10/01/2025

Trung Quốc xem Biển Đông là ‘lợi ích cốt lõi’

Luật An ninh quốc gia mới của Trung Quốc cho thấy phạm vi “lợi ích cốt lõi” của nước này đã được mở rộng để bao gồm cả Biển Đông.

 

Trung Quốc xem Biển Đông là ‘lợi ích cốt lõi’

 

 

Luật An ninh quốc gia mới của Trung Quốc cho thấy phạm vi “lợi ích cốt lõi” của nước này đã được mở rộng để bao gồm cả Biển Đông.


 

Hình ảnh chụp từ vệ tinh ngày 28.6 cho thấy Trung Quốc sắp xây xong đường băng phi pháp ở đá Chữ Thập thuộc Trường Sa - Ảnh: AMTI/DigitalGlobe

Hình ảnh chụp từ vệ tinh ngày 28.6 cho thấy Trung Quốc sắp xây xong đường băng phi pháp ở
 đá Chữ Thập thuộc Trường Sa – Ảnh: AMTI/DigitalGlobe

Đó là cảnh báo do truyền thông Mỹ đưa ra sau khi quốc hội Trung Quốc thông qua luật An ninh quốc gia mới vào ngày 1.7. Cụ thể, tờ The New York Times dẫn lời Phó chủ nhiệm Uỷ ban công tác pháp luật thuộc quốc hội Trung Quốc, Trịnh Thục Na nhấn mạnh: “Luật An ninh quốc gia của chúng tôi là nhằm bảo vệ các lợi ích cốt lõi của quốc gia và những lợi ích lớn khác”.
Bà Trịnh cho hay khái niệm này đã được “nêu lại trong điều 2 của luật An ninh quốc gia” và đề cập đến “chủ quyền, thống nhất và tính toàn vẹn lãnh thổ… và những lợi ích trọng đại khác”. Từ đó, The New York Times nhận định: “Theo định nghĩa mới, khái niệm này thật sự bao gồm cả Biển Đông và những vấn đề chủ quyền quan trọng khác đối với Trung Quốc”. Trước đây, khái niệm “lợi ích cốt lõi” được hiểu là chỉ đề cập Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương – những vấn đề chủ quyền mà Trung Quốc luôn khẳng định là vấn đề nội bộ.
Báo mạng Business Insisder cảnh báo bước đi trên của Trung Quốc sẽ gây ra “vấn đề đối với các nước láng giềng”. Báo này cho rằng nếu các tuyến hàng hải và các hòn đảo trên Biển Đông được xem là “lợi ích cốt lõi”, Bắc Kinh sẽ tiếp tục tăng cường kiểm soát vùng biển này.
Trong khi đó, tờ Stars and Stripes ngày 2.7 đăng bài phân tích chỉ ra Trung Quốc là “quốc gia hăng nhất trong các tranh chấp ở Biển Đông”. Tờ báo Mỹ dẫn kết quả nghiên cứu được công bố mới đây của hai cựu chuyên gia thuộc Đại học Quốc phòng Mỹ Christopher Yung và Patrick McNulty cho thấy Trung Quốc vượt xa các bên tranh chấp khác trong việc sử dụng các hành động quân sự và bán quân sự, ảnh hưởng kinh tế và ngoại giao để củng cố tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Cụ thể, sau khi truy lại các chiến thuật do những bên tranh chấp ở Biển Đông sử dụng trong giai đoạn 1995 – 9.2013, hai nhà nghiên cứu phát hiện Trung Quốc có tới 500 hành động gây hấn, cao nhất trong các bên tranh chấp.
Những thông tin, cảnh báo trên được đưa sau khi Trung Quốc ngày 30.6 ngang nhiên tuyên bố hoàn tất hoạt động bồi đắp tại một số bãi đá trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN và sẽ chuyển sang xây các cơ sở nhằm đáp ứng “những yêu cầu quân sự cần thiết” lẫn nhu cầu dân sự.
Đến ngày 3.7, truyền thông Trung Quốc đồng loạt đăng tải các hình ảnh chụp cảnh binh sĩ tuần tra tại đá Chữ Thập, đá Châu Viên và kéo cờ tại đá Vành Khăn vào tháng trước. Những hành động này rõ ràng vi phạm chủ quyền VN đối với Trường Sa, đồng thời phản ánh kế hoạch quân sự hoá của Trung Quốc trong khu vực.
Theo Kyodo News, trong Sách trắng quốc phòng sắp được công bố trong tháng này, Bộ Quốc phòng Nhật sẽ nêu quan ngại về hoạt động bồi đắp phi pháp của Trung Quốc. Theo đó, hành động của Trung Quốc ở Trường Sa được Bộ Quốc phòng Nhật mô tả là “hống hách”. Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh ngày 3.7 chỉ trích Nhật “cố bôi nhọ Trung Quốc và tạo căng thẳng ở khu vực”, theo Kyodo News.
Philippines cử phái đoàn hùng hậu dự phiên tòa về Biển Đông
Một phái đoàn gồm nhiều quan chức cấp cao trong chính phủ Philippines sẽ đến TP. The Hague (Hà Lan) để dự phiên tranh luận trong vụ Manila khởi kiện Trung Quốc về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông vào tuần tới.
Đó là thông báo được Phủ tổng thống Philippines đưa ra trong buổi họp báo ngày 3.7, theo tờ The Philippine Star. Phó phát ngôn viên Phủ tổng thống Abigail Valte nói rằng Toà trọng tài thường trực của LHQ sẽ mở phiên tranh luận về tính pháp lý của vụ kiện cũng như liệu tòa này có thẩm quyền xét xử vụ kiện hay không.
Đoàn đại biểu bao gồm Chủ tịch Thượng viện Franklin Drilon, Chủ tịch Hạ viện Feliciano Belmonte Jr., Ngoại trưởng Albert Del Rosario, Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gazmin và Bộ trưởng Tư pháp Leila De Lima cùng một số quan chức cấp cao khác.
Bà Valte nhấn mạnh việc cử phái đoàn cấp cao “cho thấy rõ sự ủng hộ của chính phủ đối với vụ kiện” và rằng đây là “nỗ lực của cả quốc gia”. Bắc Kinh không cử đại diện tham dự và ngày 2.7 cũng đã chỉ trích vụ kiện là hành động khiêu khích.
Danh Toại

Văn Khoa