12/01/2025

Dùng gậy selfie ghi chỉ số điện: người dùng lo cõng chi phí

Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đã đầu tư tiền tỉ mua máy tính bảng và gậy gắn camera để ghi chỉ số điện bằng máy.

 

Dùng gậy selfie ghi chỉ số điện: người dùng lo cõng chi phí

 

Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đã đầu tư tiền tỉ mua máy tính bảng và gậy gắn camera để ghi chỉ số điện bằng máy. 

 

 

Nhân viên EVN Hà Nội ghi chỉ số đồng hồ điện bằng máy tính bảng - Ảnh: Việt Cương
Nhân viên EVN Hà Nội ghi chỉ số đồng hồ điện bằng máy tính bảng – Ảnh: Việt Cương

Có ý kiến cho rằng việc đầu tư này gây lãng phí và tăng thêm chi phí cho người sử dụng điện, nhưng EVN khẳng định việc làm này là cần thiết…

Những ngày gần đây, hình ảnh nhân viên ngành điện cầm máy tính bảng và gậy gắn camera (kiểu gậy chụp ảnh selfie) xuất hiện thường xuyên ở Hà Nội gây chú ý.

Theo thông báo của Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội), để minh bạch trong công tác ghi chỉ số điện, EVN Hà Nội là đơn vị đầu tiên trên cả nước đã đưa vào sử dụng “công nghệ tiên tiến”: ghi chỉ số đồng hồ điện bằng camera kết hợp với máy tính bảng.

Đến tháng 7 này, EVN Hà Nội đã đưa vào sử dụng khoảng 1.200 bộ ghi chỉ số điện tại tất cả các công ty điện lực trực thuộc.

 

Theo nguồn tin Tuổi Trẻ, tổng trị giá khoản đầu tư này khoảng 9 tỉ đồng, tức khoảng 5 triệu đồng/bộ.

Bớt thủ công hơn…

Theo ghi nhận của chúng tôi, thay vì phải vác theo thang, cần hai người để đi ghi chỉ số điện (một người leo lên thang để đọc chỉ số, một người lấy giấy bút ghi lại một cách thủ công) thì với thiết bị mới mà EVN Hà Nội được EVN cho áp dụng, nhân viên ngành điện chỉ cần đứng dưới cột, rút gậy gắn camera áp vào đồng hồ điện để chụp lại hình. EVN Hà Nội cho biết thiết bị tay cầm và camera được tích hợp với máy tính bảng, sau khi chụp ảnh tự động lưu vào máy tính.

Tuy nhiên, người cầm máy tính bảng phải nhập số liệu từ ảnh vào phần mềm để từ đó đưa về hệ thống, tính tiền, in hoá đơn cho khách. Điều này có nghĩa với thiết bị mới, ngành điện vẫn cần hai người đi ghi chỉ số điện.

Việc có gậy gắn camera chỉ giúp nhân viên ngành điện đỡ phải trèo, và có ảnh chụp để chứng minh nếu khách hàng có khiếu nại chỉ số điện, thuận tiện hơn trong lưu trữ, công bố chỉ số tiêu thụ điện…

Chưa có khảo sát chính thức nào được công bố để so sánh xem quy trình mới và cách làm cũ cái nào nhanh hơn, tuy nhiên với cách làm mới, EVN Hà Nội khẳng định thiết bị họ sử dụng có khả năng tính toán sản lượng ngay tại hiện trường sau khi nhập chỉ số mới để cảnh báo nếu chỉ số sử dụng điện của khách hàng nào đó tăng bất thường…

Điều này giúp chính xác hoá, hạn chế việc người dân bức xúc do ghi nhầm chỉ số điện khiến tiền điện tăng vọt. EVN Hà Nội còn chỉ ra thêm công dụng của thiết bị mới là: cải thiện điều kiện lao động, tăng năng suất và hiệu quả làm việc, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người lao động.

Nhưng có lãng phí?

Ngày 8-7, trả lời Tuổi Trẻ về thông tin dù đã đầu tư máy tính bảng và gậy gắn camera, nhưng EVN vẫn phải đầu tư tới 110 tỉ đồng riêng cho công tác ghi chỉ số điện, ông Định Quang Tri, phó tổng giám đốc EVN, khẳng định đó là con số không chính xác.

Ông Tri nêu tại các khu vực nông thôn, miền núi, khách hàng thưa thớt, cự ly di chuyển xa, các tổng công ty điện lực đã ký hợp đồng dịch vụ với lao động địa phương mà công việc chính là ghi chỉ số côngtơ và thu tiền điện, để không tăng lực lượng lao động của các điện lực.

“Chi phí ghi chỉ số điện ở những khu vực xa đúng là lên đến 5.000 đồng/côngtơ, nhưng chi phí đó không được áp dụng đối với tất cả khách hàng và việc chi 110 tỉ đồng/tháng cho việc ghi chỉ số côngtơ như một tờ báo đã phản ánh là số liệu không đúng” – ông Tri nói.

Trả lời câu hỏi vậy chi phí thực tế cho việc ghi chỉ số điện là bao nhiêu, ông Đinh Quang Tri cho biết theo quy định hiện nay của EVN, mỗi cán bộ nhân viên trực tiếp làm việc với khách hàng phải thực hiện các công việc như: quản lý vận hành đường dây và trạm, treo tháo côngtơ, ghi chỉ số côngtơ, thu tiền điện, giải đáp các thắc mắc của khách hàng… Hiện EVN không thuê cán bộ riêng cho khâu đi ghi chỉ số, không trả tiền riêng cho công tác ghi chỉ số nên không có thống kê riêng, ghi chỉ số điện chỉ là một khâu trong chuỗi công việc mà người công nhân được EVN trả lương phải thực hiện.

Về một số thông tin cho rằng việc trang bị máy tính bảng kèm gậy gắn camera gây lãng phí, đổ thêm chi phí vào người mua điện, trong khi EVN đang đầu tư điện kế điện tử có thể ghi chỉ số từ xa, ông Đinh Quang Tri cho rằng việc ghi chỉ số bằng thiết bị điện tử hiện nay là cần thiết, trong khi đại đa số người VN vẫn đang dùng điện kế cơ.

Theo ông Tri, hiện nay mới có Hà Nội trang bị 1.129 thiết bị. Hiện các thiết bị này không chỉ phục vụ khách hàng lớn mà đã được 30 điện lực của Hà Nội dùng tối đa để ghi chỉ số điện cho 100% khách hàng.

Về giải pháp sắp tới, ông Tri cho biết việc đầu tư thiết bị là cần thiết để nâng cao chất lượng phục vụ, giảm sai sót về hóa đơn tiền điện. Máy tính bảng được trang bị cũng không phải chỉ phục vụ việc ghi chỉ số mà theo ông Tri, còn được sử dụng cho các công việc khác như: cấp điện mới cho khách hàng, quản lý lưới điện, theo dõi thu tiền điện…

“Việc đầu tư thiết bị ghi chỉ số được thực hiện trên cơ sở tối ưu hoá chi phí và đảm bảo hiệu quả đầu tư nên không làm tăng thêm chi phí giá thành sản xuất điện” – ông Tri nói.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi rằng EVN mua mỗi thiết bị đo chỉ số điện bằng máy tính bảng trị giá khoảng 5 triệu đồng nếu không đưa vào chi phí sản xuất điện thì đưa vào đâu, ông Tri chỉ nói việc đầu tư để hiện đại hóa là cần thiết, giúp giảm thời gian, từ đó giảm số lượng và chi phí nhân công…

 

CẦM VĂN KÌNH