11/01/2025

Con gà “cõng” lương cán bộ thú y

Trong khi con gà và quả trứng đang è lưng chịu gánh nặng phí và lệ phí thú y, số tiền thu được cũng chỉ đủ để trả lương cho các cán bộ ngành thú y!

 

Con gà “cõng” lương cán bộ thú y

 

Trong khi con gà và quả trứng đang è lưng chịu gánh nặng phí và lệ phí thú y, số tiền thu được cũng chỉ đủ để trả lương cho các cán bộ ngành thú y!


 

Ngành thú y cho rằng nếu không thu phí và lệ phí đối với con gà sẽ không có tiền để trả lương cho cán bộ thú y (ảnh chụp một trại gà ở huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) - Ảnh: TRẦN MẠNH
Ngành thú y cho rằng nếu không thu phí và lệ phí đối với con gà sẽ không có tiền để trả lương cho cán bộ thú y (ảnh chụp một trại gà ở huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) – Ảnh: TRẦN MẠNH

Do đó, dù Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Bộ Tài chính dự kiến bãi bỏ hết các loại phí thú y, cơ quan thú y các địa phương lập tức lên tiếng kiến nghị giữ nguyên nhiều loại phí và lệ phí như trước với lý do để duy trì hoạt động của ngành này, nếu không công tác thú y sẽ bị tê liệt.

Chỉ đủ trả lương cán bộ

Thông tin từ ngành thú y cho biết số cán bộ công chức ngành thú y (được Nhà nước trả lương) chỉ chiếm 10-20% tổng lực lượng cán bộ thú y, còn lại phải thuê ngoài và được trả lương bằng chính tiền thu phí và lệ phí. “Trung bình mỗi tỉnh thành có khoảng 20 cán bộ thú y thuộc diện công chức, chỉ mới đủ để làm… sếp với những tỉnh thành nào có 20 huyện.

Trong khi đó, mỗi tỉnh có khoảng vài triệu con gia cầm, 300.000 – 500.000 con heo, 200.000 con trâu bò, làm sao quán xuyến hết công việc được. Do đó, tất cả các tỉnh thành đều phải thuê ngoài cán bộ thú y để thực hiện các nhiệm vụ được giao” – một lãnh đạo ngành thú y nói.

 
 

 

Dẫn trường hợp Đồng Nai và TP.HCM, vị này cho rằng lực lượng công chức ngành thú y chắc chắn sẽ không thể kham nổi nếu không thuê ngoài.

Cụ thể, Đồng Nai có tổng đàn chăn nuôi lên đến trên 1 triệu con heo, trên 10 triệu con gia cầm chưa kể trâu bò nhưng số lượng công chức chỉ có 31 người nên phải thuê thêm 221 viên chức theo hợp đồng lao động. TP.HCM cũng chỉ có 58 công chức trong số 678 cán bộ thú y, trong đó 620 người là viên chức ăn lương hợp đồng.

Nhiều địa phương khác cũng tương tự, số lượng viên chức hợp đồng vẫn lớn hơn nhiều lần 
so với công chức.

Do lực lượng cán bộ thú y thuê ngoài lớn gấp nhiều lần biên chế nên các cơ quan thú y địa phương phải tìm thêm nguồn thu từ… phí và lệ phí để trả lương cho đội ngũ này.

Ông Nguyễn Xuân Bình, nguyên giám đốc Cơ quan thú y vùng VI, cho biết tổng số tiền phí và lệ phí thú y của cả nước khoảng 350 tỉ đồng/năm, trong đó 21 tỉnh thành phía Nam khoảng 200 tỉ đồng, chỉ đủ để trả lương cho cán bộ thuê bên ngoài, một số địa phương còn thu không đủ chi.

Chẳng hạn, tại 21 tỉnh thành khu vực phía Nam có trên 2.000 cán bộ thú y làm việc theo hợp đồng. Nếu không có nguồn thu từ phí và lệ phí thú y sẽ không có tiền trả lương cho lực lượng này, chi cục thú y các địa phương sẽ không còn đủ nhân lực để thực hiện các công việc chuyên môn. “Khi đó hệ thống kiểm soát thú y hiện nay sẽ tan rã” – ông Bình cho hay.

Vì lợi ích của người chăn nuôi?

Ông Huỳnh Tấn Phát, phó chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết chăn nuôi nhỏ lẻ hiện chiếm 65 – 70% tổng đàn tại VN, trong khi thực tế cho thấy việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không khai báo kiểm dịch, không được kiểm soát chặt chẽ ngay trong nội tỉnh là một trong những nguyên nhân làm dịch bệnh lây lan.

Nếu không kiểm soát được hoạt động vận chuyển trong tỉnh sẽ rất khó kiểm soát dịch bệnh lây lan sang các tỉnh khác, chưa kể khó kiểm soát về an toàn vệ sinh thực phẩm, không thể truy xuất được nguồn gốc thực phẩm.

Đặc biệt, từ nay đến cuối năm là thời điểm giao mùa, dịch bệnh dễ tái phát, không kiểm soát tốt dịch bệnh sẽ gây thiệt hại nặng cho người chăn nuôi.

“Nếu vẫn muốn giữ công tác thú y mà bỏ phí và lệ phí, Nhà nước phải cấp ngân sách. Nhưng ngân sách phải lên kế hoạch từ cuối năm trước, nay đã giữa năm nên xin kinh phí không được nữa, nhất là các tỉnh bị âm về ngân sách” – ông Phát cho biết. Do đó, trước mắt phải duy trì việc thu phí để ngành thú y có 
kinh phí hoạt động.

Cũng theo ông Phát, qua tính toán cho thấy chi phí thú y lên con gà là lớn nhất nhưng cũng chỉ chiếm 1,65% giá thành trong khâu sản xuất con giống, 0,31% giá thành đối với cơ sở sản xuất gà thịt và 0,83% đối với đơn vị giết mổ.

“Nếu tính nguyên cả vòng đời của con gà thì tổng phí, lệ phí thú y là 682,6 đồng/con, tức chỉ chiếm 1,14% giá bán sản phẩm. Như vậy ảnh hưởng của phí và lệ phí thú y không đáng kể đến giá thành sản phẩm lưu thông trên thị trường” – ông Phát nói.

Ngoài ra, ông Phát cho rằng đối tượng chi trả các mức lệ phí này hầu hết là trong lưu thông và kinh doanh nên việc bãi bỏ các mức phí, lệ phí thú y cũng chỉ mang lại lợi ích cho các đối tượng trung gian, trong khi người chăn nuôi không được hưởng lợi.

Tuy nhiên, giám đốc một doanh nghiệp giết mổ gia cầm khẳng định dù mức thu phí tính trên đầu con gà không lớn nhưng cũng tác động đến giá thành sản xuất, tức là ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Hơn nữa, phí và lệ phí chỉ là một phần, cái mà doanh nghiệp đang phải chịu phiền hà nhiều nhất là có quá nhiều thủ tục rườm rà, trùng lặp liên quan đến thú y làm ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của doanh nghiệp cũng như người chăn nuôi.

Càng thu nhiều, lương càng cao!

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguồn thu từ phí và lệ phí được hạch toán theo nghị định 130 của Chính phủ về cơ chế tự chủ đối với cơ quan nhà nước và nghị định 43 về cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập, tức là 
thu càng nhiều thì lương càng cao.

Ví dụ, nguồn thu từ phí và lệ phí thú y của TP.HCM trước hết được dùng để chi lại cho các hoạt động hằng ngày của công tác thú y như xăng xe, giấy tờ, niêm phong… 25% tổng số tiền còn lại được dùng làm quỹ phát triển sự nghiệp (đầu tư máy móc, trang thiết bị xét nghiệm, thay thế xe, máy móc cũ, xây dựng cơ sở vật chất) và 75% để trả lương cho cán bộ công nhân viên.

Bộ máy cồng kềnh do “nhúng tay” 
vào nhiều khâu

Ông Âu Thanh Long, phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, cho rằng ngành thú y của VN can thiệp vào quá nhiều khâu của quá trình sản xuất kinh doanh nên bộ máy cồng kềnh và không hiệu quả.

Do đó, ngành thú y chỉ nên tập trung vào kiểm soát dịch bệnh ở khâu xuất nhập khẩu và kiểm soát chăn nuôi tại các trang trại cho tốt, còn lại để cho các đơn vị quản lý thị trường phụ trách các khâu lưu thông, chế biến và phân phối. “Nguồn cung tốt sẽ tạo điều kiện cho sản phẩm đến tay người tiêu dùng tốt hơn là tham gia vào mọi thứ và sản phẩm ở khâu nào cũng có vấn đề” – ông Long nói.

 

TRẦN MẠNH