Bài học quan trọng từ cuộc chiến VN
Đó là phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter tại sự kiện được tổ chức nhân 50 năm ngày quân đội Mỹ tham chiến tại VN.
Bài học quan trọng từ cuộc chiến VN
Đó là phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter tại sự kiện được tổ chức nhân 50 năm ngày quân đội Mỹ tham chiến tại VN.
Theo AP, sự kiện trên được tổ chức tại trụ sở Quốc hội Mỹ ngày 8.7, với sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter, Chủ tịch Hạ viện John Boehner, thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell cùng nhiều nghị sĩ và hàng trăm cựu chiến binh Mỹ.
Không có vinh quang trong chiến tranh
Trong bài phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Quốc phòng Carter khẳng định chiến tranh VN đã dạy cho người Mỹ nhiều bài học quan trọng. “Nhiều bài học có được sau khi phải trả giá đắt và một số bài học thật khó có thể nuốt trôi”, ông Carter nói. Đề cập đến vấn đề tù nhân chiến tranh và quân nhân Mỹ mất tích (POW/MIA), ông Carter cho hay Bộ Quốc phòng Mỹ đã cắt cử hơn 650 nhân viên tìm kiếm các quân nhân mất tích trong những cuộc chiến tranh mà Mỹ tham gia, trong đó có cả 1.627 lính Mỹ vẫn còn mất tích tại VN.
Theo kênh thông tin chính thức của Bộ Quốc phòng Mỹ DoD News, ông Carter cũng ca ngợi người tiền nhiệm Chuck Hagel, một cựu chiến binh tại VN, về những nỗ lực của ông nhằm hàn gắn vết thương chiến tranh. “Chuck đã dành trọn cuộc đời phục vụ còn lại để giúp đỡ những người từng tại ngũ, để bình thường hoá và cải thiện quan hệ với VN, để mang những người còn mất tích trở về nhà và để đảm bảo rằng chúng ta ghi nhớ các bài học của chiến tranh VN”.
Về phần mình, ông Hagel chia sẻ trong bài phát biểu sau đó rằng những ai chưa từng kinh qua chiến tranh sẽ không thể thấu hiểu hoàn toàn nỗi đau đớn và kinh hoàng của nó. Và những ai từng trải qua đều biết một sự thật là “không có vinh quang trong chiến tranh mà chỉ toàn là thương đau”, ông nói.
Quan hệ VN – Mỹ cất cánh
Cũng nhân sự kiện trên, DoD News đã đăng bài đề cập đến mối quan hệ VN – Mỹ trong những năm qua. Với tít bài 40 năm sau cuộc chiến, quan hệ Mỹ – VN tiếp tục cất cánh, bài báo cho hay kể từ khi chiến tranh kết thúc cách đây 40 năm, quan hệ VN – Mỹ đã được tái thiết lập và ngày càng diễn tiến tốt đẹp. Mãi đến năm 1995, VN và Mỹ mới bắt đầu bình thường hóa quan hệ song trong suốt hai thập niên qua, cả hai nước đều nỗ lực gạt qua bên mọi hiềm khích trong quá khứ, vượt qua sự khác biệt và thúc đẩy các lợi ích chung.
Theo bài báo, hai nước đã đẩy mạnh mối quan hệ song phương kể từ khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định xác lập quan hệ Đối tác toàn diện VN – Mỹ vào năm 2013, củng cố hơn nữa quan hệ song phương trong nhiều lĩnh vực.
Washington và Hà Nội còn đang hợp tác trong vấn đề an ninh hàng hải, đặc biệt là trong bối cảnh những diễn biến gần đây tại Biển Đông. Cả hai cũng đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thương thảo Hiệp định kinh tế đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như giải quyết các thách thức nhân đạo như ứng phó thiên tai và các sứ mệnh tìm kiếm cứu nạn…
Tháng 10.2014, hai nước đã triển khai áp dụng Hiệp định 123, trong đó thiết lập các nguyên tắc thương mại hạt nhân, nghiên cứu và trao đổi công nghệ. Cả hai nước còn đạt thoả thuận về chống ma tuý và tổ chức nhiều cuộc đối thoại thường xuyên về vấn đề nhân quyền. Ngoài ra, Mỹ và VN cũng đã hợp tác thành công trong nhiều lĩnh vực khoa học, công nghệ, y tế, du lịch và ứng phó với biến đổi khí hậu. Mới đây nhất, Tổng thống Mỹ Barack Obama đón tiếp nồng hậu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nhà Trắng vào ngày 7.7. Hai nhà lãnh đạo đã thông qua tuyên bố chung công nhận những thành tựu đạt được giữa hai bên trong thời gian qua. Bài báo thừa nhận sự thành công có được một phần là nhờ sự đóng góp không nhỏ từ cộng đồng người Việt tại Mỹ, vốn nỗ lực không ngừng để kết nối hai quốc gia từng là cựu thù.
Kinh nghiệm cay đắng
Tại sự kiện, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã chia sẻ kinh nghiệm chiến đấu của ông tại VN. Ông Hagel kể lại ông có mặt tại VN vào năm 1968, năm tồi tệ nhất đối với quân Mỹ trong 10 năm tham chiến tại VN. “Thật khó tưởng tượng trong ngày hôm nay, nhưng chúng ta từng đưa về quê nhà hơn 15.000 thanh niên Mỹ – đã chết – trong một năm”. Cựu lãnh đạo Lầu Năm Góc cũng kể về cái đêm khủng khiếp nhóm của ông bị phục kích, khiến em trai ông và nhiều người khác bị thương, theo tờ báo Mỹ Omaha World-Herald. Trong khi chờ trực thăng cấp cứu, Hagel đã tự thề với lòng rằng ông sẽ nỗ lực làm mọi cách để ngăn cản việc dùng chiến tranh để giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia.
|
Danh Toại