10/01/2025

Chứng khoán tuột dốc, Trung Quốc mất 2.800 tỉ USD

Tính đến ngày 4-7, giá trị chứng khoán của Trung Quốc mất khoảng 2.800 tỉ USD do cổ phiếu tuột giá thê thảm.

 

Chứng khoán tuột dốc, Trung Quốc mất 2.800 tỉ USD

 

Tính đến ngày 4-7, giá trị chứng khoán của Trung Quốc mất khoảng 2.800 tỉ USD do cổ phiếu tuột giá thê thảm.

 

Nhà đầu tư âu lo trên sàn chứng khoán Thượng Hải (Trung Quốc) ngày 3-7 khi các chỉ số tụt dốc - Ảnh: Reuters
Nhà đầu tư âu lo trên sàn chứng khoán Thượng Hải (Trung Quốc) ngày 3-7 khi các chỉ số tụt dốc – Ảnh: Reuters

Theo Uỷ ban Chứng khoán Trung Quốc (CSRC), giới đầu tư chứng khoán nước này đã bị lỗ khoảng 50% khi các thị trường chứng khoán tuột dốc lần thứ ba kể từ giữa tháng 6 đến nay. Bất chấp những nỗ lực của chính phủ nhằm khôi phục niềm tin từ giới đầu tư, tình hình vẫn chưa mấy khả quan.

Hầu hết người chịu lỗ là các nhà đầu tư nhỏ. Hiện nay có khoảng 90 triệu dân Trung Quốc là các nhà đầu tư chứng khoán.

Sẽ còn sụt giảm

Trong phiên giao dịch ngày cuối tuần, hầu hết bảng điện tử niêm yết ở các thị trường chứng khoán của nước này đều có màu đỏ rực. Chỉ số chứng khoán quan trọng nhất Trung Quốc Shanghai Composite đã giảm đến 5,8% trong phiên giao dịch kết ngày 3-7.

 

Từ giữa tháng 6-2015 đến nay, chỉ số này giảm tổng cộng 30%. Giới đầu tư ồ ạt bán cổ phiếu khiến giá trị cổ phiếu của các công ty niêm yết mất khoảng 2.800 tỉ USD.

Chris Weston, người đứng đầu Công ty nghiên cứu IG Markets, dự đoán thị trường cổ phiếu của Trung Quốc có thể tiếp tục sụt giảm trong thời gian tới.

Chuyên gia này phân tích: hiện tượng cổ phiếu ở Trung Quốc tăng giá mạnh trong năm 2014 là do giới đầu tư rút tiền gửi ngân hàng mua cổ phiếu ồ ạt.

Giờ đây, các nhà đầu tư trên thu hồi các khoản tiền này vì quan ngại cổ phiếu đang bị thổi phồng giá quá cao. Họ bán tống bán tháo cổ phiếu để thu hồi vốn khiến thị trường lao dốc.

Theo báo Chứng Khoán Trung Quốc, dù giới chức quản lý Trung Quốc đã cam kết giải quyết các mối quan ngại về việc thao túng thị trường nhưng vẫn không ngăn được giá chứng khoán tiếp tục sụt giảm.

Giới chức trách ngành quản lý chứng khoán Trung Quốc đã cắt giảm phí và nới lỏng các quy định cho vay nhằm tạo điều kiện cho giới đầu tư mua cổ phiếu với giá rẻ hơn.

Họ hi vọng các biện pháp này sẽ khuyến khích giới đầu tư dừng việc bán đổ bán tháo cổ phiếu và lấy lại lòng tin của giới đầu tư, diễn ra từ ngày 12-6 đến nay.

Nghi vấn thao túng 
thị trường

Cùng lúc, CSRC cho biết sẽ mở cuộc điều tra liên quan đến những nghi ngờ có “bàn tay đen” thao túng thị trường và hiện tượng bán khống cổ phiếu.

Tuy nhiên, CSRC không cho biết cụ thể cuộc điều tra này sẽ kéo dài bao lâu và những tổ chức nào đang nằm trong vòng nghi vấn.

Truyền thông Trung Quốc cho biết CSRC cũng đang cắt 2/3 số doanh nghiệp mới xin niêm yết trên thị trường chứng khoán nhằm tạo động lực cho giá cổ phiếu tăng lại.

Một số nhà phân tích cho biết hiện tượng cổ phiếu Trung Quốc giảm giá mạnh từ tháng 6 đến nay là do ảnh hưởng từ sự chững lại của nền kinh tế nước này.

Sản lượng đầu ra của khối ngành sản xuất và xuất khẩu đã chậm lại từ đầu năm 2014, trong khi đó Bộ Tài chính Trung Quốc lại kiểm soát chặt chẽ hơn việc cho các doanh nghiệp nhà nước vay tiền cũng như sự đầu cơ tích trữ bất động sản trong chính quyền các địa phương.

Theo Reuters, một số chuyên gia Trung Quốc còn cáo buộc khả năng các nhà đầu tư nước ngoài đã điều khiển thị trường khiến giá cổ phiếu giảm bằng những loại chứng khoán bán khống trên các thị trường của Trung Quốc. Các nhà đầu tư này bán khống cổ phiếu ồ ạt với hi vọng mua lại chúng để hưởng lợi khi giá đã giảm.

Tuy nhiên, tờ Thời Báo Hoàn Cầu đã bác bỏ khả năng này khi cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài chỉ là một phần nhỏ trong thị trường chứng khoán Trung Quốc. “Các nhà đầu tư nước ngoài vốn đang bị hạn chế tiếp cận thị trường chứng khoán Trung Quốc nên việc bán khống một số lượng lớn cổ phiếu là kịch bản không thể xảy ra” – tờ báo viết.

Thế nhưng nhà kinh tế trưởng tại Tập đoàn AMP Capital, ông Shane Oliver lạc quan và mô tả hiện tượng chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh cho thấy thị trường này đang đi đúng hướng chứ không phải là một “cuộc lao dốc tài chính”.

Theo ông Oliver, chứng khoán Trung Quốc đã tăng quá nhanh, đi quá xa trong 12 tháng qua, tăng xấp xỉ 
140-150% so với thực tế vốn có 
của nó.

Trong phản ứng trước mắt, theo Reuters, hôm qua 21 công ty chứng khoán hàng đầu của Trung Quốc đã tuyên bố sẽ đầu tư 19,3 tỉ USD vào thị trường nhằm ổn định 
tình hình.

* Chuyên gia chứng khoán Hoàng Thạch Lân (TP.HCM):

Xuống mạnh vì… lên quá đà

Trong thị trường chứng khoán (TTCK), lên quá đà ắt cũng khiến xuống rất mạnh. Thị trường của Trung Quốc đã đi lên quá nóng trong hơn sáu tháng qua.

Mức tăng có thể nói là kinh khủng: từ tháng 11-2004 tới đầu tháng 6-2015, TTCK tính ra đã tăng gấp đôi. Một thị trường tăng nóng cỡ này luôn trong trạng thái sẵn sàng điều chỉnh xuống.

Và quá trình điều chỉnh xuống đã bắt đầu khi có một lý do đủ lớn: đó là khi sự hậu thuẫn của nhà nước với chứng khoán có phần giảm đi. Trước đây nhà nước hỗ trợ thị trường khá nhiều, từ bơm vốn tín dụng cho tới những hậu thuẫn cho các doanh nghiệp trong nước.

Tâm lý chung của giới đầu tư là chừng nào nhà nước còn hỗ trợ thì người ta còn mua. Giờ sự hỗ trợ giảm dần theo quy luật thị trường, nhà nước có hỗ trợ cũng chỉ tập trung một số doanh nghiệp nhà nước.

Ở chiều ngược lại, đã có những dấu hiệu siết chặt kỷ cương thị trường, đặc biệt là việc cơ quan nhà nước quyết định điều tra các hành vi thao túng giá. Sau đợt điều chỉnh kéo dài gần một tháng qua, chứng khoán Trung Quốc đã giảm 30% và chưa có dấu hiệu bình phục.

Lần khủng hoảng này trên TTCK Trung Quốc có lẽ không ảnh hưởng đáng kể gì tới thị trường Việt Nam do TTCK chúng ta, về mặt kỹ thuật, không có liên hệ gì mấy với bên đó.

Dòng tiền đầu tư qua lại giữa giới đầu tư hay đầu cơ hai nước cũng không đáng kể. Hơn nữa, thời điểm này TTCK Việt Nam chưa tới mức nóng như họ để phải điều chỉnh sâu.

Trong khi đó, trên thị trường tài chính thế giới, TTCK Trung Quốc chưa phải là nhân tố ảnh hưởng mạnh như Mỹ hay châu Âu. Nếu Mỹ hắt hơi, cả thế giới có thể sổ mũi, song Trung Quốc hắt hơi có thể chỉ là… chuyện riêng của họ.

* Ông Lê Quang Trí (giám đốc khối kinh doanh Công ty chứng khoán Trí Việt tại TP.HCM):

Ký ức buồn 2008

Những gì xảy ra ở TTCK Trung Quốc lần này khiến giới đầu tư từng trải ở TTCK Việt Nam nhớ lại những ký ức đau buồn hồi năm 2008.

TTCK Trung Quốc bắt đầu nổi cơn sốt cao từ cuối năm ngoái khi hàng loạt chuyên gia và các định chế tài chính trong và ngoài nước đánh giá rằng TTCK Trung Quốc đang ở mức rất rẻ so với tiềm năng, giống các chuyên gia đánh giá Việt Nam hồi năm 2007, để rồi sốt và lao dốc thảm hại vào giữa năm 2008.

Thời điểm ấy, các doanh nghiệp vẫn làm ăn với tốc độ bình thường chứ không thể đạt lợi nhuận vũ bão như đà tăng của cổ phiếu mang tên họ.

Ở Việt Nam lúc đó và Trung Quốc thời gian vừa qua, tín dụng đổ vào chứng khoán rất dễ dàng, ồ ạt. Người ta thi nhau vay tiền mua chứng khoán, nâng ngưỡng margin (vay mua chứng khoán) lên mức quá cao.

Đến khi khi margin lên cao quá, các công ty chứng khoán cũng như ngân hàng buộc phải thực hiện nghiệp vụ call margin (thu hồi vốn vay) khiến giới đầu tư buộc phải bán cổ phiếu đồng loạt để trả nợ. Làn sóng bán tháo như vậy sẽ bắt đầu nhanh chóng.

Lợi dụng xu thế bán tháo đó, ở Việt Nam năm 2008 và Trung Quốc hiện nay, nhiều nhà đầu cơ đã ra tay bán khống, góp phần đẩy thị trường xuống thêm và càng xuống thì các nhà bán khống càng lợi do sau này sẽ mua lại chứng khoán bù vào với mức giá thấp hơn.

Call margin bắt tay cùng bán khống hiện nay ở Trung Quốc không khác gì chuyện đã xảy ra ở Việt Nam năm 2008, có điều mức độ tàn khốc hơn nhiều, quy mô lớn hơn bội phần.

TTCK Trung Quốc hiện nay và Việt Nam hồi năm 2008 đều giống nhau ở chỗ nhà đầu tư non trẻ tham gia rất nhiều và đều nghĩ TTCK là nơi ghé vào hốt chút tiền rồi đi chỗ khác, như ghé qua sòng bài làm vài canh bạc. Kiểu đầu cơ đánh bạc như vậy luôn khiến TTCK lên bạo và xuống càng bạo.

Hơn nữa, từ khi Công ty Alibaba lên sàn quá hoành tráng ở Mỹ, biến nhiều người thành tỉ phú, đã kích hoạt một làn sóng dotcom kiểu mới ở Trung Quốc: người người đổ tiền vào doanh nghiệp ngành công nghệ, nhà nhà nghĩ về triển vọng toàn màu hồng của các hãng công nghệ.

Điều này đã thổi bong bóng chứng khoán lên rất nhanh và do vậy buộc phải xì hơi. 

HỒNG QUÝ

 

MỸ LOAN