11/01/2025

Sẽ điều chỉnh quy định tuyển thẳng

Nhiều ý kiến từ các cơ sở đào tạo ĐH và trường phổ thông đang là vấn đề để Bộ GD-ĐT xem xét điều chỉnh quy định liên quan tới việc tổ chức, xét giải…

 TUYỂN THẲNG HỌC SINH ĐOẠT GIẢI HỘI THI KHOA HỌC KỸ THUẬT QUỐC GIA – KỲ CUỐI:

Sẽ điều chỉnh quy định tuyển thẳng

 

Nhiều ý kiến từ các cơ sở đào tạo ĐH và trường phổ thông đang là vấn đề để Bộ GD-ĐT xem xét điều chỉnh quy định liên quan tới việc tổ chức, xét giải…


 

Học sinh giới thiệu về sản phẩm tham gia Hội thi khoa học kỹ thuật quốc gia 2015 - Ảnh: Nguyễn Khánh
Học sinh giới thiệu về sản phẩm tham gia Hội thi khoa học kỹ thuật quốc gia 2015 – Ảnh: Nguyễn Khánh

Điều này nhằm đánh giá thực chất năng lực học sinh đoạt giải hội thi khoa học kỹ thuật quốc gia, đồng thời giao tự chủ cho các trường trong việc quyết định tuyển thẳng với đối tượng này.

Sẽ đánh giá 
toàn diện hơn

Ông Nguyễn Xuân Thành, phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, khẳng định ba năm nhen nhóm, tạo nên “sân chơi” thu hút hàng ngàn học sinh phổ thông tham gia, làm quen với việc nghiên cứu, ứng dụng kiến thức vào các dự án, sản phẩm là nỗ lực lớn của ngành GD-ĐT, của nhiều nhà giáo, nhà khoa học có tâm huyết.

Không thể phủ nhận khía cạnh tích cực của hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật, nhưng ông Thành cho biết Bộ GD-ĐT cũng lắng nghe ý kiến phản hồi và sẽ điều chỉnh các quy định liên quan vào năm tới nhằm hạn chế bất cập, duy trì chất lượng của hội thi, và đặc biệt không biến một sân chơi ý nghĩa thành phong trào, chạy theo hình thức và thi cử.

 

“Quy định chấm giải thi sáng tạo khoa học kỹ thuật sẽ có những điều chỉnh. Ngoài sản phẩm nghiên cứu và đánh giá kỹ năng thực hành, ứng dụng của học sinh, chúng tôi sẽ chú ý đánh giá cả khả năng nghiên cứu tổng quan. Để làm tốt phần tổng quan, thí sinh cần có kỹ năng nghiên cứu, chọn lọc tài liệu, phát hiện vấn đề. Đây là một điểm mới mà ở các mùa thi trước chưa được chú trọng” – ông Thành cho biết.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Thành, quy định chấm giải mùa tới sẽ đặt nặng hơn phần phỏng vấn đối với từng thành viên trong nhóm dự thi. Việc này nhằm xác định rõ vai trò của từng thành viên, quá trình tham gia nghiên cứu, sáng chế và có thể tách bạch giữa sự tham gia hỗ trợ của giáo viên, nhà khoa học, cơ sở nghiên cứu và phần việc mà các em học sinh đóng góp.

Việc xem xét hồ sơ của các dự án cũng yêu cầu bắt buộc phải có phiếu xác nhận của nhà khoa học, của cơ sở nghiên cứu, cơ sở sản xuất về việc đã hướng dẫn ai, hướng dẫn điều gì liên quan tới dự án dự thi. Các cơ sở nghiên cứu, nhà khoa học, giáo viên cũng phải có phiếu thẩm định đề tài nghiên cứu, kết quả nghiên cứu. Việc thẩm định này được thực hiện cả trước khi chấm giải và thẩm định lần thứ 2 sau khi có giải.

Để tránh tình trạng “ăn theo” đề tài đoạt giải nhằm mục đích được quyền tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển ĐH-CĐ đối với một bộ phận học sinh, ngay trong hội thi năm nay lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng có quy định hạn chế số lượng học sinh/nhóm dự án (tối đa 2 học sinh), khuyến khích các dự án chỉ có 2 học sinh tham gia. “Chúng tôi cũng đang nghiên cứu để có những quy định phân biệt rõ vai trò, sự đóng góp của trưởng nhóm và thành viên trong nhóm nghiên cứu”- ông Thành nói.

Điều chỉnh cơ chế 
tuyển thẳng

Thầy Nguyễn Vũ Lương, hiệu trưởng Trường chuyên Khoa học tự nhiên (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội), cho rằng hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật là một sân chơi ý nghĩa, không chỉ khơi dậy niềm say mê nghiên cứu của học sinh mà còn tác động tích cực vào quá trình dạy và học ở phổ thông. Bởi vậy, việc nhìn vào kết quả học tập “có vấn đề” ở bậc ĐH của một số sinh viên được tuyển thẳng theo diện đoạt giải từ hội thi này để phủ nhận những mặt tích cực của hội thi thì không công bằng, nhất là đối với những thí sinh tài năng thật sự tham gia.

“Tôi đã chứng kiến nhiều học sinh rất thông minh, say mê nghiên cứu khoa học. Trong đó có cả những em không đoạt giải, không được tuyển thẳng, nhưng những tác động tích cực đến các em từ sân chơi này rất rõ rệt” – 
thầy Lương nhận xét.

Nhưng khi trao đổi về những bất cập trong quy định tuyển thẳng, thầy Nguyễn Vũ Lương cho rằng các trường ĐH hoàn toàn có thể chủ động trong việc lựa chọn tuyển thẳng đối tượng này vào những ngành học phù hợp.

“Các trường có thể thành lập hội đồng khoa học để xem xét lại các dự án đoạt giải của học sinh, phỏng vấn trực tiếp để xác định đúng năng lực của các em có thể đáp ứng được yêu cầu đào tạo hay không” – thầy Lương nói.

Kỳ tuyển sinh năm 2015 Bộ GD-ĐT cho phép các trường căn cứ vào kết quả dự án, đề tài nghiên cứu khoa học kỹ thuật của thí sinh đoạt giải và danh mục các ngành đúng, ngành gần theo quy định, xem xét tuyển thẳng vào ngành học phù hợp với thí sinh đoạt giải. Theo lãnh đạo nhiều trường ĐH, quy định này “cởi trói” cho họ khỏi những điều “lăn tăn”.

Năm nay, một số trường đã có quy định chỉ tuyển những thí sinh đoạt giải nhất trong hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật, vì theo họ “những thí sinh giải nhất thật sự có năng lực”. Một số trường khác dự kiến xét ưu tiên tuyển thẳng trưởng nhóm trong nhóm tác giả dự thi có giải thưởng, hoặc có quy định ưu tiên đối với một số đề tài, lĩnh vực cụ thể.

Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết với mong muốn nuôi dưỡng một sân chơi trí tuệ có chất lượng và thực chất, Bộ GD-ĐT cũng đang nghiên cứu những hình thức có thể khích lệ, tư vấn, khuyến khích cho học sinh đang và đã tham gia hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật.

“Có thể lập những group học sinh từng tham gia hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật, trong đó có những em đang học ĐH trong và ngoài nước để trao đổi kinh nghiệm trong việc chọn ngành học, tiếp tục nuôi dưỡng niềm say mê nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm vượt qua khó khăn ở bậc học mới” – 
ông Thành cho biết.

 

VĨNH HÀ – NGỌC HÀ