10/01/2025

Mua trái cây trả thêm tiền lá, cành, dây…

Hằng ngày đi chợ, người tiêu dùng đều bị người bán âm thầm “móc túi” với đủ chiêu gian lận.

 

Mua trái cây trả thêm tiền lá, cành, dây…

 

Hằng ngày đi chợ, người tiêu dùng đều bị người bán âm thầm “móc túi” với đủ chiêu gian lận. 

 

 

Chôm chôm được cột thành từng bó với nhiều cành để tăng trọng lượng khi bán - Ảnh: DUYÊN PHAN
Chôm chôm được cột thành từng bó với nhiều cành để tăng trọng lượng khi bán – Ảnh: DUYÊN PHAN

Bên cạnh việc mập mờ nguồn gốc, cân điêu hay nói thách, hình thức “độn” chùm cho trái cây được khá nhiều tiểu thương áp dụng công khai, đặc biệt với vải, nhãn, nho…

Với cách thức này, người bán vẫn cân đủ hàng nhưng thực tế người tiêu dùng phải trả một khoản không nhỏ để “mua” lá, cành, dây…

1kg trái cây, 3 lạng lá!

Nhiều người tiêu dùng vẫn mua trái cây theo thói quen tại các chợ, sạp quen mà không mấy khi để ý việc độn thêm cành cây cho nặng ký.

 

Chị Đỗ Nguyên (đường Ngô Quyền, Q.10, TP.HCM) kể vẫn hay mua trái cây dọc đường đi làm về. “Mùa nào trái nấy, trên đường đi làm về thấy thích thứ gì là tấp vô mua” – chị Nguyên nói.

Tuy nhiên, gần đây chị mới phát hiện nhiều loại trái cây chị ăn hằng ngày đang bị độn thêm để tăng ký.

“Cách đây vài ngày, mình có mua vải tại khu chợ Nguyễn Tri Phương, về nhà để tủ lạnh ăn bình thường, đến lúc vặt trái ăn hết mới để ý phần cuống để lại quá nhiều. Tò mò đem lên cân thử thì riêng phần lá và cuống trái đã chiếm gần 300g” – chị Nguyên kể.

Dọc đường Trường Chinh (Q.Tân Bình) cũng có thể bắt gặp rất nhiều xe đẩy chất hàng trăm ký vải tươi với tấm biển chỉ 20.000 – 25.000 đồng/kg, trái vải được phủ nước ướt sũng, bên cạnh cuống và lá rất nhiều. Khi nghe thắc mắc sao cuống lá nhiều vậy, người bán trả lời: “Tiền nào của đó thôi em, giờ cuối mùa mà còn bán giá này là quá rẻ rồi đấy”.

“Giờ khách cứ đòi phải trái tươi, nhiều lá, nhiều cành đem biếu mới đẹp thì biết làm sao được” – một tiểu thương chợ Nguyễn Tri Phương phân trần. Còn chị Thuỷ, bán ở một sạp trái cây chợ này, cho rằng: “Cái đó chị biết hồi nào giờ, họ độn thêm cành cây cho nặng ký thêm để kiếm lời, mình không làm vậy được”.

Trong khi đó tại chợ Tân Bình (Q.Tân Bình), loại vải nguyên chùm có lá, cành được bán 36.000 đồng/kg, còn trái vải rời, chất lượng kém hơn như khô héo, trái nhỏ… thì giá chỉ 28.000 đồng/kg.

“Đây là những trái vải rụng cuống, không thể “kết” lại, chứ nếu bó được dễ bán hơn” – tiểu thương chợ này cho biết.

“Phải có chùm, có cuống họ mới mua, đem đi biếu nhìn đẹp. Bán trái không họ chê xấu, chê trái rụng không mua, bị mất giá” – chị Linh, bán trái cây trên đường Cộng Hoà, cho hay.

Ngoài việc kết từng chùm rồi độn nhiều cành cây, lá cho nặng ký, những chiêu mà người bán vẫn thường làm là tưới nước liên tục, vừa đảm bảo trái tươi lâu vừa dư được ít gam khi cân, hay dùng sợi chỉ buộc những trái nhãn, trái nho giập nát để làm đầy đặn chùm.

“Của rẻ là của ôi”?

Một chiêu khác cũng khá phổ biến là người bán đánh trúng tâm lý ham đồ rẻ để bán những loại trái cây kém chất lượng.

Trên nhiều tuyến đường như Nguyễn Thái Sơn (Q.Gò Vấp), Cộng Hoà (Q.Tân Bình)… các xe bán trái cây chất đầy loại ngon, rất bắt mắt, từ những chùm vải to, đỏ, căng tròn đến những trái cam sành xanh bóng được rao với giá rất rẻ như vải thiều Hà Nội 24.000 đồng/kg, cam sành 7.000 đồng/kg…

Nhưng khi khách hỏi mua, người bán chỉ tay vào chùm vải trái nhỏ, héo queo, bị giập và bắt lấy theo chùm, không được nhặt lựa hoặc những trái cam giảm giá nhỏ xíu, héo, giập.

Trong khi đó, loại vải được trưng bày bắt mắt phía bên trên xe đẩy có giá đến 40.000 đồng/kg, cam sành 25.000 – 45.000 đồng/kg tùy kích thước.

Ngay buổi tối 3-7, có mặt tại một siêu thị trên đường Nguyễn Kiệm, quầy măng cụt được in tấm biển khuyến mãi giảm giá mạnh từ 39.900 đồng còn 26.900 đồng, nhưng phần lớn là những trái đã cứng vỏ, bị hư hoặc sượng không thể ăn được.

Cũng với măng cụt được khuyến mãi giảm giá mạnh, dù đã lựa rất kỹ chín trái măng cụt tại một siêu thị ở khu vực Rạch Miễu (Q.Phú Nhuận) nhưng chúng tôi cũng không thể sử dụng được do đã bị hư bên trong.

Ông Nguyễn Công Tuấn, phụ trách kinh doanh một công ty chuyên nhập khẩu trái cây, cho biết việc bảo quản trái cây đúng cách rất quan trọng để giữ ổn định chất lượng.

Chẳng hạn như với trái vải, loại được vận chuyển trong thùng xốp và ướp nước đá lạnh sẽ có độ ngọt giảm hơn so với loại vải được vận chuyển bằng xe lạnh.

Ở nước ngoài, các loại trái có chùm đều yêu cầu phải cắt bỏ hết lá và cành khi đem lên kệ bán, ngay cả cọng cuống nhỏ cũng không được.

“Điều này chỉ nhằm đảm bảo sâu bọ không bám vào trái ăn nhưng cũng bảo vệ công bằng cho người mua. Trái cây mà giá rẻ hơn một nửa so với thị trường thường là hàng dạt, kém chất lượng” – ông Tuấn khẳng định.

Ông Hồ Quốc Nguyên, giám đốc truyền thông hệ thống Big C, cho hay đối với những loại quả bán kèm cuống, hay có chùm như vải thiều, chôm chôm… khi kinh doanh siêu thị cũng gặp nhiều trường hợp khó kiểm soát khi khách hàng tự ý bứt trái rời, chọn lựa rồi đem ra tính ký, trong khi đơn vị tính đối với mặt hàng này là chùm và chỉ có một mã hàng tính tiền duy nhất đối với các loại trái cây, nên dẫn đến việc siêu thị bị thiệt hại.

Như với trái vải, tùy vào từng thời điểm mà giá vải dao động khác nhau từ 18.000 – 24.000 đồng/kg, nhưng chắc chắn giá lúc thiết kế để bán là giá theo chùm.

“Đối với những sản phẩm trái cây bán tại siêu thị mà khách báo hư hỏng, nhân viên xác nhận hư hại thì chúng tôi sẽ tiến hành tiêu hủy” – ông Nguyên nói.

Sử dụng quyền của người tiêu dùng

Luật sư Phan Thị Việt Thu, phó chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM, cho biết theo nghị định xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực đo lường và chất lượng hàng hoá, tiểu thương cân gian sẽ bị phạt 300.000 – 500.000 đồng, mức phạt còn tăng lên 
4 – 7 triệu đồng nếu tái phạm.

Tuy nhiên, những chiêu như độn lá, độn cây hay lập lờ chất lượng mà người bán vẫn cân đủ thì người mua không thể kiện cáo được gì. Vì ngay khi mua người tiêu dùng đã nhìn thấy sợi dây, chùm lá trên quả vải… và họ đồng ý mua.

Người bán có quyền cột sợi gì và cột như thế nào là quyền của họ, luật không thể cấm. Vấn đề người mua khi nhìn thấy sẽ tự quyết định có nên mua hay không.

“Những trường hợp như vậy, người tiêu dùng nên sử dụng quyền của mình là không mua nữa hoặc yêu cầu người bán bỏ hết những thứ không liên quan ra mới cân đong và tính tiền” – bà Thu nói.

 

DŨNG TUẤN – N.BÌNH