15/01/2025

Phá đường dây buôn người tàn khốc ở Thái Lan

Thái Lan có những nỗ lực bài trừ nạn buôn người trong thời gian qua. Tuy nhiên vấn đề dường như tàn khốc hơn nhiều.

 

Phá đường dây buôn người tàn khốc ở Thái Lan

 

Thái Lan có những nỗ lực bài trừ nạn buôn người trong thời gian qua. Tuy nhiên vấn đề dường như tàn khốc hơn nhiều.

 

Tìm kiếm thi thể các nạn nhân người Rohingya tại một trại của bọn buôn người ở gần Alor Setar, Malaysia, ngày 22-6 - Ảnh: Reuters
Tìm kiếm thi thể các nạn nhân người Rohingya tại một trại của bọn buôn người ở gần Alor Setar, Malaysia, ngày 22-6 – Ảnh: Reuters

Khơi mào cho vụ phá vỡ đường dây buôn người là một người đàn ông 35 tuổi hành nghề bán hàng trên phố. Người đàn ông Hồi giáo Rohingya này đến từ miền tây Myanmar và suốt một thập kỷ qua bán bánh roti dạo trên một xe đẩy ở tỉnh Nakhon Si Thammarat, miền nam Thái Lan.

Cuộc sống của ông cứ đều đặn như vậy cho đến khi cháu trai của ông rơi vào tay của những kẻ buôn người máu lạnh. Nỗ lực liều lĩnh để cứu người cháu của ông cuối cùng đã giúp cảnh sát phát hiện một khu mộ tập thể lớn ở biên giới Thái Lan – Myanmar hồi tháng 5 và làm dấy lên hồi chuông về cuộc khủng hoảng khu vực liên quan đến người Rohingya.

Câu hỏi đặt ra là có ai ở các mắt xích phía trên bị điều tra không? Nếu không, tình trạng buôn người ở khu vực sẽ vẫn là một vấn đề lớn

Ông STEVE GALSTER (giám đốc Tổ chức phi chính phủ FREELAND)

Bị che giấu

 
 

 

Giờ đây, người đàn ông bán roti đang lo sợ bị bọn buôn người trả thù. Ông phải lánh nạn ở đồn cảnh sát. Danh tính của ông được giữ kín.

Người bán roti kể trên trong một cuộc phỏng vấn tại đồn cảnh sát kể rằng cháu của ông rơi vào tay bọn buôn người hồi năm ngoái. Tháng 10-2014, gia đình ông đã phải trả 95.000 baht (khoảng 2.800 USD) tiền chuộc để đổi lấy sự tự do cho đứa cháu khỏi một trại buôn người ở miền nam Thái Lan.

Mặc dù đã trả tiền chuộc, người bán roti nói kẻ cầm đầu trại buôn người, một người Myanmar tên Anwar, từ chối thả cháu ông. Ông không rõ lý do vì sao. Hai tháng sau, ông phát đơn kiện Anwar lên cảnh sát địa phương.

“Chẳng ai coi trọng việc đó” – ông nhớ lại. Đại tá cảnh sát Anuchon Chammat ở Nakhon Si Thammarat thừa nhận khi ấy họ đã không quan tâm đúng mức nhưng nói đã đến lúc thay đổi.

Tình thế của người bán roti này đã làm dấy lên câu hỏi về hiệu quả thực sự trong công tác trấn áp các đường dây buôn người ở Thái Lan. Theo Reuters, lực lượng cảnh sát cho biết các nhân chứng thường bị đe doạ và những nghi can chủ chốt được đại diện bởi những luật sư có mối quan hệ chính trị quyền lực. Trong khi 72 nghi can vừa bị bắt trong thời gian gần đây, cảnh sát vẫn đang truy lùng thêm những người khác.

Theo Reuters, lực lượng cảnh sát thực hiện chiến dịch này kể lại đã gặp phải những quan chức thờ ơ với các bằng chứng về đường dây buôn người, ngay cả sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng 6-2014 xác định Thái Lan là một trong những nước có tình trạng buôn người tồi tệ nhất thế giới.

Thiếu tướng cảnh sát Thatchai Pitaneelaboot, người chỉ đạo những chiến dịch chống buôn người trước đây, kể rằng ông từng được “nhắc nhở” rằng các cuộc điều tra của ông đã làm huỷ hoại hình ảnh Thái Lan.

Ông từ chối tiết lộ ai nói điều này nhưng tỏ ra ngán ngẩm: “Chẳng ai bận tâm”. “Nếu chúng ta muốn bài trừ nạn buôn người, chúng ta không thể giấu giếm. Chúng ta phải đặt nó lên bàn” – ông nói.

Phó cảnh sát trưởng quốc gia Thái Lan Aek Angsannanont, người phụ trách trấn áp nạn buôn người, nói kể từ khi chính quyền quân đội lên nắm quyền hồi tháng 5-2014, họ đã nhìn nhận nghiêm túc vấn đề này.

Phần nổi của tảng băng

Theo Reuters, các đường dây buôn người đặc biệt nhắm vào người Rohingya, những người chạy trốn khỏi sự nghèo khó và xung đột ở phía tây Myanmar giáp với Bangladesh. Họ đi trên những chiếc thuyền và hầu hết bị đưa vào các trại buôn người ngay khi cập bờ ở Thái Lan.

Các trại này nằm dọc biên giới Thái Lan – Malaysia và bị phát giác từ năm 2013. Tuy nhiên, người ta không thể làm ngơ trước các trại này được nữa khi cảnh sát Thái Lan và Malaysia phát hiện những ngôi mộ tập thể chôn thi thể 175 người nghi là người nhập cư ở dọc biên giới cả hai nước.

Những kẻ buôn người thường giữ những người Rohingya nhập cư để đòi tiền chuộc và tra tấn họ cho đến khi nào người thân của họ trả tiền. Cảnh sát Thái Lan nói nhiều người bị bán làm nô lệ trên các tàu cá ở nước này.

Hồi tháng 1 năm nay, lực lượng của đại tá Anuchon đã chặn năm xe tải tại chốt kiểm soát ở Nakhon Si Thammarat. Bên trong những chiếc xe tải này là 98 người Rohingya mệt mỏi và thiếu ăn. Một phụ nữ đã bị chết ngạt. Hai người khác chết trong bệnh viện sau đó. Những người còn sống nói họ là nạn nhân của bọn buôn người.

Với sự trợ giúp của FREELAND, một tổ chức phi chính phủ chuyên về chống buôn người trong thời gian qua đã giúp cảnh sát Thái về mặt kỹ thuật, đại tá Anuchon đã có được dữ liệu phân tích từ điện thoại di động thu được của các tài xế xe tải.

Từ đó ông vạch ra mạng lưới vận chuyển của bọn buôn người, từ thành phố cảng bên bờ biển Andaman là Ranong đến các trại ở biên giới với Malaysia. Tuy nhiên, phát hiện của đại tá Anuchon đã quá trễ và không thể cứu được cháu của người bán roti kể trên.

Đại tá Anuchon cho biết thêm nhiều khi ông không dám thuyết phục cấp trên về mức độ phức tạp và quy mô ngày càng lớn của mạng lưới buôn người vì không đủ bằng chứng.

Từ năm 2013, như Reuters cho biết, một đơn vị tình báo của cảnh sát đã được lập ra để giúp theo dõi các băng nhóm buôn người ở Ranong nhưng vì thiếu sự tích cực từ Bangkok nên trung tâm này vẫn không thể làm tròn nhiệm vụ của mình.

Trong khi đó, thiếu tướng Thatchai nói số nghi phạm buôn người bị bắt cho đến nay chỉ là một phần nhỏ trong cả mạng lưới. “Có thể có hàng trăm người dính líu, bao gồm nhiều quan chức” – ông nói.

 

VIỆT PHƯƠNG