10/01/2025

Doanh nghiệp lại ‘vướng’ đăng ký kinh doanh

Luật Doanh nghiệp sửa đổi được Quốc hội thông qua năm 2014, chính thức có hiệu lực từ ngày 1.7.2015 với nhiều điều khoản thay đổi mang tính cải cách… Tuy nhiên, qua mấy ngày áp dụng, hàng loạt vấn đề trục trặc đã xuất hiện.

 

Doanh nghiệp lại ‘vướng’ đăng ký kinh doanh

 

 

Luật Doanh nghiệp sửa đổi được Quốc hội thông qua năm 2014, chính thức có hiệu lực từ ngày 1.7.2015 với nhiều điều khoản thay đổi mang tính cải cách… Tuy nhiên, qua mấy ngày áp dụng, hàng loạt vấn đề trục trặc đã xuất hiện.

 

Nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp ở Hà Nội Nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp ở Hà Nội – Ảnh: M.Q

Tại hội thảo về dự thảo Nghị định Đăng ký doanh nghiệp (ĐKDN) do Văn phòng Chính phủ tổ chức hôm qua (3.7) tại Hà Nội, ông Bùi Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (ĐKKD), Bộ KH-ĐT cho biết, trong 2 ngày đầu tiên (ngày 1 và 2.7), số lượng người đến đăng ký thành lập doanh nghiệp (DN) trên cả nước đạt hơn 600 DN, có 1.100 DN đến đăng ký, thay đổi, bổ sung khác, cho thấy tình hình ĐKKD diễn ra tốt, không có sự cố gì lớn. “Cổng thông tin đăng ký DN quốc gia cũng đã được nâng cấp, vận hành ổn định, tuy có vài trục trặc nhưng cơ bản hoạt động hiệu quả”, ông Tuấn nói.

 
 

Chúng tôi không phản đối việc ghi mã ngành để thống kê mà vấn đề xác nhận chủ thể nào thực hiện. Chúng tôi cho rằng nhà nước nên thực hiện chứ không phải DN. Khi ĐKKD, DN chỉ ghi theo ý mình còn cơ quan ghi theo mã ngành nào phục vụ thống kê hay mục đích khác là của cơ quan nhà nước

 

Đại diện Phòng Thương mại – Công nghiệp VN (VCCI)

 

 

Con dấu – bế tắc lớn

Tuy nhiên, thực tế lại không được “trơn tru” như ông Tuấn đánh giá. Theo ông Lê Xuân Hiền, Trưởng phòng ĐKKD của Sở KH-ĐT tỉnh Hải Dương, các DN liên hệ, gọi điện hỏi rất nhiều về các thủ tục ĐKKD mới, nhiều nhất là về con dấu.

“Luật DN (sửa đổi) quy định  bên công an không làm dấu nữa mà DN tự làm dấu, đăng ký, thông báo trên Cổng đăng ký thông tin DN quốc gia. Nhưng hiện nay lại đưa ra yêu cầu, sau khi thông báo lên cổng thì 3 ngày sau mới được dùng con dấu đó. Đây là điểm gây bức xúc”, ông Hiền cho biết và đặt vấn đề: “Tại sao DN lại không được dùng luôn con dấu vì 3 ngày với kinh doanh là cực kỳ nghiêm trọng. Không thể có ĐKKD rồi mà lại không được dùng con dấu. Chúng ta phải sửa quy định này ngay để khi DN đã đăng ký mẫu con dấu, cơ quan ĐKKD đã thông báo nhận được thì DN phải dùng được ngay”. “Có người nói, bây giờ, theo luật mới, con dấu không quan trọng nữa nhưng đối tác của em cần thì em vẫn phải dùng”, ông Hiền cho biết thêm.

Bà Trần Thị Bình Minh, Phó giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM, cho biết trong 2 ngày ĐKKD theo luật DN (sửa đổi), số lượng DN đến làm thủ tục thành lập DN, bổ sung, thay đổi ĐKKD đang ở mức trung bình 750 hồ sơ/ngày đã giảm còn 520 hồ sơ/ngày do có nhiều vấn đề chưa rõ ràng nên nhiều người do dự chưa đến nộp hồ sơ. “Có nhiều DN họ hiểu luật DN (sửa đổi) mới không quy định việc phải ghi ngành nghề ĐKKD theo hồ sơ nộp để cấp ĐKKD vì tinh thần luật mới là được tự do kinh doanh, muốn làm gì thì làm ngoài 6 lĩnh vực bị cấm và 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nhưng thực tế lại không phải thế nên họ chờ”, bà Bình Minh cho biết.

 
 

Cần có báo cáo toàn diện

Theo tin từ Văn phòng Chính phủ ngày 3.7, Thủ tướng vừa có ý kiến chỉ đạo mới về việc thi hành luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và luật Đầu tư (sửa đổi). Theo Thủ tướng, 2 luật này đã có hiệu lực từ 1.7, tuy nhiên việc xây dựng, trình các nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành đều đang bị chậm tiến độ. Để có cơ sở cho Chính phủ xem xét, thảo luận về các nội dung nói trên thì cần phải có báo cáo toàn diện về công tác tổ chức, triển khai thực hiện. Thủ tướng đã giao Bộ KH-ĐT phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình Chính phủ ban hành các nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.

 

Việc vẫn phải ghi ngành nghề kinh doanh, theo cơ quan cấp ĐKKD là để cơ quan cấp này xếp mã ngành. Bà Minh nói thẳng: “Luật quy định thế mà vẫn phải ghi để xếp mã ngành kinh doanh là đẩy khó khăn cho DN. Lâu nay, DN họ không làm được phần này, họ không hình dung được. Đây phải là công việc của cơ quan quản lý. Đề nghị DN cứ ghi ngành ra, còn cơ quan nhà nước sẽ xếp mã”.

Không khéo lại đẩy vào… rừng văn bản

Đồng tình với ý kiến bà Minh, bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại – Công nghiệp VN (VCCI), cho rằng DN phải chọn ngành kinh tế (cấp 4) để đăng ký vẫn là quy định hiện hành trong Nghị định 43/CP về ĐKKD, không hề cải tiến và tạo thuận lợi hơn gì cho DN. “Thực tế, DN kêu việc này nhiều. Đây cũng là thủ tục bất cập lớn nhất trong gia nhập thị trường khi DN và cơ quan ĐKKD không thống nhất trong xác định ngành nghề. Thứ hai là ngành kinh tế cấp 4 cũng chưa bao quát hết các ngành nghề kinh doanh hiện nay nên khó xác định xem ngành nghề của DN thuộc mã nào. Không khéo lại đẩy DN vào rừng văn bản”, bà Hồng nói. “Chúng tôi không phản đối việc ghi mã ngành để thống kê mà vấn đề xác nhận chủ thể nào thực hiện. Chúng tôi cho rằng nhà nước nên thực hiện chứ không phải DN. Khi ĐKKD, DN chỉ ghi theo ý mình còn cơ quan ghi theo mã ngành nào phục vụ thống kê hay mục đích khác là của cơ quan nhà nước”, đại diện VCCI kiến nghị.

Trả lời các ý kiến này, ông Bùi Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý ĐKKD, cho rằng việc phải ghi ngành nghề kinh doanh chỉ là hướng dẫn, không hề ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của người dân, vì nếu không kê khai ngành nghề, nhà nước vẫn cấp ĐKKD bình thường. “Việc ghi theo hệ thống ngành kinh tế VN để bảo vệ chính các DN. Hiện nay có 158/162 nước cũng thực hiện ghi ngành kinh doanh. Để khi cần thiết, cơ quan ĐKKD phục vụ, cung cấp thông tin cho các DN là có bao nhiêu DN đang kinh doanh trong lĩnh vực đó. Đây là điều mà DN, người dân họ quan tâm, tham khảo rất nhiều. Hiện nay, trên Cổng thông tin DN quốc gia cũng có công cụ để DN tìm mã ngành, tên ngành”, ông Tuấn nói.

Tuy nhiên, Trưởng phòng ĐKKD tỉnh Hải Dương góp ý: “Tôi là người ủng hộ việc không ghi ngành nghề kinh doanh nhưng cũng phải chấm dứt tình trạng tranh cãi này bằng việc xử lý kỹ thuật. Có nhiều DN chưa biết phân vào mã ngành gì, như bán phở thì chúng ta cũng phải xem nội hàm nó là gì, để phân vào mã cụ thể, không để ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh”.

Theo đại diện của nhiều sở KH-ĐT các địa phương, còn có một số quy định không rõ khác khiến DN khó hiểu, do dự khi đi làm thủ tục ĐKKD theo luật mới. Ví dụ như việc thay đổi thông tin đăng ký vẫn chưa có quy định về thời hạn xử lý thủ tục; thủ tục ĐKKD của các hộ cá thể chưa rõ; chưa nêu rõ cách xử lý khi các DN đi đăng ký thành lập DN bị trùng tên…

Theo ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ kiêm Phó trưởng ban Chỉ đạo đổi mới phát triển DN, các vấn đề này phải được tập hợp, xem xét, xử lý khi tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định ĐKDN để gấp rút trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới.

Mạnh Quân