12/01/2025

Điểm thi THPT quốc gia 2015 cao hơn tuyển sinh ĐH, CĐ mọi năm?

Ngày 7-7, nhiều cụm thi đã chấm xong hàng nghìn bài thi và có những nhận định ban đầu về kết quả chấm thi THPT quốc gia năm nay.

 

Điểm thi THPT quốc gia 2015 cao hơn tuyển sinh ĐH, CĐ mọi năm?

 

 Ngày 7-7, nhiều cụm thi đã chấm xong hàng nghìn bài thi và có những nhận định ban đầu về kết quả chấm thi THPT quốc gia năm nay.


 

 

Thí sinh thi THPT năm 2015 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Thí sinh thi THPT năm 2015 – Ảnh: NHƯ HÙNG

Hà Nội: phổ điểm 
tập trung 5 – 7 điểm

Ghi nhận chung về kết quả chấm thi những ngày đầu ở nhiều cụm thi cho thấy phổ điểm các môn toán, ngữ văn… tập trung chủ yếu ở mức 5 – 7 điểm.

Tại cụm thi do Trường ĐH Vinh chủ trì, đến ngày 7-7 các môn khoa học xã hội đã chấm được khoảng 1.800 – 2.000 bài, môn toán cũng chấm được 5.000 – 7.000 bài thi.

Cụm thi cũng đã bắt đầu chấm kiểm tra theo hình thức cuốn chiếu, đảm bảo tỉ lệ chấm kiểm tra 5% số bài thi ở những môn thi có mẫu bài đã chấm đủ lớn. Theo ông Nguyễn Xuân Bình – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Vinh, phổ điểm nhìn chung các môn tập trung ở mức 5 – 7 điểm, phổ điểm môn địa có phần nhích hơn, khoảng 6 – 8 điểm.

Với môn toán, hiện có hai thí sinh đạt điểm 10, thí sinh đạt điểm cao nhất ở môn văn là 9 điểm, môn địa lý là 10 điểm (hai thí sinh) và một thí sinh có điểm lịch sử cao nhất là 9,75 điểm.

Tại cụm thi do Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội chủ trì, đã có 1.000 bài thi toán, 1.000 bài thi văn chấm xong vòng 1, phổ điểm cũng tập trung từ 5 – 7 điểm. Bài thi toán đạt điểm cao nhất là 9 và văn là 8,5 điểm. Với phần chấm thi tự luận của bài thi ngoại ngữ, nhiều thí sinh đạt điểm rất thấp, thí sinh đạt điểm cao nhất là 1,8/2 điểm.

 

Tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân, kết quả chấm thi bước đầu với môn toán cho thấy đã có 5 – 6 thí sinh đạt điểm 10, nhưng cũng có nhiều thí sinh đạt điểm dưới 1, phổ điểm tập trung từ 6 – 7,5 điểm. Theo ông Nguyễn Quang Dong – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân, số thí sinh đạt từ 8 điểm trở lên không nhiều.

Tại cụm thi do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì, đã có 3 thí sinh đạt điểm 10 môn toán. Với môn ngoại ngữ, ở phần chấm tự luận đã có thí sinh đạt 2 điểm, nhưng cũng có rất nhiều thí sinh đạt điểm 0, nhiều thí sinh bỏ trống luôn phần thi này.

Điểm thi nhìn chung khả quan hơn các kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ trước đây, được các chuyên gia lý giải là phù hợp với loại đề thi hai mục tiêu: vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển ĐH, CĐ.

TP.HCM: cố gắng 
bảo đảm tiến độ chấm

Cụm thi do Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM chủ trì đã triển khai chấm thi từ ngày 5-7. Tại cụm thi này chỉ có hơn 2.200 bài thi môn lịch sử và 3.000 bài thi môn địa lý. Tham gia chấm thi mỗi môn có 30 người. Đến nay đã chấm được 40% số bài thi hai môn này. Trong khi đó, môn toán và môn ngữ văn tại cụm thi này có khoảng 14.000 bài thi/môn.

Có 80 cán bộ chấm thi môn toán và 70 cán bộ chấm thi môn văn, nhưng đến nay tại cụm thi này mới chấm được 10% tổng số bài thi của hai môn này. Đáng chú ý tất cả các môn tự luận ở cụm thi này đều đã có bài bị điểm liệt, tuy nhiên số lượng rất ít.

Tại cụm thi do Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM chủ trì đã chấm thi môn toán từ chiều 6-7. Với tổng số khoảng 16.000 bài thi môn toán, đến nay cụm này mới chấm được khoảng 2.000 bài. Vào chiều 7-7 cụm thi này mới bắt đầu chấm môn văn.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng nhà trường, cho biết cụm thi này có khoảng 14.000 bài thi môn văn, nhà trường dự kiến cần 100 cán bộ chấm thi môn văn nhưng Sở GD-ĐT TP.HCM và Đồng Nai chỉ cung cấp được 80 cán bộ chấm môn văn.

“Chúng tôi vẫn cố gắng để đảm bảo tiến độ chấm môn này. Môn địa lý và lịch sử hiện vẫn đang làm phách. Riêng các môn trắc nghiệm, dự kiến ngày 10-7 cụm thi này mới bắt đầu chấm” – ông Dũng nói thêm.

TS Nguyễn Quốc Chính, trưởng ban ĐH và sau ĐH ĐHQG TP.HCM, khẳng định: “Chúng tôi đảm bảo đến ngày 10-7 sẽ chấm xong các môn thi trắc nghiệm. Các bài thi môn địa lý và môn sử cũng không nhiều nên sẽ đảm bảo tiến độ chấm”. Tại cụm thi do Trường ĐH Tôn Đức Thắng chủ trì, ThS Trịnh Minh Huyền, phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết cụm thi này đã chấm các môn trắc nghiệm từ sáng 7-7. Đối với các môn tự luận, môn toán hiện mới chấm hai lượt được gần 250 bài thi.

Tây nguyên: dự kiến chấm thi trong 10 ngày

Sáng 7-7, tại một hội trường bên trong Trường ĐH Tây Nguyên (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), khoảng 70 cán bộ làm công tác chấm thi của cụm thi liên tỉnh do Trường ĐH Tây Nguyên chủ trì đang khẩn trương làm phách bài thi của thí sinh. Cụm thi này có khoảng 24.000 thí sinh của hai tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông đăng ký dự thi.

“Ngày 9-7 sẽ bắt đầu chấm bài thi sau khi làm phách xong. Dự kiến chấm trong khoảng mười ngày và công bố điểm cho thí sinh trước 17g ngày 20-7” – TS Nguyễn Tấn Vui, hiệu trưởng Trường ĐH Tây Nguyên đang túc trực trước cửa khu vực chấm thi, nói với phóng viên Tuổi Trẻ.

Trong khi đó, tại cụm thi địa phương do Sở GD-ĐT Đắk Lắk chủ trì, ông Trương Thức – chánh văn phòng sở – cho biết công tác làm phách, chấm thi cũng đang được triển khai và sẽ công bố điểm cho thí sinh trước ngày 20-7. Ông Nguyễn Văn Hoà – phó giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Nông – cho biết: “Sáng 8-7 sẽ họp hội đồng chấm thi và bắt đầu chấm. Dự kiến sẽ chấm xong trước thời hạn và công bố cho thí sinh trước ngày 20-7”.

Cần Thơ: dự kiến 18-7 hoàn thành công tác chấm thi

Ngày 7-7, ông Nguyễn Minh Trí, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, cho biết hôm nay trường đã bắt đầu chấm thi môn văn, các môn trắc nghiệm vẫn còn trong quá trình xử lý bài thi. Tổng cộng có hơn 50.000 bài thi sẽ được chấm, dự kiến ngày 18-7 sẽ hoàn tất.

Tại cụm thi địa phương, ông Nguyễn Mạnh Hùng, chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, cũng cho biết hôm nay vẫn đang rọc phách, xử lý bài thi của cụm này, kết quả thi sẽ được công bố trước ngày 20-7.

An Giang: 13-7 chấm xong bài thi các môn

Ngày 7-7, ông La Công Tâm, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh An Giang, cho biết Hội đồng thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2015 của tỉnh bắt đầu chấm bài thi. Dự kiến đến ngày 13-7 sẽ chấm xong bài thi các môn.

NHÓM PV TUỔI TRẺ