09/01/2025

Buộc Bia Sài Gòn nộp lại 408 tỉ đồng tiền thuế

Kiểm toán Nhà nước còn kiến nghị Bộ Tài chính sửa đổi các quy định để tránh tình trạng nhiều doanh nghiệp “lách” thuế, hưởng lợi hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm…

 

Buộc Bia Sài Gòn nộp lại 408 tỉ đồng tiền thuế

 

Kiểm toán Nhà nước còn kiến nghị Bộ Tài chính sửa đổi các quy định để tránh tình trạng nhiều doanh nghiệp “lách” thuế, hưởng lợi hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm…

 

 

Dây chuyền sản xuất bia tại Nhà máy Bia Sài Gòn - Ảnh: THANH TÙNG
Dây chuyền sản xuất bia tại Nhà máy Bia Sài Gòn – Ảnh: THANH TÙNG

Kiểm toán Nhà nước vừa có kết luận kiểm toán, trong đó yêu cầu Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) nộp thêm hơn 408 tỉ đồng tiền thuế, đồng thời kiến nghị Bộ Tài chính phải sửa đổi ngay các quy định để tránh tình trạng nhiều doanh nghiệp “lách” thuế để hưởng lợi hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm…

Một trong những sắc thuế quan trọng đánh vào rượu bia để định hướng tiêu dùng là thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Đây cũng là sắc thuế điều tiết mạnh, đồng nghĩa tiền doanh nghiệp phải nộp 
rất lớn.

Lỗ hổng chính sách…

Theo quy định, bia sản xuất ra sẽ phải nộp thuế TTĐB với mức 50% tại thời điểm năm 2013, song giá nào để làm mốc tính thuế rất quan trọng, quyết định mức thuế phải nộp. Để tránh trường hợp doanh nghiệp sản xuất bia (hay các mặt hàng chịu thuế TTĐB khác) chuyển giá, khai giá bán ra thấp để được nộp thuế ít đi,

Bộ Tài chính đã có thông tư 05/2012 quy định: nếu nhà sản xuất bán hàng qua cơ sở kinh doanh thương mại thì giá làm căn cứ tính thuế TTĐB là giá bán của cơ sở sản xuất nhưng không thấp hơn 10% giá bán bình quân của cơ sở thương mại bán ra… Điều này có nghĩa giá tính thuế sẽ căn cứ cả vào giá cơ sở thương mại bán ra, “khoá” khả năng cơ sở sản xuất cố tình áp giá bán ra quá thấp để “lách” thuế.

Tuy nhiên, qua kiểm toán Sabeco, Kiểm toán Nhà nước cho biết Sabeco đã thành lập và bán bia của mình qua Công ty thương mại Sabeco (công ty con). Sabeco tính, kê khai và nộp thuế TTĐB theo giá bán ra tại công ty con này.

 

Công ty thương mại Sabeco lại chưa bán ra cho người tiêu dùng mà bán tiếp qua các công ty thương mại vùng (công ty cổ phần nhưng Sabeco chi phối) cũng với mức khá thấp. Từ đây, các công ty khu vực này mới bán tiếp cho đại lý cấp 1 với giá cao hơn. Đại lý cấp 1 sẽ tiếp tục bán bia Sài Gòn cho các đại lý cấp 2, các nhà hàng, người tiêu dùng…

Theo một lãnh đạo cấp vụ của Bộ Tài chính, thuế TTĐB là đánh vào người tiêu dùng, hay nói cách khác, người tiêu dùng sẽ phải chịu thuế này. Doanh nghiệp chỉ thu hộ Nhà nước. Tuy nhiên, đây là sắc thuế đánh ở mức cao, nghị định hướng dẫn lại chưa quy định đủ chi tiết với trường hợp cơ sở sản xuất bán qua nhiều nấc công ty con, cháu của mình.

Do vậy, nhiều đơn vị nộp thuế, bao gồm cả doanh nghiệp sản xuất có vốn đầu tư trong nước hay nước ngoài, đều thành lập công ty con, công ty cổ phần (họ chiếm cổ phần chi phối) để phân phối sản phẩm. Điều này giúp nhà sản xuất có giá bán ra thấp, từ đó mức nộp thuế thấp hơn.

“Thực chất, họ chuyển giá từ khâu sản xuất sang khâu thương mại để “ăn” lợi nhuận ở khâu phân phối kiểu “mẹ lãi ít, con lãi nhiều”, giảm nghĩa vụ thuế TTĐB phải nộp cho ngân sách” – quan chức Bộ Tài chính nói và nêu thêm: như trường hợp của Sabeco, kết luận kiểm toán đã chỉ ra Sabeco đã thành lập tổng số 10 công ty CP thương mại khu vực nhằm phân phối bia Sài Gòn (Sabeco có vốn góp từ 90 – 94%)…

Chính vì vậy, trong văn bản gửi Bộ Tài chính và trong kết luận kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Sabeco phải nộp thuế TTĐB dựa trên giá bán ra của các công ty thương mại khu vực – đơn vị trực tiếp bán hàng ra khỏi hệ thống của Sabeco. Do chênh lệch giá lớn nên Kiểm toán Nhà nước xác định Sabeco phải nộp thêm riêng năm 2013 khoảng 408 tỉ.

Nhiều “ông lớn” khác cũng tương tự?…

Sau khi nhận được văn bản của Kiểm toán Nhà nước, đại diện Sabeco đã liên tiếp có văn bản gửi tới Bộ Công thương, Bộ Tài chính… khẳng định đã làm đúng quy định của Nhà nước tại các nghị định, thông tư, công văn… được hướng dẫn nên không sai luật. Sabeco cho rằng các công ty thương mại khu vực là công ty liên kết (dù Sabeco nắm tới trên 90% cổ phần), nên không thể lấy giá các công ty này làm giá tính thuế.

Tuy nhiên, qua văn bản của Sabeco đã gián tiếp thừa nhận giá tính thuế mà Công ty thương mại Bia Sài Gòn bán ra thấp hơn khá nhiều so với giá mà các công ty thương mại khu vực bán ra thị trường khi nêu “nếu tính thuế như kiến nghị của kiểm toán thì sẽ làm tăng 10% doanh thu chịu thuế”…

Đặc biệt, Sabeco cho biết hiện có hàng loạt “ông lớn” là tổng công ty, tập đoàn khác cũng có mô hình hoạt động, kinh doanh và nộp thuế TTĐB tương tự như Sabeco, điển hình là Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco), Tổng công ty Thuốc lá VN, Công ty liên doanh Nhà máy bia VN (sản xuất các loại bia Heineken, Tiger)…

Mặc dù Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị nhưng Sabeco đưa hàng loạt lý do để đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu, không thu thêm thuế TTĐB của tổng công ty này. Cụ thể, Sabeco nêu nếu phải nộp thêm thuế TTĐB sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của tổng công ty nói riêng và các doanh nghiệp nội địa nói chung vì biên độ lợi nhuận thấp hơn nhiều so với doanh nghiệp nước ngoài, ảnh hưởng đến duy trì và phát triển các thương hiệu quốc gia trong hội nhập quốc tế.

Đặc biệt, Sabeco nêu “không thể xử lý được các phát sinh” vì nếu thực hiện như kết luận kiểm toán, các đơn vị của Sabeco sẽ phải nộp bổ sung thuế TTĐB làm giảm lợi nhuận từ năm 2008 đến nay. Tính tổng lại số tiền từ năm 2008 – 2014 sẽ phải nộp thêm mỗi năm 350 – 400 tỉ, tổng cộng sẽ lên tới khoảng 4.000 tỉ đồng.

Trong khi đó, khoản lợi nhuận từ năm 2008 đến nay Sabeco công bố “tổng công ty đã chia cổ tức cho cổ đông”… Ngoài ra, các chỉ số tài chính cũng bị thay đổi, lợi nhuận cũng khác khiến ảnh hưởng đến tiền lương, thưởng của người lao động từ năm 2008 đến nay…

Vì vậy, Sabeco đề nghị chỉ nộp thêm khoảng 58 tỉ đồng liên quan đến các thuế thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp và giá trị gia tăng mà Kiểm toán Nhà nước đã kết luận.

Có né thuế không?

Về vấn đề này, ông Phạm Đình Thi, vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), cho biết thời gian qua cả Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước đã có kiến nghị với Bộ Tài chính cần thay đổi cách xác định giá tính thuế TTĐB với các doanh nghiệp trong lĩnh vực bia và bên cạnh đó là cả thuốc lá…

Ông Thi khẳng định việc bán hàng qua nhiều tầng nấc hay thành lập nhiều công ty mẹ – con với mức sở hữu của công ty mẹ hơn 90% tại công ty con đã diễn ra ở một số doanh nghiệp, trong đó có Sabeco, Công ty Bia Hà Nội nhằm giảm số thuế phải nộp vào ngân sách.

Cùng quan điểm với ông Thi, chuyên gia tài chính Ngô Trí Long cho rằng rõ ràng doanh nghiệp đã cố tình lách luật để trục lợi nhằm tối đa lợi nhuận của mình. Như trường hợp của Sabeco và các công ty bia, thuốc lá khác, họ đã lập ra các công ty con, hoạt động theo mô hình liên kết để né thuế, hay nói khác là họ chuyển giá.

Tuy nhiên, trái với quan điểm của đại diện Bộ Tài chính và chuyên gia, một cán bộ Tổng cục Thuế lại cho rằng việc quy định giá tính thuế theo giá bán của đơn vị thương mại là không đúng bản chất của thuế TTĐB. Vì nguyên tắc giá tính thuế TTĐB trên giá của nhà sản xuất. Để hạn chế được tiêu dùng thì mức thuế thu cao lên.

Còn khi giá tính thuế theo giá bán của các cơ sở thương mại thì được xem là thuế chồng thuế vì đã có thuế giá trị gia tăng. Như thế, chỉ người tiêu dùng là chịu thiệt. Việc xác định giá tính thuế trên giá bán của cơ sở thương mại chỉ đảm bảo nguyên tắc chống thất thu mà thôi. Các nước không quy định như vậy.

Việc Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Sabeco nộp 408 tỉ đồng thuế TTĐB vào ngân sách, ông Long cho rằng cơ quan quản lý cần quyết liệt việc này. “Sabeco kêu khó nếu thực hiện vì do lợi nhuận năm 2013 đã chia cổ tức và nộp vào các quỹ rồi chỉ là lý do nguỵ biện, không chấp nhận được. Do đó, chống thất thu ngân sách, Nhà nước sẽ thu khoản này vào những năm tới chứ không thể bỏ được”.

Theo ông Thi, thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo nghị định mới hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật thuế TTĐB sửa đổi. Tại nghị định mới, sẽ có nhiều điểm để “chặn” khả năng chuyển giá, lách thuế giữa các công ty “mẹ – con”.

Nhiều điểm chưa rõ ràng

Trao đổi với Tuổi Trẻ về trường hợp của Sabeco, một chuyên gia thuế cho biết thông tư 05 chỉ nói chung là nếu nhà sản xuất bán hàng qua cơ sở kinh doanh thương mại thì giá làm căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán của cơ sở sản xuất nhưng không thấp hơn 10% giá bán bình quân của cơ sở thương mại bán ra, chứ không nói đến công ty sản xuất và công ty thương mại có mối quan hệ gì với nhau như công ty mẹ, con hay công ty liên kết, tiêu thụ hết sản phẩm.

Trong khi đó Kiểm toán Nhà nước lại cho rằng do các công ty thương mại là đơn vị phụ thuộc nên kiến nghị truy thu. Lập luận của Kiểm toán Nhà nước là tuy hạch toán độc lập nhưng quyền quyết định là ở công ty mẹ.

Tuy nhiên theo vị chuyên gia này, hiện quy định theo hướng những gì có lợi thì áp dụng cho doanh nghiệp. Trong khi ở đây có những quy định không rõ ràng và bất lợi mà đem áp dụng cho doanh nghiệp là không thoả đáng.

A.H.

C.V.KìNH – L.THANH