Cũng theo ông Tuấn, sau khi cùng Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao (TP.HCM) đánh giá đo lường về hiệu quả mô hình, tập đoàn sẽ tiến hành triển khai rộng rãi nhằm mang lại lợi ích cho nhiều hộ nuôi tôm.
|
Đình Tuyển – Trần Thanh Phong