16/01/2025

Nhiều người trẻ quá thụ động

Thực tế cuộc sống cho thấy rất nhiều người trẻ có thái độ sống thụ động, thờ ơ ngay cả khi để bảo vệ quyền lợi của mình.

 

Nhiều người trẻ quá thụ động

 

Thực tế cuộc sống cho thấy rất nhiều người trẻ có thái độ sống thụ động, thờ ơ ngay cả khi để bảo vệ quyền lợi của mình.


 

Sự kiện các thí sinh điểm thi Trường ĐH Yersin Đà Lạt thi lại môn toán do sai sót của cán bộ coi thi trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua cho thấy sự thiếu bản lĩnh, thụ động của người trẻ - Ảnh: Lâm ViênSự kiện các thí sinh điểm thi Trường ĐH Yersin Đà Lạt thi lại môn toán do sai sót của cán bộ coi thi trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua cho thấy sự thiếu bản lĩnh, thụ động của người trẻ – Ảnh: Lâm Viên
Vụ việc những thí sinh thi môn toán ở điểm thi Trường ĐH Yersin (Lâm Đồng) trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua không dám phản ứng trước lỗi của cán bộ coi thi mà chỉ biết về khóc và “méc” với phụ huynh một lần nữa cho thấy thực trạng đáng buồn: Không ít người trẻ quá thụ động. Theo các chuyên gia, chính quan điểm giáo dục trong nhà trường, gia đình và điều kiện xã hội đã vô tình tạo nên những người trẻ chọn thái độ sống “im lặng”.
Hội chứng “không biết”
Hè này, chị Hương Nhung (ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) đón đứa cháu tên Tuấn Tú – một học sinh (HS) chuẩn bị lên lớp 12 – ở quê lên chơi. Khi chị hỏi gì, Tú cũng nói điệp khúc: “Con không biết”. Từ việc hỏi thích ăn món gì, muốn đi chơi đâu cho đến dự định ngày nào về nhà… Tú đều để chị Nhung hoặc người mẹ ở quê quyết định thay.
Đồng cảm với chị Hương Nhung, bà Nguyễn Thị Thanh Thuý, Hội trưởng Hội quán các bà mẹ, chia sẻ: “Mấy ngày nay, một số bạn đã đưa con đến nhờ tôi tìm những lớp học kỹ năng cho các cháu. Lý do các phụ huynh này đưa ra là con họ có vẻ vô cảm, thờ ơ mọi việc, kể cả những chuyện quan trọng của chính mình”. Bà Thúy nhìn nhận, hội chứng “không biết” tồn tại ở không ít thanh thiếu niên.

 
 
Nhiều người trẻ quá thụ động - ảnh 2
Có những việc vì quyền lợi của mình nhưng SV không dám có ý kiến. Ví dụ, phòng học bị mưa dột nước hoặc cánh quạt trần treo trên phòng kêu lách cách mà không SV nào có ý kiến. Trong khi đúng ra, họ đã đóng tiền học phí đầy đủ cho trường, cần phải thông báo để trường sửa chữa đảm bảo quyền lợi của mình
Nhiều người trẻ quá thụ động - ảnh 3
 
TS Nguyễn Bá Hải, Giám đốc Trung tâm dạy học số, giảng viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM
 
Không hiểu bài cũng chẳng buồn hỏi
Tại một buổi gặp gỡ với các cựu HS vào đầu tháng 7 vừa qua, cô Lại Thị Phương Ánh, một giáo viên có thâm niên dạy 20 năm tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM, khẳng định: “HS bây giờ rất thụ động, ít sáng tạo”. Cô Phương Ánh kể, dạy hết tiết học, khi giáo viên hỏi có ý kiến gì không thì dường như chẳng HS nào chịu giơ tay phát biểu hoặc có ý kiến gì cả. “Nếu như HS chịu khó đòi hỏi một tí, phản biện một tí, vặn vẹo giáo viên một tí thì điều đó sẽ khiến lớp học sinh động và sôi nổi hơn. Chỉ có HS mới thay đổi được giáo viên chứ giáo viên không thể thay đổi được HS”, cô Ánh nói.
Thực trạng này không chỉ ở bậc phổ thông mà còn khá phổ biến ở ĐH. Lê Văn Minh, sinh viên (SV) Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, kể: “Thầy giảng xong bài, hỏi lại hai, ba lần là các em có thắc mắc gì không. Có nhiều bạn trong lớp mặc dù chưa hiểu bài nhưng vẫn im lặng. Một sự cho qua rất nguy hiểm vì sau đó có bạn cùng lớp khi đi thực tập chung với tôi không làm được việc. Khi tôi hỏi sao trong giờ học không nhờ thầy giảng lại, bạn ấy bảo sợ thầy chê mình dở”.
TS Nguyễn Bá Hải, Giám đốc Trung tâm dạy học số, giảng viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, thừa nhận thực tế này khi cho rằng có những SV dù không biết nhưng vẫn không dám nói mình không biết. Tương tự, ông Nguyễn Hà Tiên, giảng viên Trường ĐH Tài chính – Marketing, nhìn nhận: “Trong mỗi lớp học, chỉ có khoảng 5 – 10% SV có thái độ học tập tích cực bằng cách giơ tay thể hiện quan điểm của mình, trao đổi với giảng viên và đặt ra những câu hỏi để giải quyết những vấn đề mình chưa nắm rõ. Còn lại đa số là thầy cô nói sao, ghi chép vậy. Ngay cả một số bạn khi được giảng viên yêu cầu phát biểu thì cũng chỉ dám nói những điều mà giáo viên đã nói chứ không dám đi ngược lại hoặc nêu một quan điểm khác, mặc dù chúng tôi biết có thể các em có chính kiến khác”.
Không dám bảo vệ quyền lợi của chính mình
Để chứng minh SV bây giờ “rụt rè không đúng cách”, TS Nguyễn Bá Hải nói thêm: “Có những việc vì quyền lợi của mình nhưng SV không dám có ý kiến. Ví dụ, phòng học bị mưa dột nước hoặc cánh quạt trần treo trên phòng kêu lách cách mà không SV nào có ý kiến. Trong khi đúng ra, họ đã đóng tiền học phí đầy đủ cho trường, cần phải thông báo để trường sửa chữa đảm bảo quyền lợi của mình”.
PGS-TS Đỗ Phú Trần Tình, Phó phòng Sau ĐH và quản lý khoa học, Trường ĐH Kinh tế – Luật TP.HCM, cho biết: “Trong quá trình giảng dạy, tôi luôn cố gắng tạo ra một môi trường thực sự mở, khơi gợi các em thể hiện suy nghĩ, quan điểm của mình về một vấn đề nào đó trong bài giảng. Nhưng rất ít SV chủ động đứng lên trao đổi, phát biểu, phản biện. Phần lớn vẫn còn tâm lý e ngại, thụ động, không dám nói lên chính kiến của mình”.
Lê Đỗ Hữu Huỳnh, SV Trường ĐH Hoa Sen, thẳng thắn nhìn nhận rất hiếm SV dám trình bày quan điểm cá nhân trong giờ học. “Cũng những con người đó, có thể ngoài lớp học hay trên mạng xã hội, họ rất sôi nổi. Nhưng trong lớp học họ rất trầm lặng và rụt rè”, Huỳnh cho biết. (Còn tiếp)

Ý kiến:
Hỏi lại thì bị tát
“Khi em không hiểu bài nhưng hỏi lại cô giáo thì bị cô tát vào mặt, vậy là sao?”.
NGUYỄN THỊ KIM TRÚC
(HS Trường tình thương Ánh Linh, Q.7, TP.HCM)
Bị đối xử như kẻ phạm tội
Bao lần lên văn phòng đoàn, phòng đào tạo… để hỏi cách thức làm các thủ tục, xin giấy tờ đều bị mắng mỏ, đối xử như phạm phải tội tày đình. Chính điều này đã khiến SV cảm thấy sợ sệt, dần dà tạo nên thói quen chẳng dám nói lên suy nghĩ, chính kiến. Nhiều SV thấy cảnh “chướng tai gai mắt” nhưng không dám nói vì muốn an phận, sợ bị người khác ghét hay bị những người chức quyền cao hơn làm hại. Mới đây trong một vụ việc, vì đứng lên bảo vệ quyền lợi cho hàng ngàn SV trong trường, tôi đã bị không ít bạn bè từng thân thiết xa lánh, soi mói, không dám chơi thân nữa vì sợ bị liên luỵ, ảnh hưởng.
TRẦN ANH QUÂN
(SV Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM)
Giả câm giả điếc cho nó lành
Cách đây 3 năm, khi ấy mới ra trường, đi làm tôi hay có ý kiến về những điều mắt thấy tai nghe, cốt là để công ty phát triển tốt hơn. Nhưng cũng chính vì thế mà nhiều người tỏ ra không thích tôi, rồi họ tìm cách thọc mạch, nói ra nói vào khiến tôi bất lợi. Vì vậy, rút kinh nghiệm khi qua chỗ làm việc mới, tôi cứ im lặng. Nhiều khi còn giả câm giả điếc cho nó lành.
THUÝ HẰNG
(Nhân viên một công ty môi trường ở H.Bình Chánh, TP.HCM)
Từng nghĩ không phải việc của mình
Trước khi bước vào ĐH, bản thân tôi từng rất rụt rè. Trước một sự việc nào đó, tôi nghĩ ngay đó không phải việc của mình và thường lẩn tránh. Khi phải nói thì lí nhí, thậm chí nói lắp khiến người khác không hiểu được lời tôi diễn đạt. Tôi luôn có ý nghĩ mọi việc nhà trường, thầy giáo làm đều đúng.
LÊ ĐỖ HỮU HUỲNH
(SV Trường ĐH Hoa Sen)

Lịch Quyên Ánh – Thanh Phương